Thursday, February 25, 2021

Trung Tướng Nguyễn Văn Hiếu

Nguyễn Văn Hiếu (1929-1975) nguyên là Thiếu tướng Bộ binh của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, tử nạn được truy thăng Trung tướng. Ông xuất thân từ những khóa đầu tiên tại trường Võ bị Quốc gia do Chính phủ Quốc gia Việt Nam mở ra tại Nam Cao nguyên Trung phần vào đầu thập niên 50 của thế kỷ trước. Ông đã từng chỉ huy các Sư đoàn Bộ binh và được cử giữ chức Phụ tá Đặc biệt trong Ủy ban chống tham nhũng thuộc Phủ Phó Tổng thống Trần Văn Hương, một vị trí phù hợp với con người và tính cách của ông. Bản thân ông đã được một số tài liệu đánh giá là liêm khiết, không tham nhũng.

Do chống tham nhũng, ông được cho là đã làm mất lòng nhiều tướng lĩnh Việt Nam Cộng hòa, vốn có nhiều tai tiếng vì tham nhũng. Nhiều người cũng cho rằng đây là lý do dẫn đến việc ông bị đồng ngũ ám sát trong văn phòng tại bản doanh Bộ Tư lệnh Quân đoàn III ở Biên Hòa ngày 8 tháng 4 năm 1975, khi đang giữ chức Tư lệnh phó đặc trách Hành quân của Quân đoàn.

Tiểu sử & Binh nghiệp

Ông sinh ngày 23 tháng 06 năm 1929 tại Thành phố Thiên Tân, Trung Quốc  nhưng quê nội ở Bắc Ninh và quê ngoại ở Hà Đông. Ở Thượng Hải, ông học tại trường Collège Français de Shanghai. Năm 1948, ông đậu bằng Baccalauréat en mathématiques (Tú tài toàn phần ban Toán). Năm 1949, trong khi đang học năm thứ 1 ban Kỹ thuật tại Đại học Aurore (thuộc Dòng Tên của Pháp) thì Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp quản Thượng Hải, ông theo gia đình trở về Sài Gòn, sau đó (đầu năm 1950) gia đình ông chuyển ra Hà Nội.

Quân đội Quốc gia Việt nam

Cuối tháng 10 năm 1950, thi hành lệnh động viên của Quốc trưởng Bảo Đại, ông nhập ngũ vào Quân đội Quốc gia, mang số quân: 49/300.479. Theo học khóa 3 Trần Hưng Đạo tại trường Võ bị Liên quân Đà Lạt, khai giảng ngày 5 tháng 11 năm 1950. Ngày 25 tháng 6 năm 1951 mãn khóa tốt nghiệp Á khoa với cấp bậc Thiếu úy hiện dịch. Tuy nhiên sau đó ông bị bệnh lao phổi phải nằm nhà thương Lanessan Hà Nội một thời gian. Đến đầu năm 1953 ông xuất viện và được chuyển đến phục vụ tại Phòng 3 Bộ Tổng tham mưu dưới quyền Đại tá Trưởng phòng Trần Văn Đôn, đồng thời ông được thăng cấp Trung úy tại nhiệm. Đến tháng 6 năm 1954, ông được thăng cấp Đại úy.

Quân đội Việt Nam Cộng hòa

Sau khi Quân đội Quốc gia được cải danh thành Quân đội Việt Nam Cộng hòa vào cuối năm 1955, ông vẫn tiếp tục phục vụ thêm một thời gian nữa ở Bộ Tổng tham mưu. Trung tuần tháng 8 năm 1957, ông được thăng cấp Thiếu tá, và chuyển đi làm Phó phòng 3 của Bộ Tư lệnh Quân đoàn I, do Trung tướng Trần Văn Đôn làm Tư lệnh Quân đoàn. Ngày 1 tháng 8 năm 1962, ông được giữ chức Trưởng phòng 3 Quân đoàn I, do Thiếu tướng Lê Văn Nghiêm làm Tư lệnh Quân đoàn.

Đầu năm 1963, ông được cử đi du học lớp Chỉ huy Tham mưu cao cấp tại Học viện Chỉ huy và Tham mưu Fort Leavenworth thuộc Tiểu bang Kansas, Hoa Kỳ, đến ngày 10 tháng 5 tốt nghiệp về nước. Ngày 1 tháng 6 cùng năm, ông được thăng cấp Trung tá và được cử giữ chức Tham mưu trưởng Sư đoàn I Bộ binh, do Đại tá Đỗ Cao Trí làm Tư lệnh.. Ngày 11 tháng 11 năm 1963 (sau vụ đảo chính 1/11/1963), bàn giao chức Tham mưu trưởng Sư đoàn 1 lại cho Trung tá Tôn Thất Khiên, sau đó ông được cử giữ chức Tham mưu trưởng Quân đoàn I[8] thay thế Đại tá Trần Thanh Phong đi nhận chức Tư lệnh Sư đoàn 1.

Ngày 1 tháng 1 năm 1964, ông được chuyển về Quân đoàn II nhận chức Tham mưu trưởng Quân đoàn do Trung tướng Đỗ Cao Trí làm Tư lệnh. Ngày 7 tháng 9 cùng năm, ông được bổ nhiệm chức vụ Tư lệnh Sư đoàn 22 Bộ binh thay thế Thiếu tướng Linh Quang Viên về Trung ương làm Giám đốc Nha An ninh Quân đội. Ngày 24 tháng 10 cùng năm, bàn giao Sư đoàn 22 lại cho Đại tá Nguyễn Xuân Thịnh, ông chuyển về Quân đoàn II tái nhiệm chức vụ Tham mưu trưởng Quân đoàn.

Tháng 5 năm 1965, ông được thăng cấp Đại tá tại nhiệm. Đến ngày 23 tháng 6 năm 1966, tái nhiệm chức vụ Tư lệnh Sư đoàn 22 Bộ binh thay thế Đại tá Nguyễn Thanh Sằng đi làm Tư lệnh phó Quân đoàn II. Ngày Quốc khánh Đệ Nhị Cộng hòa 1 tháng 11 năm 1967, ông được thăng cấp Chuẩn tướng tại nhiệm. Ngày 11 tháng 8 năm 1969, bàn giao Sư đoàn 22 lại cho Chuẩn tướng Lê Ngọc Triển nguyên Chỉ huy trưởng TTHL Quang Trung. Ngay sau đó, thuyên chuyển về Quân khu 3, ông được bổ nhiệm chức vụ Tư lệnh Sư đoàn 5 Bộ binh thay thế Thiếu tướng Phạm Quốc Thuần đi làm Chỉ huy trưởng Trường Bộ binh Thủ Đức. Ngày Quân lực 19 tháng 6 năm 1970, ông được thăng cấp Thiếu tướng tại nhiệm. Trung tuần tháng 6 năm 1971, bàn giao chức vụ Tư lệnh Sư đoàn 5 lại cho Đại tá Lê Văn Hưng (nguyên Tư lệnh phó), ông được cử đi làm Tư lệnh phó Quân đoàn I do Trung tướng Hoàng Xuân Lãm làm Tư lệnh Quân đoàn.

Thượng tuần tháng 2 năm 1972, ông được Phó Tổng thống Trần Văn Hương cử giữ chức vụ Thứ trưởng Đặc trách bài trừ tham nhũng. Đây là giai đoạn mà nạn tham nhũng hoành hành trong giới lãnh đạo Quân đội Việt Nam Cộng hòa với những tai tiếng về buôn lậu, ăn cắp quân nhu và tiền viện trợ quân sự. Trên cương vị này, ông đã tiến hành hàng loạt các cuộc điều tra về tham nhũng, mà đặc biệt là cuộc điều tra về vụ tham nhũng trong Quỹ Tiết kiệm Quân đội. Đây là vụ án tham nhũng lớn nhất được ông tiến hành, thực hiện trong 5 tháng và được ông công bố đầy đủ chi tiết và bằng chứng buộc tội trên màn truyền hình toàn quốc ngày 14 tháng 7 năm 1972., buộc hàng loạt sĩ quan, trong đó có 2 tướng lĩnh là Tổng trưởng Quốc phòng, Trung tướng Nguyễn Văn Vỹ, và Trung tướng Lê Văn Kim với 7 Đại tá bị cách chức. Quỹ Tiết kiệm Quân đội bị buộc phải giải tán. Tuy nhiên, chính do những cuộc điều tra tham nhũng của ông đã gây đụng chạm đến quyền lợi của giới lãnh đạo quân sự biến chất, thậm chí ở cấp cao nhất. Sau vụ án Quỹ Tiết kiệm Quân đội, Tổng thống Thiệu đã thu hẹp quyền hạn điều tra tham nhũng của tướng Hiếu ở cấp Quận trưởng, và cần có sự chấp thuận tiên quyết trước khi khởi công điều tra ở cấp Tỉnh trưởng. Điều này khiến ông nản lòng và ông đã xin trở về phục vụ trong quân đội và tuyên bố: "Nếu chúng ta không chịu tự sửa sai thì Cộng sản sẽ buộc chúng ta phải sửa sai".

Vào tháng 5 năm 1972, Tướng Hiếu đã nói với các viên chức Sứ Quán là chiến dịch chống tham nhũng sẽ không đi tới đâu vì các Bộ trưởng trong Nội các và Thủ tướng không cộng tác với ông.

Ngày 29 tháng 10 năm 1973, thuyên chuyển về Quân đoàn III, ông được cử làm Tư lệnh phó Quân đoàn đặc trách Hành quân. Ngày 2 tháng 4 năm 1975, kiêm Tư lệnh Tiền phương Quân đoàn III để nhận bàn giao từ Thiếu tướng Phạm Văn Phú (nguyên Tư lệnh Quân đoàn II) phần lãnh thổ 2 tỉnh cuối cùng còn lại của Quân khu 2 là Bình Thuận và Ninh Thuận được sát nhập vào Quân đoàn III, Quân khu 3. Hai ngày sau, ngày 4 tháng 4 bàn giao chức Tư lệnh Tiền phương cho Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, vẫn giữ chức Tư lệnh phó Đặc trách Hành quân.

Bị ám sát

Vào ngày 8 tháng 4 năm 1975, ông bị ám sát bởi cận vệ của Tướng Toàn, Đại úy Đỗ Đức, trong văn phòng riêng tại bản doanh Bộ tư lệnh Quân đoàn III bởi một một viên đạn bắn vào cằm xuyên lên não. Theo tư liệu của C.I.A công bố. Ông mất khi mới có 46 tuổi.

Ngay sau đó, Bộ Tổng tham mưu cử Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi đương nhiệm Chỉ huy trưởng Trường Bộ binh Thủ Đức thay thế vào chức vụ Tư lệnh phó Quân đoàn III kiêm Tư lệnh Tiền phương Quân đoàn, trách nhiệm bảo vệ phòng tuyến Phan Rang.

Sáng ngày 10 tháng 4 năm 1975, Phó Tổng thống Trần Văn Hương thay mặt Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đến tư thất trong cư xá sĩ quan Chí Hòa để viếng linh cữu và truy thăng cho ông cấp bậc Trung tướng đồng thời truy tặng Bảo quốc Huân chương Đệ tam đẳng kèm Anh dũng Bội tinh với nhành Dương liễu.

Tang lễ của ông được tổ chức trọng thể theo lễ nghi Quân cách. An táng tại Nghĩa trang Quốc gia Biên Hòa (Nghĩa trang Quân đội) cạnh mộ phần cố Đại tướng Đỗ Cao Trí.

Huy chương

-Bảo quốc Huân chương đệ tam đẳng
-Anh dũng Bội tinh với nhành dương liễu

Các trận đánh nổi bật

Khi giữ chức Tham mưu trưởng Quân đoàn II, Đại tá Hiếu đã điều nghiên và thực hiện các trận Đỗ Xá, Thần Phong 1 và Pleime.

-Trận Đỗ Xá (1964): Điểm nổi bật của trận đánh mang tên Hành quân Quyết Thắng 202 là 5 tháng sau cuộc đảo chánh chính phủ Ngô Đình Diệm, Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã thực hiện cuộc hành quân lớn với 6 Tiểu đoàn gồm 3.000 quân vào mật khu Đỗ Xá nhằm phá hủy Bộ Chỉ huy của tướng Nguyễn Đôn, Tư lệnh Quân khu V, tại vùng ngã ba Tỉnh Kontum, Quảng Ngãi và Quảng Tín vào tháng 4 năm 1964.
-Chiến dịch Thần Phong 1 (1965): Tháng 7 năm 1965, các Quốc lộ 1, 11, 14, 19 và 21 đều bị Quân Giải phóng miền Nam phong tỏa. Giao thông giữa Cao Nguyên và vùng Duyên hải là đường hàng không. Bộ Tư lệnh Quân đoàn II đã thành công dùng thế dương đông kích tây với bảy đơn vị lớn cấp Trung đoàn giải tỏa các trục lộ này. Mục tiêu của cuộc hành quân này là "ngăn ngừa và chận đứng" trước các cuộc phục kích hơn là can thiệp để triệt hủy và chống lại các ổ phục kích với các lực lượng tiếp cứu."
-Trận Pleime (1965): Quân đoàn II phối hợp với Ban 3/MACV Mỹ thực hiện phản công vào chiến dịch Pleime của Bộ tư lệnh Mặt trận B3 bằng cách dụ Trung đoàn 32, 33 và 66 tập trung tại vùng chân rặng núi Chu Prông để chuẩn bị tiến công, dùng B-52 trải thảm bom.

Khi giữ chức Tư lệnh Sư đoàn 22, Chuẩn tướng Hiếu điều nghiên và thực hiện trận Đèo Phù Cũ.

-Trận Đèo Phù Cũ (1966): Chiến đoàn trưởng Nhảy Dù, Trung tá Nguyễn Khoa Nam đứng trên sườn núi dùng ống nhòm quan sát trận địa dẫu là người kín đáo, đã ca ngợi: "Đại tá Hiếu điều quân như một "Chỉ huy Thiết giáp" nhà nghề, và lính Sư đoàn 22 đánh đẹp đâu thua lính mình".

Khi giữ chức Tư lệnh phó phụ trách Hành Quân Quân đoàn III, Thiếu tướng Hiếu điều nghiên và thực hiện trận Đức Huệ, trận lớn cuối cùng của QLVNCH.

-Trận Đức Huệ (1974): Trong trận này, chiến thuật Blitzkrieg (chiến trận thần tốc) dựa vào việc bí mật của một hành quân đa diện có tác dụng, giải tỏa được nhiều áp lực của Công trường 5 (ngang cấp Sư đoàn) từ tỉnh lỵ Svay Riêng trong vùng Mỏ Vẹt (thuộc lãnh thổ Campuchia) nhằm vào căn cứ Đức Huệ.

Nhận định

Báo cáo đánh giá tháng 5 năm 1958 của các cố vấn Mỹ tại Quân khu I:

Ông là một người có tiềm năng lên tới bậc cao nhất trong Quân đội Việt Nam. Ông đáng được gửi sang học một trường bên Mỹ càng sớm càng tốt, đặc biệt là Ft. Leavenworth. Ông đáng được bổ nhiệm vào các công việc chỉ huy chiến trường để có thêm kinh nghiệm chỉ huy. Sĩ quan này, nếu được sử dụng và khai triển đúng mức, rất có thể trở nên một tướng lãnh tài giỏi tương lai nếu không là xuất chúng trong Quân đội Việt Nam Cộng hòa. Thái độ của ông đối với Hoa Kỳ rất mạnh, và khả năng thông thạo ngoại ngữ rất quan yếu cho các cuộc hành quân liên hợp của Đồng Minh.

Đại tá John Hayes, Cố vấn trưởng Mỹ tại Sư đoàn 5 Bộ binh đánh giá ngày 7 tháng 2 năm 1970:

Thiếu tướng Nguyễn Văn Hiếu, NNC 1-11-67, 20 năm quân ngũ, tướng Hiếu là một Tư lệnh trên trung bình. Các điểm tốt gồm có nhiệt tâm, kinh nghiệm lãnh đạo tác chiến, khả năng thôi thúc và duy trì tinh thần binh sĩ, và khả năng chế ngự thuộc cấp. Ông rất sùng đạo và ái quốc, và đòi hỏi tiêu chuẩn hạnh kiểm và kỷ luật cao. Ông cẩn trọng mực thước nhưng khi lấy quyết định thì sắc bén. Ông được đánh giá cao hơn mức trung bình của một Tư lệnh Sư đoàn Mỹ trong cung cách hành sự toàn diện của ông. 

Tờ trình tháng 11 năm 1974 của Sứ Quán Mỹ:

Vào tháng 2 năm 1972, Trung tướng Đôn lúc bấy giờ là Phó Thủ tướng, nói với Lãnh sự tại Đà Nẵng, tướng Hiếu là một trong số tướng lãnh tài năng nhất của Quân lực Việt Nam Cộng hòa và là một " vị tướng thanh liêm nhất trong quân đội hiện nay". Đức tính này được thường xuyên xác nhận và tuyên dương trong giới sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Tướng Đôn nói thêm là ông sẽ lựa chọn tướng Hiếu trên hết bất cứ một tướng lãnh nào ông quen biết. 

Thái độ đối với giới chức Mỹ

Cách chung tuy tướng Hiếu tỏ vẻ "thân thiện và dễ cộng tác... với các giới chức Mỹ tại Vùng 3 Chiến thuật, ông giữ một khoảng cách và kín đáo.".

Đối với các cố vấn quân sự Mỹ "ông chứng tỏ sẵn sàng tiếp nhận những ý kiến thiết thực. Không thể nhấn mạnh cho đủ ông là một vị tướng dũng mãnh, và ông chỉ đem ra ứng dụng những ý kiến khả dĩ đem tới cải tiến hiệu năng tác chiến cho Sư đoàn".[22] Ông chống đối chính sách Việt Nam hoá chiến tranh của chính phủ Hoa kỳ và áp lực của giới Cố vấn Mỹ tại Quân đoàn III muốn các đơn vị của Sư đoàn 5 phải hành quân diệt địch khi chưa được huấn luyện chiến đấu hoàn hảo. Ông dám trình bày "quan điểm đối nghịch, phát biểu tự do và công khai" khiến một vài sĩ quan Cố vấn Mỹ lấy làm phật ý và khó chịu, nỗ lực gây áp lực đòi cách chức Tư lệnh Sư đoàn 5. Họ thành công với sự toa rập của tướng Nguyễn Văn Minh, người kế vị tướng Đỗ Cao Trí trong chức vụ Tư lệnh Quân đoàn III. "Việc cách chức tướng Hiếu, theo như một viên chức Sứ Quán tường trình ngày 17 tháng 6 năm 1971, là một tin động trời, trước hết vì tướng Hiếu nổi danh là một nhân vật liêm chính và vì lòng thương lính mãnh liệt của ông." 

Tính cách

Một điểm nổi bật trong cá tính của tướng Hiếu là trực tính. Ông không ngại tỏ thái độ phản đối chống lại giới chức nắm quyền lạm quyền hay sai quấy, thậm chí có những lần ông đã chống lệnh của thượng cấp.

  • Đối với Tổng thống Diệm:

Tướng Hiếu nói với một viên chức cao cấp Mỹ tại vùng 3 Chiến thuật là ông bị từ chối không được lên lon trong một thời kỳ lâu dài vì ông nghĩ là một sĩ quan quân sự không nên gia nhập Đảng Cần Lao của Tổng thống Diệm tuy là ông đã bị thôi thúc gia nhập. Đây có lẽ giải thích ông đã bị qua mặt nhiều lần đi tu nghiệp tại Leavenworth.

  • Đối với tướng Peers, Tư lệnh First Field Force Vietnam:

Để bảo vệ chủ quyền chỉ huy của Quân đội VNCH, Thiếu tướng Hiếu đã có lần chống đối Trung tướng Hoa kỳ làm Tư lệnh Lực lượng 1 dã chiến tại Nha trang ra lệnh Sư đoàn 22 bộ binh đặt một Trung đoàn bộ binh do một Đại tá chỉ huy dưới quyền điều động của một Đại úy Quận trưởng trong kế hoạch yểm trợ bình định phát triển. Việc này đã gây tranh luận rất phức tạp, khiến Trung tướng Lữ Lan, Tư lệnh Quân đoàn II phải giải hòa giữa đôi bên.

  • Đối với Tướng Abrams, Tư lệnh MACV:

Sư đoàn 22 Quân lực Việt Nam Cộng hòa không nhìn được sự thể như vậy. Sư đoàn chưa phải là một Sư đoàn thiện chiến, xuất trận với cấp Trung đoàn và Tiểu đoàn và vân vân! Và chính điều đó cần thiết phải được thực hiện tại Bình Định! Và đó chính là điều Sư đoàn 22 không nhìn thấy! Và đó chính là điều Tư lệnh Sư đoàn tự thâm tâm không sẵn lòng chịu làm! 

  • Đối với tướng Đỗ Cao Trí, Tư lệnh Quân đoàn III:

Tướng Trí, tuy nhận biết là tướng Hiếu không hoàn toàn ưng thuận các cuộc hành quân vượt biên và đặc biệt các cuộc hành quân đòi hỏi Sư đoàn 5 hành quân tại Snoul, trong vùng Căm Bốt, không cách chức Tướng Hiếu ngay.

  • Đối với giới chức Cố vấn Mỹ Quân đoàn III:

Viên Phó Cố vấn Trưởng Quân đoàn III, một Chuẩn tướng, nói: "Thái độ yếm thế của Tướng Hiếu và quan điểm đối nghịch, phát biểu tự do và công khai, đã tô điểm các thái độ của nhiều vị chỉ huy trưởng trực thuộc của ông và khiến họ ít hưởng ứng các nỗ lực tiến hành chương trình Đồng Tiến này. Hy vọng là thời gian, với cơ may chiến dịch Cambodia cống hiến, và với ý thức tăng trưởng là Sư đoàn 5 có thể thi hành sứ mạng mới và nới rộng, sẽ biến cải viễn quan của tướng Hiếu. Nếu không, ông phải bị cách chức khỏi quyền Tư lệnh."

  • Đối với tướng Nguyễn Văn Vỹ, Tổng trưởng Bộ Quốc phòng:

Tướng Hiếu thực hiện được một cuộc điều tra thành công trong vụ Quỹ Tiết kiệm Quân đội (QTKQĐ). Ngày 14 tháng 7 năm 1972, tướng Hiếu xuất hiện trên màn truyền hình và tường trình kết quả của cuộc điều tra vào các sinh hoạt tài chánh của Quỹ Tiết kiệm Quân đội. Ông nêu tên Tổng trưởng Quốc phòng, Trung tướng Nguyễn Văn Vỹ và Trung tướng hồi hưu Lê Văn Kim như là những người can dự vào các sinh hoạt tài chánh bất chính. Tướng Vỹ bị Tổng thống Thiệu sa thải.

  • Đối với tướng Trần Thiện Khiêm, Thủ tướng:

Vào tháng 5 năm 1972, Tướng Hiếu nói với các viên chức Sứ Quán là chiến dịch chống tham nhũng không đi tới đâu và các Bộ trưởng trong Nội các và Thủ tướng không cộng tác với ông.

  • Đối với tướng Nguyễn Văn Minh:

Tướng Hiếu chú thích với viên chức sứ quán Đại tá Mạch Văn Trường từng là một cựu cộng tác viên của Trung tướng Nguyễn Văn Minh, Tư lệnh Quân đoàn III, và tướng Hiếu xác tín là tướng Minh đã bổ nhiệm Đại tá Trường vào chức vụ Tỉnh trưởng (Long Khánh) một phần để nắm lấy trong tay thương vụ lâm sản đem lại nhiều lợi tức trong tỉnh Long Khánh. Tướng Hiếu đang đề nghị đưa vụ này ra điều tra nhưng lưu ý là còn tùy thuộc Tổng thống Thiệu và kết quả của các cuộc gặp gỡ giữa Thiệu và Trung tướng Minh.

  • Đối với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và tướng Đặng Văn Quang:

Liên quan đến bản chất của đạo luật mới, tướng Hiếu chú thích là đạo luật không xử lý một chướng ngại căn bản phương hại đến sự hữu hiệu của hành động chống tham nhũng: sự bao che kẻ gian của các người có quyền thế. Tướng Hiếu nêu lên một vị dụ của một Dân biểu rõ ràng có những hành vi tham nhũng. Tướng Hiếu nói ông trình hồ sơ này lên Phó Tổng thống Hương. Phó Tổng thống ghi nhận là dân biểu này là thành viên của khối thân Chính phủ và ngày hôm trước đã dùng cơm với Tổng thống. Phó Tổng thống Hương khuyến cáo không nên đeo đuổi vụ này. Một ví dụ khác, tướng Hiếu nói, là Đại tá Cảnh sát Phạm Kim Quy, Chỉ huy trưởng khối Tư Pháp, Cảnh sát Quốc gia. Theo tướng Hiếu, tham nhũng to lớn trong sở di trú Cảnh sát Quốc gia, một nhánh của khối Tư pháp, được truy lùng thẳng tới Đại tá Quy, là người thân cận với Phụ tá Tổng thống Đặng Văn Quang. Phó Tổng thống cũng tỏ vẻ ái ngại không muốn đeo đuổi vụ này, tướng Hiếu tuyên bố.

Những nghi vấn về cái chết

Chiều ngày 8 tháng 4 năm 1975 có tin loan báo ra từ Bộ Tư lệnh Quân đoàn III ở Biên Hòa là ông đã chết ngay tại trong văn phòng làm việc. Giới quân sự nghi ngay tướng Nguyễn Văn Toàn, Tư lệnh Quân đoàn III, vì ông Toàn mang tiếng tham nhũng thuộc loại hạng gộc, trong khi đó ông Hiếu rất thanh liêm và hơn nữa, đã từng giữ chức Đặc trách chống tham nhũng thuộc phủ Phó Tổng thống Trần Văn Hương. Ngày hôm sau, sau khi tham dự buổi họp báo của phát ngôn viên quân sự, thông tấn xã UPI loan tin như sau:

SAIGON (UPI) - Tư lệnh Phó Quân đoàn III, bảo vệ vùng Sài-Gòn được khám phá bị bắn tối thứ ba sau một cuộc cãi vã về chiến thuật với cấp trên của mình. Các nguồn tin quân sự nói là có vẻ ông ta tự vận. Các nguồn tin đó nói Thiếu tướng Nguyễn Văn Hiếu chết với một vết thương do một viên đạn gây nên ở miệng tại văn phòng ở Bộ Tư lệnh Quân đoàn III nằm ven biên phi trường quân sự Biên Hòa, cách Sài-Gòn 18 dặm. Không biết sự kiện tướng Hiếu chết có liên quan gì với vụ oanh tạc Dinh Độc Lập của ông Nguyễn Văn Thiệu xảy ra sáng thứ ba cùng ngày không?

Gia đình

  • Thân phụ: Cụ Nguyễn Văn Hướng (Quê quán Bắc Ninh. Từng giữ chức Phụ tá Giám đốc Công an Nguyễn Đình Tại ở Hà Nội (1950), Giám đốc Công an Bắc Phần (1953), Phụ tá Tổng Giám đốc Công an Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lễ ở Sài Gòn (1955)).
  • Thân mẫu: Cụ Nguyễn Thị Nghiêm (Quê quán Hà Đông. Từng là Trợ giáo trường Pháp-Việt tại Thượng Hải).
  • Phu nhân: Bà Phạm Thị Hường (Quê quán Hà Nội)
Ông bà có sáu người con gồm: 3 trai (Dũng, Cảm, Hoàng) và 3 gái (Anh Thư, Thu Hà, Thu Hằng)
  • Tướng Hiếu có một người chị họ là bà Nguyễn Thị Khánh, vợ của ông Trần Đại Nghĩa và một người anh họ là ông Nguyễn Quang Đích, thư ký riêng của Đại tướng Văn Tiến Dũng. Hai người này là con cụ Nguyễn Văn Thường (anh cụ Hướng), bác ruột của ông.

Tối ngày 29 tháng 4 năm 1975, bà quả phụ tướng Hiếu cùng 6 người con được di tản bằng trực thăng ra Hạm đội 7 Hoa Kỳ đậu ở ngoài khơi Vũng Tàu, sau đó sang định cư tại Philadelphia, Pennsylvania, Hoa Kỳ.

Hình chụp vào Thứ Tư, ngày 25 tháng Hai 1970, một năm trước chuyến bay định mạng. Quân Đội Hoa Kỳ hoàn trả Căn Cứ Lai Khê cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà.
Từ trái qua phải:
Trung Tướng Đỗ Cao Trí, Tư Lệnh Quân Đoàn III và Quân Khu 3;
Thiếu Tướng Albert Milloy;
Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu, Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh;
Trung Tướng Julian Ewell.

 

 

Đời Binh Nghiệp Trung Tướng Nguyễn Văn Hiếu
10/4/1975 Truy thăng Trung Tướng
08/4/1975 Bị thảm sát tại bản doanh Bộ tư lệnh QĐ3 Năm Chức Vụ Trực Thuộc
03/04/75 Thiếu tướng Tư lệnh phó QĐ3 Tướng Nguyễn Văn Toàn
02/04/75 Thiếu tướng Tư lệnh Mặt Trận Tiền Phương QĐ3 Tướng Nguyễn Văn Toàn
01/02/75 Thiếu tướng Tư lệnh phó QĐ3 Tướng Nguyễn Văn Toàn
23/10/74 Thiếu tướng Tư lệnh phó QĐ3 Tướng Dư Quốc Đống
29/10/73 Thiếu tướng Tư lệnh phó QĐ3 Tướng Phạm Quốc Thuần
01/02/72 Thứ trưởng Đặc trách Bài trừ tham nhũng Phó Tổng thống Trần Văn Hương
09/06/71 Thiếu tướng Tư lệnh phó QĐ1 Tướng Hoàng Xuân Lăm
27/02/71 Thiếu tướng Tư lệnh SĐ5 Tướng Nguyễn Văn Minh
14/08/69 Thiếu tướng Tư lệnh SĐ5 Tướng Đỗ Cao Trí
01/11/68 Thiếu tướng Tư lệnh SĐ22 Tướng Lữ Lan
25/02/68 Chuẩn tướng Tư lệnh SĐ22 Tướng Lữ Lan
01/11/67 Chuẩn tướng Tư lệnh SĐ22 Tướng Vĩnh Lộc
23/06/66 Đại tá Tư lệnh SĐ22 Tướng Vĩnh Lộc
20/06/65 Đại tá Tham mưu trưởng QĐ2 Tướng Vĩnh Lộc
24/10/64 Đại tá Tham mưu trưởng QĐ2 Tướng Nguyễn Hữu Có
10/09/64 Đại tá Tư lệnh SĐ22 Tướng Nguyễn Hữu Có
07/09/64 Đại tá Tư lệnh SĐ22 Tướng Đỗ Cao Trí
12/12/63 Đại tá Tham mưu trưởng QĐ2 Tướng Đỗ Cao Trí
22/11/63 Đại tá Quyền Tư Lệnh SĐ1 Tướng Đỗ Cao Trí
11/06/63 Trung tá Tham mưu trưởng SĐ1 Tướng Đỗ Cao Trí
15/05/63 Thiếu tá Tham mưu trưởng SĐ1 Tướng Đỗ Cao Trí
10/05/63 Tốt nghiệp Khóa Chỉ Huy và Tham mưu Cao cấp, Ft Leavenworth, KS
01/08/62 Thiếu tá Trưởng P3 QĐ1 Tướng Lê Văn Nghiêm
15/08/57 Thiếu tá Pḥòng 3 QĐ1 Tướng Trần Văn Đôn
01/08/54 Đại úy Pḥòng 3/TTM, Chợ Quán Đại tá Trần Văn Đôn
01/01/53 Trung úy Pḥng 3/TTM, Chợ Quán Đại tá Trần Văn Đôn
01/07/51 Tốt nghiệp Khóa 3 Võ Bị Liên Quân Đà-Lạt

Cái Chết Đầy Bí Ẩn Của Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu

Ai giết Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu?. Tướng Hiếu chết vì tai nạn hay bị mưu sát?.
Suốt gần 40 năm qua những câu hỏi nầy chưa có câu trả lời xác đáng.

Ngày 8-4-1975, Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu, Tư Lịnh Phó Quân Đoàn III được tìm thấy đã chết tại phòng làm việc trong Bộ Tư Lịnh Quân Đoàn, Biên Hòa. Chết do bị một viên đạn bắn vào càm.

Tướng Hiếu được biết đến như là một tướng lãnh tài ba và thanh liêm cho nên cái chết của ông được nhiều người quan tâm theo dõi. Thông báo chính thức cho biết Tướng Hiếu chết vì tai nạn, súng bị cướp cò trong khi lau chùi. Tuy nhiên không có hình ảnh hoặc nhân chứng nào tận mắt nhìn thấy cái chết của Tướng Hiếu cả. Vì thế, lý do chết vì tai nạn không thuyết phục.

Vì thế nhiều câu hỏi được đặt ra là: Vì sao chết?, Nguyên nhân nào đưa đến cái chết? Ai giết Tướng Hiếu?

Để trả lời những câu hỏi đó, nhiều suy đoán và giả thuyết được đưa ra, nhưng không có chứng cớ nào vững chắc, đáng tin cậy được cả.
Những suy đoán và giả thuyết được nêu ra xoay quanh những vấn đề như sau:

- Chết vì chống tham nhũng
- Chết vì có âm mưu đảo chánh
- Chết vì tai nạn khi lau chùi súng
- Chết vì gây gổ giữa hai ông tướng trong Bộ Tư Lịnh Quân Đoàn 3.

Tuy nhiên, không có giả thuyết nào đáng tin cậy vì thiếu chứng cớ. Hình ảnh phạm trường không có, thủ phạm và hung khí cũng không, nhân chứng kẻ còn người mất nhưng chắc chắn là không có ai tận mắt trông thấy khi vụ việc xảy ra, ngoại trừ hung phạm nếu đó là mưu sát.

Tướng Hiếu mất vào những ngày sôi động nhất về quân sự và chính trị của Miền Nam đưa đến thảm họa mất nước ngày 30-4-1975.

Người em của Tướng Hiếu là ông Nguyễn Văn Tín đã bỏ ra suốt 8 năm trời để tìm gặp những nhân chứng, thu thập tin tức từ những cơ quan lưu trữ hồ sơ của chính phủ Mỹ…

Gần 40 năm qua cái chết của Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu vẫn còn chìm trong vòng bí mật.

blank
Hình ảnh liên hệ về Tướng Hiếu.
2* Những tiết lộ khác nhau của các “nhân chứng”
Những “nhân chứng” mà Ông Tín đã gặp gỡ, tiếp xúc để tìm hiểu về cái chết của anh ông là Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu, thì đa số những nhân vật nầy không ai có mặt tại hiện trường, và cũng không có ai chính mắt họ trông thấy vụ việc đang xảy ra lúc đó. Mà những cuộc phỏng vấn được thực hiện tại Mỹ vào thời mấy chục năm sau ngày Tướng Hiếu chết, 8-4-1975. Trí nhớ của những người cao niên không còn trung thực với những điều mà chính họ đã “không” trông thấy, vì thế có nhiều tiết lộ khác nhau. Họ là nhân chứng của thời đại chớ không phải là “nhân chứng” của một cái chết.

Vào tháng 8 năm 1998, ông Nguyễn Văn Tín, em của Tướng Hiếu cho biết: “Tôi đã may mắn tìm ra và tiếp xúc được các nhân vật chính yếu có mặt tại Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3 trong ngày Tướng Hiếu bị ám sát. Trong 13 nhân chứng, có 9 người đứng ngoài và 4 người đứng tại tâm điểm đối với cái chết của anh tôi”.

Theo ông Tín thì 4 người đó là:
1. Chuẩn Tướng Lê Trung Tường, Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn 3.
2. Đại Tá Lê Trọng Đàm, Chỉ Huy Cảnh Sát QĐ 3.
3. Trung Tá Quân Y Lý Ngọc Dưỡng, chánh văn phòng của Trung tướng Nguyễn Văn Toàn, Tư Lệnh Quân Đoàn 3.
4. Đại Úy Đỗ Đức, tùy viên của Tướng Toàn.
2.1. Tường thuật của báo chí ngoại quốc

1). Phóng viên của hãng tin UPI thuật lại như sau: “Tư Lịnh Phó VNCH bảo vệ vùng Sai Gòn được khám phá bị bắn tối thứ ba, sau cuộc cãi vã về chiến thuật với cấp trên của mình. Các nguồn tin quân sự nói là có lẻ ông ta tự tử. Các nguồn tin đó nói là Thiếu Tướng Hiếu chết do một viên đạn gây nên ở miệng tại văn phòng Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn III, nằm bên cạnh Phi Trường Biên Hòa, cách Saigon 18 miles. Không biết sự kiện Tướng Hiếu chết có liên quan gì đến cuộc oanh tạc Dinh Độc Lập xảy ra lúc 8 giờ sáng cùng ngày hay không?”.

2). Phóng viên Alan Dawson: “Phó Tư Lệnh Quân Đoàn 3, vùng bao quanh Saigon, tướng hai sao Nguyễn Văn Hiếu đã chết. Tin đồn ông tự vận tại văn phòng ở Biên Hòa sau một cuộc cãi vã với thượng cấp là tướng ba sao Nguyễn Văn Toàn, liên quan đến việc bảo vệ Thủ Đô. (55 days-The Fall of South Vietnam 1975)

2.2. Tường thuật của các nhân vật liên hệ
1). Tường thuật của Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn
Tại Mỹ, Tướng Toàn đã viết cho người em của Tướng Hiếu, là Nguyễn Văn Tín, nguyên văn như sau: “Bất ngờ vào ngày..(không nhớ) lúc bay hành quân về thì được tin anh Hiếu đã tử nạn ở văn phòng, Tôi liền bay đến văn phòng Tướng Hiếu thì thấy anh ấy đã chết bởi một viên đạn súng lục trổ từ mắt lên đầu và chết ngay nơi bàn giấy. Sự tử nạn của anh Hiếu là do súng lục bị cướp cò mà ra”.

2). Chuẩn Tướng Lê Trung Tường, Tham Mưu Trưởng QĐ3
“Tướng Hiếu nằm bất động trên chiếc ghế bành sau bàn giấy. Một dòng máu tươi chảy chan hòa xuống mặt và ngực. Một viên đạn đã xuyên qua trán và đi thẳng lên óc. Viên đạn nầy còn trớn bay lên trần nhà xoi thủng một lỗ. Máu và óc văng trên tường”.

3). Đại Tá Phan Huy Lương, Phụ Tá Tư Lịnh Phó Nguyễn Văn Hiếu.
“Viên đạn qua trán lên đỉnh đầu khiến cho óc văng trên tường.”

4). Bác sĩ Trung Tá Quân Y Lý Ngọc Dưỡng, chánh văn phòng của Tướng Toàn cho biết như sau: “Tôi thấy cảnh tượng Tướng Hiếu ngồi trên ghế, đầu gục trên mặt bàn. Cánh tay trái đặt trên mặt bàn, cánh tay phải thò xuống đất, có khẩu súng lục nằm trên mặt đất”.

5). Người cận vệ của Tướng Hiếu: “Hôm ấy đã qua 4 giờ rưởi rồi mà không thấy Tướng Hiếu ra về, tôi mở cửa bước vào phòng để nhắc chừng. Tôi vô cùng ngạc nhiên vì ông Hiếu đã chết tự bao giờ. Xác của ông đẫm máu còn ngồi trên ghế, nhưng bật ngữa ra sau, đầu thì nghẹo về một bên thành ghế dựa sát vách. Đường đạn đã xuyên thủng ngực Tướng Hiếu”. Đó là lời khai của thượng sĩ cận vệ của Tướng Hiếu trước Ủy Ban Điều Tra Hỗn Hợp gồm Quân Cảnh, An Ninh QĐ và Cảnh Sát.

6). Bác sĩ khám nghiệm tử thi Lương Khánh Trí phân tích như sau: “Viên đạn đi vào càm gặp phải xương quay hàm quá cứng không đi thẳng lên đầu được nên phải rẽ xuống, đâm ra sau ót khiến Tướng Hiết chết tốt, không biết đau đớn”.
Trên nguyên tắc chung, tờ trình của bác sĩ khám nghiệm tử thi được xem như tài liệu chính thức. Còn sự thật ra sao thì nằm trong bí mật.

7). Những “nhân chứng” mô tả đường đạn đi khác nhau.
Tướng Toàn: “Viên đạn từ mắt lên đầu”. Đại Tá Phan Huy Lương: “Viên đạn qua trán rồi lên đầu”.
Chuẩn Tướng Lê Trung Tường (TMT/QĐ3) “Viên đạn xuyên qua trán đi thẳng lên óc”
Ba ông nầy mô tả giống nhau, là viên đạn từ (mắt) hoặc trán lên đầu. hoặc sau ót. Ót cũng thuộc về một phần của đầu.

Ông Tín mô tả về vết thương.
Khi quan sát vết thương, ông Tín mô tả lại như sau: “Tôi chỉ thấy viên đạn để lại một dấu chấm đen nhỏ xíu ở càm bên trái cách mép môi bên trái 1cm khoảng 45 độ về phía dưới. Viên đạn cũng để lại một chấm đen nhỏ xíu trên đỉnh đầu bên phải”.

Căn cứ vào đường đi của viên đạn để tìm ra nguyên nhân gây ra cái chết của Tướng Hiếu.

blank
Hình ảnh liên hệ về Tướng Hiếu.
3* Những âm mưu ám sát và đảo chánh Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu
Một số giả thuyết cho rằng Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu đã bị mưu sát vì bị nghi ngờ là có âm mưu đảo chánh Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, cho nên cần đặt vấn đề vào bối cảnh phức tạp về quân sự và chính trị trong những ngày trước khi Miền Nam sụp đổ, ngày 30-4-1975.

Về quân sự. Ngày 14-3-1975, Tổng Thống Thiệu ra lịnh rút quân ra khỏi Vùng 2. Từ đó, nhiều tỉnh lỵ lần lượt rơi vào tay Cộng Sản Bắc Việt: Quảng Trị, Quảng Ngãi, Huế…Ngày 30-3-1975, Vùng 1 sụp đổ hoàn toàn.

Sau khi mất Quân Đoàn 1 và QĐ2, Cộng Sản Bắc Việt (CSBV) vẫn một mực đòi loại Tổng Thống Thiệu ra khỏi chính quyền. Các phe nhóm Miền Nam nhận thấy đã đến lúc ông Thiệu phải ra đi để có hy vọng thương lượng với CSBV.
Đó là một trong những lý do đưa đến việc mưu sát và đảo chánh Tổng Thống Thiệu. Như thế, đảo chánh không phải thuần túy là tranh dành quyền lực mà là hy vọng có một giải pháp có thể cứu vãng Miền Nam.

3.1. Những âm mưu ám sát Tổng Thống Thiệu
Ngày 23-1-1975, một sĩ quan QLVNCH đã ám sát hụt Tổng Thống Thiệu bằng súng ngắn. Anh nầy lập tức bị đưa ra tòa án quân sự.

Ngày 4-4-1975, phe đối lập dự định đặt bom trong Dinh Độc Lập nhưng bị lộ.
Ngày 8-4-1975, phi công Việt Cộng nằm vùng là Trung Úy Nguyễn Thành Trung đã lái phi cơ F-5E ném bom Dinh Độc Lập.

3.2. Những âm mưu đảo chánh
Có sáu nhóm muốn loại ông Thiệu ra khỏi chức vụ Tổng Thống VNCH.
1. Nhóm quân nhân cao cấp do Nguyễn Cao Kỳ cầm đầu.
2. Nhóm của Dương Văn Minh
3. Nhóm của Thích Trí Quang
4. Nhóm công giáo của Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình
5. Nhóm của linh mục Nguyễn Hữu Thanh
6. Nhóm của Vũ Văn Mẫu.

Về việc Tướng Nguyễn Cao Kỳ đảo chánh, phóng viên Denis Warner, trong cuốn “Certain History-How Hanoi won the war” cho biết, một sĩ quan làm việc tại Bộ Tổng Tham Mưu, đã gọi điện thoại đến phòng của tôi ở khách sạn Continental cho tôi hay là “cuộc đảo chánh đang tiến hành và tôi có thể an toàn mà viết phóng sự vì ông Kỳ sẽ lên nắm chính quyền trước sáng ngày hôm sau”.

Bà vợ của Thủ Tướng Khiêm muốn ông Thiệu từ chức.Trong bài viết tựa đề “Giờ phút cuối cùng của Nguyễn Văn Thiệu ở Sài Gòn”, Thiếu Tá Nguyễn Tấn Phận, cận vệ của Thủ Tuớng Khiêm, kể lại như sau: “Mấy lúc sau nầy, bà (vợ của Thủ Tướng Khiêm) đã có vài lần tỏ sự chống đối mạnh mẽ đối với ông Thiệu. Có một hôm, bà bảo tôi (Thiếu Tá Nguyễn Tấn Phận) theo bà vào Dinh Độc Lập để yêu cầu Tổng Thống Thiệu từ chức. Cũng may là chúng tôi chỉ được Tổng Thống phu nhân đón tiếp. Nếu không thì không biết số phận của tôi đi về đâu”.

3.3. Bắt giam 7 người âm mưu đảo chánh
Ngày 2-4-1975 Tổng Thống Thiệu cho bắt 7 người, trong đó 6 người đã từng cộng tác với Nguyễn Cao Kỳ bị cho là chủ mưu, trong đó có Dân biểu Nguyễn Tấn Đời (Tín Nghĩa Ngân Hàng) và GS Châu Tâm Luân, và ngay cả ông Nguyễn Văn Ngân, Phụ Tá Đặc Biệt của Tổng Thống Thiệu cũng bị bắt.

blank
Hình ảnh liên hệ về Tướng Hiếu.

4* “Ông Thiệu ra đi trong điều kiện hết sức khó khăn”

4.1 CIA sắp xếp mọi chi tiết để đưa ông Thiệu rời Việt Nam

Trong một công điện gởi cho Tòa Bạch Ốc, Đại Sứ Graham Martin cho biết nội dung như sau: “Tổng Thống Trần Văn Hương nói với tôi là ông rất lo ngại cho sự an toàn của cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.
Sau nầy, khi kể lại việc tổ chức cho TT Thiệu rời VN, Đại sứ Graham Martin cho biết: “Ông Thiệu ra đi trong điều kiện hết sức khó khăn. Chúng tôi rất quan tâm và cố gắng sắp xếp mọi chi tiết”

Đại sứ Mỹ nói như vậy vì trước đó mấy ngày, một nhóm quân nhân đã dùng vũ khí ngăn chặn việc cất cánh của chiếc phi cơ vận tải C-141, họ yêu cầu phải cho họ di tản. Vì thế, ĐS Martin e ngại rằng việc đó có thể xảy ra.

4.2.CIA giương đông kích tây
Tin đồn lan truyền rằng chiếc Boeing 727 của Air Vietnam mà trước đó đã đưa TT Thiệu công du ngoại quốc. Chiếc phi cơ nầy hiện đặt trong tình trạng ứng trực 100% để sẵn sàng cho ông Thiệu xử dụng.

Những tin đồn đó khiến cho mọi người quan sát và theo dõi mọi động tĩnh của chiếc phi cơ nầy.
Trong khi đó, ĐS Martin cho gọi chiếc phi cơ riêng của ông là chiếc C-118 từ Thái Lan sang Tân Sơn Nhất để đưa hai ông Thiệu và Khiêm rời Việt Nam.
Đó là kế giương đông kích tây.

4.3. Một âm mưu cho Tổng Thống Thiệu nát thây
Một phần tử của Không Quân VNCH đã hết sức chống đối hai ông Thiệu và Khiêm, họ nói rằng hai ông nầy sẽ không rời khỏi VN mà còn sống nguyên vẹn.
Theo lời của Đại Tá Nguyễn Quốc Hưng, lúc đó là Phó Trưởng Phòng đặc trách máy bay khu trục thuộc Phòng Hành Quân của Bộ Tư Lệnh Không Quân, cho biết giữa tháng 4/1975, một nhóm sĩ quan không quân đã theo dõi sát chiếc Boeing 727.
Lúc ấy tại sân bay Cần Thơ có loại khu trục A-37 và phản lực F-5.
Theo kế hoạch, nếu thấy ông Thiệu lên chiếc phi cơ nầy thì những người của họ ở Tân Sơn Nhất sẽ báo về Cần Thơ để phản lực F-5 cất cánh bay thẳng ra khơi và bắn hạ phi cơ chở ông Thiệu ở một địa điểm cách bờ biển 100km.
Nếu ông Thiệu rời VN bằng chiếc 727 thì bị nát thây.

5* Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu bị nghi ngờ đảo chánh
5.1. “Bản Tường Trình Kết Thúc Về Cái Chết Của Tướng Hiếu”
Ngày 28-9-2004, ông Nguyễn Văn Tín phổ biến “Bản Tường Trình Kết Thúc Về Cái Chết Của Tướng Hiếu” nguyên văn như sau:

- 8 giờ sáng ngày 8-4-1975, Trung Úy phi công Nguyễn Thành Trung lái phi cơ F-5E ném bom Dinh Độc Lập.
- Chiều ngày 8-4-1975, Bộ Tư Lệnh QĐ 3 loan tin Tướng Nguyễn Văn Hiếu chết tại văn phòng của ông trong BTL/QĐ bởi 1 vết thương ở miệng. Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn đang làm Tư Lệnh QĐ III.

Vì cái chết có nhiều nghi vấn cho nên ông Nguyễn Văn Tín là em của Tướng Hiếu mới ra sức tìm hiểu và điều tra, ông Tín viết như sau: (trích nguyên văn)
"Vào lúc 8 giờ sáng ngày 8-4-1975, Dinh Độc Lập bị dội bom, TT Thiệu hốt hoảng lo sợ 1 cuộc đảo chánh phát khởi, ông ra lịnh xác định vị trí của các tướng tá trên khắp 4 quân khu, thì được cơ quan tình báo của Tướng Đặng Văn Quang, Phụ Tá An Ninh Phủ Tổng Thống, cho biết là ai nấy đều ở vị trí bình thường, chỉ duy có Tướng Hiếu là đang ở Gò Dầu Hạ (Tỉnh Tây Ninh), họp bàn với Chuẩn Tướng Trần Quang Khôi, Tư lệnh Lực Lượng Xung Kích QĐ 3.
TT Thiệu nghi ngay tướng Hiếu âm mưu đảo chánh. Ông nhớ là 4 năm trước, vào tháng 6 năm 1971, Trung Tướng Nguyễn Văn Minh, Tư Lệnh QĐ3, báo cáo là Tướng Hiếu toa rập với Chuẩn Tướng Trần Quang Khôi, đưa Lực Lượng Xung Kích QĐ3 về Lộc Ninh, lấy cớ là để giải vây cho quân lính bị nguy khốn ở Snoul, nhưng thật ra là để đưa chiến xa về Saigon làm đảo chánh".
TT Thiệu thấy lần nầy cần phải ra tay trừ khử Tướng Hiếu để tránh hậu nạn. Lịnh được truyền xuống cho Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn, TL/QĐ3 thi hành.

...Bác sĩ Trung Tá Quân Y Lý Ngọc Dưỡng, chánh văn phòng của Tướng Toàn và Đại Tá Lê Trọng Đàm, Chỉ Huy Trưởng Cảnh Sát QĐ3, nhận nhiệm vụ đưa 1 cảnh sát viên đàn em của Đại Tá Đàm vào văn phòng của Tướng Toàn, ẩn núp chờ sẵn.
Buổi chiều, khi BTL/QĐ vắng người, tên sát nhân từ văn phòng Tướng Toàn lẽn qua văn phòng của Tướng Hiếu kế bên để mai phục.

Sau khi hạ sát Tướng Hiếu với khẩu súng lục nhỏ loại đặc biệt, tên sát nhân đặt khẩu súng của tướng Hiếu vào bàn tay của tướng Hiếu, rồi dùng ngón tay của Tướng Hiếu bóp cò.
Hành động xong, tên sát nhân lẽn về ẩn nấp an toàn trong văn phòng của Tướng Toàn.
Như vậy, Thiệu là người chủ mưu ra lịnh giết. Tướng Toàn là kết tụ nhóm, lập mưu thi hành lịnh. Dưỡng, Đàm và Chuẩn Tướng Lê Trung Tường, Tham Mưu Trưởng QĐ3 là những tay sai thừa hành" (Hết trích)
(Bản Tường Trình Kết Thúc Về Cái Chết Của Tướng Hiếu- Nguyễn Văn Tín-Ngày 28-9-2004

5.2. Nhận xét về Bản tường trình của ông Nguyễn Văn Tín
Bản tường trình có những chỗ không rõ ràng như sau:

- Thứ nhất.
Trong Bản tường trình, ông Tín xác định như sau: “Thiệu là người ra lịnh. Nhóm lập mưu thi hành là Dưỡng, Đàm và Chuẩn Tướng Lê Trung Tường (Tham Mưu Trưởng QĐ3) là những tay sai thừa hành”.

Ông Tín khẳng định như thế mà không đưa ra nhân chứng hoặc vật chứng nào cả nên được xem như một dự đoán, như một giả thuyết mà thôi. Giả thuyết có thể đúng 100%. hoặc đúng 50% hoặc sai hoàn toàn 100%. Nhưng suy đoán và giả thuyết không có tư cách pháp lý nên không thể căn cứ vào đó mà buộc tội được.

- Thứ hai.
Khi quan sát vết thương, ông Tín mô tả lại như sau: “Tôi chỉ thấy viên đạn để lại một dấu chấm đen nhỏ xíu ở càm bên trái cách mép môi bên trái 1cm khoảng 45 độ về phía dưới. Viên đạn cũng để lại một chấm đen nhỏ xíu trên đỉnh đầu bên phải”.

Theo mô tả của ông Tín thì viên đạn đi từ dưới càm trổ ra đỉnh đầu, có nghĩa là từ dưới lên trên. Thế nhưng trong Bản tường trình ông viết: ”…người cảnh sát lẽn vào mai phục trong phòng Tướng Hiếu”.

Mai phục là ẩn náu ở một nơi kín đáo chờ tấn công bất ngờ, để tránh bị phát hiện như thế thì phải ở xa chỗ ngồi của Tướng Hiếu.

Vì ở xa nên không thể bắn từ dưới càm lên đỉnh đầu được.

Làm thế nào để người cảnh sát có được khẩu súng mà Tướng Hiếu luôn mang theo mình? Dùng nó để bắn chết Tướng Hiếu?

- Thứ ba.
Thời gian không đủ để thực hiện một âm mưu to lớn và tối mật có liên hệ đến nhiều người. Nội dung Bản tường trình như sau:

- 8 giờ sáng, Nguyễn Thành Trung ném bom Dinh Độc Lập
- Sau đó TT Thiệu ra lịnh kiểm tra vị trí của các tướng lãnh trên toàn 4 quân khu.
- Khi đó chỉ có Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu và Chuẩn Tướng Trần Quang Khôi đang ở Gò Dầu Hạ, tỉnh Tây Ninh. Tướng Hiếu về Bộ Tư Lệnh QĐ3 vào lúc 9giờ sáng.

Về thời gian thì tất cả những hành động nêu trên ít nhất cũng phải mất 2 tiếng đồng hồ. Vậy thì có thể xem như toàn bộ âm mưu được thực hiện từ 10 giờ sáng đến xế chiều. Một âm mưu gồm có rất nhiều người tham gia. Đó là:

-Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn, Tư Lịnh QĐ3.
- Trung Tá Lý Ngọc Dưỡng, chánh văn phòng của Tướng Toàn.
- Đại Tá Lê Trọng Đàm, Chỉ Huy Trưởng Cảnh Sát QĐ3.
- Người cảnh sát làm sát thủ.

Tổng Thống Thiệu ra lịnh giết Tướng Hiếu bằng điện thoại hay bằng công điện mật mã, hay cử người đi từ Sài Gòn lên Biên Hòa? Chi tiết nào chứng minh Tổng Thống Thiệu ra lịnh cho Tướng Toàn?

Đi từ Sài Gòn lên Biên Hòa phải mất khoảng 40 phút. Ra lịnh bằng điện thoại không thể bảo mật được. Công điện mật thì phải có người giải mã, đệ trình cho Tướng Toàn, nên khó bảo vệ tối mật được.
Ngoài ra còn có những người liên hệ như chiếc xe nào, tài xế nào chở viên cảnh sát đến và rước về. Phải có người nào đó đưa sát thủ vào văn phòng của Tướng Toàn…
Phòng làm việc của Tư Lịnh QĐ3 luôn luôn được canh phòng cẩn mật, không phải là một nơi công cộng mà ai muốn vào, muốn ra lúc nào cũng được.
Một kế hoạch mưu sát như thế thì cần phải cần sự phối hợp của nhiều người để phân công thực hiện từng chi tiết, ăn khớp với nhau mới thống nhất hành động được.

- Thứ tư
Kế hoạch tấn công phải đi kèm theo kế hoạch rút lui khi thất bại.
Những người thực hiện âm mưu ám sát Tướng Hiếu là những sĩ quan cao cấp, đã rất quen thuộc với những kế hoạch về chiến thuật và chiến lược. Có kế hoạch tấn công thì cũng phải có kế hoạch rút lui an toàn khi thất bại. Trường hợp người cảnh sát thất bại, bị bắt thì những người chủ mưu và thừa hành phải được an toàn. Vì thế, bốn bị cáo nêu trên (Toàn, Dưỡng, Đàm) không ai dại gì trực tiếp đứng ra chỉ đạo việc ám sát một tướng lãnh đang giữ chức vụ quan trọng của QLVNCH như Tướng Hiếu.
Tóm lại, một âm mưu tối mật do nhiều người thực hiện, không có thể thi hành từ lúc 10 giờ sáng đến xế chiều trong ngày 8-4-1975.

6* Tiểu sử Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu
Nguyễn Văn Hiếu sinh ngày 24-6-1929 tại Thiên Tân, Trung Hoa. Năm 1933 gia đình dọn về sinh sống ở tô giới Pháp là Thượng Hải. Năm 1949, Mao Trạch Đông lên nắm chính quyền, ông Hiếu đang theo học tại Đại Học Aurore, gia đình trở về Sài Gòn. Năm 1950 chuyển ra Hà Nội.

Ngày 8-4-1975, Tướng Hiếu chết tại phòng làm việc. Ngày 10-4-1975 Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ký quyết định truy phong cấp trung tướng cho Tướng Hiếu.

Tang lễ được tổ chức theo lễ nghi quân cách và an táng tại Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa, bên cạnh phần mộ của cố Đại Tướng Đỗ Cao Trí.

Lúc 8 giờ tối ngày 29-4-1975, bà quả phụ cố Trung Tướng Nguyễn Văn Hiếu và 6 người con được di tản bằng trực thăng Chinook ra Hạm Đội 7 đậu ngoài khơi Vũng Tàu, sang định cư tại Philadelphia, bang Pennsylvania, HK.

7* Binh nghiệp
Cuối năm 1950, ông nhập ngũ vào Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt (khai giảng ngày 5-11-1950).
Tốt nghiệp khóa 3, Trần Hưng Đạo, (ngày 25-6-1951) cấp bậc thiếu úy hiện dịch trong Quân Đội Quốc Gia thuộc khối Liên Hiệp Pháp.
Năm 1953 thăng trung úy. Do sức khỏe kém (bịnh lao phổi) nên phải vào Nam phục vụ ở Phòng 3 (Phòng Hành Quân) tại Bộ Tham Mưu, dưới quyền Đại Tá Trần Văn Đôn.
Năm 1954 thăng đại úy. Tháng 8 năm 1957 thăng thiếu tá. Tướng Trần Văn Đôn rút ông về phục vụ tại Phòng 3 của Bộ Tư Lịnh Quân Đoàn 1. Cuối năm 1962 đi học khóa Chỉ Huy và Tham Mưu tại Học Viện US Army Command and General Staff College Fort Leavenworth, bang Kansas, Hoa Kỳ. Tháng 8/1963 trung tá Tham mưu trưởng Sư đoàn 1BB do Thiếu Tướng Đỗ Cao Trí làm tư lịnh.
Sau đảo chánh 1963, giữ chức Quyền Tư Lịnh trong một thời gian ngắn, thay Đỗ Cao Trí. Sau đó được cử làm Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn 1, thay Đại Tá Trần Thanh Phong đi giữ chức Tư Lịnh Sư Đoàn 1BB
Ngày 1-1-1964 ông được cử làm Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn 2. Tháng 9/1964 nắm Tư Lịnh Sư đoàn 22BB, thay thế Thiếu Tướng Linh Quang Viên đi làm Giám đốc Nha An Ninh Quân Đội. Tháng 10/1964 bàn giao Sư Đoàn 22BB cho Đại Tá Nguyễn Xuân Thịnh, trở về giữ chức Tham Mưu Trưởng QĐ2.
Tháng 5/1965 thăng đại tá. Tháng 6/1966 trở lại làm Tư Lịnh Sư Đoàn 22BB, thay Chuẩn Tướng Nguyễn Thanh Sằng đi làm Tư Lịnh Phó Quân Đoàn 2.
Ngày 1-11-1967, được vinh thăng chuẩn tướng. Tháng 8/1969, bàn giao SĐ 22BB cho Chuẩn Tướng Lê Ngọc Triễn, để đi làm Tư Lịnh Sư Đoàn 5BB, thay thế Thiếu Tướng Phạm Quốc Thuần về làm Chỉ Huy Trưởng Trường Bộ Binh Thủ Đức.
Năm 1970, được vinh thăng thiếu tướng. Tháng 6 năm 1971 bàn giao SĐ 5BB cho Đại Tá Lê Văn Hưng để đi làm Tư Lịnh Phó Quân Đoàn 1 do Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm làm Tư Lịnh.
Ngày 10-2-1972, Tướng Hiếu được Phó Tổng Thống Trần Văn Hương đề cử giữ chức Phụ Tá đặc trách trong Ủy Ban Bài Trừ Tham Nhũng.
Cuối tháng 10/1973 được bổ nhiệm Tư Lịnh Phó Quân Đoàn 3 đặc trách hành quân.
8* Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu là vị tướng tài ba và thanh liêm.
Đại Tá Trịnh Tiếu mô tả “Tướng Hiếu là một tướng lãnh tài đức vẹn toàn”. Có trình độ văn hóa cao, thông thạo Anh và Pháp ngữ, thông minh và trí nhớ tốt. Đánh giặc có bài bản theo lý thuyết quân sự nổi tiếng.
Tướng Hiếu đã từng giữ những chức vụ điều động những đại đơn vị như Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn 1 và TMT/QĐ2. Tư Lệnh Phó Quân Đoàn 3. Trước đó đã từng giữ chức Tư Lệnh các Sư Đoàn 22BB và SĐ 5BB

9* Kết luận
Những nguyên nhân gây ra cái chết của Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu, một vị tướng lãnh tài ba lỗi lạc của QLVNCH vẫn còn chìm trong vòng bí ẩn.
Tướng Hiếu không phải chết do tại nạn, súng bị cướp cò trong khi lau chùi. Cũng không phải tự tử hay do Tướng Toàn bắn trong một vụ cãi vã. Chuẩn Tướng Lý Tòng Bá xác nhận trong thời gian Tướng Hiếu chết thì Tướng Toàn họp với ông ở một phòng trong Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn.
Nghi vấn cái chết do hung thủ là một cảnh sát dưới quyền của Đại Tá Lê Trọng Đàm, Chỉ Huy Trưởng Cảnh Sát Quân Đoàn 3, không thuyết phục.
Sau gần 40 năm điều tra của ông Nguyễn Văn Tín cũng chưa có chứng cớ thật sự nào về cái chết của Tướng Hiếu cả.
Tướng Hiếu chết 22 ngày trước cái chết của Việt Nam Cộng Hòa (30-4-75). Tất cả để lại nổi đau của một dân tộc, Việt Nam Cộng Hòa.

Trúc Giang
Minnesota ngày 2-3-2015

Ý kiến bạn đọc
04/03/201507:50:54
Khách
Thật sự rành rành , khi nhiều cái miệng chỏ vào thì mọi sự hỏng bét.
Phải dùng suy tư của một người điều tra nhà nghề thì mới xong.
1.- Văn phòng của Tư Lệnh Phó Quân Đoàn III không phải ai ai cũng vào được .
Ngoài cửa văn phòng Phó Tư Lệnh luôn luôn có Quân cảnh túc trực khi có mặt Tướng Hiếu làm việc hay không làm việc .
Ngoài ra còn có Sỉ quan tùy viên làm việc kế phòng bên.
2.- Tướng Hiếu đang chuẩn bị hồ sơ tố cáo Tướng Toàn , cho nên Tướng Hiếu rất cẩn trọng những người lạ mặt xin hẹn gặp mình .
3.- Tướng Hiếu là tay súng bắn rất giỏi . Ông là tướng trận chớ không phải tướng văn phòng đôn lên.
4.- Sau lưng Tướng Toàn thì có Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đỡ lưng. Mặc dầu TT Thiệu biết từ lâu Tướng Toàn nầy là tay tham ô và dâm dục , nhưng Thiệu vẩn dùng.
5.- Sau lưng Tướng Hiếu có Phó Tổng thống Trần Văn Hương, một ông già luôn chủ trương " những người hai ta sẽ bị Trời hại lại ..."
Cho nên đi chung với Ông Hương nầy có ngày Trời đánh trật thì mình lảnh đũ búa của Thiên Lôi .
Nếu Phó Tổng thống Hương nói với Tướng Hiếu : " Thôi bỏ qua vụ nầy đi - Tôi Phó Tổng thống Trần Văn Hương không đỡ nổi chưởng tàn độc của nhóm Thiệu đâu ...." thì chắc chắn Tướng Hiếu sẽ xếp vụ hồ sơi tham nhũng qua một bên .
Cho nên ai có quyền vào sồng sộc văn phòng tướng Hiếu thì chỉ có xếp của tướng Hiếu vào được văn phòng tướng Hiếu mà Quân cảnh không dám làm gì cả.
Đó là Tướng Toàn đấy .
Khi vào văn phòng tướng Hiếu thì tướng Hiếu phải đứng lên chào , thình lình lúc đó tướng Toàn móc súng nơi hông bắn chết tướng Hiếu bằng 2 phát đạn vào đầu + càm lập tức .
Bắn đạn vào đầu như thế chúng ta không lạ gì bọn sát thủ giết người , hay bọn Mafia sát thủ giết người 
Chỉ cần bắn vào đầu 2 viên đạn là Trời cứu .
Vì nếu bắn vào bụng hay ngực thì tướng Hiếu sẽ bắn lại là cái chắc .
Sau khi bắn tướng Hiếu xong, thì tên Quế tướng Công Trần Văn Toàn cho quân cảnh của mình bắt quân cảnh tướng Hiếu đi chổ khác, có thể thủ tiêu cho tiện việc sách vở.
6.- Đừng suy nghĩ vần vơ, cái gì cũng đỗ thừa cho tụi CIA...
Như vừa qua một người chống TT Putin Nga là Boris Nemtsov bị đám sát thủ của Putin cho người bắn chết , thế mà có nhiều tụi ngu si đần độn cho rằng CIA bắn chết Nemtsov đề hại uy tín TT Putin .
Nói ngu như cục c vậy.
Trở lại vụ Tướng Hiếu bị ám sát chết , thì lúc đó báo chì Saigon được lệnh TT Thiệu cho tung tin là tướng Hiếu lau chùi súng rồi bị cướp cò trúng mặt chết .
7.-Báo chí Saigon nói như vậy chỉ có mấy thằng điên nhà thương Biên Hòa nó mới tin .
Vậy mà đám người sau nầy cho là CIA thừa cơ lẹn vào bắn chết tướng Hiếu rồi đỗ lỗi cho tướng Toàn . Tại sao lại có đám người ngu còn hơn con chó lại tin vụ nầy nữa vậy ta ?
Dĩ nhiên đám nầy trọn đời dốt là cái chắc , thi đâu rớt đó mới xứng đáng là dận có 4000 năm Văn Hiến là vì vậy .


Mục Lục

Giới Thiệu (Đại Tá Raymond R. Battreall)
Dẫn Lối
Ghi Ơn

Trang Gốc


Thứ Tự Thời Gian Của Các Bài Đăng

18.18.2020: Thiếu Úy và Thiếu Tướng
05.12.2019: Tham Nhũng Quân Đội Bán Súng Cho Việt Cộng
05.11.2019: Thiện Xạ
26.03.2019: Bình Định/Việt Nam Hóa Chiến Tranh và Sư Đoàn 5 Bộ Binh
02.07.2018: Một Cái Nhìn Mới về Trận Ia Drang
20.05.2018: Thông báo (Trần Văn Thưởng)
15.10.2017: Hành Quân Long Reach
30.08.2017: Trận LZ X-Ray (General Knowles)
21.04.2017: Đóng góp cho Trận Ia Drang/Wikipedia
08.04.2017: Tưởng-niệm 42 năm đại tướng quân Nguyễn-văn-Hiếu tuẫn-quốc
18/03/2017: Chiến Thuật và Chiến Lược - Phần 19
16/01/2017: Vài Nét Sinh Hoạt Của Đại Tá Hiếu Sau Vụ Đảo Chánh 1/11/63
07.09.2016: Chiến Thuật và Chiến Lược - Phần 18
09.07.2016: Hành Quân Giải Tỏa Trại Pleime
26.06.2016: Chuyện Đời, Chuyện Người ...
06.06.2016: Một Cuộc Tấn Kích Trực Thăng Vận Kỳ Quặc
21.05.2016: Một Cái Nhìn Tổng Quan về Chiến Dịch Pleime
13.03.2016: Hành Quân Pleime-Chuprong Oanh Tập B-52
19.02.2016: Việc Xử Dụng Oanh Kích B-52 Trong Chiến Dịch Ia Drang, Bí Mật Quân Sự Giữ Kín Nhất của Tướng Westmoreland
16.02.2016: Đoạn Trích Các Ghi Chú Lịch Sử Của Tướng Westmoreland Liên Quan Đến Chiến Dịch Pleime-Chuprong-Iadrang
11.02.2016: Tướng Hiếu Bị Ám Sát: Sự Kiện và Giả Tưởng
03.02.2016: Hành Quân Bãi Đáp X-Ray
29.01.2016: Đại Tá Hal Moore Tự Đề Cao trong sách “We Were Soldiers Once ... and Young”
17.01.2016 : Đại Tá Hal Moore Hiểu Nhầm Sứ Mạng Được Giao Phó tại Trận Ia Drang
22.10.2015: Không Chiến trên Không Phận Pleime-Chuprong
30.07.2015: Cập Nhật và Phân Tích Thêm "CL-CT"-Phần 17
11.07.2015: Chiến Thuật và Chiến Lược 17
09.07.2015: Tướng Hiếu Khiến Tôi Tìm Về Trại Phong Cùi Tại Di Linh
30.06.2015: Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu Bán Vũ Khí Cho Việt Cộng và Nỗi Oan Khiên của Chuẩn Tướng Trần Quốc Lịch
27.06.2015: Tại Sao Tổng Thống Thiệu Giết Tướng Hiếu?
24.06.2015: TƯỚNG ĐỖ CAO TRÍ NGƯỜI CHẾT KHÔNG YÊN
30.05.2015: Tiểu sử Tướng Hiếu qua hình ảnh
26.05.2015: Vấn Đề Tình Báo Hoa Kỳ và cái Chết Bí Mật của Các Tướng Lãnh Tài Ba QLVNCH
25.05.2015: Hai hình mới trong tập hình Tướng Hiếu năm 1935 và năm 1949
23.05.2015: Phương Pháp Tình Báo Thu Lượm Thông Tin Sự Kiện về cái Chết Tướng Hiếu
21.05.2015: Một Số Bàn Tán về Tin Thủ Phạm Giết Tướng Hiếu
07.05.2015: Vén Màn Bí Mật về cái Chết Tướng Hiếu
06.05.2015: Trận Liệt Cộng Sản tại Vùng 3 Chiến Thuật (ngày 31/01/1974)
28.04.2015: Hình Ảnh Xa Xưa Vô Giá
20.04.2015: Hành Quân Trải Thảm Bom B-52 tại Chuprong
03.04.2015: Tiểu sử Tướng Hiếu qua hình ảnh
31.03.2015: Chiến Thuật và Chiến Lược - Phần 16
13/03/2015: Tướng Lý Bá Hỷ
11.02.2015: Truyện kể về Anh Tôi, Tướng Hiếu - Chương XIII: Các Nét Độc Đáo Trong Nhân Cách Tướng Hiếu
23.02.2015: Tướng Lý Tòng Bá
11.02.2015: Truyện kể về Anh Tôi, Tướng Hiếu - Chương XII: Một Cái Chết Bí Ẩn
04.02.2015: Truyện kể về Anh Tôi, Tướng Hiếu - Chương XI : Quân Đoàn III
29.01.2015: Truyện kể về Anh Tôi, Tướng Hiếu - Chương X : Phủ Phó TổngThống
24.01.2015: Chiến Thuật và Chiến Lược - Phần 15
23.01.2015: Truyện kể về Anh Tôi, Tướng Hiếu - Chương IX : Quân Đoàn I
20.01.2015: Truyện kể về Anh Tôi, Tướng Hiếu - Chương VIII : Sư Đoàn 5 Bộ Binh
16.01.2015: Truyện kể về Anh Tôi, Tướng Hiếu - Chương VII : Sư Đoàn 22 Bộ Binh
14.01.2015: Truyện kể về Anh Tôi, Tướng Hiếu - Chương VI : Quân Đoàn I và Quân Đoàn II
07.01.2015: Truyện kể về Anh Tôi, Tướng Hiếu - Chương V: Sư Đoàn 1 Bộ Binh
09.01.2015: Chiến Thuật và Chiến Lược - Phần 14
07.01.2015: Truyện kể về Anh Tôi, Tướng Hiếu - Chương IV: US Command and General Staff College
07.01.2015: Truyện kể về Anh Tôi, Tướng Hiếu - Chương III: Bước Đầu Quân Ngũ
04.01.2015: Truyện kể về Anh Tôi, Tướng Hiếu - Chương II: Sinh Viên Sĩ Quan Trường Võ Bị Đàlạt
02.01.2015: Truyện kể về Anh Tôi, Tướng Hiếu - Chương I: Thời Niên Thiếu
22.12.2014: Tổng Thống Thiệu Sa Thải Năm Viên Chức Bộ Quốc Phòng Trong Vụ Lạm Dụng Quỹ Hưu Trí
06.12.2014: Chiến Thuật và Chiến Lược - Phần 13
04.12.2014: Cảm nghĩ về ‘Cái Chết Của Một Chiến Tướng’ (!)
05.11.2014: Chiến Thuật và Chiến Lược - Phần 12
10.10.2014: Các Thế Điều Quân Khó Hiểu tại Pleime-Chuprong-Iadrang
06.09.2014: Cuộc Lui Binh Từ Snoul ’71 (3)
11.08.2014: Trận Đánh LZ Albany - Dưới Mắt Quan Sát Viên Trung Cộng
24.07.2014: Chỉnh Sửa Các Lời Tường Thuật Sai Lầm về Trận Đánh Ia Drang
10.07.2014: Cứu Xét Một Hiểu Lầm Điển Hình về Trận Ia Drang
01.07.2014: Trung Tá Hal Moore Bị Cấp Trên Khiển Trách?
15.05.2014: Đại Tá Không Biết Tên
02.05.2014: Chiến Thuật Đánh Rập Kẻ Trộm Đêm Trong Chiến Dịch Pleime
26.04.2014: Trường Võ Bị Đàlạt - Khóa 3
25.04.2014: Chiến Thuật và Chiến Lược - Phần 3
25.04.2014: Hai lời kể khác nhau về cuộc hành quân Thần Phong 7 của Quân Đoàn II
21.04.2014: Số Phận Nghiệt Ngã Của Một Người Chiến Sĩ Quốc Gia Chân Chính
20.04.2014: Chiến Thuật và Chiến Lược - Phần 2
18.04.2014: Chiến Thuật và Chiến Lược
11.04.2014: Hai lời kể khác nhau về trận đánh LZ X-Ray của Quân Đoàn II
15.03.2014: Ai Bị Khiển Trách Sau Trận Đánh Snoul?
06.03.2014: Chiến Thắng Vũng Rô
05.03.2014: Nhận Diện Chân Dung Của Hai Quân Nhân Bộ Binh QLVNCH
25.02.2014: Trình Diện Tư Lệnh Sư Đoàn 22
24.02.2014: Cuộc rút quân từ Snoul '71 [2]
05.01.2014: Một Chút Vương Vấn Quân Sử Về Trận Đánh Snoul
10.10.2013: Vai Trò của Không Lực Hoa Kỳ trong Chiến Dịch Pleime
01.10.2013: Hệ Lụy Cuộc Lui Binh Từ SNOUL (71)
19.09.2013: Hệ lụy quanh cái chết của Trung Tướng Đỗ Cao Trí
07.09.2013: Chiến Dịch Pleime/Chuprong Phá Hủy Căn Cứ Mặt Trận B3
31.08.2013: Duyệt Xét Bản Báo Cáo “Khía Cạnh Tình Báo của Pleime/Chuprong”
24.08.2013: Khía Cạnh Tình Báo Của Chiến Dịch Pleime/Chuprong
19.08.2013: Nhân Đọc Lời Tường Thuật của Tướng Nguyễn Hữu An về Chiến Dịch Plây-me
11.08.2013: Phê Bình Nhận Xét của Tướng Bùi Nam Hà về Chiến Dịch Plâyme
01.06.2013: Sơn Viên - Hè 2013
25.04.2013: Tưởng Niệm 30-04 - Tưởng-Niệm Và Vinh-Danh Thiếu-Tướng Nguyễn-Văn-Hiếu
01.04.2013: Tình Hình Phước Long Tháng 12 Năm 1974
23.03.2013: Nét Ngây Ngô của Tướng Kinnard trong Chiến Dịch Pleime
12.03.2013: Thành Ngữ Võ Thuật tại Chiến Dịch Pleime
06.03.2013: Vài Chứng Từ Liên Quan Đến Cái Chết Của Tướng Hiếu
25.01.2013: Tướng Hiếu và các Cố Vấn Mỹ
01.01.2013: Mạo Hiểm vào Hang Cọp tại Thung Lũng Ia Drang
24.12.2012: Tướng Nguyễn Văn Hiếu, một Tướng Tuyệt Giỏi của QLVNCH
07.12.2012: Tướng Hiếu Dưới Mắt Nhìn của Giới Chức Mỹ
10.11.2012: Thần Phong 7
07.11.2012: Bản Tướng Mạo Tướng Hiếu
08.09.2012: Khái Niệm Hành Quân của Đại Tá Hiếu cho Trận LZ X-Ray
06.09.2012: Trung Tướng Trần Văn Trung
15.08.2012: Tướng Giáp (VC) ĐánhThua Trận An Lộc
08.07.2012: Ngày Dời Biệt Khu
04.07.2012: C̉hỉ Huy và Chỉ Đạo Oanh Tạc B-52 Tại Chuprong-Iadrang
30.06.2012: Oanh Tạc B-52 Theo Dõi Từ G3/IFFV
26.05.2012: Tướng Hiếu Th́p Tùng Tổng Thống Thiệu Thăm Viếng Đài Loan (ngày 30 tháng 5 năm 1969)
24.05.2012: Tướng Hiếu cùng Tướng Lữ Lan và Tướng Toàn tại BTL QĐIII (1975)
06.05.2012: Trận LZ X-Ray và LZ Albany Theo Dõi Từ G3/I Field Force Vietnam
01.05.2012: Hành Quân Long Reach Theo Dõi Từ Ban 3/I Field Force Vietnam
20.04.2012: Đường Về Biên Giới - QL.13
02.03.2012: Tình Báo, Yếu Tố Then Chốt trong Chiến Thắng Chiến Dịch Pleime
01.03.2012: Sứ Mạng Thật của Hal Moore và Tiểu Đoàn 1/7 Không Kỵ tại LZ X-Ray
12.02.2012: Tướng Giáp, một chiến tướng xuất chúng ?
12.02.2012: Gốc Gác Võ Bị của các Tướng Lãnh QLVNCH
10.02.2012: Ai Đáng Trách Trong Biến Cố Sàigòn Thất Thủ Năm 1975
17.01.2012: Hành Quân Vượt Tuyến Biên Giới Việt-Miên-Lào
10.01.2012: Một Bài Học Chủ Thuyết về Xử Dụng B-52 Oanh Tạc trong cuộc Pleime Phản Công
09.01.2012: Những Thế Nghi Binh Hỗ Trợ cho Oanh Tạc B-52 trong cuộc Pleime Phản Công
8.01.2012: Kế Hoạch và Thực Hiện Hành Quân Arc Lite trong cuộc Pleime Phản Công
06.01.2012: Việc gì xảy ra nếu không có đại kế hoạch cho cuộc Pleime Phản Công?
29.12.2011: Tính Chất Đặc Thù của Khái Niệm Hành Quân trong cuộc Pleime Phản Công
06.12.2011: Pleime, Trận Chiến Lịch Sử
27.10.2011: Chuẩn Tướng Lê Quang Lưỡng
11.10.2011: Chuẩn Tướng Nguyễn Văn Điềm
29.09.2011: Một Thiên Tài Quân Sự Lộ Hình Tại Mặt Trận Pleime-Chuprong-Iadrang
02.09.2011: Video Clips
31.08.2011: Tôi nhảy dù theo gót chân anh tôi !
21.08.2011: Điểm Danh Chiến Sĩ Tham Chiến Mặt Trận Pleime-Chuprong-Iadrang
10.08.2011: Thu Thập Tin Tức Tình Báo Tại Ia Drang
03.08.2011: Chuẩn Tướng Phan Đình Thứ tự Lam Sơn
28.07.2011: "Không Có Thì Giờ Suy Nghĩ Tại Ia Drang" ?
21.07.2011: Không Có Thì Giờ Suy Nghĩ: Đại Tá Moore Tại Ia Drang
13.07.2011: 52nd Combat Aviation Battalion Yểm Trợ Chiến Dịch Pleime
22.06.2011: Thử Tìm Giải Pháp Biển Đông Khả Thi
20.06.2011: Cuộc Phản Công Pleime vào Mật Khu Chuprong-Iadrang
09.06.2011: E-Book Tướng Hiếu có bán tại Google eBook Store
23.04.2011: Sinh Hoạt Hậu Trường Tại Các Bộ Tư Lệnh Việt Mỹ Trong Chiến Dịch Pleime
16.04.2011: E-Book
20.02.2011: Cựu Tổng Thống Thiệu Trả Lời Về Cái Chết Của Tướng Hiếu
13.02.2011: Hành Quân Ngoại Biên (70-71)
27.12.2010: Tướng Nguyễn Văn Hiếu, Một Chiến Tướng ?
18.11.2010: Những Điều Các Quân Sử Gia Không Lên Tiếng Liên Quan Đến Trận Đánh Tại Bãi Đáp X-Ray
29.10.2010: Từ Tổng Trấn Sàigòn Bước Sang Tư Lệnh Quân Đoàn III
05.10.2010: Cuộc mạn đàm với Đại tướng Cao Văn Viên
10.09.2010: Tướng Nguyễn Văn Quan và Biến Cố 1-11-1963
12.08.2010: Plâyme-Iadrăng Nơi Đụng Đầu Quân Mỹ
05.08.2010: Tướng Nguyễn Văn Hiếu, Một Thiên Tài Quân Sự?
25.07.2010: Hình mới Tướng Hiếu: (1), (2), (3), (4), (5).
24.07.2010: Nghi Lễ Chuyển Giao Căn Cứ Lai Khê (2) (Video clip)
13.07.2010: Nghi Vấn Cái Chết Của Tướng Nguyễn Văn Hiếu
18.06.2010: Tài Điều Binh Khiển Tướng Trong Chiến Dịch Pleime
16.06.2010: Một Tài Liệu về Trường Võ Bị Quốc Gia và Các Sĩ Quan Tốt Nghiệp
10.06.2010: LLXKQĐIII Hành Quân Snoul
03.06.2010: Hình Tướng Hiếu với Sĩ Quan Sư Đoàn 5 Bộ Binh (Trịnh Đình Tùng gửi tới)
28.05.2010: Một Ít Dữ Kiện Lịch Sử VN Cập nhật ngày 21.06.2010
24.05.2010: “Một Vòng Hoa Muộn, Một Nén Hương Thêm”
07.05.2010: Chiến Dịch Pleime và Chiến Dịch Pleiku
30.04.2010: Hình Sơn viên Mùa Xuân 2010
13.04.2010: Hình con cháu nhân ngày lễ giỗ Tướng Hiếu
06.04.2010: Tưởng Niệm 35 Năm
30.03.2010: Chiến Dịch Pleiku (18/11-26/11/1965)
29.03.2010: Thiên Tài Quân Sự
27.03.2010: Chiến Dịch Pleiku (09/11-17/11/1965)
13.03.2010: Tứ Đại Thiên Tài Quân Sự VN
13.03.2010: Chiến Dịch Pleiku (23/10-27/10/1965)
03.03.2010: Trung Tướng Cao Hảo Hớn
03.03.2010: Hành Quân Thần Phong 7 Theo Dõi Từ Ban 3/I Field Force Vietnam
28.02.2010: Trận Pleime Theo Dõi Từ Ban 3/I Field Force Vietnam
26:01.2009: Hình mới Tướng Hiếu (Bùi Ken gửi tới)
13.12.2009: Đại Tá Hà Vi Tùng tại Pleime-LZ Xray-LZ Albany
10.12.2009: Chiến Trường Bình Định Và Mãnh Sư Nguyễn Mạnh Tường
15.11.2009: Tướng Hiếu Tại Căn Cứ Lai Khê
13.11.2009: Nghi Lễ Chuyển Giao Căn Cứ Lai Khê (1) (Video clip)
12.11.2009: Vài Điều Cần Nên Biết Về Trận Đánh Pleime-Iadrang
19.10.2009: Nhất, Nhì
12.10.2009: Tướng Đỗ Cao Trí và Tôi
28.08.2009: Lượng Giá Tướng Trí, Tư Lệnh Quân Đoàn III
10.08.2009: Hình Tướng Lê Trung Tường (Ken Bùi gửi tới)
08.07.2009: Tiểu Sử Trung Tướng Lâm Quang Thi
26.04.2009: "Chiến Thắng Pleime" ?
16.04.2009: Các Thế Chiến Thuật Trong Trận Pleime
29.03.2009: Hai Tay Cờ Chính Trong Ván Cờ Pleime
07.03.2009: Nhật Ký Trận Pleime
07.02.2009: Tướng Hiếu, Một Chiến Thuật Gia Với Bộ Óc Chiến Lược Gia
28.01.2009: Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan và Huế trong Mậu Thân 1968
26.01.2009: Tướng Hiếu gặp Tướng Minh sau cuộc rút quân từ Snoul (6/1971)
19.01.2009: Tướng Lãnh Việt Cộng
18.01.2009: Các Tướng Lãnh Tư Lệnh QĐIV
17.01.2009: Cùng với Tướng Nguyễn Văn Minh (Nguyễn Ngọc Tùng gửi tới)
12.01.2009: Tướng Lãnh QLVNCH Tốt Nghiệp USACGSC
18.12.2008: Sĩ Quan QLVNCH Tốt Nghiệp US Army Command and General Staff College
13.12.2008: Từ Trị Pháp Đến Svây Riêng
07.12.2008: Phó Tổng Thống Hương Nói Chuyện Về Nạn Tham Nhũng
22.11.2008: Trường Hợp Tham Nhũng của Tướng Minh
20.11.2008: Thắp Đuốc Đi Tìm Nhân Tài Việt Nam
15.11.2008: Tham Nhũng tại Vùng 2 Chiến Thuật
08.11.2008: Tham Nhũng tại Vùng 3 Chiến Thuật
02.11.2008: Trường Hợp Tham Nhũng của Đại Tá Mạch Văn Trường
24.10.2008: Mặt Trận Đức Huệ
17.10.2008: Tướng Hiếu và Richard Peters
11.10.2008: Tướng Hiếu Thảo Luận về Mặt Trận Đức Huệ
09.10.2008: Tướng Hiếu Chẩn Đoán Chiến Lược của VC
05.10.2008: Tướng Toàn Được Bổ Nhiệm Tư Lệnh QĐIII
04.10.2008: Tướng Đống Được Bổ Nhiệm Tư Lệnh QĐIII
03.10.2008: Tướng Thuần Được Bổ Nhiệm Tư Lệnh QĐIII
01.10.2008: Quan Điểm Riêng của Tướng Hiếu về Trận Đánh Trị Tâm
30.09.2008: Tướng Hiếu Được Bổ Nhiệm Tư Lệnh Phó QĐIII
26.09.2008: Sắp Xếp Quân Trong Quân Đoàn III
21.09.2008: Các Mưu Toan Tấn Công Của Cộng Quân Tại V3CT
17.09.2008: Tin Tướng Hiếu Chết
12.09.2008: Trận Chiến Tại Xã An Điền
01.09.2008: Bản Phúc Trình Sau Trận Đánh Tại Bãi Đáp X-Ray - Trung Tá Hal Moore và Đại Tá Hiếu
24.08.2008: Tướng Tá Gốc Trường Võ Bị Thủ Đức/Nam Định
17.08.2008: Trung Tướng Dương Văn Đức
08.07.2008: Vài Mẩu Giai Thoại Về Trực Thăng
03.07.2008: Thuốc Giải Độc Nghị Quyết 36 CSVN
25.06.2008: Thuốc Độc Nghị Quyết 36 CSVN
24.06.2008: Tình Hình Quân Sự Ngày 10 Tháng 4 Năm 1975
10.05.2008: Tượng Đài Tướng Hiếu - Xuân 2008
09.05.2008: Trực Thăng Tướng Hiếu
14.04.2008: Nét Ngây Ngô của Tướng Schwarzkopf Trong Trận Đánh Ia Drang
30.03.2008: Video chiến dịch Đỗ Xá
25.03.2008: Hôm nay, www.generalhieu.com vượt qua cột kilômét cọc 1 triệu cú vào xem.
22.03.2008: Nơi An Nghỉ Ngàn Thu
06.03.2008: Trận Đánh Thung Lũng Ia Drang? Trận Nào?
22.11.2007: Hai Cái Nhìn Về Trận Đánh K'Nak Tháng 3 Năm 1965
10.11.2007: Lam Sơn 719
01.10.2007: Ai Giết Tướng Đỗ Cao Trí ?
01.09.2007: Cố Trung Tướng Trần Thanh Phong
27.08.2007: Thức Tỉnh
25.08.2007: Trận Pleime Qua Lăng Kính New York Times
14.08.2007: Bảy Ngày Giết Chóc
09.08.2007: Cái Chết của một Chiến Tướng
06.08.2007: Tướng Patton của Vùng Mỏ Vẹt
27.07.2007: Hà Nội Tấn Công Mùa Mưa
12.07.2007: Hình Tướng Phan Đình Soạn
06.07.2007: Tướng Timmes và Tướng Hiếu
10.04.2007: Tướng Đống Bàn về Tình Hình Quân Sự Tháng Giêng Năm 1975 tại QĐIII
07.04.2007: Tướng Hiếu Phân Tích Tình Hình Quân Sự Tháng Giêng Năm 1975 Tại QĐIII
05.04.2007: Việt Cộng Cầu Viện Trung Cộng
31.03.2007: Những Điều VC Dấu Nhẹm Quanh Trận Pleime
20.03.2007: Vidéo Sơn Viên mới
18.03.2007: DSCĐ trong Công Tác Phòng Thủ Trại (Plei Me)
02.03.2007: Duyệt Trình Cuốn Sách "Why Pleime"
22.02.2007: Video Tượng Đài Tướng Hiếu
21.02.2007: Video Tập Hình Tướng Hiếu
11.02.2007: Why Pleime - Chương IX: C. Sổ Nhật Ký của một Cán Bộ Việt Cộng
08.02.2007: Xem Video Lễ Bế Mạc Khoá 1 Võ Bị Đà Lạt
08.02.2007: Why Pleime - Chương IX: B.Các đặc điểm của Sư Đoàn 1 Không Kỵ Mỹ
07.02.2007: Why Pleime - Ghi Nhận
05.02.2007: Why Pleime - Lời Tựa
04.02.2007: Why Pleime - Lời Mở Đầu
04.02.2007: Why Pleime - Chương I: Chiến ̣Dịch Năm 1954 của Việt Minh Trên Cao Nguyên
03.02.2007: Why Pleime - Chương II: Cùng Một Trận Chiến Nhưng Khác Nhau Xa
01.02.2007: Why Pleime - Chương IX: D. Tài Liệu Tham Khảo
31.01.2007: Why Pleime - Chương IX: A. Tiêu lệnh tác chiến điều Trung Đoàn 32 lập ổ phục kích
29.01.2007: Why Pleime - Chương VIII: Kết Luận
28.01.2007: Why Pleime - Chương X: Lời Bạt
27.01.2007: Why Pleime - Chương VII: Nỗi Thất Vọng của Việt Cộng
26.01.2007: Why Pleime - Chương V: Trận Đánh trong Rặng Núi Chu Prông
22.01.2007: Why Pleime - Chương VI: Đòn Đánh Kết Liễu Tại Ia Drang
22.01.2007: Why Pleime - Chương IV: Phá Vỡ Vây Lấn tại Pleime
21.01.2007: Why Pleime, Trận Chiến Lịch Sử - Chương III: Ý Định của Việt Cộng tại Pleime
18.01.2007: Diễn Biến Chiến Lược và Chiến Thuật trong Chiến Dịch Pleime
08.01.2007: Chiến Dịch Pleime hay Chiến Dịch Pleime-Iadrang?
30.12.2006: Lời bàn về Người Chính Ủy Trong Trận Đầu Thắng Mỹ ở Tây Nguyên
20.12.2006: Thiếu Tướng Bùi Đình Đạm
18.12.2006: Người Chính Ủy Trong Trận Đầu Thắng Mỹ ở Tây Nguyên
16.12.2006: Xác Định Giá Trị Quân Lực VNCH (bài giảng thuyết)
24.11.2006: Điều Gì Thật Sự Xảy Ra Tại Trận Đánh Ia Drăng
19.11.2006: Sa Mù của Cuộc Chiến: Cái Nhìn Việt Cộng về Trận Đánh Ia Drăng
13.11.2006: Trung Đoàn 66 BV trong Chiến Dịch Plây Me-Ia Drăng
24.10.2006: Đòn phủ đầu quân Mỹ ở Tây Nguyên hay ở Đà Nẵng?
15.10.2006: Tái Thẩm Định Quân Lực VNCH
14.10.2006: Đòn phủ đầu quân Mỹ ở Tây Nguyên
09.10.2006: Lễ Bế Mạc Khoá 1 Võ Bị Đà Lạt
05.10.2006: Trung Tướng Nguyễn Văn Hinh
23.09.2006: Chiến Dịch Tiến Công Plây Me và Bài Học Kinh Nghiệm Chọn Khu Vực Tiến Công
04.09.2006: Bạch Phượng XI
02.09.2006: Quyết Thắng 202
22.08.2006: Tướng Lãnh QLVNCH Đối Ứng Với Việt Cộng Nằm Vùng
28.07.2006: Tướng Hiếu trong Wikipedia tiếng Việt
19.07.2006: Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh
16.06.2006: Chuyện Kể Của Người Lính QLVNCH
14.05.2006: Các Tư Lệnh Sư Đoàn và Quân Đoàn QLVNCH
11.05.2006: Đại Tá Bùi Dzinh, Thủ Khoa Khóa 3 TVBLQĐL
22.04.2006: Sư Đoàn 1 Kỵ Binh Mỹ Hỗ Trợ Trong Trận Plei Me
07.04.2006: Tướng Phan Đình Soạn Tử Nạn Trực Thăng
12.03.2006: Trận Chiến Plei Me
21.02.2006: Pleime Chiến Đấu Tại Khúc Quanh Cuộc Chiến
22.01.2006: Lượng Giá Tình Hình Nam Việt Nam Tháng 3/1975
16.01.2006: Hai Lần Xâm Nhập Mật Khu Đỗ Xá
26.12.2005: Sự Thật về Chiến Dịch Pleime
15.12.2005: Chiến Dịch Plây Me
12.12.2005: Lực Lượng Đặc Biệt Nhảy Vào Đỗ Xá
12.12.2005: Tái Bút Thư Trả Lời Tướng Trần Quang Khôi
07.12.2005: Lễ Giáng Sinh Cuối Cùng: Phước Long
27.11.2005: Canh Tàn tại Nam Việt Nam
22.11.2005: Hai Mặt Trận tại Bình Dương
15.11.2005: Trận Chiến Căm Bốt
05.11.2005: Abrams Tapes 1968-1972 - Các Đoạn Trích về QLVNCH
26.10.2005: Tưởng Thưởng Anh Dũng Bội Tinh
26.10.2005: Cập nhật tiểu sử Tướng Nguyễn Văn Phước
12.10.2005: Tướng Hiếu và Tướng Creighton Abrams Cập nhật ngày 29.10.2005
07.10.2005: Hình ảnh buổi ra mắt sách tại vùng Hoa Thịnh Đốn do nhiếp ảnh gia Kiều Lan chụp.
04.10.2005:
Ý Tứ và Quan Tâm Đối Với Tha Nhân
01.10.2005: Phóng Sự Truyền Thanh Buổi Giới Thiệu Sách Tướng Hiếu tại Vùng Hoa Thịnh Đốn
25.09.2005: Đọc Tác Phẩm "Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu"
12.09.2005: Thiếu Tướng Đỗ Kế Giai
04.09.2005: Về Thư Ngỏ Của Tướng Trần Quang Khôi
25.08.2005:
The New York Times Tường Thuật Hành Quân Đỗ Xá
22.08.2005: Sắc Lệnh Ân Thưởng Quân Phong Bội Tinh
21.08.2005: Trung Tướng Đổng Văn Khuyên
21.08.2005: Trung Tướng Nguyễn Viết Thanh
13.08.2005: Trung Tướng Ngô Dzu
08.08.2005: Cặp Bài Trùng Quân Sự Trí Hiếu
02.08.2005: Trận Snoul và Thông Tấn Xã Hà Nội
19.07.2005: Quyền Sư Ðoàn Trưởng SÐ1
17.07.2005: Lượng Giá Sư Đoàn 5 Bộ Binh
01.06.2005: Tham Mưu Trưởng Sư Đoàn 1 Bộ Binh
08.05.2005: Tướng Hiếu Chọn Tôi Làm Tiểu Đoàn Trưởng TĐ2/8
05.05.2005: Đơn Giản, Thanh Bạch và Bác Ái
02.05.2005: Hào Kiệt Nước Nam Không Đời Nào Thiếu
08.04.2005: Nghệ Thuật Lui Binh
15.03.2005: Cuộc Đời Binh Nghiệp Thăng Trầm của Tướng Hiếu Cập nhật ngày 06.07.2005
24.02.2005: Chương Trình Bình Định
06.02.2005: Quân Lính Việt Nam Có Ra Gì Không?
19.01.2005: Một Tướng Bình Dị
12.01.2005: Tốt Nghiệp Đại Học Harvard
01.01.2005: Tướng Hiếu và Mê Tín Dị Đoan Cập nhật ngày 11.10.2005
13.12.2004: Tướng Hiếu, SVSQ Khóa 3 Trần Hưng Đạo
28.09.2004: Bản Tường Trình Kết Thúc Về Cái Chết Tướng Hiếu
03.09.2004: Thêm Một Ít Chứng Từ Cập nhật ngày 06.10.2004
05.08.2004: Báo Cáo Tiến Triển Trong Quân Đoàn II
23.07.2004: Tuyển Lựa Tiểu Đoàn Trưởng TĐ1/8
06.07.2004: Phòng Thủ Căn Cứ Lai Khê
16.05.2004: Trung Tướng Trần Văn Trung
13.05.2004: Trung Tướng Vĩnh Lộc
07.05.2004: Mừng Cụ Hướng Thọ 100 tuổi
12.04.2004: Sắc Lệnh Thăng Cấp 39 Tướng Lãnh 16/03/1974
11.04.2004: Thiếu-Tướng Võ Văn Cảnh
06.04.2004: Tượng Đài Cập nhật ngày 09.04.2004
01.04.2004: Thiếu Tướng Lâm Quang Thơ
27.03.2004: Trung Tướng Nguyễn Hữu Có
20.02.2004: Chuẩn Tướng Nguyễn Văn Phước
19.02.2004: Thống Tướng Lê Văn Tỵ
11.02.2004: Đại Tướng Trần Thiện Khiêm
03.02.2004: Trận Snoul Và Những Hậu Quả
01.02.2004: Đại Tướng Dương Văn Minh
08.01.2004: Đại Tướng Nguyễn Khánh
08.01.2004: Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn
07.12.2003: Trên Hết Một Kitô-hữu
02.12.2003: Tình Hình Chiến Sự Tại Mặt Trận Snoul
15.11.2003: Các Khó Khăn SĐ5 Gặp Phải Trong Chương Trình Việt Nam Hóa Chiến Tranh
07.11.2003: Hình mới của Đại Tá Hiếu tại Chiến Dịch Đỗ Xá
02.11.2003: Trận Snoul Dưới Mắt VC
29.10.2003: Cựu Đại Tá QLVNCH
18.10.2003: Khẩu Súng Lục P38 Tướng Hiếu Ưa Thích
01.10.2003:
Thư Viết Từ Việt Nam Cập nhật ngày 15.10.2003
16.09.2003: Tướng Hiếu, Bạn Tôi
04.09.2003: Đại Tá John Hayes, Cố Vấn Trưởng Sư Đoàn 5 Bộ Binh
28.08.2003: Đề Đốc Lâm Ngươn Tánh
17.07.2003: Danh Sách Tướng Lãnh QLVNCH (2)
07.07.2003: Nỗi Khổ Tâm Của Tướng Hiếu Cập nhật ngày 14.08.2003
12.05.2003: Sư Ðoàn Trưởng SÐ5 Cập nhật ngày 31.05.2003
22.04.2003: Tướng Trương Quang Ân
21.04.2003: Sư Ðoàn Trưởng SÐ22
20.02.2003: Ðiếu Văn Lễ Tang Ðại Tá Couch
27.01.2003: Hành Quân Lộc Ninh
14.12.2002: Đại Tá Hiếu và Đại Tá Mataxis, Tham Mưu Trưởng và Cố Vấn Trưởng QĐII
29.11.2002: QĐII Đối Phó Với Các Cuộc Tấn Công VC Tại Phú Bổn, Pleiku Và Kontum
24.11.2002: Chiến Dịch Ðông Xuân 1965 Việt Cộng và Chiến Lược của Quân Ðoàn II
16.11.2002: Giải Cứu Trại LLÐB Ðức Cơ
30.10.2002: Tấn Công và Phản Công trên Quốc Lộ 19
20.10.2002: Hành Quân Khai Lộ
12.10.2002: Tham Mưu Trưởng Quân Ðoàn II Cập nhật ngày 19.10.2002
02.10.2002: Vài Nét Chấm Phá Thời Kỳ Tham Mưu Cập nhật ngày 16.11.2002
27.08.2002: Tướng Patton và Tướng Hiếu: Một Con Người Kỷ Luật
04.08.2002: Phi Ðoàn 52 LQHK Yểm Trợ Chiến Dịch Đỗ Xá
29.07.2002: Bản Dịch Diễn Văn Tướng Hiếu Ðọc Ngày 14/07
21.07.2002: Nỗi Buồn Vui Của Đặc Trách Viên Chống Tham Nhũng Cập nhật ngày 16.09.2002
30.06.2002: Chuẩn Tướng Trần Văn Nhựt
22.06.2002: Tướng Hiếu và Băng Miền Tây
13.06.2002: Lá Thư Thứ 3 Xác Nhận Sự Kiện Cập nhật ngày 18.06.2002
24.05.2002: Tường Trình Vụ QTKQÐ
17.05.2002: Vụ Tham Nhũng Của Ðại Tá Trần Trọng Nghĩa
16.05.2002: Tướng Hiếu Duyệt Xét Nỗ Lực Chống Tham Nhũng:
15.05.2002: Ba Vụ Tham Nhũng: Dụng, Cảnh Sát Tư Pháp và Phụng Hoàng
14.05.2002: Tham Nhũng Trong Giới Tư Pháp
13.05.2002: Bảy Ðại Tá Bị Phạt Trong Vụ QTKQÐ
12.05.2002: Tướng Hiếu Nói Về Sắc Luật Ðặc Biệt Về Tham Nhũng
11.05.2002: Tướng Hiếu Nói Về Tham Nhũng
04.05.2002: Phó Ðề Ðốc Hoàng Cơ Minh
02.05.2002: Tướng Lãnh 1967
21.04.2002: Lập Trường Phi Chính Trị Của Tướng Hiếu
20.04.2002: Đại Tá Hiếu Và Binh Biến 13/09/1964
17.04.2002: Tình Hình Quân Sự Ngày 8-9/4/1975
08.04.2002: Slideshow Chiến Xa
07.04.2002: Slideshow Tập Hình Ảnh Tướng Hiếu
31.03.2002: Ý Kiến Tướng Hiếu Về Chương Trình Việt Nam Hóa
15.02.2002: Thiếu Tướng Nguyễn Xuân Trang
16.01.2002: Mạn Đàm Với Tướng Lê Minh Đảo
06.01.2002: Trận Đánh Đức Cơ
04.01.2002: Đối Chiếu Tướng Patton và Tướng Hiếu
06.12.2001: Yểm Trợ Chiến Dịch Đỗ Xá
17.11.2001: Phỏng Vấn Ông Richard Peters
17.10.2001: Trang Nhà Tướng Hiếu Trên Mạng Lưới
09.09.2001: Tư Lệnh Phó Vùng Sàigòn Bị Bắn Chết
01.09.2001: Đối Chiếu Tướng Patton và Tướng Hiếu (tạp ghi)
25.08.2001: Trận Snoul Theo Lời Tường Thuật Báo New York Times
24.08.2001: Thiệu Sa Thải Bộ Trưởng Quốc Phòng
19.08.2001: Quân Đội Việt Nam: Buôn Lậu Á Phiện
07.08.2001: Guồng Máy của Khiêm: Tất Cả Trong Gia Đình
28.07.2001: Trận Đánh Pleime Dưới Mắt Người Mỹ
26.07.2001: Một Vụ Tham Nhũng Tại Việt Nam
18.02.2001: Mặt Trận Xuân Lộc
05.02.2001: Cái Chết Đột Ngột Của Tướng Hiếu
14.01.2001: Tư Lệnh SĐ5BB và SĐ22BB
01.01.2001: "Ngồi Chơi Xơi Nước" Cập nhật ngày 16.09.2002
27.12.2000: Đặc Trách Chống Tham Nhũng
26.12.2000: Dịch Tham Nhũng
25.11.2000: Phúc Trình Của Tướng Weyand, ngày 4/4/1975
07.11.2000: Chiến Tuyến Phòng Thủ Cuối Cùng Trước Khi Tan Vỡ
07.11.2000: Các Đô Đốc và Các Tỉnh Trưởng
28.10.2000: Cuộc Triệt Thoái Khỏi Cao Nguyên
25.10.2000: Chính Trị Bạch Phiến Tại Đông Nam Á
18.10.2000: Đặng Văn Quang, Cánh Tay Mặt Của Thiệu
15.10.2000: Dạ Chiến Tại Bình Định
14.10.2000: Thiệu và Đồng Bọn
08.10.2000: Tướng Trần Văn Đôn
08.10.2000: Tướng Trần Văn Chơn
08.10.2000: Tướng Tôn Thất Đính
08.10.2000: Tướng Phạm Văn Đổng
08.10.2000: Tướng Nguyễn Văn Thiệu
07.10.2000: Tướng Nguyễn Văn Chuân
07.10.2000: Tướng Nguyễn Cao Kỳ
07.10.2000: Tướng Nguyễn Bảo Trị
07.10.2000: Tướng Linh Quang Viên
07.10.2000: Tướng Lâm Quang Thi
07.10.2000: Tướng Lữ Mộng Lan
06.10.2000: Tướng Hoàng Xuân Lãm
05.10.2000: Tướng Hoàng Văn Lạc
05.10.2000: Tướng Huỳnh Văn Cao
05.10.2000: Tướng Đỗ Kiến Nhiễu
26.09.2000: Tuyên Dương Đại Tá Hiếu, Tư Lệnh Sư Đoàn 22
23.09.2000: Phó Đô Đốc Chung Tấn Cang
23.09.2000: Đại Tướng Cao Văn Viên
19.09.2000: Tình Hình Việt Nam Tháng 4/1975
15.09.2000: Tướng Hiếu Tuyên Dương Quân Nhân Mỹ Yểm Trợ Trận Snoul
04.09.2000: Cộng Điện của Đại Sứ Ellsworth Bunker Về Tham Nhũng Tại Nam Việt Nam
04.09.2000: Linh Tinh Cập nhật ngày 24.04.2002
08.08.2000: Cuốn Sách Cập nhật ngày 08.05.2002
06.08.2000: Đại Bàng 800 Trong Bối Cảnh Hành Quân Của SĐ 1 Kỵ Binh HK Cập nhật ngày 12.11.2000
04.08.2000: Thủ Quân hay Ông Bầu
23.07.2000: Tướng Nguyễn Đức Thắng (1)
23.07.2000: Tướng Nguyễn Đức Thắng (2)
23.07.2000: Tướng Phan Trọng Chinh
23.07.2000: Danh Sách Tướng Lãnh QLVNCH Cập nhật ngày 22.08.2003
23.07.2000: Cái Chết Bí Ẩn Của Tướng Hiếu
21.06.2000: Một Vị Tướng Tài Đức Song Toàn
01.04.2000: Một Con Người Khả Ái Và Một Tư Lệnh Khả Kính Cập nhật ngày 27.04.2002
21.02.2000: Chiến Dịch Đỗ Xá Cập nhật ngày 16.11.2003
23.01.2000: Một Vị Thánh Chăng ?
09.01.2000: Sinh Viên Sĩ Quan Hiếu Cập nhật ngày 26.10.2005
01.01.2000: Tướng Hiếu, Một Tay Võ Nghệ Cao Cường Cập nhật ngày 09.12.2001
06.12.1999: Tướng Hiếu, Một Tướng Cô Đơn Cập nhật ngày 27.02.2000
17.11.1999: Tôi Từng Biết Tướng Hiếu Cập nhật ngày 07.03.2006
12.11.1999: Ghi ơn Cập nhật ngày 20.12.2002
08.11.1999: Tướng Hiếu Tuyển Lựa Đại Đội Trưởng
12.10.1999: Dẫn Lối Cập nhật ngày 01.03.2001
05.10.1999: Những Ai Muốn Tướng Hiếu Chết? Cập nhật ngày 13.09.2003
16.09.1999: Tướng Hiếu, Một Tướng Trầm Lặng Và Kín Đáo Cập nhật ngày 16.09.2002
14.08.1999: Chứng Từ Của Đại Úy Đỗ Đức Cập nhật ngày 03.07.2004
31.07.1999: Phụ Bản: Tướng Hiếu Được Nhắc Đến Trong Sách Cập nhật ngày 05.02.2002
29.07.1999: Tướng Hiếu Dưới Con Mắt Đại Tá Tham Mưu Trưởng Lê Khắc Lý
25.07.1999: Trận Đánh Pleime Cập nhật ngày 08.09.1999
25.07.1999: Tướng Hiếu và Nhị Thức Bộ Binh Thiết Giáp
20.07.1999: Giới Thiệu
05.07.1999: Tướng Hiếu Chết Trưa Hay Chiều Cập nhật ngày 18.07.1999.
22.06.1999: Phụ Trang: Hiện Tượng Giáng Bút Cập nhập ngày 10.03.2004
16.04.1999: Tướng Hiếu, Một Tướng Tài Ba. Cập nhật ngày 10.08.2004
08.03.1999: Các Tướng Lãnh QLVNCH. Cập nhật ngày 08.10.2000
14.02.1999: Cựu SVSQ Khóa 3 VBQGVN Và Tướng Hiếu. Cập nhật ngày 03.11.1999
31.01.1999: Con Cờ Tướng Hiếu Trong Thế Cờ Tổng Thống Nhà Nam Cập nhật ngày 12.12.2002
24.01.1999: Lá Thư Thứ 2 Xác Nhận Sự Kiện Cập nhật ngày 29.08.1999
12.01.1999: Nét Đức Độ và Đạo Đức Của Tướng Hiếu. Cập nhật ngày 06.03.2004
31.12.1998: Tư Lệnh Phó Quân Đoàn 3 Cập nhật ngày 30.12.2001
15.12.1998: Quân Lực Hoa Kỳ Biết Gì Về Cái Chết Của Anh Tôi ? Cập nhật ngày 18.11.2000
26.11.1998: Tướng Hiếu Với Sĩ Quan Mỹ
25.11.1998: Hội Họp Hành Quân Phối Hợp Với SĐ 1 Bộ Binh Hoa Kỳ
23.11.1998: Tướng Hiếu Thu Dọn Bộ Tư Lệnh Lên Lai Khê
23.11.1998: Thay Lời Kết: Hiện Tượng Cơ Bút Cập nhật ngày 15.02.1999
10.11.1998: Hình Ảnh Chiến Xa Cập nhật ngày 21.03.1999
02.11.1998: Lối Tác Chiến Đặc Thù Của Tướng Hiếu Cập nhật ngày 25.12.1999
18.10.1998: Tướng Hiếu Với Tha Nhân Cập nhật ngày 15.06.2002
25.09.1998: Dũng Tướng Nguyễn Văn Hiếu Cập nhật ngày 08.10.2000
25.09.1998: Thay Lời Tựa: Lời Tự Thuật
24.09.1998: Tốt Nghiệp Đại Học Quân Sự Cao Cấp Mỹ
22.09.1998: Tập Hình Ảnh Tướng Hiếu. Cập nhật ngày 28.09.1999
20.09.1998: Hành Quân Snoul Cập nhật ngày 22.07.2005.
17.09.1998: Tướng Hiếu Họp Với Bộ Chỉ Huy
15.09.1998: Điều Hành Binh Đoàn
12.09.1998: Thảo Luận Giữa Tướng Hiếu và Tướng McAuliffe
10.09.1998: Lượng Gía Sư Đoàn 22
10.09.1998: Cố Vấn Mỹ Lượng Gía Tướng Hiếu
06.09.1998: Hành Quân Đặt Máy Dò Thám Cập nhật ngày 14.08.2000
05.09.1998: Hành Quân Toàn Thắng 8/B/5
04.09.1998: Sự Suy Tàn
04.09.1998: Hành Quân Toàn Thắng 46
03.09.1998: Cuộc Đời Binh Nghiệp Cập nhật ngày 19.10.2002
03.09.1998: Tin Tướng Tự Sát ở Sài-Gòn Đáng Nghi Ngờ Cập nhật ngày 25.12.1999
02.09.1998: Tôi Hỏi CIA Về Cái Chết Tướng Hiếu Cập nhật ngày 17.12.2000
26.08.1998: Cố Vấn Mỹ Lượng Giá Sĩ Quan Sư Đoàn 5
25.08.1998: Dàn Cảnh Sau Cái Chết Tướng Hiếu Cập nhật ngày 27.10.1999
22.08.1998: Lá Thư Thứ 1 Xác Nhận Sự Kiện
21.08.1998: Song Thân Tướng Hiếu
20.08.1998: Hành Quân Đại Bàng 800
20.08.1998: Chân Dung Một Tướng Lãnh Tài Đức Vẹn Toàn
19.08.1998: Lá Thư Tiền Tuyến
17.08.1998: Gia Đình Tướng Hiếu Di Tản Cập nhật ngày 07.08.1999
15.08.1998: Số Mạng Của Một Người Ái Quốc
28.07.1998: Ý Kiến Bạn Đọc Cập nhật ngày 09.10.2016
15.07.1998: Anh Tôi, Tướng Hiếu Cập nhật ngày 11.09.2001
15.07.1998: Cái Chết Anh Tôi Cập nhật ngày 17.12.2000
15.07.1998: Cuộc Triệt Thoái Snoul

1 comment:

  1. Khanh Lu
    Nay đã hơn 60 năm, tôi vẫn còn nhớ Th/Tướng Nguyễn văn Hiếu, lúc này Ông còn là Th/tá Trưỡng phòng 3/Quân Đoàn 1, đồn trú tại Đà Nẳng. Sau khi mãn khóa 6 tại Liên Trường SQ Trừ Bị Thủ Đức vào đầu 1958, tôi được lệnh trình diện BTL/QĐ1 và đươc phục vụ tại Phòng 3, dưới quyền chỉ huy trực tiếp cũa Tr/Úy Ngô Thế Linh Trưỡng ban HQ. Tr/Úy NTL sau này là Đ/Tá phục vụ tại NKT/BTTM. Chỉ hơn 3 tháng tại BTL/QD1, tôi dược Th/tá Hiếu gửi đi học Khóa Thông Dịch Viên Anh Ngữ 6 tháng tại Hội Việt Mỹ tại Sàigon. Nhờ thời gian phục vụ ngắn ngủi tại QD1 mà tôi được Đ/Úy NTL đưa về phục vụ tại Sở KTĐH/PTT vào năm 1961 và sau này trở thành NKT/BTTM. Chân thành tưởng niệm cố Th/Tướng NVHiếu và cố Đ/tá NTLinh.

    ReplyDelete