Monday, May 6, 2019

Đề Đốc Trần Văn Chơn (1920-2019)

Trần Văn Chơn (1920-2019), nguyên là một tướng lĩnh Hải Quân của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, Hải hàm Đề đốc, cấp bậc Thiếu tướng. Ông đã tốt nghiệp và phục vụ trong ngành Hàng hải từ sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông. Sau đó được tuyển sang Quân chủng Hải quân và xuất thân từ khóa Sĩ quan đầu tiên tại trường Hải quân Việt Nam được Chính phủ Quốc gia tiếp quản từ cơ sở Hải quân Pháp ở Duyên hải Trung phần. Ông đã phục vụ trong Quân chủng này cho đến ngày giải ngũ.


Tiểu sử và binh nghiệp

Ông sinh ngày 24 tháng 9 năm 1920 trong một gia đình khá giả tại Vũng Tàu,[4] Nam phần Việt Nam. Năm 1939, ông tốt nghiệp Trung học chương trình Pháp với văn bằng Tú tài bán phần (Part I). Năm 1940, ông thi vào ngành Hàng hải Thương thuyền[5] của Pháp tại Sài Gòn.

Quân đội Quốc gia Việt Nam

Cuối năm 1951, từ Hàng hải Thương thuyền ông được tuyển chọn vào Quân chủng Hải quân. Theo học khóa 1 Sĩ quan Hải quân Nha Trang có 6 học viên theo ngành chỉ huy[6] và 3 học viên theo ngành cơ khí.[7] khai giảng ngày 1 tháng 1 năm 1952. Với tổng số 9 khoá sinh, tất cả được đưa xuống Hàng không Mẫu hạm Arromanches để huấn luyện chuyên nghiệp, sau đó luân chuyển qua các Chiến hạm Viễn Đông của Hải quân Pháp như: Foudre, Lamotte Piquet v.v...[8] Tháng 7 năm 1952, khóa học của ông trở về Nha Trang để tiếp tục thụ huấn. Ngày 1 tháng 10 cùng năm, mãn khóa tốt nghiệp Thủ khoa với cấp bậc Hải quân Thiếu úy. Ra trường, ông được điều động đi phục vụ trong Hải đoàn Xung phong và được giao chỉ huy 4 Trung vận đỉnh với nhiệm vụ mở đường, rà mìn và tuần tiễu.
Đầu tháng 10 năm 1953, ông được thăng cấp HQ Trung úy giữ chức Chỉ huy phó Hải đoàn Xung phong ở Vĩnh Long. Đầu năm 1954, ông được chuyển ra Bắc phần nhận chức Chỉ huy phó Hải đoàn Xung phong Ninh Giang. Tháng 6 cùng năm, Hải đoàn Ninh Giang di chuyển vào Nam, đặt căn cứ tại Mỹ Tho và cải danh thành Hải đoàn Mỹ Tho do Hải quân Đại úy Lê Quang Mỹ làm Chỉ huy trưởng.

Quân đội Việt Nam Cộng hòa

Năm 1955, từ Quân đội Quốc gia chuyển sang cơ cấu mơi là Quân đội Việt Nam Cộng hòa, ông được thăng cấp HQ Đại úy và được chỉ định làm Chỉ huy trưởng Trợ chiến hạm Linh Kiếm HQ-226. Cuối tháng 8 cùng năm, ông được chuyển nhiệm vụ giữ chức Chỉ huy trưởng Lực lượng Giang đoàn thay thế Hải quân Thiếu tá Lê Quang Mỹ được bổ nhiệm vào chức vụ làm Tư lệnh Quân chủng Hải quân.
Tháng 4 năm 1956, ông được thăng cấp HQ Thiếu tá tại nhiệm. Đầu năm 1957, ông được bổ nhiệm chức vụ Tư lệnh Quân chủng Hải quân thay thế HQ Đại tá Lê Quang Mỹ và ông kiêm nhiệm luôn chức vụ Giám đốc Hải quân Công xưởng. Giữa năm 1958, ông nhận lệnh bàn giao chức vụ Giám đốc Hải quân Công xưởng lại cho Đại tá Nguyễn Dần (nguyên là Kỹ sư cầu cống).
Thượng tuần tháng 6 năm 1959, ông được lệnh bàn giao chức vụ Tư lệnh Quân chủng Hải quân lại cho Hải quân Thiếu tá Hồ Tấn Quyền. Ngày lễ Quốc khánh Đệ nhất Cộng hòa 26 tháng 10 cùng năm, ông được thăng cấp Hải quân Trung tá. Đầu năm 1960, ông là sĩ quan cao cấp của Quân chủng Hải quân đầu tiên được cử đi du học lớp Chỉ huy tại trường Hải chiến (Naval War College) tại Newport, Tiểu bang Rhode Island, Hoa Kỳ. Tháng 6 cùng năm trở về nước, ông được tái nhiệm chức vụ Giám đốc Hải quân Công xưởng. Đầu năm 1961, ông kiêm nhiệm thêm chức vụ Phụ tá cho Đại tá Dương Ngọc Lắm, Tổng Giám đốc Bảo an và Dân vệ. Đến tháng 2 năm 1962, ông nhận nhiệm vụ mới với chức vụ Chỉ huy trưởng Lực lượng Tuần giang (sau cải danh thành Liên đoàn Tuần giang Địa phương).
Ngày lễ Quốc khánh Đệ nhị Cộng hòa 1 tháng 11 năm 1966, ông được thăng cấp Hải quân Đại tá và được tái nhiệm chức vụ Tư lệnh Hải quân thay thế Trung tướng Cao Văn Viên.[9]
Ngày Quân lực 19 tháng 6 năm 1968, ông được thăng Hải hàm Phó Đề đốc, cấp bậc Chuẩn tướng tại nhiệm.

  • Cũng trong năm này, Hải quân Việt Nam Cộng hòa nhận lãnh các Chiến hạm do Hoa Kỳ chuyển giao gồm:
    -8 Tuần duyên đĩnh mang số từ HQ-700 đến HQ-707.
    -Dương vận hạm Vũng Tàu HQ-503.
Ngày Quốc khánh 1 tháng 11 năm 1970, ông được thăng Hải hàm Đề đốc, cấp bậc Thiếu tướng tại nhiệm. Ngày 11 tháng 9 năm 1971, ông chủ tọa lễ mãn khóa 22 Đệ nhị Nam Dương Sĩ quan Hải quân ngành chỉ huy (khai giảng tháng 9 năm 1970) cùng trao kiếm chỉ huy và gắn cấp hiệu Hải quân Chuẩn úy cho Thủ khoa Nguyễn Tấn Khải. Ngày 16 tháng 6 năm 1973, chủ tọa lễ mãn khóa 10C, trao kiếm chỉ huy và gắn cấp hiệu Hải quân Chuẩn úy cho Thủ khoa Nguyễn Bá Thắng.
Ngày 1 tháng 11 năm 1974, ông được giải ngũ vì đáo hạn tuổi, cộng thêm lý do đã trên 20 năm phục vụ trong quân đội, sau khi bàn giao chức Tư lệnh Hải quân lại cho Đề đốc Thiếu tướng Lâm Ngươn Tánh (nguyên Tư lệnh phó).

1975

Sau ngày 30 tháng 4, ông là vị tướng duy nhất của Hải quân bị bắt đi tù lưu đày. Lần lượt từ Nam ra Bắc qua các trại giam: Quang Trung, Yên Bái, Nam Hà cho đến ngày 14 tháng 9 năm 1987 ông mới được trả tự do.
Tháng 12 năm 1991, ông cùng gia đình xuất cảnh theo diện H.O do Chính phủ Hoa Kỳ bảo lãnh. Sau đó định cư tại San Jose, Tiểu bang California, Hoa Kỳ.

Huy chương

-Bảo quốc Huân Chương đệ tam đẳng
-Một số Anh dũng Bội tinh với nhành Dương liễu.
-Chiến thương Bội tinh và nhiều huy chương quân sự, dân sự khác.
-Hai huy chương Legion of Merit (Degree of Commander, Hoa Kỳ).
-Huy chương Combat Distinguishing (Hoa Kỳ).
-Huân chương đệ II (Đại Hàn).
-Huân chương đệ II (Thái Lan)


Gia đình

  • Thân phụ: Cụ Trần Văn Núi
  • Thân mẫu: Cụ Lê Thị Đô
  • Phu nhân: Bà Lâm Thị Loan
    -Ông bà có 10 người con gồm 6 trai, 4 gái.
  • Trưởng nam: Hải quân Đại uý Trần Minh Chánh (khóa 24 Võ bị Đà Lạt và khóa 1 Sĩ quan Đặc biệt Hải quân).

Chú thích

  1. ^ Đỗ Dzũng. “Đề Đốc Trần Văn Chơn, cựu tư lệnh Hải Quân VNCH, qua đời”. www.nguoi-viet.com. Truy cập 4 tháng 5 năm 2019.
  2. ^ Hệ thống cấp bậc của Quân chủng Hải quân VNCH cũng giống như các Quân chủng khác, tuy nhiên cách gọi sĩ quan cấp úy và tá phải kèm theo tên Quân chủng phía trước cấp bậc, thí dụ: Hải quân Thiếu úy, Hải quân Thiếu tá (HQ Thiếu úy, HQ Thiếu tá) v.v... Riêng sĩ quan cấp tướng được gọi theo cấp Hải hàm như: Chuẩn tướng là Phó Đề đốc, Thiếu tướng là Đề đốc, Trung tướng là Phó Đô đốc...
    -Xem bài: Hệ thống cấp bậc của QLVNCH.
  3. ^ Bảo quốc Huân chương đệ tam đẳng.
  4. ^ Nay là Thành phố trực thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu
  5. ^ Thời gian phục vụ ở ngành Hàng hải Thương thuyền, Sĩ quan Trần Văn Chơn đã được cấp các chứng chỉ chuyên môn của ngành: Cơ khí Hàng hải (1941), Vô tuyến Hàng hải (1942), Sĩ quan Hoa tiêu (1948), Thuyền trưởng Thương thuyền (1949).
  6. ^ Cả sáu học viên tốt nghiệp ngành chỉ huy về sau đều được giữ chức vụ Tư lệnh Quân chủng: Phó Đề đốc Chung Tấn Cang, Đề đốc Lâm Ngươn Tánh và các HQ Đại tá Lê Quang Mỹ (Sinh năm 1926, Thiếu úy Bộ binh chuyển ngành, xuất thân khóa 2 Võ bị Huế, Tư lệnh đầu tiên Quân chủng HQ (1955 đến 1957), Trần Văn Phấn (Sinh năm 1926, nguyên Tư lệnh Hải quân từ 1965-1966), Hồ Tấn Quyền (Sinh năm 1927 tại Đà Nẵng, Tư lệnh HQ (1959 đến 1963) và Đề đốc Trần Văn Chơn.
  7. ^ Tốt nghiệp ngành cơ khí về sau đều là là sĩ quan cao cấp: Các HQ Đại tá Đoàn Ngọc Bích (Sinh năm 1928 tại Long An, sau cùng là Phụ tá Tư lệnh Hải quân, Phụ trách Tiếp vận), Nguyễn Văn Lịch (Sinh năm 1930 tại Vĩnh Long, sau cùng là Chỉ huy trưởng Hải quân Công xưởng) và Lương Thanh Tùng (Sinh năm 1931 tại Thừa Thiên, sau cùng là Tham mưu phó tại Bộ Tư lệnh Hải quân).
    -Xem bài: Quân chủng Hải quân VNCH
  8. ^ Thời điểm này Trung tâm Hải quân Nha Trang đang mới được tiếp quản từ cơ sở cũ của Hải quân Pháp nên phải xây dựng lại
  9. ^ Tướng Ca Văn Viên nguyên là Tổng tham mưu trưởng, tạm thời kiêm nhiệm chức vụ Tư lệnh Hải quân

Tham khảo

  • Trần Ngọc Thống, Hồ Đắc Huân, Lê Đình Thụy (2011). Lược sử Quân lực Việt Nam Cộng hòa.

Saturday, May 4, 2019

Đề Đốc Trần Văn Chơn, người từng làm tư lệnh Hải Quân VNCH hai lần, vừa qua đời lúc 10 giờ 48 phút tối Thứ Năm, 2 Tháng Năm, tại San Jose Regional Medical Center, California, hưởng đại thọ 99 tuổi.



SAN JOSE, California (NV) – Đề Đốc Trần Văn Chơn, người từng làm tư lệnh Hải Quân VNCH hai lần, vừa qua đời lúc 10 giờ 48 phút tối Thứ Năm, 2 Tháng Năm, tại San Jose Regional Medical Center, California, hưởng đại thọ 99 tuổi.
Ông Hà Quang Trung, hiện sống ở Westminster, là chồng cô Trần Minh Thanh Thảo, cháu nội ông Chơn, xác nhận tin này với nhật báo Người Việt sáng Thứ Sáu.

Ông kể: “Ông nội được đưa vào bệnh viện cách đây mấy hôm, vì có máu trong não. Thông thường thì sẽ mổ, nhưng bác sĩ e rằng ông không đủ sức, và gia đình cũng đồng ý là không mổ, hy vọng có một phép lạ nào đó giúp ông bình phục.”
“Thế rồi đến ngày Thứ Năm, tôi đang sắp xếp để lên thăm ông, thì đến 6 giờ chiều gia đình cho biết ông yếu lắm, thế là đến tối thì ông đi,” ông Trung kể tiếp. “Tôi tuy chỉ là cháu rể nội, nhưng được ông rất quý. Lần nào về Orange County ông cũng đến nghỉ ở nhà tôi. Thành ra, ông cháu thân tình lắm. Bây giờ tôi đang sắp xếp bay lên San Jose đây.”
Theo Lược Sử Quân Lực VNCH của ba tác giả Trần Ngọc Thống, Hồ Đắc Huân, và Lê Đình Thụy, ông Trần Văn Chơn sinh ngày 24 Tháng Chín, 1920 tại Vũng Tàu.
Ban đầu, ông tốt nghiệp ngành Cơ Khí Hàng Hải tại Sài Gòn năm 1941, và sau đó tốt nghiệp ngành Vô Tuyến Hàng Hải, bằng Sĩ Quan Hoa Tiêu Hàng Hải, và bằng Thuyền Trưởng Trường Hàng Hải Thương Thuyền.
Năm 1951, ông được chọn đi học Khóa 1, trường Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang, thuộc ngành Chỉ Huy, và một năm sau, tốt nghiệp thủ khoa, hạng ưu, với cấp bậc Hải Quân Thiếu Úy.
Sau đó, từ năm 1953, ông tiếp tục được thăng cấp và làm chỉ huy một số đơn vị Hải Quân.
Năm 1956, ông được thăng Hải Quân Thiếu Tá, và một năm sau, làm tư lệnh Hải Quân, thay Hải Quân Đại Tá Lê Quang Mỹ. Ngoài chức tư lệnh, ông cũng kiêm chức giám đốc Hải Quân Công Xưởng.




Cựu Tư Lệnh Hải Quân VNCH Trần Văn Chơn trong một lần đến thăm 
Câu Lạc Bộ Hải Quân Cửu Long, Westminster. (Hình: Hội Hải Quân Cửu Long)
Năm 1959, ông du học tại Naval War College, Newport, Rhode Island, Hoa Kỳ.
Sau khi về nước, ông tiếp tục làm giám đốc Hải Quân Công Xưởng, phụ tá cho tổng giám đốc Nội An và Dân Vệ, và làm chỉ huy trưởng Lực Lượng Tuần Giang.
Năm 1966, ông được thăng Hải Quân Đại Tá, trở lại làm tư lệnh Hải Quân.
Ngày 19 Tháng Sáu, 1968, ông được vinh thăng phó đề đốc nhiệm chức, và một năm sau được vinh thăng phó đề đốc thực thụ.
Năm 1970, ông được vinh thăng đề đốc nhiệm chức.
Ngày 1 Tháng Mười Một, 1974, ông được giải ngũ vì đáo hạn tuổi, và bàn giao chức tư lệnh Hải Quân cho Đề Đốc Lâm Ngươn Tánh.
Thời gian trong quân ngũ, ông được Đệ Tam Đẳng Bảo Quốc Huân Chương, một số Anh Dũng Bội Tinh với Nhành Dương Liễu, một Chiến Thương Bội Tinh, và nhiều Huy Chương Quân Sự.
Sau ngày 30 Tháng Tư, 1975, ông là tướng lãnh duy nhất của Hải Quân VNCH bị tù Cộng Sản, lần lượt qua các trại giam Quang Trung, Yên Bái, và Nam Hà, cho đến ngày 14 Tháng Chín, 1987.
Tháng Mười Hai, 1991, ông định cư tại San Jose cho tới nay. (Đỗ Dzũng)

NIÊN TRƯỞNG ĐÔ ĐỐC TRẦN VĂN CHƠN, CỰU TƯ LỆNH HẢI QUÂN VIỆT NAM CỘNG HÒA VỪA TẠ THẾ
Đô Đốc Trần Văn Chơn Cựu Tư Lệnh Hải Quân QLVNCH vừa tạ thế lúc 11 giờ đêm ngày 2 tháng 5 năm 2019 tai San Jose California, hưởng thọ 99 tuổi (sinh nhật thứ 100 vào tháng 9 nầy) sau khi bi xuất huyết não vào ngày 30 tháng 4, 2019.
Niên Trưởng xuất thân trường Việt Nam Hàng Hải khóa 1947-1948, khóa nầy còn có quý Niên Trưởng Tôn Thọ Khương, Đoàn Luyện, Nguyễn Văn Danh, Đào Quan Ngãi, Tôn Thất Tuyên, Chung Tấn Cang, Trần Văn Chơn, Lâm Nguơn Tánh, Trần Văn Phấn, Lê Quang Mỹ, Hồ Đắc Tâm, Đỗ Bá Ngữ, Lê Xuân Long, Võ Bá Nhu, Đoàn Ngọc Bích, Nguyễn Văn Lịch, Nguyễn Hùng Trương, Nguyễn Văn Thiệu, v.v… Có tất cả 20 sinh viên ban Chỉ huy và 20 sinh viên ban Cơ khí.
Sau đó Niên Trưởng được chuyển sang khoá 1 và tốt nghiệp trường Sĩ quan Hải Quân năm 1952; cấp chức sau cùng là Đề Đốc Tư Lịnh Hải Quân VNCH.
Niên Trưởng luôn có nụ cười hiền hậu, thân thiện với anh chị em đến thăm. Tuy tuổi có cao nhưng trí nhớ của Niên Trưởng rất tuyệt vời. Mọi người đến thăm đều tỏ lòng quý mến Niên Trưởng.


Ông Trần Văn Chơn

Nguyên Đề-Đốc Tư-Lệnh Hải-Quân


 Năm 1990, khi cuốn tài liệu lịch sử Hải-Quân V.N.C.H. Ra Khơi, 1975 được xuất bản tại Hoa-Kỳ thì Cựu Đề-Đốc Trần-Văn-Chơn vẫn còn bị Cộng-Sản Việt-Nam cầm tù.

Bài phỏng vấn này được thực hiện vào năm 1992, chỉ hai tuần lễ sau khi Cựu Tư-Lệnh Hải-Quân Trần-Văn-Chơn đến Hoa-Kỳ theo diện H.O.


Xin Đô-Đốc vui lòng cho biết một cách khái lược về tiểu sử của Đô-Đốc.

Tôi được sinh ra trong một gia đình Nho Giáo, lớn lên tại Vũng-Tàu. Lúc thiếu thời tôi đã quen tiếng sóng vỗ đầu ghềnh, mắt đã quen với cảnh trời nước mênh mông. Tôi thường nô đùa trên bãi cát trắng, đồi dương xanh, rượt còng lúc đêm trăng, bắt óc khi ngày nắng, hoặc lên núi cao nhìn ra biển rộng, theo dõi những cánh buồm lặng lẽ tận chân trời.

Tôi thích viễn du từ thuở bé. Lớn lên tôi học trường Hàng-Hải Saigon và làm sĩ quan, theo tàu lướt sóng vượt trùng dương từ tuổi hai mươi. Ba mươi hai tuổi tôi theo học khóa I sĩ quan Hải-Quân – Khóa Đệ Nhất Thiên Dương. Ba mươi bảy tuổi tôi đảm nhiệm chức vụ Tư-Lệnh Hải-Quân. Ba mươi chín tuổi tôi theo học trường Hải-Chiến Hoa-Kỳ - U.S. Naval War College. Sau khi mãn khóa, tôi về Việt-Nam, làm việc tại Ban Nghiên-Cứu, Bộ-Quốc-Phòng; Trung Tâm Trắc-Nghiệm Khả-Năng Tác-Chiến, Bộ-Tổng-Tham-Mưu; và Lực-Lượng Tuần-Giang, Bộ-Tư-Lệnh Địa-Phương-Quân. Bốn mươi sáu tuổi tôi trở lại Hải-Quân đảm nhiệm chức vụ Tư-Lệnh Hải-Quân lần thứ hai, ngày 31-10-1966. Năm mươi bốn tuổi tôi hồi hưu vì quá hạn tuổi. Tôi bàn giao chức vụ Tư-Lệnh Hải-Quân cho Đề-Đốc Lâm-Ngươn-Tánh.

Thưa Đô-Đốc, có nguồn tin nói rằng, vào thời điểm sôi sục nhất của cuộc chiến, Đại Tướng Dương Văn Minh có ý mời Đô-Đốc tham gia vào nội các của Đại-Tướng. Đúng hay không, thưa Đô-Đốc?

Tôi không thích chính trị, không hiểu biết nhiều về chính trị và tôi cũng không nghe ai nói với tôi về việc Đại-Tướng Dương-Văn-Minh mời tôi tham dự nội các của Ông ấy.

Khoảng năm 1955 tôi tham dự cuộc hành quân Đinh-Tiên-Hoàng tại miền Tây và cuộc hành quân Hoàng-Diệu tại Rừng-Sát với chức vụ Chỉ-Huy-Trưởng Giang-Lực, dưới sự chỉ huy hành quân của Đại-Tướng Minh; lúc đó Đại-Tướng Minh mang cấp bậc Đại-Tá Lục-Quân. Chúng tôi quen nhau từ đó và được Đại-Tướng đối xử trong tình chiến hữu thân thiết. Từ khi Ông làm Quốc-Trưởng cho đến lúc Ông nhận chức Tổng Thống, chúng tôi chỉ gặp nhau vào những cuộc họp, nhưng tình chiến hữu giữa chúng tôi không lúc nào bị sứt mẻ.

Thưa Đô-Đốc, sáng 25 tháng 4-1975, nhân lúc ghé tư dinh của Đô-Đốc để thăm Bà, tôi hân hạnh được gặp cả Đô-Đốc nữa. Hôm đó tôi có hỏi Bà và Đô-Đốc về ý định di tản. Cả Bà và Đô-Đốc đều khẳng định là Đô-Đốc và gia đình sẽ không đi đâu cả.

Xin Đô-Đốc vui lòng cho biết lý do nào Đô-Đốc không muốn di tản?

Khoảng 20 tháng 4 năm 1975, khi được tin Đô-Đốc Elmo Zumwalt nhờ tùy viên Hải-Quân dành máy bay cho tôi và gia đình tôi di tản sang Mỹ, tôi tức tốc về Vũng-Tàu rước Ba Má tôi vào Saigon để chuẩn bị rời Việt-Nam.

Lên đến Saigon, Ba Má tôi quá xúc cảm trước cảnh bi đát trong cuộc lui quân và di tản dân chúng từ miền Trung vào, Ba Má tôi rất buồn rầu và khổ tâm. Ba Má tôi không khuyên chúng tôi nên ra đi hay ở lại. Nhưng, qua sắc thái của Ba Má tôi, tôi thấy được rằng Ba Má tôi rất đau khổ khi phải rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn. Qua nhiều ngày đêm suy nghĩ, lưỡng lự và cầu nguyện, tôi quyết định cùng vợ con ở lại với Ba Má tôi. Tôi hy vọng rằng đức hạnh tu hành của Ba Má tôi có thể che chở cho gia đình tôi bất cứ trong trường hợp nào.

Ngoài lý do Cha Mẹ già yếu, tôi vẫn nhớ tôi đã từng là Hạm-Trưởng và vẫn giữ tinh thần Hạm-Trưởng mặc dù tôi đã về hưu. Truyền thống cao quý của Hải-Quân là Hạm-Trưởng không bỏ tàu. Vả lại, người ta thường nói “Sinh vi tướng, tử vi thần”, thì trường hợp tôi không di tản cũng là chuyện bình thường.

Thưa Đô-Đốc, có nguồn tin nói rằng Đại-Úy Trần Văn Chánh, con của Đô-Đốc, đưa chiến hạm trở về để đón Đô-Đốc mà Đô-Đốc và gia đình cũng vẫn không chịu di tản. Đúng hay không, thưa Đô-Đốc?

Vâng. Đúng. Thời gian đó, Đại-Úy Chánh là Hạm-Trưởng HQ 601. Hôm 29 tháng 4 Chánh đưa Đô-Đốc Chung Tấn Cang, Đô-Đốc Diệp Quang Thủy cùng gia đình của hai vị này từ Bộ-Tư-Lệnh Hải-Quân ra chiến hạm lớn đang hoạt động ngoài khơi Vũng-Tàu. Hôm sau, Chánh đưa chiến hạm xuyên qua vùng bị địch chiếm, trở về Saigon, với ý định rước tôi và gia đình ra khơi. Nhưng vì gia đình tôi và tôi đã đồng ý ở lại với Ba Má tôi cho nên Chánh trở lại chiến hạm, họp thủy thủ đoàn và quyết định tháo ống cho chìm tàu rồi chia tay.

Lòng trung hiếu của Chánh làm tôi hãnh diện vô cùng. Và hành động của thủy thủ đoàn HQ 601 đã chứng tỏ Hải-Quân V.N.C.H. đã rèn luyện được tinh thần Vô Úy mãnh liệt trong hàng ngũ sĩ quan, hạ sĩ quan và thủy thủ.

Thưa, nếu Đô-Đốc vẫn còn là Tư-Lệnh Hải-Quân vào thời điểm cuối tháng 4 năm 1975, Đô-Đốc sẽ có những quyết định nào khác với những quyết định của Đô-Đốc Chung Tấn Cang hay không?

Nếu tôi vẫn còn giữ nhiệm vụ điều khiển Hải-Quân có lẽ tôi cũng lui quân về miền Tây cố thủ, để củng cố lực lượng và rước gia đình binh sĩ. Nếu quân V.N.C.H. lâm vào cảnh thế cùng lực tận thì rút dần ra Phú-Quốc để chờ đợi sự can thiệp của Liên-Hiệp-Quốc. Nếu đồng minh của mình cũng vẫn không giúp mình trong cảnh khốn cùng thì đành phải ra đi để bảo toàn lực lượng như các anh em Hải-Quân đã làm mà thôi.

Xin Đô-Đốc vui lòng cho biết những sự việc đã xẩy ra cho Đô-Đốc sau ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Sau khi chiếm được Saigon, Cộng-Sản kêu gọi sĩ quan Quân-Lực V.N.C.H. ra trình diện. Vì đã giải ngũ, tôi không trình diện. Tôi lẫn tránh. Đến cuối tháng 6, Cộng-Sản lại ra thông cáo, buộc những sĩ quan đã giải ngũ cũng phải trình diện để đi học tập, đem theo tiền cơm một tháng.

Tôi trình diện tại ký túc xá Minh-Mạng. Tại đây tôi gặp Trung Tướng Dương Văn Đức và một số đông sĩ quan đã giải ngũ.

Hai ngày sau, Cộng-Sản chuyển Trung Tướng Đức và tôi đến Trung-Tâm Huấn-Luyện Quang-Trung cũ, do quân đội Bộ-Quốc-Phòng quản lý. Nơi đây tôi gặp lại tất cả Tướng Lãnh đã tập trung từ đợt trước. Chúng tôi ở đây gần một năm rồi bị chuyển bằng máy bay ra trại Yên-Bái, miền núi rừng Bắc Việt. Tại Yên-Bái, chúng tôi lao động khổ sai, không được gia đình thăm nuôi.

Hai năm sau, chúng tôi bị chuyển đến trại Hà-Tây (Hà-Sơn-Bình), do công an Bộ-Nội-Vụ quản lý. Thời gian này chúng tôi được gia đình tiếp tế bằng bưu kiện. Nếu không có sự tiếp tế của gia đình thì người tù cải tạo của Cộng-Sản Bắc-Việt không thể sống được!

Sau 5 năm tại trại Hà-Tây, một số sĩ quan cấp Tướng – trong đó có tôi – được thả về Saigon, sau cuộc hội nghị đầu tiên giữa Tướng Vessy và Cộng-Sản Việt-Nam.

Sau khi nhận và đọc giấy ra trại tôi mới biết “cáo trạng” của tôi:

  • Bị can tội: Thiếu Tướng Đề-Đốc.
  • Bị bắt ngày: 23-6-1975.
  • Bị án: Phạt tập trung cải tạo.
  • Tư tưởng: Chưa biểu hiện gì xấu.
  • Tham gia học tập: Khai báo còn chung chung.
  • Chấp hành nội quy: Chưa sai phạm gì lớn.
  • Xếp loại cải tạo: Trung bình.

Xin Đô-Đốc vui lòng cho biết, với bí quyết nào mà sau thời gian dài bị tù đày trong nhiều trại cải tạo, Đô-Đốc vẫn giữ được phong thái ung dung, thanh thản và một cơ thể khỏe mạnh như vậy?

Nhờ Trời ban phước cho nên sức khỏe của tôi cũng bình thường, da dẻ hồng hào, lưng còn thẳng, nhưng tóc đã bạc trắng. Con người không thể nào chống lại được sự tàn phá của thời gian; nhất là thời gian dài trong chốn lao tù Cộng-Sản. Nhiều người hỏi tôi thiền theo phương pháp nào mà được sắc thái đạo cốt tiên phong. Tôi không thiền theo phương pháp nào cả. Tôi thường nghe nói: “Tướng chuyển do tâm. Tâm trung xuất hình ư ngoại”. Có lẽ tâm mình thoải mái nên vẻ mặt thấy vui tươi, hớn hở chứ không có bí quyết gì đâu.

Thưa, sau khi Đô-Đốc ra tù và sau khi Đô-Đốc đến Hoa-Kỳ, thân tình giữa đại gia đình Hải-Quân đối với Đô-Đốc có khác xưa hay không?

Sau khi tôi ra tù, rất nhiều bạn bè cũ trong nước đến thăm; nhất là anh em Hải-Quân, Tuần-Giang, Hàng-Hải Thương-Thuyền. Ở nước ngoài có các bạn Hải-Quân như Đào, Thăng, Quỳnh, Dõng, Thơ, Minh, Hưng, Tươi, v. v…viết thư thăm hỏi và gửi quà cho tôi. Thư của các bạn đầy tình thân.

Khi đến Mỹ, các bạn Hải-Quân ở San Jose đến đón tôi tại phi trường San Francisco và mở tiệc liên hoan mừng tôi thoát khỏi gông cùm Cộng-Sản. Những bạn Hải-Quân ở Los Angeles, San Diego, Virginia, Houston, Seattle, Chicago, v. v…cũng mở tiệc mừng tôi đã đến được xứ tự do.

Sau ba tháng tái ngộ cùng các chiến hữu Hải-Quân, tôi nhận thấy, mặc dù Hải-Quân V.N.C.H. đã “tan hàng” gần 17 năm, nhưng Tinh Thần Hải-Quân vẫn còn vững trong mỗi người lính Hải-Quân V.N.C.H.. Tình thân thiết “huynh đệ chi binh” khiến cho Hải-Quân kết đoàn với nhau rất chặt chẻ trong hệ thống tôn ti trật tự của một đại gia đình. Trước tinh thần này, trước tâm tư, nguyện vọng này, tôi tin tưởng rằng không sớm thì muộn con cháu của chúng ta sẽ hợp lực cùng chúng ta hoặc thay thế chúng ta khôi phục lại quân chủng Hải-Quân.

Thưa, Đô-Đốc có ý định viết hồi ký hay không?

Nếu viết hồi ký về Hải-Quân V.N.C.H. thì, tôi nhận thấy, cuốn Hải-Quân V.N.C.H. Ra Khơi, 1975 của Điệp-Mỹ-Linh và những bài trong đặc san Lướt Sóng, nhiều anh em Hải-Quân đã ghi lại những hoạt động của Hải-Quân một cách trung thực. Những quyển sách này có thể dùng làm tài liệu để bổ sung cho quyển Lịch Sử Hải-Quân V.N.C.H., trong đó Ban Lịch Sử của Bộ-Tư-Lệnh Hải-Quân đã ghi rõ những hoạt động hằng ngày của Hải-Quân, từ tổ chức cho đến hành quân.

Nếu viết hồi ký cho riêng tôi, tôi nghĩ từ trước đến nay công việc của tôi làm không có gì đặc sắc. Mọi việc đều do các chiến hữu đảm đương và hoàn thành. Tôi chỉ có ý kiến, xem xét, kiểm tra, đôn đốc. Thêm nữa, trí nhớ của tôi không được minh mẫn lắm. Hồi tưởng lại những sự kiện đã  trải qua hằng hai ba mươi năm là một việc khó nhọc đối với tuổi già này. Viết hồi ký cũng cần có tài liệu chính xác để chứng minh những dữ kiện. Tôi chưa có phương tiện để làm việc này.

Thưa, Đô-Đốc nghĩ như thế nào về cuốn Chân Dung Tướng Ngụy?

Tác giả quyển Chân Dung Tướng Ngụy là một người Cộng-Sản. Mà người Cộng-Sản thì không bao giờ nói tốt cho một người không Cộng-Sản. Đó là nguyên tắc của họ. Vì vậy, trong cuốn Chân Dung Tướng Ngụy, tác giả dùng những lời lẽ không chính đáng để bôi nhọ bất cứ nhân vật nào thuộc chính quyền và Quân-Đội V.N.C.H.

Xin cảm ơn Đô-Đốc.



TƯỚNG LÃNH CAO NIÊN NHỨT QUÂN LỰC VIỆT NAM CỘNG HÒA ĐẾ ĐỐC TRẦN VĂN CHƠN 99 TUỔI



LỜI NÓI ĐẦU: Ai cũng biết đời người quá ngắn ngủi so với lịch sử dân tộc, dù sống đến trăm tuổi. Cuộc đời là vô thường, trần gian là cõi tạm, chuyện sống chết, kiếp nhân sinh quả là bất định vô lường khó đoán biết trước. Đặc biệt, cuộc sống của người chiến sĩ thấy đó mất đó sau một trận đánh hay lọt vào ổ phục kích hoặc hứng chịu một trận mưa pháo của địch quân, chết ở bất cứ độ tuổi nào và bất cứ ở đâu… Những chiến sĩ đó ngày xưa còn chiến tranh ác liệt xảy ra hằng ngày lại không chết, nguy hiểm luôn rình rập, đạn tránh người. Nay, các vị Tướng đáng kính đó đang chuẩn bị cho mình một cuộc hành quân mới vô tiền khoáng hậu.
Từ cấp nhỏ nhứt là binh sĩ đến hàng cao cấp nhứt là hàng tướng lãnh (từ 1 đến 5 sao). Trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa với cao điểm có đến 1 triệu 1 trăm ngàn quân, nhưng cấp tướng mới đạt được 165 vị (và 5 Tướng Cảnh Sát). Có 1 tướng 5 sao – 5 tướng 4 sao (trong đó có Trung tướng truy thăng lên Đại tướng là Trung tướng Đỗ Cao Trí) – 48 Trung tướng – còn lại tướng 2 và 1 sao. Cấp bậc Đại Tướng duy nhứt còn tại thế là Đại Tướng Trần Thiện Khiêm, 94 tuổi (sanh năm 1925), cũng đang an dưỡng tại Nursing home ở San Jose.
zzz1111
Bài viết này nhằm đáp ứng đòi hỏi sự tìm  hiểu của nhiều người, đặc biệt các cựu chiến binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa muốn biết các đại niên trưởng tướng lãnh, ngoài 90 tuổi, cuộc sống ra sao?
Tôi mạn phép đề cập đến vị tướng lãnh cao tuổi nhứt còn sanh tiền, tiêu biểu của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa:
* Đề Đốc Trần Văn Chơn, sanh năm 1920 (99 tuổi) với những cái nhứt của Đề Đốc Chơn. Là vị tướng lãnh cao tuổi nhứt của QLVNCH, đông con: 6 trai – 4 gái, trưởng nam và thứ nam đầu theo nghiệp cha, phục vụ trong Quân Chủng Hải Quân.
* Đã học và phục vụ ngành Hàng Hải Thương Thuyền (Marine marchande)10 năm (1941 – 1951) với những bằng chuyên môn của Hàng Hải: Cơ Khí – Vô Tuyến – Sĩ quan Hoa Tiêu – tốt nghiệp bằng Thuyền Trưởng Hàng Hải Thương Thuyền.
* Tốt Nghiệp Thủ Khoa Khóa I (1951 – 1952)- khóa đầu tiên Trường Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang hạng ưu với cấp bậc Hải Quân Thiếu Úy. Qua huấn luyện và thực tập trên Hàng không mẫu hạm Arromanches và các chiến hạm Viễn Đông của Pháp: Foudre – Savorgnan De Brazza – Lamotte Piquet… khi Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Nha Trang đang xây cất. Đến ngày 1.1.1952 Trung Tâm hoàn thành việc xây dựng – Khóa I lên bờ, tiếp tục huấn luyện cho đến ngày 1.10.1952, làm lễ tốt nghiệp mãn khóa.
* Hai lần Tư Lệnh Hải Quân: Lần đầu (1957 – 1959), năm 1957 khi còn cấp bậc Hải Quân Thiếu Tá thay Hải Quân Đại Tá Lê Quang Mỹ (cùng Khoá I) – 9 năm sau, ngày 1.1.1966 thăng Đại Tá Nhiệm chức giữ chức vụ Tư Lệnh Hải quân – lần thứ hai, thay Trung Tướng Cao Văn Viên Tổng Tham Mưu Trưởng kiêm nhiệm Tư Lệnh Hải Quân.
* Năm 1968 vinh thăng Phó Đề Đốc Nhiệm Chức và một năm sau, 1969 thăng Phó Đề Đốc Thực Thụ
* Năm 1970 thăng cấp Đề Đốc trên cương vị Tư Lệnh Hải Quân, lần thứ 2 được 8 năm và giải ngũ vì đáo hạn tuổi, năm 1974 (1.11.1966 – 1.11.1974).
Với 23 năm quân vụ (1951 – 1974) được ân thưởng Đệ Tam Đẳng Bảo Quốc Huân Chương cùng nhiều Anh Dũng Bội Tinh với Nhành Dương Liễu và nhiều ngôi sao vàng, bạc, đồng – 2 huy chương Mỹ Legion of Merit – Đệ Nhị HC Hàn Quốc – Đệ Nhị HC Thái Lan…
* Tướng lãnh Hải Quân duy nhứt bị ở tù cộng sản sau ngày 30.4.1975, suốt 12 năm rưỡi, ra trại tù ngày 17.9.1987 và định cư tại San Jose diện HO từ tháng 12.1991 – Nay, vào Nursing home cũng ở San Jose.
                                                                                                       Anh Phương TRẦN VĂN NGÀ
                      (Thân tặng Hải Quân Đại Tá Trần Thanh Điền & HQ/TT Nguyễn Phước Chắc)
Nếu tính “sổ đoạn trường” những tướng lãnh đã giã từ vũ khí khi thi hành nhiệm vụ, tuẩn tiết, từ 1975 về trước, kể cả từ trần ở trong trại tù cộng sản và chết bịnh, chết già ở hải ngoại và cũng có một số ít vị tướng “ra đi” ở trong nước, đã vượt quá con số 100, nghĩa là đã có hai phần ba tướng lãnh đã giã từ vũ khí và quý vị còn sanh tiền đang lấy số “chờ” ngày về phục vụ ở Vùng V Chiến Thuật.
Trên bầu trời Việt Nam Cộng Hòa, Sao đã rụng hơn 2/3, chỉ còn lại quân số bất khiển dụng trên dưới năm mươi vị cũng đang tranh nhau “thăng chức” ở các trại dưỡng lão chờ thuyên chuyển về Vùng 5 Chiến Thuật. Và một số ngôi sao đã lên nay đang xuống tận cùng hằng số mà lại thích đi du lịch mới thiệt ngộ đó!!!! Quý vị đó đi du lịch không biết mệt, còn chọn lựa nhửng địa điẻm số dách sang trọng nổi tiếng có tên chung là Hospitals.
Hiện nay, quý vị quyền cao chức trọng năm xưa, mỗi bước đi có tiền hô hậu ủng, oai quyền một thời, vang danh một cõi, còn khoảng trên dưới 50 vị. Tất cả quý vị tướng lãnh còn sanh tiền đang xếp hàng một chờ lấy tài tới phiên ra đi về bến bỡ vĩnh cửu. Nhiều vị còn khỏe mạnh sống với con cháu tại nhà và nhiều vị thiếu may mắn không được ở nhà mà vào ở ký túc xá – nursing home. Quý vị tự an ủi, như là mình đang sống “huy hoàng” ở cư xá Chí Hòa hay cư xá cấp tướng Bộ Tổng Tham Mưu.
Trước đây, tôi có viết về các đại niên trưởng – 6 vị tướng lãnh đã định cư gần và tại Thủ Phủ Sacramento: Đại Tướng Nguyễn Khánh – Trung Tướng Đặng Văn Quang – Trung Tướng Ngô Du – Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm – Chuẩn Tướng Nguyễn Văn Chức và Chuẩn Tướng  Huỳnh Văn Lạc. Trong 6 vị tướng lãnh đã có 4 vị tướng đã giã từ vũ khí về với cát bụi, Trung Tướng Ngô Du là người ra đi sớm nhứt – sau khi định cư tại Sacramento – California năm 1975 và mất sau đó một hay hai năm. Kế đến Trung Tướng Đặng Văn Quang – Đại Tướng Nguyễn Khánh (mất tại San Jose) – Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm (định cư ở thành phố Davis, cách Thủ Phủ Sacramento trên dưới 6 miles). Còn sanh tiền, 2 vị tướng: Chuẩn Tướng Nguyễn Văn Chức, sanh năm 1928 – cựu Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Tiếp Vận (giờ thứ 25 trước khi CSBV chiếm hoàn toàn Miền Nam Việt Nam), vượt thoát được đúng ngày 30.4.1975 và định cư tại Sacramento từ năm 1975 đến nay, hiện đang “đăng ký tạm trú” tại cư xá nursing home, chờ ngày “thăng cấp tại mặt trận” ở cõi trên. Chuẩn Tướng Huỳnh Văn Lạc (92 tuổi), cựu Tư Lệnh Sư Đoàn 9 Bộ Binh cũng là vị Tư Lệnh cuối cùng của đại đơn vị này, sanh năm 1927, đang còn khỏe dù mang nhiều thứ bịnh già đang bám theo, Niên trưởng Huỳnh Văn Lạc may mắn cùng vui sống tại nhà với con cháu tại Thủ phủ Sacramento chờ ngày về Nước Chúa.
Với tuổi hạc cao trên 90, còn sống không bị lú lẩn là điều kỳ diệu, hạnh phúc tuyệt đỉnh và là ân sủng của Trời Phật ban tặng. Đã là tướng lãnh, từng trải qua biết bao lần vào sanh ra tử từ ngày mới ra trường với cấp Chuẩn uý hay Thiếu úy, tham dự nhiều cuộc hành quân một mất một còn với cộng sản, đến cấp tướng không tử trận dù có bị thương cũng không sao, sinh mạng được bảo toàn. Như vậy, các vị tướng lãnh đều có số sống thọ vì đạn tránh người, mà nay lại được sống thoải mái, có trợ cấp an sinh xã hội, y tế đầy đủ tại đất nước tự do dân chủ nhứt thế giới, Hoa Kỳ. Đây cũng là được thêm một ân sủng phép mầu nữa của Trời Đất ban tặng cho người Việt Nam tỵ nạn.
Tại Hoa Kỳ, giới cao niên (từ 65 tuổi trở lên) con cháu không phụng dưỡng tại nhà được vì bịnh tật nhiều hay con cháu bận bịu công việc cơm áo gạo tiền và chăm sóc nuôi dạy con nhỏ, đều ủy thác cho nursing home lo liệu đủ mọi thứ.., Nhà Nước của đế quốc Mỹ cho những vị cao niên đó vào ở nhà dưỡng lão (nursing home) tự do thoải mái, cơm nước ngày 3 bữa rưỡi, thuốc men được cung cấp hoàn toàn miễn phí, không có đóng góp thêm. Như vậy, quý vị cao niên hay các cựu chiến binh “có tuổi” không còn phải lo nghĩ gì nữa vì chuyện hậu sự có Nhà Nước Mỹ, có gia đình và các chiến hữu năm xưa lo chu toàn.
Bài viết này, tôi đề cập đến vị tướng lãnh trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, lớn tuổi nhứt còn sanh tiền – Hải Quân Đề Đốc (2 sao – Thiếu tướng) Trần Văn Chơn, cựu Tư Lệnh Hải Quân (2 lần) và là một tướng lãnh đã hồi hưu, giải ngũ ngày 1.11.1974, trước ngày 30.4.1975, vẫn bị cộng sản chiếu cố bắt bỏ tù khổ sai ở miền Bắc VN hơn 12 năm.
ĐỀ ĐỐC TRẦN VĂN CHƠN
Cuộc đời và sự nghiệp phục vụ ngành Hải Quân Quốc Gia – Việt Nam Cộng Hòa của Đề Đốc Trần Văn Chơn từ lúc bình minh của Quân Chủng Hải Quân Việt Nam Công Hòa mới ra đời.
zzzaaa
Từ thời gian 1941 đến năm 1951, đã tốt nghiệp và phục vụ trong ngành Hàng Hải Thương Thuyền Việt Nam (Marine Marchande).
Sau 10 năm trong ngành Hàng Hải Thương Thuyền (dân sự) và được tuyển chọn theo học khóa sĩ quan Hải Quân Việt Nam đầu tiên – Khóa 1 năm 1951.
Sau hơn một năm Khóa I sĩ quan Hải Quân Việt Nam được huấn luyện trên Hàng Không Mẫu Hạm Arromanches  và nhiều chiến hạm ở Viễn Đông khác của Pháp, như: Foudre – Savorgnan De Brazza – Lamotte Piquet…
Kế tiếp  Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Nha Trang xây dựng xong, tát cả khóa sinh Khóa I được đưa về Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân tiếp tục học cho đến ngày mãn khóa Hải Quân Việt Nam đầu tiên, ngày 1.10.1952. Lễ khai giàng khóa I Hải Quân  tại Trung Tâm vào ngày 1.1.1952. Đúng 10 tháng sau, làm lễ Tốt Nghiệp mãn Khóa I Hải Quân Việt Nam trong lịch sử Quân Lực Việt Nam Cộng. Tất cả 6 sĩ quan tốt nghiệp ngành chỉ huy, sau này đều có nắm giữ chức vụ Tư Lệnh Hải Quân một lần hoặc hai lần như Đề Đốc Trần Văn Chơn – Phó Đô Đốc Chung Tấn Cang…
* Đánh dấu bước ngoặt quan trọng của vị Tư Lệnh Hải Quân, Hải Quân Đại Tá Trần Văn Chơn được vinh thanh Phò Đề Đốc Nhiệm chức năm 1968 và sau một năm – 1969 thăng Phó Đề Đốc Thực Thụ. Đến năm 1970 được vinh thăng Đề Đốc (2 sao) cho đến ngày 1.11.1974, giải ngũ vì đáo hạn tuổi.
Tất cả khóa sinh của Khóa I Hải Quân Việt Nam gồm có 9 người, 6 người theo ngành Chỉ Huy và 3 người theo ngành Cơ Khí.
* Ngành Chỉ Huy (Pont); Phó Đô Đốc Chung Tấn Cang (3 sao) – Đề Đốc Trần Văn Chơn  – Đề Đốc Lâm Nguơn Tánh (2 sao) – Hải Quân Đại Tá Lê Quang Mỹ – Hải Quân Đại Tá Trần Văn Phấn – Hải Quân Đái Tá Hồ Tấn Quyền.
* Ngành Cơ Khí (Mécanique): Hải Quân Đại Tá Đoàn Ngọc Bích – Hải Quân Đại Tá Nguyễn Văn Lịch – Hải Quân Đại Tá Lương Thanh Tùng
Đề Đốc Trần Văn Chơn, sanh  ngày 24.9.1920 tại Vũng Tàu, có 10 người con với 6 trai và 4 gái. Phu nhân của Đề Đốc là bà Lâm Thị Loan bị bịnh nhiều năm và đã qua đời cách nay trên dưới 5 năm tại San Jose
General Chon.jpg
Sau 12 năm rưỡi bị cộng sản Bắc Việt cầm tù (từ năm 1975 đến ngày ra khỏi trại tù 14.9.1987).
Được định cư tại Mỹ theo diện HO từ tháng 12 năm 1991 tại thung lũng hoa vàng San Jose. Từ đó cho đến nay đều ở San Jose, hiện vào an dưỡng ở nhà dưỡngt lão – Nursing Home cũng tại San Jose từ đầu năm 2018. Đề Đốc Chơn rất còn minh mẫn và tương đối còn khỏe mạnh đối với người cao tuổi, chỉ còn một năm nữa Đề Đốc Chơn sẽ được vào con số 100 tuổi, có thể gọi là “bách niên giai lão”, đại trường thọ của một Tướng Lãnh QLVNCH.
(H: Đề Đốc Trần Văn Chơn ở tuổi 90)
Đề Đốc Trần Văn Chơn xuất thân là một nhà hàng hải chuyên nghiệp, thông thạo mọi việc của một thủy thủ, một chuyên viên hàng hải lành nghề, từ dân sự sang quân sự.
Năm 1941, ông đã tốt nghiệp ngành cơ khí hàng hải tại Sài Gòn. Năm 1942 , ông tốt nghiệp  ngành vô tuyến hàng hải. Đến năm 1948, ông tốt nghiệp bằng sĩ quan hoa tiêu hàng hải. Năm 1949, ông tốt nghiệp bằng Thuyền Trưởng Hàng Hải Thương Thuyền. Tất cả những bằng về hàng hải kể trên đều là bằng dân sự.
* Bước ngoặt mới, cuối năm 1951, Thuyền Trường Trần Văn Chơn được tuyển chọn theo học  Khóa 1 Trường Sĩ Quan. Sau khi học căn bản tại Nha Trang, tất cả 9 khóa sinh Khóa I được xuống hàng mẫu hạm Pháp Arromanches và các chiến hạm khác thụ huấn tiếp về chuyên môn của ngành Hải Quân. Sau khi Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Nha Trang của VN xây cất xong và khánh thành ngày 12.7.1951, các khóa sinh Hải Quân Việt Nam đang thực tập ở các chiến hạm Pháp về lại Nha Trang và tiếp tục thụ huấn giai đoạn cuối khóa.
Khóa sinh (còn gọi là sinh viên sĩ quan) Trần Văn Chơn đổ Thủ Khoa, hạng ưu với cấp bậc Hải Quân Thiếu úy thực thụ.
Ông Tướng  Chơn đã về hưu vì đáo hạn tuổi năm 1974. Đề Đốc Chơn có điều kiện đi Mỹ mà lại không đi, cộng sản Bắc Việt vẫn chiếu cố, bắt Đề Đốc dù đã giải ngũ, cho vào trại tập trung cải tạo khổ sai ở miền Bắc suốt 12 năm rưỡi đến ngày 14.9.1987 được thả khỏi trại tù. Đề Đốc Chơn đã trải 12 năm rưỡi qua các trại tù: Quang Trung – Yên Bái – Nam Hà…
Đề Đốc Trần Văn Chơn và gia đình định cư tại San Jose từ tháng 12 năm 1991 cho đến ngày nay, tháng 7.2018
KẾT
Nếu chúng ta tin vào số mạng. Con người cũng có số, vì giày dép, quần áo còn có số… Đề Đốc Trần Văn Chơn thay vì đi ra nước ngoài, không đi bằng đường hàng không thì Đề Đốc còn con đường đi bằng đường biển như đa số các chiến sĩ Hải Quân sử dụng phương tiện cơ hữu của Quân Chủng Hải Quân vượt thoát bằng tàu chiến. Cái số của Đề Đốc Trần Văn Chơn là phải vào tù cộng sản, nếm mùi tân khổ trần ai như một số tướng lãnh Quân – Binh chủng khác. Hàng tướng lãnh Hải Quân có hàng chục vị, chỉ có một vị 3 sao (Phó Đô Đốc Chung Tấn Cang), hai vị tướng 2 sao (Đề Đốc Trần Văn Chơn và Đề Đốc Lâm Nguơn Tánh, số tướng lãnh Hải Quân còn lại chỉ có 1 sao (Phó Đề Đốc). Đề Đốc Trần Văn Chơn, vị tướng lãnh duy nhứt trong Quân Chủng Hải Quân bị tù cải tạo khổ sai của cộng sản và cũng là vị tướng Hải Quân đã giải ngũ trước ngày 30.4.1975 vẫn bị bắt vào tù cải tạo cộng sản.
Người viết rất kính mến Đề Đốc Trần Văn Chơn, đã có nhiều cơ may tiếp đón và ân cần hỏi thăm sức khỏe Đề Đốc khi thì ở Sacramento, khi tại San Jose trong các buổi Lễ hoặc tại các nhà hàng… Ngày hiền thê của Đề Đốc Chơn qua đời tại San Jose, các chiến sĩ Hải Quân đang định cư tại Thủ Phủ Sacramento thành lập một phái đoàn đông đảo, trong đó có tôi (ngoài Quân Chủng Hải Quân) đến dự Lễ tang Cụ Bà và chia buồn cùng Đề Đốc Trần Văn Chơn. Đối với tôi, Đề Đốc Chơn có cảm tình đặc biệt, thường gọi bằng chú (chú em, đặc trưng của người gốc Miền Nam thường xưng hô thân mật gọi chú với cấp dưới hay đàn em…)
Gen. Choon oo3 BV.jpg
Lúc nào Đề Đốc Chơn cũng gọi chào hỏi tôi trước khi Đề Đốc bắt tay thân mật đàn em, dù không cùng ngành Hải Quân và Đề Đốc thường hỏi thăm đủ mọi thứ chuyện.
(H: Đề Đốc Trần Văn Chơn đang điều trị tại Bịnh Viện)
Gia đình, con cháu của Đề Đốc Trần Văn Chơn, định cư tại San Jose cũng khá đông. Dù gia đình luôn cận kề chăm sóc Đề Đốc từ ngày Đề Đốc cao tuổi, lên hàng U90 , nay là U100 cũng sắp sửa vượt qua, càng cao tuổi, sức càng yếu dần.
Đề Đốc Trần Văn Chơn là người rất sùng đạo, có một thời gian ăn chay trường cho thanh tâm an lạc. Với tuổi đời quá cao, sức khỏe kém, thường đau yếu, Đề Đốc thường vào bịnh viện điều trị  và bịnh viện đề nghị đưa Đề Đốc về an dưỡng tại một nursing home cũng ở tại San Jose để thuận tiện cho việc chăm sóc sức khỏe,và chờ một ngày đẹp trời Đề Đốc Chơn nhàn du Tiên Cảnh.
Đây, cũng thể nói, nơi này – nursing home là “tư dinh” cuối cùng của vị Tướng Lãnh 2 lần giữ chức Tư Lệnh Hải Quân – Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa – một quân chủng thanh lịch, oai hùng nổi tiếng trên biển cả và được sự trân trọng kính yêu của mọi người trên thế giới.
Người viết xin cầu nguyện Ơn Trên độ trì sự bình an cho Đề Đốc Trần Văn Chơn cho đến ngày ra đi thanh thản về cõi Vĩnh Hằng.

Sacramento, ngáy Song Thất 7.7.2018
ANH PHƯƠNG Trần Văn Ngà (HNPD)
(Điện thoại: 916.519.8961)
(Dựa theo tài liệu Lược Sử Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa của Trần Ngọc Thống – Hồ Đắc Huân –  Lê Đình Thụy và sự hiểu biết riêng của người viết)