Sau đó, nhân một chuyến viếng thăm tòa soạn, bà quả phụ Ngô Quang Trưởng tâm sự với phóng viên Người Việt rằng, việc tiễn đưa chồng và cha về nơi yên nghỉ cuối cùng, chỉ được bà và 4 người con thực hiện một năm sau đó, khi tro cốt của ông được đưa về rải trên ngọn đèo Hải Vân, Việt Nam, theo ước nguyện cuối cùng của ông.
Bà Trưởng tâm sự rằng thuở ông còn sinh thời, hai người đã “mua sẵn hai lô đất cạnh nhau,” nhưng một hôm Tướng Trưởng lại nói với bà rằng có lẽ sau khi qua đời, ông muốn “được thiêu và mang về Việt Nam.”
“Về Việt Nam? Thế anh không muốn ở cạnh bên em sao?” Bà Trưởng kể đã hỏi chồng như thế.
Tướng Trưởng lúc đó đã trầm ngâm không nói, rồi thấy vợ buồn buồn, ông an ủi, “Thôi thế anh sẽ ở lại đây cạnh em.”
Ðã yên trí như thế, nhưng sau khi ông nằm xuống, bà Trưởng vẫn không ngạc nhiên, khi Mai Trinh, cô con gái đầu lòng bảo rằng “bố dặn kỹ là mang tro cốt bố về rải trên đèo Hải Vân.”
Thì ra, sợ vợ buồn, Tướng Trưởng đã không tâm sự với bà mà chia sẻ tâm tư với cô con gái lớn.
Không chỉ tâm sự, ông còn tả tỉ mỉ về ngọn đèo ấy, tả rõ, sống động và đầy ấn tượng đến nỗi, theo lời bà Trưởng, một người bạn thân của Mai Trinh đã nhờ lời tả của ông mà vẽ lên bức tường đằng sau bàn thờ và hài cốt của ông, một bức tranh về cảnh đèo ngoạn mục này.
“Lạ lắm,” người họa sĩ “nghiệp dư” này chưa bao giờ đặt chân đến đèo Hải Vân, mà không hiểu làm sao lại vẽ ra cảnh đèo “hình dáng rất giống chỗ rải tro sau này.” Bà Trưởng kể.
Khi xe đi đến Huế thì trời mưa tầm tã, bà Trưởng đã lo là “thế này thì làm sao mà trải được” rồi lâm râm cầu nguyện.
Bỗng dưng trời tạnh mây quang.
Thoạt tiên bà Trưởng chỉ cho rằng lý do Tướng Trưởng muốn được nằm rải rác trên ngọn Hải Vân là vì ông gắn bó với dân chúng ở miền Trung, nhưng khi xe leo lên đến đỉnh đèo, bà mới thấy là cảnh ở đây hùng vĩ quá, ngoạn mục quá, không hổ danh là nơi đã được vua Lê Thánh Tông đặt cho tên “Ðệ Nhất Hùng Quan,” và nếu muốn ở tại quê hương thì có lẽ khó chọn nơi nào lý tưởng hơn.
Nằm cheo leo trên dẫy Trường Sơn, bên là núi, bên là biển, gió mạnh và mây lúc nào cũng bay là đà, đèo Hải Vân dài 21 kilô mét, là ranh giới giữa tỉnh Thừa Thiên, Huế ở phía Bắc, và thành phố Ðà Nẵng phía Nam. Với đỉnh cao nhất là 496 mét so với mực nước biển.
Ði qua một vùng biển với những chiếc tầu nhỏ nằm yên trên ven bờ, qua một rừng thông cao che khuất những rặng núi xa mời, ông Tín, người tài xế rất thân quen với Tưởng Trưởng ngày xưa, cho biết bắt đầu ra cửa biển Ðà Nẵng.
Chiếc xe tiếp tục chạy ngoằn ngoèo trên ngọn đèo vừa đẹp vừa nguy hiểm. Biển không xanh lơ mà là màu xanh lá non của những ngày không có nắng, trên bầu trời, xen lẫn tầng mây trong xanh lẫn những làn mây xám, một bên đường vài cây lau đùa trong gió vật vờ, sóng biển vỗ vào bờ ném lên những làn sóng trắng.
“Ðúng chỗ này rồi anh!” Một người con gái của bà kêu lên.
“Có con sông nữa nè.” Người con khác nói.
Sao giống chỗ vẽ trong bức tranh quá, bà Trưởng nghĩ thầm, có cảm tưởng ông đang ở quanh đây, rất gần.
Xe dừng bên một cái miếu bên đường.
Trời lạnh, và gió phần phật. Bà Trưởng tay cầm bó hoa huệ, tay cầm bó nhang, đứng co ro trước ngôi miếu. Bốn người con, và cả ông tài xế chia nhau hoa, nhang rồi lâm râm khấn vái.
Một người con trai tay run run mở bọc tro, bà và những người con mỗi người một nắm tro, đứng tựa vào thành sắt trên đường đèo, rồi thay phiên nhau mở rộng tay ra.
Nhưng kìa, sao gió mạnh thế mà tro vẫn vón lại thành một khối vấn vương rồi mới tan ra, tung bay theo gió.
“OK, con đưa ba về.” Một người con gái nói trong tiếng thở dài.
“Ba happy rồi đó, thôi goodbye nhe ba, lâu lâu ba về thăm gia đình.” Người con khác dặn dò.
Rải tro xong, bà Trưởng tần ngần nhìn cảnh đèo. Những hạt tro như vẫn còn vướng vất trên tóc trên áo bà. Gió thổi vi vu, những gì còn lại của thể phách của cố Trung Tướng Ngô Quang Trưởng đã được bay vào thinh không, rơi xuống từng ngọn đồi, bám vào từng lá cây, hòa tan trong lòng biển Thái Bình Dương, mãi mãi quấn quýt với đất nước Việt Nam, bên cạnh những người dân miền Trung nghèo nàn, và mảnh đất mà ông và bao chiến sĩ đã xả thân bảo vệ.
Bà hơi buồn nhưng nhẹ nhàng, như đã làm xong được một việc canh cánh bên lòng.
“Tôi thấy anh đã quyết định đúng, và thấy thanh thản cho anh ấy!” bà chia sẻ.
Rồi bà mơ màng như nói cho một mình nghe:
“Chế độ nào thì rồi cũng phải qua đi, nhưng đất nước muôn đời vẫn là đất nước mình. Cuối cùng anh đã về được với quê hương.” (Hà Giang)
***
Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, người hùng của chiến trường Quảng Trị, từng làm khiếp vía bọn giặc cướp cộng phỉ xâm lược từ phương bắc khi đánh bật bọn chúng tại Cổ Thành Quảng Trị "Mùa Hè Đỏ Lửa" năm 1972. Ông tốt nghiệp Khóa 4 Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức năm 1954, ra trường đảm nhiệm chức vụ Đại Đội Trưởng - Đại Đội 1, Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù.
Năm 1963, ông được thăng cấp Đại Úy.
Năm 1964, ông thăng cấp thiếu tá và làm Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù. Cùng năm 1964, Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù do ông chỉ huy trực thăng vận nhảy vào mật khu Đỗ Xá, thuộc quận Minh Long, tỉnh Quảng Ngãi, phá vỡ căn cứ địa của bộ tư lệnh mặt trận B1 của cộng phỉ, tịch thu 160 súng đủ loại.
Năm 1965, Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù do ông chỉ huy trực thăng vận nhảy vào mật khu Hắc Dịch, thuộc vùng núi ông Trinh, tỉnh Phước Tuy Bà Rịa, căn cứ của công trường 7 cộng sản bắc việt. Sau hai ngày chạm súng và gây thiệt hại nặng nề cho hai trung đoàn Q762 và Q762 thuộc công trường 7 cộng sản bắc việt, ông được đặc cách thăng cấp Trung Tá tại mặt trận và được tưởng thưởng Đệ Tứ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương. Năm 1965 sau trận Hắc Dịch, ông được bổ nhiệm chức vụ Tham Mưu Trưởng Lữ Đoàn Nhảy Dù.
Đến cuối năm 1965, Trung Tá Ngô Quang Trưởng được bổ nhiệm Tham Mưu Trưởng Sư Đoàn Nhảy Dù. Năm 1966, sau biến cố bạo động miền Trung, ông được bổ nhiệm Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh, dưới quyền chỉ huy của Tư Lệnh Quân Đoàn I là Thiếu Tướng Hoàng Xuân Lãm.
Năm 1967, các đơn vị thuộc Sư Đoàn 1 Bộ Binh do ông chỉ huy, gồm Đại Đội Hắc Báo Trinh Sát, cùng Chi Đoàn 2/7 Thiết Vận Xa M-113, tăng phái Tiểu Đoàn 9 Nhảy dù do Thiếu Tá Nguyễn Thế Nhã chỉ huy, tấn công và phá vỡ hạ tầng cơ sở và triệt hạ toàn bộ bọn du kích thổ phỉ địa phương thuộc mặt trận Lương Cổ, Đồng Xuyên, Mỹ Xá thuộc quận Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Sau trận này ông thăng cấp Chuẩn Tướng.
Tết Mậu Thân năm 1968 tại Huế, các đơn vị thuộc Sư Đoàn 1 Bộ Binh do ông chỉ huy, tăng phái Chiến Đoàn I Nhảy Dù gồm các Tiểu Đoàn 2, 7 và 9 Nhảy Dù do Trung Tá Lê Quang Lưỡng chỉ huy, đã đánh bật các đơn vị của bọn cộng phỉ, gồm đoàn 5 các tiểu đoàn K4A, K4B, tiểu đoàn 12 đặc công nội thành, thành đoàn Huế, đoàn 6 gồm các tiểu đoàn K41, K6, tiểu đoàn 13 đặc công nội thành Huế, các đại đội đặc công 15, 16, 17, 18, tăng cường một đại đội súng phòng không 37 ly, hai đại đội du kích thổ phỉ quận Hương Trà, Phong Điền, hai đại đội biệt nội thành Huế, và hai tiểu đoàn 416, 418 thuộc đoàn Cù Chính Lan tức đoàn 9. Tướng Trưởng và các đơn vị của ông đã giữ vững Huế, đánh tan tác và gây thiệt hại nặng nề thảm bại cho các đơn vị cộng sản tấn công khủng bố Huế. Sau trận Mậu Thân ông được đặc cách thăng cấp Thiếu Tướng và được bổ nhiệm chức vụ Tư Lệnh Quân Đoàn IV, Quân Khu IV. Năm 1970 ông được thăng cấp Trung Tướng.
Hai năm sau, 1972, khi bọn cộng phỉ, theo lệnh quan thầy ngoại bang Tàu – Nga, mở cuộc chiến mùa hè đỏ lửa để tiếp tục cuồng vọng xâm lăng ăn cướp Miền Nam Việt Nam, Tướng Ngô Quang Trưởng được điều động vào chức vụ Tư Lệnh Quân Đoàn I và Quân Khu I thay thế Tướng Hoàng Xuân Lãm.
Quân Khu I được tăng cường lực lượng tổng trừ bị của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã đập tan tham vọng xâm lăng điên cuồng của bọn giặc cướp cộng phỉ, và tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị và tất cả các phần đất bị chiếm phía Nam sông Mỹ Chánh, khiến bọn cộng phỉ thất bại thảm hại và nhục nhã. Đại Tướng Norman Schwarkopf của Hoa Kỳ trong cuốn hồi ký viết vào năm 1992 đã ca tụng Tướng Trưởng như một anh hùng trong trận đánh tại thung lũng Ia-Drang.
(Sài Gòn trong tôi/ Nguyễn Phúc An Sơn)