Wednesday, February 24, 2021

Hải Quân Đại Tá Hồ Tấn Quyền

Hồ Tấn Quyền (1927-1963), nguyên là một sĩ quan Hải Quân cao cấp của Quân đội Việt Nam Cộng hòa, cấp bậc Hải quân Đại tá. Ông xuất thân từ khóa đầu tiên tại trường Sĩ quan Hải quân do Chính phủ Quốc gia Việt Nam tiếp quản và thành lập từ cơ sở Hải quân của Pháp chuyển giao cho Hải quân Việt Nam đặt tại một tỉnh thuộc Duyên hải miền Trung Việt Nam. Ông là vị Tư lệnh thứ ba của Quân chủng Hải Quân từ tháng 8 năm 1959 cho đến khi bị sát hại vào ngày 1 tháng 11 năm 1963.

Tiểu sử và binh nghiệp

Ông sinh ngày 1 tháng 11 năm 1927 tại Hải Châu, Đà Nẵng, trong một gia đình Nho học. Nguyên quán ông ở Kim Long, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Năm 1947, ông tốt nghiệp Trung học chương trình Pháp tại trường Quốc học Khải Định Huế với văn bằng Tú tài toàn phần (Part II). Tháng 8 cùng năm, ông thi vào trường Hàng hải Thương thuyền. Tháng 12 năm 1948, ông tốt nghiệp sĩ quan Thuyền trưởng Hàng hải, phục vụ ở ngành này cho đến khi gia nhập quân đội.

Quân đội Quốc gia Việt Nam

Cuối năm 1951, ông và một số sĩ quan Hàng hải được tuyển chọn gia nhập Hải quân Quân đội Quốc gia thành phần trong Quân đội Liên hiệp Pháp. Theo học khóa 1 tại trường Sĩ quan Hải quân Nha Trang, khai giảng ngày 1 tháng 1 năm 1952. Với tổng số 9 khóa sinh, tất cả đều được đưa xuống Hàng không Mẫu hạm Arromanches để huấn luyện chuyên nghiệp, sau đó luân chuyển qua các Chiến hạm Viễn Đông của Hải quân Pháp (vì Trung tâm Huấn luyện Hải quân Nha Trang đang trong thời kỳ xây dựng). Đến tháng 7, cả khóa trở lại Nha Trang tiếp tục thụ huấn. Ngày 1 tháng 10 cùng năm, mãn khóa tốt nghiệp với cấp bậc Hải quân Thiếu úy ngành chỉ huy.[1] Ra trường, ông được điều động phục vụ trong Giang đoàn Xung phong. Ngày 1 tháng 10 năm 1953, ông được thăng cấp Hải quân Trung úy giữ chức Chỉ huy phó Giang đoàn Xung phong. Tháng 7 năm 1954, ông được thăng cấp Hải quân Đại úy, nhận lãnh và làm Hạm trưởng đầu tiên Giang hạm HQ-535 do Hải quân Pháp chuyển giao cho Hải quân Việt Nam.

Quân đội Việt Nam Cộng hòa

Ngày Quốc khánh Đệ Nhất Cộng hòa 26 tháng 10 năm 1956, sau một năm từ Quân đội Quốc gia chuyển sang phục vụ Quân đội Việt nam Cộng hòa, ông được thăng cấp Hải quân Thiếu tá đảm nhiệm chức vụ Chỉ huy trưởng Hải khu Đà Nẵng. Thời điểm này ông cùng với Đại tá Linh Quang Viên là quan sát viên cuộc thao diễn Hải quân Liên phòng Đông Nam Á trên Hàng không Mẫu hạm Enterprise trong 15 ngày từ Singapore đến vịnh Subic Philippines. Đến giữa năm 1957, ông được cử làm Tham mưu trưởng trong Bộ Tư lệnh Hải quân do Thiếu tá Trần Văn Chơn làm Tư lệnh.

Thượng tuần tháng 8 năm 1959, ông được bổ nhiệm chức vụ Tư lệnh Hải quân thay thế Thiếu tá Trần Văn Chơn được cử đi du học trường Cao đẳng Hải chiến tại Hoa Kỳ. Ngày Quốc khánh tháng 10 cùng năm, ông được thăng cấp Hải quân Trung tá tại nhiệm. Ông được đánh giá là người có lòng nhiệt thành, tầm nhìn xa rộng và có công lao lớn trong việc xây dựng Quân chủng Hải quân. Đặc biệt ông rất trung thành với Tổng thống Ngô Đình Diệm. Giữa năm 1960, ông có sáng kiến thành lập Lực lượng Hải thuyền để ngăn chận sự xâm nhập người và vũ khí của Quân đội Bắc Việt.

Ngày 11 tháng 11 năm 1960, bộ đôi sĩ quan gồm: Đại tá Nguyễn Chánh Thi và Trung tá Vương Văn Đông[2] cầm đầu cuộc đảo chính lật đổ Chính quyền Tổng thống Ngô Đình Diệm, ông đích thân đem quân vào Dinh Độc Lập cứu nguy, khiến cho cuộc đảo chính vừa nổ ra đã bị thất bại. Ngày 27 tháng 2 năm 1962, khi hai phi công Trung úy Nguyễn Văn Cử và Trung úy Phạm Phú Quốc[3] dùng máy bay dội bom Dinh Độc Lập, ông chỉ đạo các Chiến hạm Hải quân, bắn đạn bay đan kín vùng trời, bảo vệ Tổng thống. Ngay sau đó ông được thăng cấp Hải quân Đại tá tại nhiệm. Ngày 3 tháng 1 năm 1963, ông được cử làm Chỉ huy trưởng cuộc hành quân "Sóng tình thương", bình định và an dân tại Năm Căn, Cà Mau.

Ngày 1 tháng 11 năm 1963, một số sĩ quan cao cấp trong quân đội đã tổ chức thành công cuộc đảo chính Tổng thống Ngô Đình Diệm, ông là một trong số rất ít sĩ quan chỉ huy thật sự trung thành với Ngô Đình Diệm.[4]

Vào lúc 9 giờ 45 sáng ngày 1 tháng 11 đúng vào ngày sinh nhật của ông, ông bị sát hại dã man trên xa lộ Biên Hòa hướng đi lên Thủ Đức, chỉ vì ông không đồng thuận với nhóm tướng tá cầm đầu cuộc đảo chính. Cùng đi trên xe với ông có hai sĩ quan Hải quân dưới quyền là Thiếu tá Trương Học Lực,[5] Chỉ huy trưởng Vùng 3 Sông ngòi và Đại úy Nguyễn Kim Hương Giang,[6] Chỉ huy trưởng Giang đoàn 24 Xung phong kiêm Chỉ huy trưởng Đoàn Giang vận. Hai sĩ quan này được lệnh của các tướng cầm đầu cuộc đảo chính loại bỏ ông ra khỏi chức vụ Tư lệnh Quân chủng Hải quân nên đã lừa ông ra Thủ Đức và hạ sát ông tại rừng cao su. Vì nếu ông còn là Tư lệnh, ông sẽ chỉ huy Hải quân ứng cứu Tổng thống Diệm, với lòng trung thành của ông cộng với Lực lượng Hải quân lúc bấy giờ, có thể cuộc đảo chính sẽ đi đến chỗ thất bại. Ông bị sát hại khi mới 36 tuổi.

Ngay sau đó, Hội đồng Quân nhân Cách mạng do tướng Dương Văn Minh làm Chủ tịch liền bổ nhiệm Đại tá Chung Tấn Cang vào chức vụ Tư lệnh Quân chủng Hải Quân.


CÁI CHẾT CỦA HQ ĐẠI TÁ HỒ TẤN QUYỀN,

Tư Lệnh Hải Quân

TRONG CUỘC BINH BIẾN 1 THÁNG 11 NĂM 1963

 

ĐÍNH CHÍNH CỦA ÔNG NGUYỄN BÁ CẨN
về cái chết của Đại Tá Hồ Tấn Quyền trong Hồi Ký ĐẤT NƯỚC TÔI


Trong quyển hồi ký “ĐẤT NƯỚC TÔI” ấn hành năm 2003, tại trang 308 có đoạn nói về vụ sát hại sĩ quan cao cấp Quân Lực VNCH trong ngày đầu của cuộc binh biến 1/11/1963. Khi đề cập đến trường hợp của Cố Hải Quân Đại Tá Hồ Tấn Quyền, Tư Lệnh Hải Quân, tôi đã dựa trên một tài liệu tường thuật sai lầm nguyên do và hoàn cảnh dẫn dắt đến cái chết của Cố Đại Tá, tại Thủ Đức. Với thời gian lắng dịu và tài liệu đầy đủ từ rất đông nhân chứng liên hệ đến biến cố kể trên, trường hợp sát hại Cố Hải Quân Đại Tá Hồ Tấn Quyền đã được tường thuật một cách chính xác trong quyển Hải Sử Tuyển Tập được ấn hành năm 2004. Đưọc sự chấp thuận của nhà văn Phan Lạc Tiếp, Trưởng Ban Biên Tập Hải Sử Tuyển Tập, tôi xin trích đăng một đoạn trong Tuyển Tập để cho sự thật được sáng tỏ đồng thời vinh danh lòng dũng cảm của Cố HQ Đại Tá Hồ Tấn Quyền. Với lời chân thành xin lổi gia đình của Cố HQ Đại Tá về một sơ xuất đáng tiếc và thành thật cám ơn nhà văn Phan Lạc Tiếp, tôi xin trích đăng một đoạn trong quyển Hải Sử Tuyển Tập, nguyên văn như sau. (Tác Giả hồi ký “Đất Nước Tôi”, Nguyễn Bá Cẩn, cựu Thủ Tướng Chính Phủ VNCH). 

 


“Vài hàng về HQ Đại Tá Hồ Tấn Quyền.

Đại Tá Quyền gốc người Huế, sinh năm 1927 tại Đà Nẵng, xuất thân Khóa 1 Sĩ Quan Hải Quân (SQHQ) Nha Trang. Khóa này có 6 sĩ quan ngành Chỉ Huy và 3 sĩ quan ngành Cơ Khí. Người đỗ đầu khi ra trường ngành Chỉ Huy là ông Trần Văn Chơn. Người đứng thứ sáu là ông Hồ Tấn Quyền. Như tất cả những người cùng khoá, trước khi theo học Khóa 1 SQHQ Nha Trang, ông Quyền cũng đã theo học ngành Hàng Hải. Tất cả 6 sĩ quan ngành Chỉ Huy khoá này, đều lần lượt thay nhau làm Tư Lệnh Hải Quân từ khi người Pháp trao quyền chỉ huy cho sĩ quan Việt Nam vào ngày 20 tháng 8 năm 1955, cho đến khi Hạm Đội Việt Nam Cộng Hoà làm lễ hạ kỳ trên Biển Đông, hồi 12 giờ trưa ngày 7 tháng 5 năm 1975. Ông Quyền là vị Tư Lệnh thứ ba, từ ngày 6 tháng 8 năm 1959, đến ngày 1 tháng 11 năm 1963, là ngày ông bị hạ sát. Đại Tá Lê Quang Mỹ là vị Tư Lệnh đầu tiên. Kế đến là Trung Tá Trần Văn Chơn ở nhiệm kỳ đầu. Trước khi được chỉ định làm Tư Lệnh, ông Quyền làm Tham Mưu Trưởng Hải Quân cho ông Chơn.

Trong chức vụ Tư Lệnh Hải Quân, ông Quyền đã chứng tỏ là người có khả năng và tuyệt đối trung thành với Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Đồng thời ông cũng là người có nhiệt tâm và viễn kiến sắc bén trong việc xây dựng Hải Quân.

Trong lần đảo chánh ngày 11 tháng 11 năm 1960, do Đại Tá Nguyễn Chánh Thi cầm đầu, Đại Tá Quyền là người đã đích thân đem 2 đại đội của Tiểu Đoàn 2 Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) vào dinh Độc Lập, hợp sức cùng với lực lượng phòng thủ trong dinh, ngăn chận được phe đảo chánh. Đó là một chiến công rất cụ thể của ông Quyền với Tổng Thống Diệm. (Hai đại đội trước của tiểu đoàn này đã do Đại Úy Nguyễn Kiên Hùng, Tiểu Đoàn Trưởng dẫn đi theo phe đảo chánh. Vì không đủ xe, nên mới còn 2 đại đội đợi xe ở trại Cửu Long. Lúc ấy Đại Tá Quyền leo qua cầu Avalanche điều động 2 đại đội còn lại này vào dinh chống lại phe đảo chánh).

Và ngày 27 tháng 2 năm 1962, phi công Nguyễn Văn Cử và Phạm Phú Quốc dùng máy bay oanh tạc dinh Độc Lập, chính các chiến hạm Hải Quân, do ông Quyền làm Tư Lệnh, đã bắn lên, đạn bay đan kín vùng trời, bảo vệ an toàn dinh Tổng Thống. Một máy bay đã bị Hải Quân bắn hạ.

Trong việc xây dựng Hải Quân, ngay từ ngày cuộc chiến bột phát, năm 1960, Đại Tá Quyền là người đã nhìn thấy sự quan trọng trong việc bảo vệ lãnh hải Việt Nam bằng chính những phương tiện đơn giản của Việt Nam. Ông là người đã có sáng kiến thành lập Lực Lượng Hải Thuyền, dùng những ghe xuồng chúng ta có thể đóng lấy được và tuyển dụng những dân chài địa phương, trà trộn với ngư dân để phát giác và ngăn chận từ trong trứng nước sự xâm nhập ngưới và vũ khí từ Bắc vào Nam bằng đường biển. Các đơn vị Hải Thuyền, sau được biến cải thành các Duyên Đoàn, đã chứng tỏ rất hữu hiệu, tạo được nhiều chiến công trong việc đối đầu với những ghe tàu xâm nhập từ Bắc vào Nam. (Xin xem thêm bài phỏng vấn Đại Tá Nguyễn Văn Thông về Lực Lượng Hải Thuyền). 


Cái chết của Đại Tá Quyền.

Năm 1963, Miền Nam mỗi lúc mỗi có những khó khăn. Ngoài thì Cộng sản mở rộng những trận đánh. Người Mỹ vì nhiều lý do không muốn ủng hộ chính quyền của Tổng Thống Diệm nữa. Trong thì có những mâu thuẫn đảng phái, tôn giáo, do đó quân đội cũng có nhiều phân hoá. Tổng Thống Diệm chỉ còn tin tưởng vào một số rất ít đơn vị trung thành với ông, như Thiếu Tướng Huỳnh Văn Cao, Tư Lệnh Vùng 4 Chiến Thuật; Đại Tá Lê Quang Tung, Tư Lệnh Lực Lượng Đặc Biệt; và Hải quân Đại Tá Hồ Tấn Quyền, Tư Lệnh Hải Quân. Vì thế trước khi khởi sự, cấp chỉ huy đảo chánh phải làm sao hóa giải được những trở ngại nói trên. Để làm việc này trong Hải Quân, cấp chỉ huy đảo chánh, đứng đầu là Trung Tướng Văn Minh, đã “xây dựng” (móc nối) với bốn người là HQ Trung Tá Chung Tấn Cang, Chỉ Huy Trưởng Giang Lực; HQ Thiếu Tá Khương Hữu Bá, Chỉ Huy Trưởng Duyên Lực; HQ Thiếu Tá Trương Ngọc Lực, Chỉ Huy Trưởng Vùng III Sông Ngòi; và một sĩ quan gốc Thủy Quân Lục Chiến, Đại Úy Nguyễn Kim Hương Giang, Chỉ Huy Trưởng Giang Đoàn 24 Xung Phong, kiêm Chỉ Huy Trưởng Đoàn Giang Vận. Riêng về ông Trương Ngọc Lực, xuất thân khóa 2 sĩ quan Nha Trang, với nhiều thời gian hoạt động trong sông và khét tiếng là một tay hiếu sát.

 

Thi Hành.

Công tác này diễn tiến như sau:

Trước hết là trung hoà các người có thể làm trở ngại việc đảo chánh trong Hải Quân. Do sự chỉ định của cấp chỉ huy đảo chánh, Thiếu Tá Trương Ngọc Lực và Đại Úy Nguyễn Kim Hương Giang, hai người phải làm sao loại trừ cho được sự hiện diện của Đại Tá Quyền trong vai trò Tư Lệnh Hải Quân, ưu tiên là bắt giử ông Quyền đem nộp cho họ. Ông Giang nhớ lại lời ông Lực nói rằng:


-“Ông Quyền trung thành với ông Diệm lắm, không cách nào thuyết phục ông ta theo phe cách mạng được đâu, mà có khi còn nguy cho tính mạng và đại cuộc. Ông Lực được ông Minh (Dương Văn Minh) cho biết là giữa Tổng Thống Diệm và ông Quyền có một kế hoạch di tản bí mật bằng tàu Hải Quân khi có biến, lánh nạn khi có đảo chánh. Chi tiết thế nào thì không được biết, chỉ nghe ông Lực nói lại mà thôi”.

Để thi hành công tác này, khoảng 10 giờ sáng hôm 1 tháng 11 năm 1963, buổi sáng được nghỉ lễ, ông Quyền đang đánh tennis với ông Thăng (xin xem thêm bài phỏng vấn Phó Đề Đốc Đặng Cao Thăng), thì ông Lực đến năn nỉ ông Quyền rất lâu, mời đi Thủ Đức ăn trưa, lấy cớ hôm ấy là ngày sinh nhật thứ 36 của ông Quyền. Ông Quyền không muốn đi, vì “buổi trưa còn phải lên Bộ Tổng Tham Mưu họp”. Sau ông Lực năn nỉ mãi, ông Quyền về nhà thay quần áo, lái xe citroen đen đi. Ông Quyền cầm tay lái. Ông Lực ngồi ở ghế trên, ông Giang ngồi ghế sau. Khi từ xa lộ Biên Hoà rẽ vào đường đi Thủ Đức, xe nghiêng, ông Lực ngã vào ông Quyền, cũng là lúc ông Lực rút dao găm ra đâm ông Quyền. Ông Quyền nhanh tay đỡ và dằng được dao găm, đâm vào tay ông Lực. Máu bắn tung toé. Hai người vật nhau, xe ủi xuống lề đường. Trong phút nguy nan đó, ông Giang ngồi ở ghế sau chồm lên dí súng vào vai phải ông Quyền, nổ súng, “đâu một hai phát gì đó”. Ông Quyền buông lơi con dao dính đầy máu xuống trước mặt, gục ngã trên bánh lái. Sự việc xảy ra trong chớp mắt, tự nhiên như một phản xạ, không suy nghĩ, ông Giang đứng bất động, kinh hoàng. Vừa lúc ấy, một chiếc xe dân sự do tài xế của ông Lực chạy sau, trờ tới. Ông Lực và anh tài xế bê xác ông Quyền bỏ vào thùng xe dân sự này. Cả ba lên xe này chạy về Sài Gòn.”


Chiếm Bộ Tư Lệnh Hải Quân.

Ông Lực và ông Giang cấp tốc trở lại Sài Gòn, thay quần áo tác chiến Hải Quân, có mặt tại ngã ba Bạch Đằng-Nguyễn Huệ, lúc 1 giờ trưa, để đón 2 đại đội khoá sinh từ Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung lên, do Đại Tá Đỗ Kiến Nhiễu đích thân trao lại. Đúng như dự trù, ông Lực và ông Giang hướng dẫn đoàn xe chở 2 đại đội này chạy ào vào chiếm Bộ Tư Lệnh Hải Quân. Quân nhân Hải Quân thấy sĩ quan Hải Quân hướng dẫn đoàn xe, nên không chống cự, vì thế việc chiếm Bộ Tư Lệnh Hải Quân không gặp trở ngại nào. Trong khi ông Giang phân chia lính bộ binh tước khí giới và canh gác Bộ Tư Lệnh, thì ông Lực chạy thẳng lên Văn Phòng Tư Lệnh Hải Quân, nói với Trung Tá Đặng Cao Thăng, Tham Mưu Trưởng Hải Quân, rằng:


“Cách Mạng đem quân tới chiếm Bộ Tư Lệnh Hải Quân”.

Theo sự nhớ lại của ông Thăng, thì:

“Tôi thấy ông Lực mặt mày xanh ngắt, tay bị băng, thì tôi biết là có chuyện chẳng lành cho Đại Tá Quyền rồi. Ông Lực lùa tôi và các sĩ quan tham mưu vào văn phòng Đại Tá Quyền. Khi đó có 2 máy bay của Không Quân bay rất thấp quanh Bộ Tư Lệnh Hải Quân, có lẽ để uy hiếp Hải Quân. Các chiến hạm liền nổ súng dày đặc bầu trời. Đặc biệt chiến hạm HQ 06 đậu tại cầu A, vị trí 1, do Đại Úy Đỗ Kiểm làm Hạm Trưởng, bắn lên rất dữ dội. Ông Lực yêu cầu tôi ra cột cờ trước Bộ Tư Lệnh ra lệnh cho các chiến hạm ngưng bắn. Người trực tiếp áp tải tôi ra sân cờ là Trung Úy Thái Quang Chức.” (Ông Chức là em Trung Tướng Thái Quang Hoàng, một sĩ quan thuộc đơn vị của ông Giang).

Trước đó, theo kế hoạch đã định, Trung Tá Cang ra lệnh cho một số chiến đĩnh của Giang Đoàn 24 Xung Phong ỉm quân ở bên kia cầu Sài Gòn. Vì nếu ở bên này cầu, quá 1 giờ trưa nước lớn, tàu không chui qua gầm cầu được. Đúng giờ ấn định, 1 giờ 30, Trung Tá Cang đem đoàn chiến đĩnh sang chiếm Bộ Tư Lệnh Hải Quân. Trên chiếc Monitor Combat (Tiền Phong Đĩnh) do Trung Sĩ Thạch Sơn, người Việt lai Miên làm Thuyền Trưởng, ông Cang đứng trên chiếc Monitor này, cặp vào cầu tàu Tư Lệnh. Ông Cang lên Văn phòng Tư Lệnh đảm nhiệm vai trò Tư Lệnh Hải Quân. Nhớ lại biến cố này, Phó Đô Đốc Chung Tấn Cang cười và nói rằng:


-“May mà tôi đã đến kịp, tránh được những điều đáng tiếc xảy ra cho Hải Quân.”


Trật tự tại Bộ Tư Lệnh Hải Quân được vãn hồi. Hôm sau, 2 tháng 11 năm 1963, ông Cang được thăng Đại Tá, ông Lực thăng Trung Tá và ông Nguyễn Kim Hương Giang thăng Thiếu Tá.

Vào khoảng 1 giờ 15 chiều ngày 1 tháng 11 năm 1963, khi biến cố đảo chánh đã xảy ra rồi, ông Thăng nhớ laị, nói rằng:


-“Tổng Thống Diệm có gọi tôi, hết sức bình tĩnh, ông hỏi Hải Quân ra sao, anh Quyền đâu. Ông chỉ thị cho tôi phải đẩy quân của ông Lực ra. Lúc đó Bộ Tư Lệnh Hải Quân đã bị tước khí giới rồi, tôi không làm nổi”.


Nhìn lại biến cố này, ông Thăng có nhận xét rằng:

 -“Tôi thấy vụ giết ông Quyền có thể có dự mưu, vì tại sao phải mời ông Quyền lên Thủ Đức, và công việc này lại giao cho một sĩ quan nổi tiếng hiếu sát trong Hải Quân. Vả chăng ông Đại Tá Lê Quang Tung, Tư Lệnh Lực Lượng Đặc Biệt và em ông, Thiếu Tá Triệu bị bắt và bị bắn chết trong Bộ Tổng Tham Mưu. Chắc họ cũng dành cho ông Quyền cùng một số phận. Ông Giang, theo tôi, chỉ là người phụ thuộc, không có mưu đồ nào. Ông bắn ông Quyền chỉ vì trong hốt hoảng, quá sợ hãi.”

Sau đó, theo lời kể lại của anh Trần Văn Hoa Em, khi ấy còn là Thiếu Úy, thì:


-“Sau ngày đảo chánh, ông Lực có lúc xuống nấn ná ở tàu tôi (HQ 501) đậu ở cầu C, do Đại Úy Bùi Cửu Viên làm Hạm Trưởng. Ông Lực tỏ ra dè dặt và sợ hãi, rồi lặng lẽ đi đâu không biết”.


Còn ông Giang thì cho hay:

 -“Trung Tá Lâm Ngươn Tánh, lúc ấy là Tham Mưu Trưởng, một hôm kéo tôi ra kè xi măng ở bờ sông trước cầu C, nói với tôi rằng, ‘tụi bây liệu đường đi đâu thì đi xa đi. Tụi nó dự trù giết mày và thằng Lực đó’. Nên không bao lâu Trung Tá Lực được đổi đi làm Tùy Viên Quân Lực tại Hán Thành. Còn tôi (Giang) được đổi ra Phú Quốc, làm cố vấn cho vị chỉ huy Hải Quân tại đâỵ”


Nhìn xa hơn chút nữa, trong cuốn “Việt Nam Nhân Chứng”, Trung Tướng Trần Văn Đôn đã kể lại nhiều chi tiết cho thấy rằng người Mỹ đã chủ động, theo dỏi rất sát biến cố ngày 1 tháng 11 năm 1963. Trong trang 227 và 228 sách đã dẫn, ông Đôn đã đưa ra những chi tiết về việc ngườì Mỹ muốn bắt và giết cho được Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Ngô Đình Nhu. Khi đón tiếp các vị tướng lãnh của nhóm đảo chánh tới thăm Toà Đại Sứ Mỹ, hồi 4 giờ chiều ngày 2 tháng 11 năm 1963, khi anh em Tổng Thống Diệm đã bị giết rồi, ông Cabot Lodge, Đại Sứ Hoa Kỳ ra tận lề đường đón các vị tướng đại diện phe đảo chánh, ông Lodge đã vui vẻ thốt lên bằng tiếng Pháp:”C’est formidable! C’est formidable!” (Thật là tuyệt diệu. Tuyệt diệu).

Thái độ ấy, lời nói ấy tưởng đã quá đủ để thấy thân phận của những ai mà người Mỹ muốn loại trừ trong biến cố 1 tháng 11 năm 1963.”

 

TÂM TÌNH CỦA BÀ HỒ TẤN QUYỀN

Trong một cuộc phỏng vấn của đài VNCR được thu lại bằng Video và phổ biến trên Website của Hải Quân VNCH, bà Hồ Tấn Quyền cho biết khi Đại Tá Quyền bị hạ sát, bà đang đi học về thẩm mỹ ở Nhật. Bỗng nhiên bà nhận được một công điện do Toà Đại Sứ Việt Nam ở Nhật trao lại, trong đó ghi vỏn vẹn chỉ có mấy chữ: “Tư lệnh bị thương nặng, bà về gấp.” Ở dưới ghi Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng nhưng không có ai ký tên.

Khi bà về tới phi trường, có một ông bác sĩ và mấy ông Hải Quân đi đón bà. Khi về tới nhà, đứa con nhỏ chạy ra cho biết chú Lực đã giết ba chết rồi. Bà rất ngạc nhiên. Sáng hôm sau, bà được đưa đến nhà xác bệnh viện Cộng Hoà để nhận xác Đại Tá Quyền. Bà thấy ông bị bắn ba viên đạn, một viên ở tay trái, một viên trên vai và một viên ngay tim. Bà không có tiền chôn cất nên ông bà Hà Kim đã cho bà muợn 30.000 đồng và sau đó cho luôn.

Bà có đến gặp Tướng Dương Văn Minh và hỏi tại sao đã giết chồng bà, tướng này nói “chúng nó làm bậy” và chỉ xin lỗi. Tướng Đôn cũng nói như thế. Nhưng về sau bà nghe nói chính Tướng Dương Văn Minh đã giao việc thanh toán Đại Tá Quyền cho Thiếu Tá Trương Ngọc Lực. Bà cho biết Đại Úy Trương Ngọc Lực mới được chồng bà thăng Thiếu Tá hôm 25.10.1963.

Theo bà Quyền, Đại Úy Nguyễn Kim Hương Giang vốn thuộc binh chủng Thủy Quân Lục chiến, nhưng Trung Tá Lê Nguyên Khang, chỉ huy trưởng Thủy Quân Lục Chiến không thích Đại Úy Giang. Lúc đó, vợ của Đại Úy Giang đang làm việc xã hội với bà nên đã năn nỉ bà nói với Đại Tá Quyền đưa ông ta về Hải Quân, vì lúc đó Đại Tá Quyền kiêm Tư Lệnh Thủy Quân Lục Chiến. Đại Tá Quyền đồng ý và đưa Đại Úy Giang về Hải Quân. Không ngờ việc làm ơn này đã gây thảm họa cho ông. Về sau, Thiếu Tá Giang muốn gặp riêng bà để thanh minh về cái chết của Đại Tá Quyền, nhưng bà không muốn gặp. Hiện nay, Nguyễn Kim Hương Giang đang định cư tại San Diego, California.

Cũng theo bà Quyền, Trung Tá Trương Ngọc Lực khi làm tùy viên quân sự ở Toà Đại Sứ Việt Nam tại Hán Thành đã vi phạm lỗi nặng, bị triệu hồi về và bị đưa ra trước toà án quân sự. Đại Tá Lê Nguyên Khang có điện thoại cho bà biết sáng hôm sau ông sẽ ngồi xử Trương Ngọc Lực và tuyên án nặng. Nhưng sáng hôm sau, Đại Tá Khang cho bà biết người ta đã tìm cách thả Trương Ngọc Lực ra và đưa anh ta đi trốn qua Cao Miên. Nghe nói sau đó ông ta đã đi qua Pháp nhưng bị điên nên phải đưa vào nhà thương điên và chết tại đó.

Sau khi Đại Tá Quyền chết, bà phải nuôi 8 đứa con, đứa lớn nhất mới 9 tuổi và đứa nhỏ nhất mới 8 tháng. Vợ chồng bà để dành trong 10 năm được hơn 10.000 đồng. Số tiền này bà gởi ở ngân hàng Việt Nam Thương Tín, nhưng khi đến lấy tiền ra thì được cho biết Hội Đồng Cách Mạng đã tịch thu!

Bà cho biết thêm: Một số sĩ quan Hải Quân tới thăm và đốt hương cho chồng bà cũng bị cảnh cáo. Vì năm 1960 Đại Tá Quyền đã lập ra Hội Người Nhái nên có 6 anh em người nhái đến nói với bà rằng họ sẽ thanh toán tên Lực và tên Giang, nhưng bà khuyên họ: “Thôi để trời phạt mấy người đó, mấy anh đừng có làm bậy.” Một tuần sau, có 4 người nhái khác cũng đến nói như vậy, nhưng bà cũng bảo họ đừng làm.

Tổng Thống Johnson đã chí lý khi gọi các tướng lãnh Việt Nam được CIA thuê làm đảo chánh là “bọn ác ôn côn đồ đáng nguyền rủa”.

Ngày 12.10.2010

Lữ-Giang

“Nếu bọn Việt Cộng thắng, thì quốc-gia Việt-Nam cũng sẽ bị tiêu-diệt và sẽ biến thành một tỉnh nhỏ của Trung-hoa Cộng-sản. Hơn nữa toàn-dân sẽ phải sống mãi mãi dưới ách độc tài của một bọn vong bản vô gia đình, vô tổ quốc, vô tôn giáo."
Ngô Đình Diệm
(Đồng Cam, Tuy-Hòa 17-9-1955)

- Đại Úy Nguyễn Kim Hương Giang, gốc Thủy Quân Lục Chiến, Chỉ Huy Trưởng Giang Đoàn 24 Xung Phong, kiêm Chỉ Huy Trưởng Đoàn Giang Vận.

 

Hải Quân Đại Tá Hồ Tấn Quyền
Commander Ho Tan Quyen.jpg
Hải quân Đại tá
Hồ Tấn Quyền (1959)
Chức vụ
Tổ quốc - Đại dương.gif
Tư lệnh Quân chủng Hải quân
Nhiệm kỳ8/1959 – 11/1963
Cấp bậc-Thiếu tá
-Trung tá (10/1959)
-Đại tá (2/1962)
Tiền nhiệm-Trung tá Trần Văn Chơn
Kế nhiệm-Đại tá Chung Tấn Cang
Vị tríQuân khu Thủ đô

Tổ quốc - Đại dương.gif
Tham mưu trưởng
tại Bộ tư lệnh Hải quân
Nhiệm kỳ6/1957 – 8/1958
Cấp bậc-Thiếu tá
Vị tríQuân khu Thủ đô
Tư lệnh-Trung tá Trần Văn Chơn

Tổ quốc - Đại dương.gif
Chỉ huy trưởng Hải khu Đà Nẵng
Quân đội Việt Nam Cộng hòa
Nhiệm kỳ10/1956 – 8/1959
Cấp bậc-Thiếu tá (10/1956)
Vị tríĐệ nhị Quân khu

Tổ quốc - Đại dương.gif
Hạm trưởng Giang hạm HQ-535
Quân đội Quốc gia Việt Nam
Nhiệm kỳ7/1954 – 10/1956
Cấp bậc-Đại úy (7/1954)
Vị tríQuân khu Thủ đô

Tổ quốc - Đại dương.gif
Chỉ huy phó Giang đoàn Xung phong
Quân đội Liên hiệp Pháp
Nhiệm kỳ10/1953 – 7/1954
Cấp bậc-Trung úy (10/1953)
Vị tríĐệ tam Quân khu Bắc Việt

Thông tin chung
Quốc tịch Việt Nam Cộng hòa
Sinh1 tháng 11 năm 1927
Thừa Thiên, Việt Nam
Mất1 tháng 11, 1963 (36 tuổi)
Thủ Đức Gia Định
Việt Nam
Nguyên nhân mấtBị sát hại
Nơi ởSài Gòn
Nghề nghiệpQuân nhân
Dân tộcKinh
VợLê Thị Bích Tùng
Con cái7 người con (1 trai, 6 gái):
Hồ Tấn Bích Thủy
Hồ Tấn Bích Tiên
Hồ Tấn Bích Trà
Hồ Tấn Bích Thư
Hồ Tấn Bích Tuyền
Hồ Tấn Bích Trang
Hồ Tấn Phú Quốc
Học vấnTú tài toàn phần
Học sinh trường-Trường Quốc học Khải Định, Huế
-Trường Hàng hải Thương thuyền của Pháp tại Sài Gòn
-Trường Sĩ quan Hải quân Nha Trang
Quê quánTrung Kỳ
Binh nghiệp
Phục vụFlag of South Vietnam.svg Việt Nam Cộng hòa
ThuộcFlag of the Army of the Republic of Vietnam.jpg Quân đội VNCH
Năm tại ngũ1951-1963
Cấp bậcDaiTaHQVNCH.gif Hải quân Đại tá
Đơn vịTổ quốc - Đại dương.gif Quân chủng Hải quân
Chỉ huyFlag of the Vietnamese National Army.svg Quân đội Quốc gia
Flag of South Vietnam.svg Quân đội VNCH
Tham chiếnChiến tranh Việt Nam 
Video phỏng vấn bà Hồ Tấn Quyền

No comments:

Post a Comment