Wednesday, March 18, 2020

Thiếu Tướng Lê Minh Đảo (1933-2020) - Video Tang Lễ

Video Tang Lễ Thiếu Tướng Lê Minh Đảo
  
 Gia Đình SĐ18BB xin thông báo cùng toàn thể quý chiến hữu và thân hữu:
Người Anh Cả của Gia Đình SĐ18 chúng tôi là Thiếu tướng Lê Minh Đảo, Cựu Tư Lệnh SĐ18BB/QLVNCH vừa giả từ gia đình bằng hữu và toàn thẻ ACE thuộc cấp vào lúc 1:45 pm ngày Thứ Năm, 19 tháng 3 năm 2020 tại bệnh viện Hartford, Connecticut..
Với niềm kính trọng và thương tiếc Người Anh Cả "Hằng Minh", chúng tôi xin nghiêm chào kính "Hằng Minh" lần cuối.
Xin cầu nguyện cho
Linh Hồn Louis Lê Minh Đảo sớm được hưởng nhan Thánh Chúa.

Thành Kính Phâu Ưu và Vĩnh Biệt "Hằng Minh"

Phúc Đặng
Gia Trưởng Gia Đình SĐ18BB.


  
Mọi liên lạc, phân ưu, chia buồn, xin gửi về địa chị e-mail: phanuuleminhdao@gmail.com

Kính thưa Quý Đồng Hương,
Bản Tin Hoa Thịnh Đốn vừa nhận được hung tin từ Chị Bích Phượng, Tướng Lê Minh Đảo đã vĩnh viễn chia tay các chiến hữu của của Ông và Con cháu vào lúc 1:45 PM hôm nay thứ năm 19/3/2020 tại Bịnh Viện Hartford Connecticut, Toàn thể gia đình SBTN, VATV và Đài Phát Thanh Hoa Thịnh Đốn Thành Kính chia buồn cùng tang quyến và các chiến sĩ Sư Đoàn 18 VNCH.
Thiếu Tướng Lê Minh Đảo sinh năm 1933 nguyên là tướng lĩnh Bộ binh của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, xuất thân từ trường Võ bị Liên quân dưới thời kỳ Quốc gia Việt Nam (thuộc Liên bang Đông Dương của Pháp). Thời gian tại ngũ, ông đã tuần tự đảm nhiệm từ chức vụ Trung đội trưởng cho đến Tư lệnh đơn vị Bộ binh cấp Sư đoàn. Ngoài ra, ông còn được cử giữ những chức vụ ở lĩnh vực Hành chính Quân sự tỉnh trưởng Mỹ Tho.
Ông được đánh giá là một trong những tướng lĩnh chỉ huy cấp Sư đoàn có khả năng nhất của Việt Nam Cộng hòa, từng là Tư lệnh chiến trường Xuân Lộc, phòng tuyến cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa vào những ngày cuối tháng 4 năm 1975.
Tướng Lê Minh Đảo trải qua 17 năm trong các trại cải tạo và là tướng Việt Nam Cộng hòa có thời gian đi cải tạo lâu nhất trong nhà tù Cộng Sản Việt Nam.
Trong trại tù, Thiếu Tướng Đảo đã khảng khái nói với các cai ngục Cộng Sản:“Nếu các ông còn đang giam giữ nhiều chiến hữu sư đoàn của tôi, thì tôi mong là tôi sẽ là người sau chót bước ra khỏi đây. Nếu khác đi thì tôi không còn mặt mũi nào nhìn họ nữa”. Khi được hỏi về những ký ức ở Xuân Lộc, Thiếu Tướng Đảo đã trầm ngâm đôi giây phút:”Chiến đấu là một nghệ thuật.Chúng ta không phải dùng tay và chân thôi, mà còn trí óc nữa. Cho dù biết đang thua cuộc chiến tranh, tôi vẫn chiến đấu“.
Với bản tính khiêm tốn , lời nhắn nhủ với tác giả sử gia Jay Veith, người đã bỏ công phục hiện lại diễn tiến Xuân Lộc, của Thiếu Tướng Lê Minh Đảo, Tư Lệnh Sư Đoàn 18 Bộ Binh, được dùng làm lời kết cho thiên anh hùng ca :”Xin đừng gọi tôi là anh hùng. Những chiến hữu của tôi đã hy sinh tại Xuân Lộc và những chiến trường khác mới chính là những anh hùng“. Không cần thiết phải ngợi ca Thiếu Tướng Lê Minh Đảo là một anh hùng. Những dữ kiện của sự thật đã nói lên được điều đó.
Phân ưu xin email về PhanUuLeMinhDao@Gmail.com
Trân Trọng
VTN


Lê Minh Đảo nguyên là tướng lĩnh Bộ binh của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, cấp bậc Thiếu tướng, xuất thân từ trường Võ bị Liên quân dưới thời kỳ Quốc gia Việt Nam (thuộc Liên bang Đông Dương của Pháp). Thời gian tại ngũ, ông đã tuần tự đảm nhiệm từ chức vụ Trung đội trưởng cho đến Tư lệnh đơn vị Bộ binh cấp Sư đoàn. Ngoài ra, ông còn được cử giữ những chức vụ ở lĩnh vực Hành chính Quân sự (tỉnh trưởng).
Ông được đánh giá là một trong những tướng lĩnh chỉ huy cấp Sư đoàn có khả năng nhất của Việt Nam Cộng hòa, từng là Tư lệnh chiến trường Xuân Lộc, phòng tuyến cuối cùng của chế độ Việt Nam Cộng hòa vào những ngày cuối tháng 4 năm 1975. Tại đây, tướng Đảo đã tuyên bố sẽ "tử thủ tại Xuân Lộc", nhưng rồi sau 11 ngày chiến đấu, ông đã không thực hiện lời hứa "tử thủ" mà đã rút quân về Biên Hòa sau khi phòng tuyến khác ở Phan Rang thất thủ. Sau đó ông trở về Quân đoàn IV ở Cần Thơ rồi trở lại Sài Gòn, sau sự kiện 30 tháng 4 vài ngày ông ra trình diện chính quyền mới.
Ông trải qua 17 năm trong các trại cải tạo và là tướng Việt Nam Cộng hòa có thời gian đi cải tạo lâu nhất. Sau khi đến Mỹ năm 1993, ông làm việc quản lý một nhà hàng cho đến khi nghỉ hưu. Hiện ông đang sinh sống tại tiểu bang Virginia.[1]


Tiểu sử & Binh nghiệp

Ông sinh ngày 5 tháng 3 năm 1933 trong một gia đình có cha là viên chức cho chế độ thực dân Pháp tại xã Bình Hòa,[2] tỉnh Gia Định. Từ nhỏ, ông có tiếng học giỏi, ông đã học tại trường Lycėe Pėtrus Ký, Sài Gòn theo chương trình Pháp. Năm 1952, ông tốt nghiệp với văn bằng Tú tài toàn phần (Part II).

Quân đội Quốc gia Việt Nam

Cuối tháng 9 năm 1953, thi hành lệnh động viên, ông tình nguyện nhập ngũ vào Quân đội Quốc gia Việt Nam, mang số quân: 53/125.441. Theo học khóa 10 Trần bình Trọng tại trường Võ bị Liên quân Đà Lạt, khai giảng ngày 1 tháng 10 năm 1953. Ngày 1 tháng 6 năm 1954, mãn khóa tốt nghiệp với cấp bậc Thiếu úy hiện dịch. Do có thành tích học tập tốt (hạng 18/400), ông được giữ lại trường để làm Cán bộ Trung đội trưởng, hướng dẫn khóa sinh của những khóa kế tiếp: khóa 11 Phạm Công Tuân và khóa 12 Cộng Hòa.

Quân lực Việt Nam Cộng hòa

Cuối năm 1955, khi Quân đội Quốc gia đổi tên thành Quân lực Việt Nam Cộng hòa, ông được chọn đi du học lớp Huấn luyện viên tại Trường Võ bị Lục quân Fort Benning, Tiểu bang Georgia, Hoa Kỳ. Ông được xem là một học viên toàn diện, có thể tự lái Trực thăng và làm Hoa tiêu phụ bay đêm[3]. Đầu tháng 6 năm 1956, sau khi mãn khóa học về nước, ông được thăng cấp Trung úy tiếp tục làm Cán bộ và Huấn luyện viên của trường Võ bị Liên quân các khóa 13 Thống Nhất, khóa 14 Nhân Vị và khóa 15 Lê Lợi.
Năm 1959, Thiếu tướng Lê Văn Kim được bổ nhiệm giữ chức vụ Chỉ huy trưởng trường Võ bị Liên quân Đà Lạt. Đầu năm 1960, ông được thăng cấp Đại úy và chọn làm Sĩ quan Tùy viên cho tướng Kim. Vì vậy, năm 1961 khi tướng Kim được điều về Bộ Tổng tham mưu làm Phụ tá Tư lệnh hành quân, ông cũng được chuyển công tác theo. Đầu năm 1962, ông được cử đi du học lớp tác chiến chống du kích trong rừng già tại Malaysia (Tác chiến trong rừng). Sáu tháng sau mãn khóa về nước, ông phục vụ tại Khối Nghiên cứu của Bộ Tư lệnh Hành quân. Ngày 2 tháng 11 năm 1962, ông được thăng cấp Thiếu tá và được bổ nhiệm làm Tỉnh trưởng tỉnh Long An thay thế Thiếu tá Nguyễn Văn Xinh.[4]
Khi xảy ra cuộc Đảo chính ngày 1 tháng 11 năm 1963, ông được tướng Lê Văn Kim, bấy giờ đã được thăng Trung tướng, Tổng thư ký kiêm Ủy viên Ngoại giao của Hội đồng Quân nhân Cách mạng, triệu hồi về Sài Gòn để chuẩn bị nhân sự. Tuy nhiên, sau đó không lâu, tướng Nguyễn Khánh đã thực hiện cuộc chỉnh lý để loại bỏ ảnh hưởng của các tướng Trần Văn Đôn, Tôn Thất Đính, Lê Văn Kim và Mai Hữu Xuân để lên nắm quyền lãnh đạo. Bị cho là thuộc cấp thân tín của tướng Kim, nên cuối năm 1964, ông phải bàn giao chức vụ Tỉnh trưởng lại cho Thiếu tá Nguyễn Văn Lộc[5]

Thăng tiến

Đầu năm 1965, ông được bổ nhiệm vào chức vụ chỉ huy, bắt đầu sự thăng tiến trong binh nghiệp. Ban đầu là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 31, Sư đoàn 21 Bộ binh, không lâu sau, ông được thăng chức làm Trung đoàn phó Trung đoàn 31. Đầu năm 1966, ông được điều trở về Bộ Tư lệnh Quân đoàn IV, giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm Hành quân.
Tháng 9 năm 1967, ông được tân Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu bổ nhiệm làm Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng tỉnh Chương Thiện thay thế Trung tá Chương Dzềnh Quay. Ngày Quốc khánh 1 tháng 11 năm 1968, ông được thăng cấp Trung tá tại nhiệm. Cuối tháng 2 năm 1969, bàn giao chức vụ Tỉnh trưởng Chương Thiện lại cho Trung tá Nguyễn Văn Ngưu,[6] ông chuyển sang làm Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng tỉnh Định Tường thay thế Trung tá Huỳnh Ngọc Diệp[7] Ngày Quân lực 19 tháng 6 năm 1970, ông được đặc cách tại mặt trận thăng cấp Đại tá tại nhiệm. Thời gian này, ông thường xuyên tiếp xúc và có mối quan hệ thân tình với John Paul Vann, cựu Trung tá Lục quân Mỹ, Cố vấn cao cấp của Chương trình Bình định và Phát triển nông thôn (Civil Operations and Rural Development Support - CORDS) tại Quân đoàn IV. Ông đã gây được ấn tượng tốt với John Paul Vann, một yếu tố có ảnh hưởng quan trọng đến sự nghiệp của ông sau này.


Gia đình

  • Thân phụ: Cụ Lê Hằng Cầm (nguyên là công chức thời thuộc địa Pháp).
  • Thân mẫu: Bà Ngô Thị Thao
  • Bào đệ:
    -Ông Lê Hằng Minh (Sinh năm 1935 tại Gia Định, nguyên là Trung tá Thủy quân Lục chiến VNCH, tốt nghiệp khóa 5 Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức. Năm 1966, tử trận tại Phong Điền, Thừa Thiên).
    -Ông Lê Hằng Nghi (Sinh năm 1940 tại Gia Định, nguyên là Đại úy Thủy quân lục chiến VNCH, tốt nghiệp khóa 15 Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức).
    -Ông Lê Quang Thạch (Sinh năm 1943 tại Gia Định, nguyên là Hạ sĩ quan Bộ binh VNCH, tử trận).
    -Ông Lê Quang Ảnh (Sinh năm 1945 tại Gia Định, nguyên là Chánh văn phòng Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao công Việt Nam)
  • Phu nhân: Bà Trần Thị Bích Liên - Ông bà có chín người con gồm 2 trai và 7 gái.

Bên lề

Thiếu tướng Lê Minh Đảo là một nhạc công guitar, thường chơi cho những tụ điểm ca nhạc, phòng trà ở Sài Gòn vào đầu thập niên 1950, nhằm kiếm thêm thu nhập phụ giúp cha mẹ, lo học phí cho bản thân và các em, thậm chí còn sáng tác vài nhạc phẩm được khá đông người biết đến. Ông là thành viên của ban nhạc Lê Thương với vai trò nhạc công banjo. Một thành viên khác của ban Lê Thương là nhạc công guitar Nguyễn Văn Minh, về sau trở thành Trung tướng Nguyễn Văn Minh (biệt danh Minh đờn), Tư lệnh Biệt khu Thủ đô.[19]
Trong thời gian ông đi lao động cải tạo ông đã sáng tác bài "Nhớ Mẹ".[20] Bài này đã được một số ca sĩ ở hải ngoại trình diễn thâu thanh.
Ngoài khả năng âm nhạc, ông còn được xem là vận động viên quần vợt hạng khá.
Ông trở lại đạo Công giáo trong thập niên 90, được một linh mục trong cùng trại giam rửa tội khi còn bị giam giữ tại trại Z.30D ở Hàm Tân (tỉnh Bình Tuy cũ, nay thuộc tỉnh Bình Thuận).


HẬU DUỆ VNCH HẢI NGOẠI
THÀNH KÍNH PHÂN ƯU
Vô cùng xúc động khi được tin Thiếu Tướng Lê Minh Đảo cựu Tư Lệnh Sư Đoàn 18 Bộ Binh VNCH đã mệnh chung vào lúc 1:45 pm Ngày 19 tháng 3 năm 2020 tại tiểu bang Connecticut Hoa Kỳ hưởng thọ 87 tuổi . Tập thể Hậu Duệ VNCH Hải Ngoại thành kính chia buồn cùng đại gia đình QLVNCH và tang quyến .


Vinh danh Cố Thiếu Tướng Lê Minh Đảo, cựu Tư Lệnh Sư Đoàn 18 Bộ Binh VNCH.

Sư đoàn 18 Bộ binh, là một trong ba đơn vị chủ lực quân trực thuộc Quân đoàn III & Quân khu 3 của Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Được hình thành từ các Trung đoàn 43, 48, 52 Bộ binh Biệt lập cùng các đơn vị yểm trợ, tác chiến kỹ thuật, Thiết đoàn 5 Kỵ binh và các Tiểu đoàn Pháo binh. Phù hiệu sư đoàn là màu xanh nhạt tượng trưng cho bầu trời xanh, màu xanh đậm tượng trưng cho màu đất, và cung tên dựa vào truyền thuyết Nỏ thần thời An Dương Vương. Sư đoàn 18 Bộ binh có phạm vi hoạt động và trách nhiệm Khu 33 Chiến Thuật, bao gồm những tỉnh Biên Hòa, Long Khánh, Phước Tuy, Bình Tuy và Đặc Khu Vũng Tàu. Ban đầu Sư đoàn 18 được đánh giá là đơn vị kém cỏi nhất Quân đội, tuy nhiên đến khi Thiếu Tướng Lê Minh Đảo về làm Tư lệnh, đã đưa Sư đoàn trở thành đơn vị sánh ngang với Sư đoàn 1 Bộ binh vùng giới tuyến.
Thiếu Tướng Lê Minh Đảo, tốt nghiệp Khóa 10 Trường Võ Vị Quốc Gia Đà Lạt khi ông vừa đúng hai mươi tuổi. Là một chiến sĩ rất dũng cảm, chẳng mấy chốc mà số lượng huy chương tưởng thưởng cho ông đã đầy hết ngực áo. Nhưng với bản tính khiêm tốn, hiếm khi người ta thấy ông đeo những chiếc huy chương đó. Thiếu Tướng Đảo là một trong những vị tướng đi lên chức vụ của mình bằng những chiến công ngoài chiến trường. Ông đã từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trong quân đội, từng làm Tỉnh Trưởng Chương Thiện và Định Tường. Đỉnh cao nhất trong đời quân ngũ của ông khi ông làm Tư Lệnh Sư Đoàn 18 Bộ Binh từ tháng 4.1972, vinh thăng Chuẩn Tướng tháng 11.1972 . Ngày 23.4.1975, Tổng Thống Trần Văn Hương gắn Đệ Tam Đẳng Bảo Quốc Huân Chương và vinh thăng ông lên Thiếu Tướng. Thiếu Tướng Đảo nổi tiếng là một vị Tướng thanh liêm, cần mẫn, năng động, kiên quyết và trí dũng song toàn. Sĩ quan và binh sĩ dưới quyền rất thương mến vị Tư Lệnh của họ, vì Thiếu Tướng Đảo luôn quan tâm chăm sóc đời sống thuộc cấp và gia đình họ. Ông luôn có mặt ở những vị trí tiền tuyến của sư đoàn để nâng cao tinh thần chiến binh. Nguyên tắc làm việc của ông mà ông đòi hỏi các cộng sự viên phải tuân thủ là liên lạc xuống dưới ít nhất hai cấp. Thí dụ, một Trung Đoàn Trưởng phải nắm được tình hình tận cấp Đại Đội, hay thấp hơn nữa. Với hệ thống làm việc sát cánh này, tinh thần binh sĩ lên rất cao, vì lúc nào họ cũng nghe thấy cấp trên đang có mặt bên cạnh. Họ đền đáp sự quan tâm ấy bằng những chiến thắng vang dội và lòng trung thành tuyệt đối.
Phụ tá cho Tư lệnh Sư đoàn là một giàn sĩ quan xuất sắc. Đại Tá Hứa Yến Lến, Tham Mưu Phó kiêm Tham Mưu Trưởng/Hành Quân/SĐ18BB, cánh tay phải của Thiếu Tướng Đảo, cùng chia xẻ gánh nặng chiến cuộc trong những ngày tàn khốc. Đại Tá Lến trong suốt đêm 20.4.1975 triệt thoái ra khỏi Xuân Lộc đã đảm nhận trọng trách bảo toàn đoàn cơ giới cồng kềnh của Sư Đoàn, trong đó có hai khẩu đại bác 175 ly của Quân Đoàn III, và ông đã đem toàn bộ đoàn cơ giới ấy nguyện vẹn về được căn cứ Long Bình, Biên Hòa. Trấn đóng ở những điểm trọng yếu bảo vệ Xuân Lộc, là những cấp chỉ huy trẻ tài giỏi của QLVNCH, với Đại Tá Lê Xuân Hiếu, Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 43; Trung Tá Trần Minh Công, Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 48 và Đại Tá Ngô Kỳ Dũng, Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 52. Thiếu Tướng Đảo đặc biệt để ý nâng đỡ các sĩ quan cấp thấp và trao gắn cấp bậc vinh thăng lên nắm những tiểu đoàn. Với giàn sĩ quan trung đoàn, tiểu đoàn đầy tài năng, Thiếu Tướng Đảo có thể yên tâm nghênh chiến quân cộng. Vị chỉ huy lực lượng Địa Phương Quân & Nghĩa Quân Long Khánh cùng hợp tác phòng thủ Xuân Lộc là Đại Tá Phạm Văn Phúc. Đại Tá Phúc xuất thân từ binh chủng Biệt Động Quân, nổi tiếng là một sĩ quan xuất sắc và rất dũng cảm. Ông được điều về làm Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Long Khánh từ ngày 1.4.1975. Một thời điểm đã quá muộn để ông có thể chấn chỉnh nâng cao tinh thần và khả năng chiến đấu của các chiến sĩ diện địa. Vị tỉnh trưởng tiền nhiệm đã không chăm sóc đúng mức đời sống binh sĩ và tìm hiểu tâm tư cùng giúp đỡ ít nhiều gia đình của họ. Nhưng được chiến đấu dưới quyền của một Đại Tá Mũ Nâu trẻ, tận tụy trong tinh thần huynh đệ chi binh, các chiến sĩ diện địa đã đánh những trận long trời, bắn cháy nhiều chiến xa địch và giữ vững mặt trận Xuân Lộc trong vòng mười hai ngày đêm.
Cần phải kể thêm sự đóng góp quan trọng và quyết định của Đại Tá Hưng, Chỉ Huy Trưởng Pháo Binh Sư Đoàn 18 Bộ Binh, một sĩ quan Pháo Binh ngoại hạng, với kế hoạch hỏa lực kinh khủng trông cậy vào tài năng của Đại Tá Hưng. Ông cho bố trí các khẩu pháo Sư đoàn của ông như sau. Một khu vực “chết” nằm ở bìa hướng Tây Xuân Lộc mà sẽ bị 24 khẩu 105 ly và 12 khẩu 155 ly dội bão lửa xuống. Mười khẩu 105 ly được di chuyển lên Núi Thị dưới sự bảo vệ của Tiểu Đoàn 2/43 của Thiếu Tá Nguyễn Hữu Chế. Hai khẩu 105 ly tăng cường cho Trung Đoàn 43 của Đại Tá Hiếu nằm trong Xuân Lộc. Hai khẩu khác qua tăng cường cho Tiểu Khu Long Khánh. Mười hai khẩu 105 ly được điều cho Trung Đoàn 48 trấn đóng Đồi 300. Chưa kể hai khẩu 175 ly của Quân Đoàn III tăng phái sẵn sàng bắn xa đến ít nhất 30 cây số để làm câm họng các khẩu 130 ly của địch được đặt gần Bộ Chỉ Huy của Tư Lệnh sư đoàn tại ngã ba Tân Phong. Đại Tá Hưng đích thân điều chỉnh tất cả những khẩu đại pháo. Ông cho các xe bulldozer ủi những hố sâu đặt những khẩu pháo để che dấu. Những hố pháo này ăn thông với những hầm tránh pháo kích do Công Binh thiết kế, để bảo vệ các chiến sĩ Pháo Binh và kéo những khẩu pháo vào ẩn trú bên trong. Với sáng kiến này, quân cộng khó có thể phát giác vị trí Pháo Binh của quân ta để dội đạn xuống hủy diệt, trong khi đó thì những vị trí pháo của chúng bị Pháo Binh SĐ18BB pháo kích dữ dội, nhờ các điểm cao quan sát của ta báo cáo về khi phát giác được. Để có thể dự trữ khối lượng đạn pháo dành cho kế hoạch, Tướng Đảo đã phải giảm mức tiêu thụ hàng ngày xuống còn 20%. Với sự phân tán các khẩu trọng pháo của quân ta vào những vị trí bí mật, đến ngày cộng quân nổ súng tấn công, chúng đã không hủy diệt được pháo của quân ta, và Đại Tá Hưng đã dội lửa xuống những con sóng tấn công biển người của địch, gây thiệt hại rất nặng cho chúng. Song song đó, Thiếu Tướng Đảo cũng cho di chuyển bộ binh ra nằm ngoài rìa thị trấn, cho nên thiệt hại vì pháo địch rất nhẹ khi chúng dồn hỏa lực bắn vào trung tâm. Rồi khi quân giặc ào ạt tràn vào thành phố, lập túc bị quân ta từ bên ngoài siết chặt vòng vây tấn công ngược vào làm bọn chúng hoảng loạn bỏ chạy ra khỏi thành phố. Bản thân Thiếu Tướng Đảo cũng di chuyển liên tục trong ba bộ chỉ huy sư đoàn khác nhau, cộng quân cứ bắn dò mãi mà không tìm thấy ông. Trong khi đó thì Thiếu Tướng Đảo đang ung dung đứng dưới chiến hào với chiến sĩ của mình. Thiếu Tướng Đảo đã cho thiết lập ba Bộ Chỉ Huy ở ba vị trí khác nhau, một đặt ngay trong tư dinh Tư Lệnh trong Xuân Lộc, một tại Tân Phong và một khác trong rừng cao su. Để làm cho binh sĩ yên tâm chiến đấu và tránh cảnh hỗn loạn, Thiếu Tướng Đảo trước ngày 9.4.1975 đã cho máy bay trực thăng di tản tất cả gia đình binh sĩ và thương bệnh binh về căn cứ Long Bình.
Để nghênh chiến với trận liệt bố trí bộ của địch, Thiếu Tướng Đảo thiết trí chiến tuyến của Sư Đoàn 18 Bộ Binh như sau. Trung Đoàn 52 của Đại Tá Ngô Kỳ Dũng giữ khu vực Túc Trưng và Núi Trản gần sông La Ngà và khu vực Ngã ba Dầu Giây, với sự yễm trợ của Chi Đoàn 3, Thiết Đoàn 5 Kỵ Binh. Một đại đội dưới quyền chỉ huy của Trung Úy Mại Mạnh Liêu thuộc Tiểu Đoàn 3/52 của Thiếu Tá Phan Tấn Mỹ, lên trấn giữ Đồi Móng Ngựa nằm về phía Đông Quốc Lộ 20. Chỉ với một đại đội này, Trung Úy Liêu và chiến sĩ SĐ18BB đã giữ vững vị trí mặc dù địch tổ chức nhiều cuộc tấn công biển người cấp tiểu đoàn, đánh cho giặc những trận thất điên bát đảo và bị thiệt hại nặng. Về hướng Đông Xuân Lộc, cao điểm Núi Thị được trao cho Tiểu Đoàn 2/43 của Thiếu Tá Nguyễn Hữu Chế. Tiểu Đoàn 1/43 của Đại Úy Đỗ Trung Chu và Tiểu Đoàn 3/43 của Thiếu Tá Nguyễn Văn Du trấn giữ các yếu điểm dẫn vào thành phố từ hướng Đông. Đại Đội 18 Trinh Sát dưới quyền của Đại Úy Phạm Hữu Đa nổi tiếng húc như điên phòng thủ trường trung học ở hướng Tây-Bắc Xuân Lộc. Trung Đoàn 43 quyết tâm tử thủ Xuân Lộc, quân ta đánh quá dữ và gây tổn thất lớn cho Sư Đoàn 341. Cộng quân ghi nhớ mối hận này, chỉ vài ngày sau QLVNCH bị buộc buông súng ngừng chiến đấu, Thiếu Tá Du bị giặc bắt tại nhà riêng ở Vũng Tàu rồi đem đi hành quyết ngay sau đó. Đại úy Chu may mắn sống sót, hiện nay ông đang sinh sống tại Úc Đại Lợi. Tiểu Đoàn 1/48 thuộc Trung Đoàn 48 của Trung Tá Trần Minh Công cùng hai chi đoàn của Thiết Đoàn 5 Kỵ Binh của Trung Tá Nô được giữ làm lực lượng trừ bị, trong khi đó thì Tiểu Đoàn 3/48 nằm giữ Quốc Lộ 1 ở hướng Đông Xuân Lộc, Tiểu Đoàn 2/48 vẫn còn bị kẹt nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho thị xã Hàm Tân, Bình Tuy, không về tham chiến được trong những ngày đầu. Hai Đại Đội Địa Phương Quân 353 và 367 dưới quyền Đại Tá Phúc phòng thủ thành phố.
Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù của Trung Tá Nguyễn Văn Đỉnh với các Tiểu Đoàn 1, 2, 8 và 9 Nhảy Dù, khoảng 2.000 chiến sĩ, cùng với Tiểu Đoàn 3 Pháo Binh Dù là một tấm lá chắn cứng ngắt ở phần phía Nam Xuân Lộc, đã giao chiến dữ dội với quân Sư Đoàn 7 BV trong khu vực đồn điền của Thống Tướng Tỵ, còn gọi là Vườn Ông Tỵ, sau khi được trực thăng vận xuống trong ngày 11.4.1975. Nhân dịp 100 chiếc UH này trở về, các phi công thuộc Sư Đoàn 3 và 4 Không Quân đã giúp di tản thật nhiều thương binh và đồng bào ra khỏi mặt trận đang lên đến cơn đỏ lửa nhất. Trưa ngày 6.4.1975, Thiếu Tướng Đảo được báo tin có một đơn vị lạ của quân ta đang hành quân về hướng Xuân Lộc. Khi liên lạc với nhau, ông được biết đó là Tiểu Đoàn 82 Biệt Động Quân, thuộc Liên Đoàn 24 Mũ Nâu. Thiếu Tá Vương Mộng Long, Tiểu Đoàn Trưởng đã dẫn dắt tiểu đoàn của ông băng rừng từ quận Kiến Đức tìm về miền Đông, sau khi Ban Mê Thuột thất thủ và Quân Đoàn II triệt thoái từ ngày 16.3.1975 . Liên Đoàn 24 Mũ Nâu với ba Tiểu Đoàn 63, 81 và 82 BĐQ đã bị kẹt trên miền cao tỉnh Quảng Đức, đã phải lội bộ trong những cánh rừng Trường Sơn bạt ngàn, thậm chí đi xuyên qua những mật khu của cộng quân, lấy thực phẩm trong những kho hậu cần của chúng, đến hai mươi ngày sau mới về đến miền Đông. Tiểu Đoàn 63 và 81 Mũ Nâu lại nhận lệnh ra tăng phái cho mặt trận Phan Rang. Tiểu Đoàn 82 Mũ Nâu quân số hao hụt chỉ còn có 200 chiến binh sau khi về đến được thị xã Bảo Lộc, Lâm Đồng, rồi từ đó hành quân xuống tăng phái cho SĐ18BB. Thiếu Tá Long là một trong những sĩ quan trẻ xuất sắc của binh chủng Biệt Động Quân, nên trong khu vực trách nhiệm của mình là phòng thủ phi trường, ông và 200 chiến sĩ Mũ Nâu đã đánh quân giặc thua xiểng liển và bị thiệt hại nặng. Với trận liệt mà Thiếu Tướng Đảo đã bố trí, với những cấp chỉ huy tài năng và anh dũng như vậy, dù quân ta quân số thiếu kém, hỏa lực yếu nhưng đã đánh một trận cuối cùng làm rúng động thế giới và làm cho cộng quân Bắc việt cúi mặt kinh hoàng.
Sau nhiều cuộc thảo luận với Quân Đoàn III, Thiếu Tướng Đảo vào căn cứ Long Bình điều hợp công tác tiếp vận cho SĐ18BB và ông ngủ đêm tại đây. Đến 5G 40 sáng thì Quân Đoàn 4 BV cho nổ phát đại bác đầu tiên bắn vào Xuân Lộc mở màn cho cuộc chiến. Quả nhiên quân cộng đã nghiên cứu rất tỉ mỉ địa hình Xuân Lộc, nên những trái đạn pháo đã dội trúng Bộ Chỉ Huy 1 của Tương Đảo. Đại Tá Hứa Yến Lến gọi điện báo tin cho Tướng Đảo, rằng tư dinh của ông đã bị phá hủy. Thật may mắn cho đất nước chúng ta, nếu Tướng Đảo về sớm hơn và vào Bộ Chỉ Huy 1, thì sự mất mát quá lớn đó sẽ là nhát chém chí mạng cuối cùng lên QLVNCH. Thiếu Tướng đảo lập tức lên trực thăng lao vào Xuân Lộc, tham dự cuộc chiến đấu cuối cùng và lừng lẫy nhất trong cuộc đời binh nghiệp của ông.
Biến cố trưa ngày 30-04... Sau khi nhận được lệnh đầu hàng, ông ra lệnh giải tán đơn vị và tìm cách về Cần Thơ rồi lại quay về Sài Gòn. Đến ngày 9 tháng 5 năm 1975, ông ra trình diện Chính quyền mới và phải đi học tập cải tạo, do tỏ thái độ bất hợp tác nên ông bị giam tới 17 năm, lâu nhất trong các tướng VNCH. Mãi đến ngày 5 tháng 5 năm 1992, ông mới được trả tự do.
Tháng 4 năm 1993, ông được xuất cảnh sang Hoa Kỳ theo diện H.O và định cư cùng gia đình tại Tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ. Sau khi ổn định cuộc sống tại Hoa Kỳ, ông tham gia và tích cực tổ chức các hoạt động trong giới cựu sĩ quan và binh sĩ Việt Nam Cộng hòa. Tháng 9 năm 2003, ông là một trong những đồng sáng lập tổ chức "Tập thể Chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa" và giữ chức Chủ tịch Trung tâm Điều hợp Trung ương.
********
Những kỷ vật dưới đây đã được trao lại cho hậu duệ Lê Duy Đài để truyền lại di sản lịch sử cho thế hệ mai sau :

Bác Đảo thương mến,
Con không cầm được nước mắt khi vừa được tin bác đã vĩnh viễn ra đi .Sự ra đi của bác là sự ra đi của một vị Tướng từng một thời oanh liệt, hiển hách, của một vị tướng đã vào sinh ra tử bảo vệ sự tự do của quê hương đất nước trước làn sóng đỏ. Hình ảnh 25 năm về trước khi được trao lại lá quốc kỳ thân yêu được treo tại Bộ Tư Lệnh Long Bình vào cuối tháng tư năm 1975 do bác ký. Bác đã ôm con với lá Quốc kỳ thân yêu này nhiều cảm xúc và nước mắt. Một kỷ niệm mà con không bao giờ quên và con sẽ luôn nhớ về bác những gì bác đã nhắn nhủ với con hôm qua trước khi bác rời xa thế gian này.
Thay mặt và đại diện cho các anh chị em tập thể Hậu duệ VNCH Hải Ngoại, con kính xin được phép vinh danh và tri ân Bác, là một vị tướng oai hùng, chính trực, tài giỏi, chỉ huy tận tụy và cũng là vị chỉ huy cho trận đánh cuối cùng để đời tại chiến trường Xuân Lộc. Xin Thành kính chia buồn bác cùng gia đình và cầu nguyện cho hương hồn bác được thanh thoát trong cõi diệu lạc của Thế Giới Mới...
( Lê Duy Đài )

* Lưu ý:
Hình 2 & 3: Lá Quốc kỳ thân yêu tại Bộ Tư lệnh Sư Đoàn 18 Bộ Binh - Căn cứ Long Bình đã được Hậu duệ VNCH diễm phúc cất giữ sau 44 năm tại hải ngoại.
Hình 4: Phù hiệu nguyên thủy Sư Đoàn 18 Bộ Binh.
Hình 5: Phù hiệu tác chiến nguyên thủy Sư Đoàn 18 Bộ Binh.
Video : Thiếu Tướng Lê Minh Đảo tại mặt trận Xuân Lộc 04-1975

 


THƯƠNG TIẾC TƯỚNG LÊ MINH ĐẢO



THƯƠNG  người lính trận vốn kiên cường

TIẾC  thuở tung hoành khắp chiến trường

VỊ  quốc cả đời xây dựng nước

TƯỚNG  quân trọn kiếp giữ biên cương

TÀI  danh lỗi lạc gịăc kiêng sợ

LÊ  tộc lẫy lừng lính nể thương

MINH  trí bình tâm suy mọi việc

ĐẢO  thua thành thắng địch quay cuồng

Tha Nhân cảm tác khi hay tin Ông mất lúc 1.45pm

Camthành Mar 19, 2020



Họa     SINH VI TƯỚNG TỬ VI THẦN :

            TƯỚNG LÊ MINH ĐẢO



THƯƠNG    tánh kiên trung chí quật cường .

TIẾC    người uy dũng chốn sa trường .

VỊ   dân bảo vệ yên vùng chiến .

TƯỚNG   quốc oai hùng trấn thổ cương .

TÀI   đức song toàn nô Hán sợ .

LÊ   danh chính khí cộng đồng thương ..

MINH   linh siêu thoát thành thần thánh .

ĐẢO   thế phù dân diệt cộng cuồng .

                  Lâm Hoài Vũ

                  20/03/2020

Mai Phi Long/Người Việt
HARTFORD, Connecticut (NV) – Thiếu Tướng Lê Minh Đảo, cựu tư lệnh Sư Đoàn 18 Bộ Binh QLVNCH, vừa qua đời tại bệnh viện Hartford, Connecticut, lúc 1 giờ 45 phút chiều (giờ địa phương) hôm Thứ Năm, 19 Tháng Ba, hưởng thọ 87 tuổi.
Tin này được cô Lê Bích Phượng, ái nữ của thiếu tướng, xác nhận với nhật báo Người Việt.

Cô cho biết, vị thiếu tướng ra đi bình yên trong lúc có gia đình con cháu nội ngoại tề tựu xung quanh.
Cô Bích Phượng kể thêm: “Ba em được đưa vào bệnh viện chiều Thứ Bảy, 14 Tháng Ba.”
“Hôm Thứ Tư, 18 Tháng Ba, cả gia đình, 11 người, đi từ Virginia lên Connecticut. Tới bệnh viện, nhưng không được vào hết. Mỗi lần vào chỉ được ba người,” cô Bích Phượng kể tiếp. “Ông biết mình sắp ra đi, nên nói: ‘Ba chuẩn bị đi hành quân.'”
Cô thêm: “Trưa Thứ Năm, bệnh viện tự nhiên dễ dãi, cho cả gia đình vào, lúc đó ông mới đi. Có lẽ ông biết, nên đợi cả gia đình vào, rồi mới đi.”
Theo Lược Sử QLVNCH của ba tác giả Trần Ngọc Thống, Hồ Đắc Huân, và Lê Đình Thụy, vị thiếu tướng tư lệnh Sư Đoàn 18 sinh ngày 5 Tháng Ba, 1933, tại xã Bình Hòa, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định.
Ông có chín người con, hai trai và bảy gái.













Thiếu Tướng Lê Minh Đảo nói về mặt trận Xuân Lộc. (Hình chụp qua YouTube)
Hồi chưa vào quân đội, ông là học sinh trường Lyceé Pétrus Ký, Sài Gòn, rồi tốt nghiệp tú tài I và II.
Sau đó, ông theo học khóa 10 Trần Bình Trọng trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt ngày 1 Tháng Mười, 1953.
Một năm sau, ông mãn khóa với cấp bậc thiếu úy, nhưng được giữ lại trường.
Năm 1954, ông được chọn đi học lớp huấn luyện viên tại trường Võ Bị Lục Quân Fort Benning, Columbus, Georgia, Mỹ.
Năm 1956, ông được thăng trung úy.

Sau đó, ông trở lại trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt, giữ chức đại đội trưởng sinh viên sĩ quan, huấn luyện viên các khóa 13, 14, và 15.
Năm 1960, ông là tùy viên của Thiếu Tướng Lê Văn Kim.
Năm 1962, ông mang cấp đại úy, được đi du học lớp Tác Chiến Rừng Rậm tại Malaysia.
Năm 1963, ông phục vụ tại Khối Nghiên Cứu của Bộ Tư Lệnh Hành Quân.
Ngày 2 Tháng Mười Một, 1963, ông được thăng thiếu tá tạm thời, và đến cuối năm làm tỉnh trưởng tỉnh Long An.
Cuối năm 1964, ông bàn giao chức tỉnh trưởng cho Thiếu Tá Nguyễn Văn Lộc, và đến đầu năm 1965 ông làm tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 1, Trung Đoàn 31, Sư Đoàn 21 Bộ Binh. Sau đó, ông làm trung đoàn phó Trung Đoàn 31.
Năm 1966, ông là giám đốc Trung Tâm Hành Quân Quân Đoàn IV.
Một năm sau, ông làm tỉnh trưởng tỉnh Chương Thiện, và đến năm 1968 được thăng cấp trung tá nhiệm chức ngay tại mặt trận.
Cuối Tháng Hai, 1969, ông bàn giao chức tỉnh trưởng cho Trung Tá Nguyễn Văn Ngưu để về làm tỉnh trưởng kiêm tiểu khu trưởng Định Tường.
Năm 1970, ông được thăng đại tá nhiệm chức đặc cách tại mặt trận.
Tháng Ba, 1972, ông lại bàn giao chức vụ hiện tại cho Đại Tá Chung Văn Bông, và ngày 4 Tháng Tư làm tư lệnh Sư Đoàn 18 Bộ Binh thay Thiếu Tướng Lâm Quang Thơ.
Ngày 1 Tháng Mười Một, 1972, ông được vinh thăng chuẩn tướng nhiệm chức tại mặt trận.
Ngày 1 Tháng Ba, 1974, ông được vinh thăng chuẩn tướng thực thụ.
Ngày 24 Tháng Tư, 1975, ông được vinh thăng thiếu tướng nhiệm chức đặc cách tại mặt trận Xuân Lộc.
Trong những ngày cuối của cuộc chiến Việt Nam ông là người chỉ huy Sư Đoàn 18 Bộ Binh với chiến tích chặn đứng Cộng Quân vào Xuân Lộc, từ đó, ông có biệt danh “Người Hùng Xuân Lộc.”
Sau đó, ông bị tù Cộng Sản cho tới ngày 5 Tháng Năm, 1992.
Tháng Tư, 1993, ông định cư tại tiểu bang Virginia, Mỹ, và sau này chuyển về sống ở tiểu bang Connecticut.
"Tôi còn muốn làm lính VNCH ở cả kiếp sau"
Tôi gặp lại ông 24 năm sau khi cuộc chiến chấm dứt, sau nhiều chuyện biển dâu. Đúng hơn, tôi gặp lại ông sau 24 năm và một tuần lễ.
Ngày 21 tháng 4 năm 1975, sáng sớm hôm đó ông ngồi ôm ca cà phê bên bờ rừng cao su ở Long Khánh, tôi sà tới hỏi thăm tình hình chiến trường. Cả ngày hôm trước, tôi bám theo đơn vị trinh sát tỉnh Long Khánh đánh cận chiến lựu đạn với địch tại trung tâm thị xã. Trinh sát tỉnh Long Khánh là một đơn vị giỏi, dũng cảm, kiên nhẫn diệt từng chốt địch và họ đã làm chủ được tình hình. Tôi đã nhảy vào Long Khánh từ mấy ngày trước trong nhiệm vụ phóng viên của Đài Phát Thanh Sài Gòn.
Tướng Lê minh Đảo ngồi đăm chiêu cùng với ca cà phê. Tôi không nhớ rõ những điều gì đã hỏi ông, nhưng tôi nhớ rằng ông rất bình tĩnh, lúc ra lệnh cho các đơn vị dưới quyền ứng phó với hoàn cảnh trước mặt, lúc quay lại trả lời một vài câu hỏi của tôi. Ông hiểu những gì còn lại trong tay ông cũng như hoàn cảnh chung quanh và tôi không thấy ông nóng giận hay thoáng nét sợ hãi. Ông là tư lệnh mặt trận Long Khánh chận đường tiến về phía Nam của đại quân Bắc Việt với đủ cả tăng lẫn pháo. Trong tay ông, sư đoàn 18 tuy không hoàn toàn nguyên vẹn nhưng đủ lực và đủ tinh thần, một số đơn vị địa phương quân, nghĩa quân diện địa của tiểu khu Long Khánh, một số tiểu đoàn Biệt Động Quân. Ông lập phòng tuyến chận địch từ cao nguyên đi xuống cũng như từ miền Trung đổ vào.
Khoảng 10 giờ sáng, một đoàn trực thăng Chinook đổ Lữ Đoàn Dù vào tăng phái cho mặt trận để cự địch. Sau 4 ngày đêm lê lết ở chiến trường, tôi nhảy lên Chinook ra Long Bình tìm cách về Đài thông báo tình hình. Những gì tôi ghi nhận được ở chiến trường không hữu ích cho một bản tin có tính cách thông tin tuyên truyền nên tôi đã không viết gì cả. Tuy nhiên, buổi chiều, người trung úy sĩ quan báo chí Dù (lâu ngày tôi quên mất tên) gọi điện thoại viễn liên về Đài rủ tôi vào "làm ăn" vì Dù đang bao vây một tiểu đoàn địch và kêu gọi họ đầu hàng. Anh bạn muốn tôi làm phóng sự để nâng cao tinh thần mọi người. Buổi tối hôm đó, tướng Đảo nhận được lệnh bỏ mặt trận rút quân. Đoàn người tất tả băng rừng theo con tỉnh lộ chạy về Phước Tuy rồi vòng về Long Bình vì con đường Long Khánh-Biên Hòa đã bị chặn. Đó là lần sau cùng tôi gặp thiếu tướng Lê minh Đảo ở mặt trận.
Gặp ông lại ở Quận Cam ngày 28-4-99 trong chuyến ông đi thăm chiến hữu cũ, ông kể rằng ông đem được đại đơn vị về đến căn cứ Long Bình. Ba trung đoàn 43,48 và 52 tuy có sứt mẻ sau nhiều ngày trận mạc nhưng tất cả đều cố gắng chu toàn nhiệm vụ và không có đơn vị nào bỏ chạy cho đến khi nghe lệnh đầu hàng thông báo qua làn sóng truyền thanh buổi sáng ngày 30-4-75. Khi về tới Long Bình, ông chia quân ra giữ các địa điểm trọng yếu kéo tới Trảng Bom bên cạnh các đơn vị khác không thuộc trách nhiệm chỉ huy của ông.
Buổi chiều ngày 29-4-75, ông mất liên lạc với Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3. Cựu thiếu tướng Đảo kể rằng buổi chiều ngày này bi lắm. Ông họp tất cả Bộ Chỉ Huy Sư Đoàn trong hầm hành quân đặt tại Long Bình. Theo kế hoạch, trung đoàn 43 giữ Trảng Bom, trung đoàn 52 giữ Tam Hiệp/Tân Mai, trung đoàn 48 cùng BCH Sư Đoàn ở lại Long Bình trong đêm.
Khoảng 8 giờ tối, ông nhận được điện thoại của TT Vĩnh Lộc (thay thế ĐT Cao văn Viên trong chức vụ Tham Mưu Trưởng) khen "Sư đoàn của anh được lắm, Tổng Tham Mưu không còn ai, quân anh ra sao..." Tướng Đảo trình báo tình hình thì nhận được lịnh "Đưa sư đoàn 18 trấn bên này sông Đồng Nai (mé Sài Gòn), ráng giữ 3 ngày sẽ có giải pháp". (Lúc này Dương văn Minh đã lên làm Tổng Thống).
Ông Đảo nói ông có yêu cầu ông Vĩnh Lộc cho yểm trợ không quân để ông thêm khả năng chống cự lại các cuộc tấn công của địch nhưng điều này đã không được thực hiện.
Theo lời cựu thiếu tướng Đảo, ông cho đặt pháo binh ở Nghĩa Trang Quân Đội để yểm trợ cho cả Biên Hòa và Long Bình trong khi đơn vị tiếp vận được chuyển về Biệt Khu Thủ Đô vì ông đã nghĩ tới chuyện phải rút về miền Tây. Ông nói ta còn nguyên Quân Đoàn 4 với các sư đoàn 7,9,21 cùng các đơn vị diện địa nghĩa quân, địa phương quân đánh giặc rất hay, không kể các lực lượng Hòa Hảo nếu võ trang cho họ để đánh du kích, người Cộng sản chưa chắc đã nuốt ngay được toàn thể miền Nam. Theo ông, QĐ 4 có dự trữ đạn dược ít ra cầm cự được vài tháng để chờ đợi vận động quốc tế yểm trợ chứ chưa đến nỗi phải đầu hàng một cách nhục nhã như vậy.
Buổi sáng ngày 30-4-75, khoảng 8 giờ sáng, trên đường chuyển quân, ông đã không thể cho giật sập cầu Biên Hòa cản bớt sức tiến quân và xe tăng của địch vì ông không có chất nổ và cũng không biết có đơn vị nào trách nhiệm trong việc giật cầu. Đúng ra đây là một việc phải làm trên rất nhiều đoạn đường trong kế hoạch trì hoãn chiến.
Trên đường chuyển quân về đến Cầu Sơn, sáng ngày 30-4, ông được thuộc cấp theo dõi tin tức trên đài phát thanh nói có lệnh đầu hàng từ ông tân Tham Mưu Trưởng, chuẩn tướng Nguyễn hữu Hạnh, yêu cầu các đơn vị buông súng.
Cựu thiếu tướng Đảo nói rằng ông có cảm giác như thấy trời sập. Ông gọi các đơn vị trưởng không còn thấy ai lên máy. Họ cũng đang có cảm giác tương tự như ông, không ai còn thiết cầm máy lên trả lời. Nhiều người lính Sư Đoàn 18 đã đập cho gãy súng rồi vất đi. Một số người nhắm vào xe tăng địch bắn và bị bắn trả lại thiệt mạng.
Tướng Đảo còn chừng một trung đội đi theo ông. Ông khuyên mọi người ai về nhà nấy rồi tính. Ông về đến nhà má ông vào buổi chiều bên Gia Định. Sáng hôm sau, mùng 1 tháng 5, ông mặc thường phục đi miền Tây thì được biết các tướng Nguyễn khoa Nam, Lê văn Hưng đã tự sát, ông len lỏi ở một số tỉnh cho đến ngày 9 tháng 5 mới quay về Sài Gòn trình diện theo lệnh của chúng bắt đi tù cải tạo.
Ông nói rằng có hai điều dằn vặt ông trong tù là tại sao ta thua và sao ông lại ở lại đánh cho đến ngày chót làm gì vì chẳng làm được gì cả.
Ông nói, theo ông, chúng ta thua vì Mỹ cố tình bỏ rơi miền Nam Việt Nam vì Hoa Kỳ không thể ôm cùng một lúc hai mặt trận. Một ở Việt Nam và một ở Trung Đông. Họ cần giữ Trung Đông vì khu vực này gắn liền tới huyết mạch nhiên liệu dầu hỏa của họ cũng như các khu vực khác của thế giới. Chúng ta thua vì không đủ tiếp liệu để đương cự cuộc xâm lăng từ phương Bắc. Đạn dược thiếu, nhiên liệu thiếu. Vì nhất định muốn bỏ rơi miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ đã ép VNCH ký vào một bản hiệp định để yên cho quân CSBV ở lại miền Nam mà không có một điều kiện nào đả động đến. Đây là dấu hiệu báo trước cho chuyện chẳng lành.
Trong cuộc họp mặt với khoảng gần 100 cựu quân nhân các cấp của Sư Đoàn 18 tại quận Cam buổi tối ngày 29-4-99 cùng với một ít quân nhân thuộc các binh chủng khác, vị cựu thiếu tướng Tư Lệnh sư đoàn này đã nói một câu làm cho tất cả mọi người hiện diện xúc động bùi ngùi :"Kiếp sau, tôi vẫn muốn được làm một người lính VNCH."
Cựu thiếu tướng Lê minh Đảo năm nay 66 tuổi trông còn tương đối mạnh khỏe. Ông tốt nghiệp trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt khóa 10, lên tướng năm 39 tuổi khi đang có những trận đánh long trời lở đất ở An Lộc mùa hè 1972.
Nguyễn Tuyến


40 năm nhìn lại Nhớ Mẹ 3






Thiếu Tướng Lê Minh Đảo
Tôi không được biết nhiều về Thiếu Tướng Lê Minh Đảo mãi cho đến những năm tháng cuối cùng của cuộc chiến. Tôi được cho biết rằng ông xuất thân cùng khoá với vị liên đoàn trưởng thứ ba của tôi, và hai người thương nhau lắm. Vị liên đoàn trưởng sau cùng của tôi thì trước ông ba khoá.
Vào một tối tháng Ba 2002, tôi vừa ở lớp học đi ra, đang định ghé qua thư viện thì chiến hữu Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ Tịch Hội Cựu Quân Nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà gọi điện thoại cho tôi. Tôi đoán được là về việc gì. Quả nhiên, anh Ngọc trình bày với tôi như sau.
Thiếu Tướng Lê Minh Đảo vừa mới đến Úc. Theo như chương trình mà Hội Võ Bị Quốc Gia và bên Sư Đoàn 18 Bộ Binh đã chuẩn bị thì ông không còn ngày nào rảnh. Tuy nhiên, hai hội đoàn nói trên cuối cùng cũng đã cùng nhau thu xếp để Thiếu Tướng có thể gặp anh em chiến hữu mấy tiếng đồng hồ vào một ngày cuối tuần. Anh Ngọc giao việc tổ chức cho tôi, vì anh không rành việc này.
Sáng sớm hôm sau, tôi gọi điện thoại cho Trung Tá Trần Văn Quản để xin ý kiến vì anh Quản rất gần gũi với Thiếu Tướng. Anh Quản nói với tôi rằng Thiếu Tướng rất bình dị với thuộc cấp và chiến hữu. Do đó, tổ chức một buổi họp mặt thân tình thì hay hơn là một chương trình trang trọng. Tôi vâng lời anh Quản.
Sau đó, tôi gửi email và fascimile đến các vị chủ tịch và gia trưởng của các gia đình quân binh chủng để nhờ họ chuyển lời mời đến các hội viên. Tôi cũng nhờ các đài phát thanh tiếng Việt phổ biến thư mời đến đồng bào.
Buổi họp mặt bắt đầu lúc 2 giờ nhưng tôi có mặt lúc 1 giờ để cùng anh em chuẩn bị. Lúc đó, Trung Tâm Sinh Hoạt Cựu Quân Nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà chỉ có 110 chiếc ghế. Các chiến hữu góp ý với tôi rằng nên xếp ra khoảng 70 ghế cho quan khách và các chiến hữu cao niên. Như vậy, hơn một nửa còn lại của trung tâm sẽ thừa rộng rãi để cho hơn 100 người khác đứng. Tôi làm theo lời họ. Nhờ vậy, hôm đó mới có chỗ ngồi và chỗ đứng cho khoảng 200 chiến hữu và đồng bào. Những ai đến trễ đều phải đứng bên ngoài.
Thông thường, theo thói quen của người Việt Nam, các nhân vật quan trọng bao giờ cũng đến trễ, rất trễ, cho mọi người chờ dài cổ chơi. Thiếu Tướng Lê Minh Đảo thì ngược lại, ông đến sớm gần nửa tiếng đồng hồ. Vì thế nên chúng tôi chưa kịp chuẩn bị sẵn sàng.
Thiếu Tướng không có tiền hô hậu ủng gì cả, nên ông bước vào bên trong trung tâm rồi thì mới có một niên trưởng nhìn thấy, vội vàng hô lớn, "Vào hàng, Phất." Thiếu Tướng vội vàng bước đến xua tay nói, "Thôi, thôi, chào tay làm chi. Anh em bắt tay một cái đủ rồi."
Trong số những chiến hữu đứng xếp thành hai hàng hai bên để chào đón Thiếu Tướng, có một số người mà Thiếu Tướng đã biết từ lâu. Vậy nên các vị tay bắt mặt mừng, hỏi thăm nhau khá lâu. Tôi đứng đợi một lúc rồi mời Thiếu Tướng đi về bàn chủ toạ. Tôi tự giới thiệu vắn tắt về mình. Thiếu Tướng nghe xong, vỗ vai tôi và cười, nói rằng, "Tôi mới nói chuyện với cậu của anh cách nay chưa tới một tháng". Tôi định bàn sơ qua với ông về chương trình nhưng ông gạt đi, nói rằng anh em đồng đội, chiến hữu còn gặp được nhau là mừng rồi, còn chương trình ra sao cũng được.
Sau đó, lại có một số chiến hữu khác kéo đến, mỗi người một lời chào, một câu hỏi thành thử ra đến quá hai giờ mà chúng tôi vẫn chưa bắt đầu được chương trình. Vậy nên tôi tế nhị nói với Thiếu Tướng rằng, "Thưa Niên Trưởng Thiếu Tướng, 10 phút nữa chúng ta khai mạc." Nghe tôi nói như vậy, các chiến hữu kia mới tản mác dần dần.
Thiếu Tướng Lê Minh Đảo mở lời bằng mấy câu chào hỏi rất chân tình. Sau đó, ông tâm sự nhiều hơn là diễn thuyết. Tôi phụ trách chương trình nên đứng gần bàn chủ toạ, thấy có đến mấy lần ông phải ngưng nói vì cử toạ vỗ tay. Cũng có vài lần ông nói đùa vài câu và các chiến hữu cười vang. Về trận Xuân Lộc, ông kể lại với tư cách một nhân chứng, chứ không phải như một người hùng của trận đánh vang danh thế giới này. Ông kể lại từng diễn biến, nhưng không phô trương chiến tích cũng như không chê bai, chế nhạo địch quân.
Sau phần nói chuyện của Thiếu Tướng, chúng tôi dành ra 15 phút nghỉ. Suốt thời gian này, các chiến hữu vây quanh Thiếu Tướng để chào hỏi nên ông cũng không được ngồi nghỉ một lúc nào.
Sang phần thứ hai là trả lời câu hỏi. Hầu hết các câu hỏi của các niên trưởng, chiến hữu hôm đó đều tập trung vào trái bom CBU được thả xuống mặt trận Xuân Lộc vào tháng Tư 1975. Những câu hỏi còn lại cũng về trận Xuân Lộc, chỉ có một số ít câu hỏi liên quan đến các vấn đề khác. Cuối cùng, Thiếu Tướng bùi ngùi nhắc lại những chiến hữu mà ông rất nhớ và thương tiếc, trong đó có Trung Tướng Dương Văn Đức và Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan.
Đó là lần duy nhất trong đời tôi có cơ hội ở gần bên Thiếu Tướng Lê Minh Đảo được lâu. Tối hôm đó và những ngày kế tiếp, tôi quá bận rộn nên không thể đến tham dự các sinh hoạt khác của Thiếu Tướng với các hội đoàn khác. Bây giờ thì tôi được tin Thiếu Tướng qua đời.
Tại Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà, các tử sĩ từ binh nhì đến đại tá đều có mộ phần như nhau, nhưng cấp tướng thì khác hẳn, và được an táng tại một khu riêng biệt. Tôi cũng theo đó mà cúi đầu dành ra năm phút để mặc niệm Thiếu Tướng, thay vì hai phút như lệ thường.

Tôi có mấy việc muốn trình bày, liên quan đến Thiếu Tướng Lê Minh Đảo. Lẽ ra thì tôi viết ra đây từ lâu rồi nhưng cứ ngập ngừng. Ngập ngừng là vì đó chẳng phải là chuyện mà ai cũng muốn nhắc đến. Tuy nhiên, nếu tôi không kể ra đây thì sau này nếu có ai đó kể lại mà không đúng với sự thật thì quả là bất công đối với một người đã khuất, vì người đó không còn cơ hội để biện minh. Hơn nữa, tôi biết cho dù có còn tại thế, Thiếu Tướng cũng không bao giờ lên tiếng về những điều này bởi vì mình là một vị chỉ huy cao cấp với một trách nhiệm nặng nề trong một tình thế cấp bách, ông không thể làm hài lòng tất cả các đơn vị bạn, các thuộc cấp và vì thế, họ có than thở thì cũng là một điều ông biết trước và chấp nhận.
Chuyện thứ nhất xảy ra vào cuối tháng Ba 1975. Lúc đó, có một liên đoàn Biệt Động Quân từ Quân Khu 2 được lệnh rút về Quân Khu 3. Liên đoàn này di chuyển một thời gian khá lâu mà vẫn chưa về đến địa điểm đã ấn định. Vì thế nên Bộ Chỉ Huy Biệt Động Quân Trung Ương nhờ Chuẩn Tướng Lê Minh Đảo, Tư Lệnh Sư Đoàn 18 Bộ Binh, cho một đơn vị trinh sát đi tìm liên đoàn này và hướng dẫn họ về địa điểm nói trên. Chuẩn Tướng Lê Minh Đảo từ chối. Ông từ chối là vì ông lo lắng có sự không hay. Trước đó, có mấy đơn vị ngoài miền Trung khi di tản đã không giữ kỷ luật. Ông sợ cái liên đoàn Biệt Động Quân kia cũng vậy. Ngoài ra, cũng còn phải nghĩ đến việc xảy ra ngộ nhận nhau giữa rừng và bên ta bắn nhau với bên mình. Trong một tình thế như trên, đây là một điều rất có thể.
Sau khi đã biết sự việc như thế, Trung Tá Nguyễn Khoa Lộc (bào đệ Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam) đã về gặp Thiếu Tướng Chỉ Huy Trưởng Biệt Động Quân Đỗ Kế Giai để xin phép bàn giao chức vụ cho một sĩ quan khác rồi lên một chiếc trực thăng bay đi tìm liên đoàn Biệt Động Quân kia hướng dẫn họ về.
Năm 2004, tôi có được gặp hai trong ba vị tiểu đoàn trưởng của liên đoàn nói trên. Đó là Thiếu Tá Trần Đình Đàng và Thiếu Tá Hồ Dơn. Tôi gặp anh Đàng tại Seattle và gặp anh Dơn tại Melbourne.
Anh Đàng kể lại rằng theo như kế hoạch cũng như chỉ thị, tiểu đoàn của anh di chuyển cùng một đơn vị Kỵ Binh. Được một thời gian ngắn thì đơn vị nói trên bỏ đi trước, tiểu đoàn của anh không theo kịp. Sau đó, có lẽ sợ Biệt Động Quân xin gạo xin nước, đơn vị Kỵ Binh nói trên đổi tần số khiến cho anh Đàng không còn liên lạc với họ được nữa.
Còn về việc Sư Đoàn 18 Bộ Binh từ chối giúp đỡ như đã kể ở trên thì anh không rõ là do lệnh của ai.
Anh Hồ Dơn thì kể thêm rằng tiểu đoàn của anh còn phải dìu dắt một lực lượng đông đảo đồng bào, rất là khó khăn nên đôi lúc cảm thấy tuyệt vọng và bất mãn. Anh Dơn không biết rõ về việc Sư Đoàn 18 Bộ Binh không muốn giúp đỡ tiểu đoàn của anh cũng như hai tiểu đoàn kia.
Sau khi tìm hiểu thêm, cá nhân tôi có nhận xét rằng việc Sư Đoàn 18 Bộ Binh từ chối cho một đơn vị đi tìm và hướng dẫn liên đoàn Biệt Động Quân nói trên là một việc mà chỉ những ai trong cuộc mới có thể hiểu được. Vì những lý do mà tôi nêu ở trên, tôi tin rằng các đơn vị khác cũng sẽ làm tương tự, nếu ở vào cùng hoàn cảnh.

Sự việc thứ hai xảy ra sau sự việc thứ nhất chỉ một tuần lễ.
Sau khi phòng tuyến Phan Rang lâm nguy, Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn, Tư Lệnh Quân Đoàn III và Quân Khu 3, quyết định tăng phái cho Xuân Lộc một chiến đoàn Nhảy Dù và Tiểu Đoàn 82 Biệt Động Quân. Trung Tướng Toàn chọn Tiểu Đoàn 82 Biệt Động Quân do Thiếu Tá Vương Mộng Long chỉ huy là vì khi còn là Tư Lệnh Quân Đoàn II và Quân Khu 2, ông đã biết rõ Thiếu Tá Vương Mộng Long là một đơn vị trưởng kỷ luật và có khả năng. Ông từng gọi Thiếu Tá Vương Mộng Long vào trình diện để nhận chỉ thị trực tiếp.
Việc hai tiểu đoàn Nhảy Dù do Trung Tá Nguyễn Văn Đỉnh tăng phái cho mặt trận Xuân Lộc không gặp vấn đề gì. Riêng Tiểu Đoàn 82 Biệt Động Quân thì không được may mắn như thế. Chuẩn Tướng (cấp bậc lúc đó, đầu tháng Tư 1975) Lê Minh Đảo e ngại rằng một đơn vị mới từ miền Trung rút về thì có thể vừa mệt mỏi vừa bất mãn nên có thể quậy bậy. Vì thế, nên ông cho Tiểu Đoàn 82 Biệt Động Quân chịu trách nhiệm một khu riêng biệt, giống như nằm tiền đồn để án ngữ địch quân. Điều này, theo một số người, là không nên.

Đầu năm 2004, tôi có tiếp chuyện anh Vương Mộng Long khá lâu qua điện thoại. Khi nhắc lại Trận Xuân Lộc, tôi có hỏi anh một số chi tiết nhưng cố tình không nhắc đến việc tiểu đoàn của anh bị đẩy ra một vị trí trống trải như đã nói ở trên.
Anh Vương Mộng Long kể lại rất dài, rất đầy đủ nhưng tôi chỉ xin nêu ra những điểm cần thiết như sau. Chuẩn Tướng Lê Minh Đảo rất tôn trọng và tin tưởng Tiểu Đoàn 82 Biệt Động Quân. Bằng chứng rất rõ ràng rất là trong các phiên họp quan trọng, anh Long đều được mời tham dự, cùng với các vị trung đoàn trưởng thuộc Sư Đoàn 18 Bộ Binh mà anh Long nêu danh là Đại Tá Nguyễn Xuân Hiếu và Trung Tá Ngô Kỳ Dũng, cùng với Tiểu Khu Trưởng Tiểu Khu Long Khánh, Đại Tá Phạm Văn Phúc. Khi tôi còn ở Liên Đoàn 6 Biệt Động Quân, Đại Tá Phúc là Chỉ Huy Phó Biệt Động Quân Quân Khu 3 còn Chỉ Huy Trưởng là Đại Tá Nguyễn Thành Chuẩn.
Anh Long còn kể thêm rất nhiều về Trận Xuân Lộc mà qua đó, tôi có thể kết luận như sau.
Anh em Biệt Động Quân chúng tôi mỗi khi được tăng phái cho các chiến trường sôi động thường bị vị chỉ huy của mặt trận đó sử dụng vào mục đích nguy hiểm và gian khổ nhất. Tiểu Đoàn 82 Biệt Động Quân do Thiếu Tá Vương Mộng Long tại Trận Xuân Lộc đã không bị đối xử như vậy.
Có một tối nọ, Thiếu Tướng Lê Minh Đảo ngồi dùng cơm thân mật với một số phi công trực thăng đã bay yểm trợ tiếp tế cho Mặt Trận Xuân Lộc vào tháng Tư 1975. Ông có kể lại rằng lúc đầu quả thật ông cũng dè dặt với Tiểu Đoàn 82 Biệt Động Quân vì ông không biết rõ về đơn vị này trong khi tình hình toàn tỉnh Long Khánh lúc đó khá phức tạp, quân và dân từ ngoài kia kéo về khá đông. Ông không ngờ rằng Tiểu Đoàn 82 Biệt Động Quân sau đó đánh địch rất đẹp mắt mà chính ông ngồi trên trực thăng đã chứng kiến tận mắt.
Một trong những chiến hữu đàn anh ngồi dùng cơm tối hôm đó đã kể lại cho riêng tôi nghe như vậy. Tôi tin rằng khi kể ra như thế, Thiếu Tướng đã khéo léo nhìn nhận rằng lúc đầu ông đã có nhận xét sai về Tiểu Đoàn 82 Biệt Động Quân và rồi ông đã thừa nhận rằng đây là một đơn vị xuất sắc và anh dũng. Như vậy là đủ và đẹp lắm rồi, xin cám ơn Thiếu Tướng.

Sau khi Thiếu Tướng qua đời, chắc chắn sẽ có những lời bình phẩm về ông, về con người và binh nghiệp của ông. Đối với cá nhân tôi, ai nói gì thì nói, tôi vẫn giữ mãi trong tâm tư tôi một Thiếu Tướng Lê Minh Đảo như tôi đã được biết. Riêng đối với các bạn trẻ hậu duệ, tôi xin góp ý với các bạn như sau.
Con người, kể cả người Việt Nam chúng ta, bị chi phối rất nhiều bởi cảm tính. Do đó, khi nhận xét về một ai, hoặc quyết định làm một điều gì đó đối với một ai, nó tuỳ thuộc rất nhiều vào việc người đó đã làm gì cho mình, đã đối xử với mình như thế nào. Một ông đơn vị trưởng thưởng phạt nghiêm minh thường bị thuộc cấp chê trách nhiều hơn là một ông đơn vị trưởng dễ dãi, lè phè. Lý do là những thuộc cấp nói trên không phải là những quân nhân tôn trọng quân phong quân kỷ. Vì thế nên nếu có một vị tướng có bị tiếng bấc tiếng chì thì cũng là một việc thường tình.

Nói chung, Thiếu Tướng Lê Minh Đảo là một tướng quân trẻ nên ông đã không có cơ hội để tạo nhiều chiến công vang dội. Dẫu sao, ông vẫn là vị tướng duy nhất của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà có cơ hội và có bản lãnh để giáng cho địch quân một trận sau cùng để nhớ đời, chứng minh cho cả thế giới thấy rằng ngay cả trong tình thế bất lợi nhất và bi đát nhất, Việt Nam Cộng Hoà chúng ta vẫn có một đạo quân kiêu hùng.
Đính kèm là hình ảnh của Thiếu Tướng Lê Minh Đảo tại mặt trận Xuân Lộc, tháng Tư 1975. Người quân nhân can trường luôn giữ được bản lĩnh cho dù đang ở trong tình thế bi đát nhất.
Khiết Nguyễn  

Người Lính Lẫm Liệt giữa Tháng Tư hung hãn!


 
Kính tiễn biệt Thiếu Tướng Lê Minh Đảo
Để nhớ ngày “Anh Tư Về Trời”
Bỏ lại cuộc chiến dang dỡ không thành
Nơi Quê Nhà Việt Nam.
(30/4/1975-19/3/2020)Bài PHAN NHẬT NAM
I. Giữa vũng lầy chính trị
Trong những ngày đầu tháng 4, 1975, Cựu Bộ Trưởng Thông Tin Chiêu Hồi Hoàng Đức Nhã nay giữ chức vụ cố vấn riêng của Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu đã có mặt tại Singapore theo lời mời của Thủ Tướng Lý Quang Diệu.
Cá nhân cố vấn Nhã rất ái mộ nhà lãnh đạo họ Lý, bởi vị này đã thành công trong quá trình cai trị (dẫu bị phê phán là độc tài, độc đảng theo thói tục của chính giới Tây Phương) bằng việc thực hiện cho người dân Singapore những điều mà chế độ cộng sản hứa hẹn “sẽ có nơi địa đàng trần thế”: Tự do, dân chủ, việc làm, phồn thịnh kinh tế, ổn định xã hội.
Mức sống người dân Singapore được xếp hạng cao nhất Châu Á. Môi trường, thành phố, phi cảng Singapore được đánh giá là những địa điểm công cộng sạch nhất thế giới. Tháp Đôi ở thủ đô này có chiều cao nhất hơn hẳn toàn nhà Empire State Building hay Twin Tower của New York.
Thủ Tướng Diệu không mời Cố Vấn Nhã đến do liên lạc bình thường giữa những chính khách, ông mời ông Nhã đến để trao gởi một “nguồn tin” quan trọng. Thủ Tướng Lý vào thẳng vấn đề: “Đừng để mất thì giờ vô ích, tôi mời ông tới đây bởi kết thúc (ở Việt Nam) sắp xảy đến. Rockefeller vừa hỏi ý kiến tôi cũng như những vị lãnh đạo Á Châu khác, liệu chúng ta có cách gì để đưa ông Thiệu ra đi hay không.”
Hóa ra chuyến viếng thăm không chính thức các nước Đông Nam Á của Phó Tổng Thống Mỹ Rockefeller nhân dịp viếng lễ tang người lãnh đạo cuối cùng của thế hệ Thế Chiến thứ Hai, Thống Chế Tưởng Giới Thạch vừa qua (5 tháng 4) là để thông báo điều: “Đã đến lúc chính phủ Mỹ cần thay người cầm quyền ở Nam Việt Nam.”
Thủ Tướng Lý không nói thêm điều gì khác - việc “ai” sẽ thay thế ông Thiệu là vấn đề của Sài Gòn với những người như Đại Tướng Minh, Khiêm, hoặc Cựu Phó Tổng Thống Kỳ. Ông chỉ thúc dục cố vấn Nhã: “Hãy khẩn báo cho ông anh của ông như thế mà thôi. Riêng ông nên ở lại đây. Đừng về lại Sài Gòn, tôi sẽ lo liệu cho gia đình ông ra khỏi nước. Người Mỹ cũng đã xếp đặt sẵn một nơi cho ông Thiệu lưu trú.”
 Không biết cuộc mạn đàm đã được thâu băng, cũng như nơi Dinh Độc Lập máy ghi âm mật (do văn phòng CIA Sàigòn gài) luôn hoạt động, Nhã thông báo liền cho Tổng Thống Thiệu nguồn tin chẳng mấy phấn khởi này; một phần ông cố vấn cũng đã hiểu ra thực tế: “Giới quân nhân, những tư lệnh chiến trường đã không còn tin tưởng nơi ông tổng thống vốn xuất thân từ quân đội này nữa.” Cuộc rút bỏ Tây Nguyên sau ngày 10 tháng Ba (ngày quân đội Bắc Việt tổng tấn công Ban Mê Thuộc), tiếp theo lần di tản Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang (cuối tháng 3) với thảm cảnh kinh hoàng của dân và lính vượt khỏi tất cả những dự kiến; làm tan vỡ sức chiến đấu, phá hũy quân trang cụ, vũ khí của hai Quân Khu I và II đã bày ra điều cùng cực phi lý và tàn nhẫn: Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa không nắm vững chính trị lẫn quân sự của tình thế. Chỉ riêng về mặt quân sự không thôi ông cũng đã là một người chỉ huy mất khả năng kiểm soát chiến lược lẫn chiến thuật mà một nhà lãnh đạo cần phải có.
Nghĩ cho cùng cũng chẳng phải riêng của Tổng Thống Thiệu với tình thế VN. Lời thông báo của Phó Tổng Thống Rockefeller cũng không là ý kiến riêng của người lãnh đạo ở Tòa Bạch Ốc nhưng là phản ảnh thực tế về quyết định của chính giới Mỹ đối với tình thế chung cho toàn vùng Đông Nam Á. Ngày 12 tháng 4 Nam Vang thất thủ, người lãnh đạo Sirik Matak cùng tất cả bộ trưởng của chính phủ Long Boret (chỉ trừ một người thuận di tản theo đề nghị của tòa Đại Sứ Mỹ) là những nạn nhân đầu tiên của cách hành hình man rợ hơn cả thời trung cổ do đám đao phủ Kmer Đỏ hành quyết.
Họ không chết do bất ngờ, vì không lường được tính ác ghê rợn của lực lượng cộng sản Khmer mà hơn ai hết, vị cố vấn chính trị của tổng thống Campuchia đã có lá thư tuyệt mệnh gởi đến Đại Sứ Dean John của Hoa Kỳ với lời lẽ khẳng quyết bi tráng như sau: “Kính gởi Ngài Đại Sứ và các Bạn... Tôi chân thành cảm ơn lá thư ngài chuyển tới với đề nghị giúp tôi phương tiện đi đến vùng tự do. Nhưng hỡi ơi, tôi không thể bỏ đi một cách hèn hạ như thế được. Xin ngài cứ ra đi, và tôi cầu chúc ngài cùng đất nước Hoa Kỳ có được nhiều điều hạnh phúc dưới cõi trời này. Nếu tôi có phải chết thì cũng chết trên đất nước mà tôi vô cùng yêu quý dẫu cho đấy là điều bất hạnh, nhưng chúng ta ai chẳng sinh ra và một lần mất đi. Tôi chỉ phạm một lỗi lầm là đã tin vào ngài và tin vào những người Bạn Mỹ.”
Lời báo động của người thân cận Hoàng Đức Nhã cùng tình thế bi thảm của Campuchia, lẫn thực tế tuyệt vọng của miền Nam khi phòng tuyến Phan Rang (mà cũng không bao giờ đã là một tuyến phòng thủ vững chắc được bởi đấy là một vùng đất có thể tiếp cận đến bởi bất cứ hướng tiến quân nào, kể cả hình thái bao vây, chia cắt) bị tan vỡ buộc Tổng Thống Thiệu phải hiểu ra rằng: Những lá thư bảo đảm của Tổng Thống Nixon với những lời trịnh trọng “Tự do và độc lập của Việt Nam Cộng Hòa luôn là mục tiêu tối thượng của chính sách đối ngoại của nước Mỹ. Tôi hằng dốc sức thực hiện mục tiêu ấy suốt cuộc đời chính trị của bản thân” đã không còn mảy may có giá trị, vì người viết như giòng chữ (cho là thực tâm kia) đã đi ra khỏi Tòa Bạch Ốc với tình cảnh của kẻ “phạm tội” sau vụ Watergate (9/8/1974).
Người thay thế ông, tổng thống không do dân cử, Gerald Ford lại bị trói buộc toàn diện bởi Nghị Quyết Sử Dụng Vũ Lực Chiến Tranh đã được quốc hội phê chuẩn từ tháng 11, 1973, cho dù Tổng Thống Nixon đã dùng quyền phủ quyết bác bỏ. Nghị quyết này thật sự là phần hiện thực hiến định của đạo luật cắt bỏ quỹ “Hoạt Động Tác Chiến” do Tu Chính Án Cooper-Church đệ trình Thượng Viện Mỹ nhằm hạn chế quyền lực sử dụng quân đội Mỹ ở Đông Dương từ 1970 - Tất cả điều khoản, đạo luật này đã được lưỡng viện Quốc Hội Mỹ phê chuẩn thi hành sau khi ký Hiệp Định Paris (27 tháng 1, 1973) và Thông Cáo Chung của Kissinger cùng Lê Đức Thọ, ngày 13 tháng 7 cùng năm để “thúc đẩy các bên ký kết thi hành hiệp định “Tái Lập Hòa Bình tại Việt Nam (sic).”
Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu nhất quyết không để thân phận mình kết thúc tan thương oan khốc như tình cảnh của Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, cũng không muốn “hiển thánh vị quốc vong thân” trước nòng súng của binh đội cộng sản. Ông dư biết “những kẻ thù chính trị  sẽ không để cho ông yên thân; ông lại càng ngao ngán tình đời vì Cựu Phó Tổng Thống Kỳ đã xuất hiện lại với một khẩu P38 cặp kè bên hông hiện thực lời răn đe “phải làm một cái gì... và Sài gòn sẽ là một Stalingrad” như trong lần nói chuyện ở Trường Chỉ Huy Tham Mưu tại căn cứ Long Bình.
Nhưng cốt yếu đối với người “bạn Mỹ,” người bạn mà vị chính khách Campuchia Sirik Matak bên nước láng giềng kia đã phẫn uất kêu lên lời tán thán – Ông Nguyễn Văn Thiệu phải ra tay trước - Vất bỏ gánh nặng mà ông cho là “vô lý” với luận cứ: “Người Mỹ đòi hỏi chúng ta làm một việc bất khả thể. Tôi đã từng nói với họ: Các ông đòi chúng tôi làm một việc mà các ông không làm nỗi với nửa triệu quân hùng mạnh, với những viên chỉ huy tài giỏi, và tiêu hơn 300 tỷ (Mỹ kim) trong hơn sáu năm. Rồi bây giờ tương tự như các ông chỉ cho tôi 3 đồng, bắt tôi mua vé máy bay hạng nhất, thuê phòng khách sạn 30 đồng một ngày, ăn bốn, năm miếng bíp-tếch, uống bảy, tám ly rượu vang mỗi ngày. Đấy là một chuyện hết sứ vô lý.”
Sau khi so sánh cuộc chiến đấu của một dân tộc với cách thức đi ăn tiệc với giá biểu “kỳ cục” kể trên, ông cao giọng tố cáo người bạn quý không e dè: “...các ông để mặc chiến sĩ chúng tôi chết dưới mưa đạn pháo. Đấy là một hành động bất nhân của một đồng minh nhân.” Ông chát chúa lập lại: “Từ chối giúp một đồng minh và bỏ mặc họ là một hành vi bất nhân.”
Những giới chức cao cấp của Tòa Đại Sứ Mỹ ở đường Thống Nhất (đối diện với Dinh Độc Lập, nơi ông tổng thống đang nói cho buổi truyền hình trực tiếp) theo dõi đủ nội dung của bài nói chuyện với những lời lẻ nặng nề như trên (bài nói chuyện của một người đang cơn nóng giận chứ không phải ngôn ngữ ngoại giao của một vị nguyên thủ quốc gia, một chính khách lãnh đạo). Tuy nhiên, người Mỹ luôn là một người “bạn tốt.” Họ đã chuẩn bị cho ông một nơi an toàn và cách ra đi kín đáo (cũng không thể kín đáo hơn), thích hợp với “danh dự của một vị nguyên thủ” vì dù gì ông đã giúp họ cởi bỏ gánh nặng chiến tranh qua lần rút quân có tính “danh dự” khỏi Việt Nam theo điều khoản của Hiệp Định Paris.
Tuy nhiên, cuối cùng lời của Ông Nguyễn Văn Thiệu có phần chính xác như câu nói bất hủ: “Đừng nghe những gì cộng sản nói mà hãy nhìn những gì cộng sản làm” vì quả thật pháo đang rơi xuống, đang trút xuống như mưa lũ trên đầu người lính... cũng trên đầu người dân. Đạn pháo, hỏa tiễn của binh đoàn quân cộng sản Bắc Việt (thuần là đơn vị quân đội Hà Nội) đang dội xuống như mưa lũ ở Long Khánh- Cửa ngỏ phía đông- bắc dẫn vào Sài Gòn - nơi bản doanh Sư Đoàn 18 Bộ Binh do Thiếu Tướng Lê Minh Đảo giữ quyền tư lệnh - Vị tướng lãnh thăng cấp cuối cùng của quân lực để chứng thật cùng thế giới và lịch sử: Người Lính nào đã quyết tâm chiến đấu thực hiện nghĩa vụ Bảo Quân An Dân nơi Miền Nam. Và sự sụp vỡ ngày 30 tháng Tư, 1975 hoàn toàn vượt tầm đạn bắn ra từ nòng súng chiến đấu của họ- Quân Lực Cộng Hòa.
II. Mặt đối mặt qua bãi lửa
Bình nguyên Tỉnh Long Khánh trãi rộng trên vùng rừng miền đông Nam Bộ, tả ngạn sông Đồng Nai, trước đây vốn là Quận Xuân Lộc thuộc Tỉnh Biên Hòa. Năm 1955 Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa thành hình những đơn vị hành chánh mới, Xuân Lộc tách ra thành một tỉnh riêng với thủ phủ là vị trí của quận đường cũ nay được mang thêm danh xưng là Quận Châu Thành Tỉnh Long Khánh. Long Khánh nằm trên ngã Ba của Quốc Lộ 20 (đi Đà Lạt) và Quốc Lộ I, lối ra Trung, đường đi Hàm Tân, Phan Thiết.
Sau thành công đánh chiếm Tây Nguyên (Vùng II) và Vùng I Chiến Thuật do sự rút bỏ hỗn loạn của quân đội Miền Nam (mà thật sự chỉ do quyết định toàn quyền, độc nhất của Tổng Thống NguyễnVăn Thiệu), phía cộng sản rút kinh nghiệm từ Mậu Thân (1968) và Tổng công kích Xuân-Hè 1972 (thất bại do phân tán lực lượng trên nhiều mục tiêu, lẫn lộn giữa “điểm-mặt trận chính” và “diện- mục tiêu phụ”).
Chiến dịch năm nay, 1975, Bộ Tổng Quân Ủy quân đội Miền Bắc quyết tâm tiêu diệt Miền Nam qua chiến thuật tập kích tấn công từ một điểm xong mở rộng ra, tránh giao tranh nếu gặp kháng cự mạnh để tất cả đồng nhất tiến về Sài Gòn - Mục tiêu cuối cùng phải đánh chiếm của cuộc chiến tranh “giải phóng ngụy danh.”
 Trung Ương Đảng ra lệnh cho Trung Ương Cục Miền Nam cùng tất cả lực lượng vũ trang phải hoàn thành công cuộc giải phóng Miền Nam. “Xung phong tiến lên tấn công Sài Gòn, mà hiện tại kẻ thù đang tan rã, không còn sức mạnh chiến đấu. Chúng có năm sư đoàn, chúng ta có mười-lăm sư đoàn, chưa kể đến lực lượng hậu bị chiến lược. Chúng ta phải chiến thắng bất cứ giá nào: Đấy là quan điểm của Trung Ương Đảng. Khi tôi (Lê Đức Thọ) rời miền Bắc, các đồng chí ở Bộ Chính Trị đã nói rằng: ‘Đồng chí phải đoạt thắng lợi, đồng chí chỉ trở về với chiến thắng’.”
Chiến dịch Hồ Chí Minh được đặt tên qua công điện 37/TK do chính Lê Đức Thọ, Chính ủy chiến dịch phổ biến đến với tất cả lực lượng vũ trang đang có mặt tại miền Nam- Mười lăm sư đoàn quân chính quy cộng sản Bắc Việt. Những danh xưng này cần phải viết đủ để trả lời cho những quan điểm chiến lược vạch nên từ Tòa Bạch Ốc, Ngũ Giác Đài, được phổ biến khắp hệ thống truyền thanh, truyền hình thế giới trong bao năm qua: “Chiến tranh Việt Nam là do lực lượng Việt cộng (những người “quốc gia yêu nước Miền Nam” nổi dậy lật đổ chính quyền Việt Nam Cộng Hòa); nếu lực lượng của Hà Nội có kể đến chăng thì cũng chỉ chiếm một phần rất nhỏ, chỉ đóng vai trò “yểm trợ” vì “98% của vấn đề (chiến tranh) là ở Miền Nam, chứ không là Miền Bắc.”
Bởi quan niệm như thế kia, nên sau lần ký Hiệp Định Paris hai năm, ba tháng, tình hình quân sự hóa nên tồi tệ như một điều tất yếu, và chắc rằng Lê Đức Thọ được chọn lựa giữ nhiệm vụ chính ủy cho chiến dịch đánh chiếm không phải do tình cờ, vô cớ - bởi đấy là kẻ được thế giới trao tặng giải Nobel Hòa Bình do đã thiết lập cùng Ngoại Trưởng Kissinger cái gọi là hiệp định “tái lập hòa bình tại Việt Nam” kia. Chúng tôi không đủ nhẫn tâm, trâng tráo để viết hoa nên nhóm danh tự này- Vì nếu thế sẽ được đánh giá là “đã tham gia vào một quá trình lừa lọc - Quá trình đùa cợt và khinh miệt nỗi khổ đau của toàn Dân Tộc Việt” - Khối dân bi thương luôn cầu mong dược sống một ngày bình an qua gần nửa thế kỷ sống trong lửa.
Chúng ta trở lại chiến trường với Tướng Quân Lê Minh Đảo và những người lính đang giữa trùng vây của lửa. Ở mặt trận Long Khánh, ngay từ ngày đầu của năm 1975, Sư đoàn 18 đã phải đối phó với tình trạng căng quân ra giữ vững vùng lãnh thổ trách nhiệm, cùng tập trung lực lượng để chiếm lại phần đất đã bị lấn chiếm. Tiếng gọi là một sư đoàn, nhưng Tướng Đảo chưa hề tập trung đủ lực lượng cơ hữu để điều động trong một cuộc hành quân quy mô cấp sư đoàn. Đầu tháng Ba 75, Trung Đoàn 48 lại tăng phái cho Sư Đoàn 25 trách nhiệm mặt trận Tây Ninh, vùng Tây Sài Gòn cũng chung Vùng III Chiến Thuật với Sư Đoàn 18.
Thế nên khi trận chiến bắt đầu 9 tháng 4, 1975 ông chỉ có một lực lượng sư đoàn (trừ) gồm những đơn vị: - Chiến đoàn 43 do Đại Tá Lê Xuân Hiếu chỉ huy gồm trung đoàn 43 (trừ Tiểu Đoàn 2/43 đóng giữ các cao điểm quan trọng) gồm Tiểu Đoàn 2/52 (cơ hữu của Trung Đoàn 52); Tiểu đoàn 82 Biệt Động Quân Biên Phòng của Thiếu Tá Vương Mộng Long. Phải nói qua đơn vị kỳ lạ này với sự tồn tại tưởng như huyền thoại. Tiểu Đoàn 82 vốn thuộc Quân Khu II Tây Nguyên, khi mặt trận Ban Mê Thuộc bị vỡ, Thiếu Tá Long vừa đánh vừa rút lui xuống đồng bằng. Từ Ban Mê Thuộc, Long đưa đơn vị vượt Cao Nguyên Di-Linh băng rừng về Bảo Lộc (nằm trên Quốc Lộ 20 khoảng giữa đường đi Đà Lạt), ông tiếp tục băng rừng theo hướng tây-nam về Long Khánh.
Ngày 6 tháng 4 (gần một tháng sau trận Ban Mê Thuộc, ngày 10 tháng 3), Tướng Đảo nhận được một công điện khẩn từ các toán tiền đồn. Một đơn vị lạ với y phục Biệt Động Quân xuất hiện. Sau khi kiểm chứng với Bộ Chỉ Huy Biệt Động Quân Quân Khu III (Biên Hòa), Tướng Đảo dùng trực thăng bốc toán quân của Thiếu Tá Long- một tiểu đoàn biệt động chỉ còn khoảng 200 người. Lực lượng Chiến Đoàn 43 có nhiệm vụ phòng thủ nội vi Xuân Lộc hợp cùng các đơn vị của Tiểu Khu Long Khánh do Đại Tá Phúc làm chỉ huy trưởng. Chiến Đoàn 52 của Đại Tá Ngô Kỳ Dũng gồm Trung Đoàn 52 (trừ Tiểu Đoàn 2/52 tăng phái như kể trên) và các đơn vị trinh sát, thiết giáp, pháo binh thống thuộc hành quân. Đơn vị này trấn giữ dọc Quốc Lộ 20 (Bắc-Tây Bắc Long Khánh) từ Kiệm Tân (cứ điểm chận đường từ Đà Lạt xuống) đến Ngã Ba Dầu Giây (giao điểm của hai Quốc Lộ I và 20), nút chận về Biên Hòa, nơi đặt bản doanh của Quân Đoàn III, Sư Đoàn 3 Không Quân, thị xã cách Sài Gòn 30 cây số về hướng Bắc.
Trước khi trận chiến bùng nỗ lớn, Thiếu Tướng Đảo khẩn thiết yêu cầu viên tư lệnh quân đoàn, Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn hoàn trả lại Trung Đoàn 48; khi nhận được trung đoàn này về, Tướng Đảo sử dụng đơn vị để trấn giữ mặt đông thị xã - đoạn đường từ Xuân Lộc đến thị trấn Giá Rai, mặt bắc của Ngã Ba Ông Đồn đường đi vào Quận Tánh Linh, Tỉnh Bình Tuy, trung tâm của mật khu Rừng Lá  mà từ đầu khởi cuộc chiến (1960) đã là một vùng bất khả xâm phạm do đấy là hành lang chuyển quân từ đồng bằng, vùng biển (Vùng III của VNCH) lên miền Tây Nguyên.
Với quân số như kể trên, Sư Đoàn 18 Bộ Binh quả thật đã gánh một nhiệm vụ quá khổ dẫu trong thời bình yên chứ chưa nói về tình thế khẩn cấp của tháng 4, 1975. Trước 1972, vùng này được tăng cường một lữ đoàn thuộc lực lượng Hoàng Gia Úc-Tân Tây Lan, Lữ Đoàn 11 Chiến Xa do Đại Tá Patton chỉ huy (con của Danh Tướng Patton của lực lượng thiết kỵ Hoa Kỳ trong Đệ Nhị Thế Chiến) cùng những đơn vị bộ binh, nhảy dù Mỹ; chưa kể đến Sư Đoàn Mãng Xà Vương Thái Lan tăng phái, trách nhiệm vùng Long Thành, dọc Quốc Lộ 15, đường đi VũngTàu.
Sư đoàn lại là một đơn vị tân lập (chỉ trước Sư Đoàn 3 Bộ Binh của Vùng I), nhưng những người lính cơ hữu cùng các đơn vị diện địa, tăng phái đã lập nên kỳ tích tưởng không thực vào trong lúc toàn bộ quân lực, đất nước thậm khẩn cấp nguy nan, những đại đơn vị đã vỡ tan vì cách điều quân “di tản chiến thuật” quái đản phát xuất từ Dinh Độc Lập. Thành lập từ năm 1965, đầu tiên đơn vị có danh hiệu là “Sư Đoàn 10 Bộ Binh,” và quả như số hiệu không mấy may mắn này báo trước, theo báo cáo lượng giá hằng tháng SAME (System Advisor Monthly Estimation) của giới chức cố vấn Mỹ cao cấp trong năm 1967, sư đoàn bị xếp hạng là một trong những đại đơn vị yếu nhất của quân lực. Tính đến năm 1972, hiệu kỳ sư đoàn chỉ nhận một lần tuyên công.
Nhưng tất cả điều này đã thuộc về quá khứ, năm 1974 đơn vị trở nên thành đơn vị xuất sắc nhất mang giây Biểu Chương Quân Công Bội Tinh (11) Bởi một điều đơn giản nhưng vô cùng thiết yếu đã được thực hiện: Tướng Quân Lê Minh Đảo về nắm quyền chỉ huy đơn vị từ sau trận chiến Mùa Hè 1972, và ông đã dựng nên sự biến đổi thần kỳ kia với bản lãnh thực sự của một “võ tướng”: Sống-Chết cùng Binh Sĩ-Đơn Vị. Phải, Thiếu Tướng Lê Minh Đảo không có gì ngoài những người lính gian khổ dưới quyền, những viên sĩ quan cấp úy trung đội trưởng, với quân số còn lại đúng “mười-hai người” chờ đợi để chết trước lần một biển người, chiến xa, đại pháo dập tới. Nếu có một người (chỉ một người thôi) để ông có thể trao lòng tin cậy cùng là một vị tướng nổi danh liêm khiết - Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu, Tư Lệnh Phó Quân Đoàn III- Nhưng oan nghiệt và uất hận thay, trong giờ phút sôi lửa kia, vị tướng trung chính ấy đã chết vì một viên đạn bức tử tại văn phòng do “sẩy tay, lạc đạn khi chùi súng?!” Quả thật, Thiếu Tướng Lê Minh Đảo không còn ai, không có ai ngoài tập thể những Người Lính đang quyết lòng giữ chắc tay súng - nhiệm vụ mà họ xả thân tận hiến từ một thuở rất lâu không hề nói nên lời. Trận thử sức cuối cùng, tháng 4, 1975 tại Xuân Lộc, Long khánh là một dấu tích sẽ còn lại muôn thuở với lịch sử.
Chúng ta không nói điều quá đáng. Hãy nhìn sang phía đối phương để thử tìm so sánh, từ đấy lập nên phần thẩm định chính xác. Đối mặt binh đội của Tướng Đảo là Quân Đoàn IV cộng sản BắcViệt do Trung Tướng Hoàng Cầm chỉ huy. Một quân đoàn vừa thành hình trong ngày 20 tháng 7, 1974 theo sách lược chung của cộng sản Hà Nội - Toàn phần vất bỏ Hiệp Định Paris, quyết thanh toán Miền Nam bằng vũ lực với trận mở màn thử xem phản ứng của chính quyền, quân đội Mỹ: Tấn công Thị Xã Phước Long thuộc tỉnh Phước Bình (Đông-Bắc Sài Gòn, 12 tháng 12, 1974). Sau lần toàn phần chiếm đóng Phước Long (6 tháng 1, 1975) mà chính phủ Mỹ hoàn toàn im lặng, cũng tương tự như phản ứng thụ động của Hạm Đội 7 Mỹ để mặc Hải Quân Trung Cộng chiếm đóng Trường Sa, tấn công tiêu diệt Hạm Đội Việt Nam, Bộ chính trị trung ương đảng cộng sản Hà Nội quyết định thanh toán Miền Nam bằng súng đạn, điển hình qua câu nói khoái trá của Phạm Văn Đồng trong buổi hội đầu năm 1975: “Cho kẹo Mỹ cũng vào lại Việt Nam.”
Hoàng Cầm chủ nhân của loại bếp ém khói, là tiểu đoàn trưởng của lực lượng tấn công vào trung tâm phòng thủ Điện Biên Phủ năm 1954; khi chiến tranh khởi cuộc (1960), Hoàng Cầm giữ chức tư lệnh Sư Đoàn 312, chuyển vào Nam năm 1965 để chỉ huy Sư Đoàn 9 khi đơn vị này mới thành lập; Mậu Thân 1968, Cầm phụ trách tham mưu của Trung Ương Cục Miền Nam; Tổng Công Kích 1972, tiếp lên chức tham mưu trưởng và bây giờ, kể từ 1974 tư lệnh Quân đoàn 4, trách nhiệm tấn công Sài Gòn từ mặt đông-bắc qua ngõ Long Khánh của Tướng Đảo. Tướng Hoàng Cầm có dưới tay ba sư đoàn: 6, 7 và 341, chưa kể lực lượng địa phương, yểm trợ thuộc Quân Khu 7 cộng sản. Tương quan lực lượng coi như 4 đánh 1. Nhưng cũng không hẳn thế, Tướng Hoàng Cầm còn được cả một bộ chính trị đảng cộng sản Hà Nội trực tiếp chỉ đạo, yểm trợ và tăng cường với Văn Tiến Dũng, Tổng tham trưởng quân đội Miền Bắc, Phạm Hùng, bí thư Trung ương cục Miền Nam, Lê Đức Thọ ủy viên Bộ chính trị, Bí thư chiến dịch. Tất cả đã có mặt tại Lộc Ninh, nơi chỉ cách chiến trường Xuân Lộc hơn 100 cây-số đường chim bay.
Thọ vừa đến từ Hà Nội không phải theo “đường mòn Hồ Chí Minh” với ba lô trên lưng như cách “mô tả” thành thạo trong những cuốn sách “nghiên cứu” về chiến tranh Việt Nam; nhưng Thọ đến từ sân bay Nam Vang, đi xe hơi đến biên giới Việt-Miên, xong dùng Honda chở tới Lộc Ninh (để tránh phi cơ và biệt kích của phía VNCH phát hiện). Trước những nhân vật kể trên, Trần Văn Trà, Tư lệnh Khu 7 báo cáo về tình hình quân sự. Phạm Hùng hỏi về tiếp liệu đạn dược; viên cán bộ phụ trách hậu cần trả lời: “Báo cáo đồng chí, ta có đủ đạn để bắn (bọn ngụy) sợ đến ba đời.”(15)
Đấy không không phải là lời nói đùa, vì sau này khi thắng lợi nghiêng về phía quân cộng hòa, bộ tư lệnh mặt trận (cộng sản) đã cho thay thế Tướng Hoàng Cầm bằng Trần Văn Trà, vốn là người chỉ huy chiến trường miền Đông từ chiến tranh 1945-1954; và tăng cường thêm Sư Đoàn 325, đơn vị tổng trừ bị quân đội miền Bắc, lực lượng nỗ lực chính đánh chiếm Nha Trang, Phan Rang đầu tháng 4, và Trung Đoàn 95B biệt lập từ vùng châu thổ Sông Cửu Long kéo lên tăng cường - nâng tỷ số tác chiến (ban đầu) lên thành 5 đánh 1.
III. Trận đánh
Thiếu Tướng Tư Lệnh Lê Minh Đảo chuẩn bị chiến trường đến mức được coi là toàn hảo. Lấy kinh nghiệm đau thương của những đơn vị bạn thuộc hai Quân Khu I và II: Sở dĩ các đơn vị này mất sức chiến đấu mau chóng vì không có người lính nào còn được khả năng chiến đấu khi trong tay họ thay vì nắm chắc vũ khí bấy giờ chỉ để bế đứa con nhỏ, lưng cỏng cha, mẹ già bị nạn. Bằng tất cả mọi phương tiện có được, Tướng Đảo cho di tản toàn bộ gia đình binh sĩ về hậu cứ Long Bình và tổ chức một hậu phương an lành, tương đối đầy đủ cho tất cả.
Cất bỏ được nặng gánh gia định, người lính chỉ còn một hướng trước mặt- hướng địch quân tiến tới. Pháo binh là một yếu tố chiếm giữ phần lớn quyết định sự thắng, bại chiến trường. Một khuyết điểm mà quân lực cộng hòa thường vấp phải là luôn tập trung pháo binh lại một địa điểm để dễ chỉ huy, điều động. Nay Tướng Đảo thay đổi chiến thuật, ông phân tán pháo binh lên những cao điểm như Núi Thị (bên cạnh Đường 20 lên Định quán, đi Đà Lạt), đồi Mẹ Bồng Con (cạnh Quốc Lộ I, đường về Biên Hòa), những cao điểm phía đông và đông-nam Xuân Lộc, nơi ngã ba Tân Phong (cũng là một vị trí di động của bộ chỉ huy; phần sau của chiến trận, giai đoạn rút lui về Bà Rịa (Phước Tuy), dọc Tỉnh Lộ 2 những vị trí pháo này sẽ yểm trợ vô cùng hữu hiệu cho đoàn quân di tản).
Tuy phân tán nhưng khi tác xạ, những vị trí pháo này cùng bắn một lượt nên “tập trung được hỏa lực vào một mục tiêu” mà địch không dò tìm, phát hiện được vị trí pháo bắn đi (để phản pháo). Thứ đến yếu tố an toàn cho bộ chỉ huy là một yêu cầu tối thượng phải thực hiện, Tướng Đảo cho thiết lập những vị trí chỉ huy khác nhau được đánh số 1, 2, 3. Khi một vị trí bị pháo, ông cho di chuyển qua vị trí thứ hai, và luôn thay đổi trong suốt trận đánh (vị trí thứ 1 ở nhà ông trong thị xã; cái thứ hai ở Tân Phong; thứ ba trong một vườn vú sữa phía đông của vị trí thứ 2). Để không cho đối phương an toàn trong vùng họ chiếm giữ, ông tổ chức những trung đội thám sát hoạt động đằng sau phòng tuyến địch, chỉ định vị trí tập trung quân, vị trí pháo binh (địch) xong gọi pháo binh (bạn) bắn tiêu diệt.
Điểm cao nhất của thị xã, Trường Trung Học Hòa Bình, ông thiết trí trung tâm đề kháng với Đại Đội Trinh Sát Sư Đoàn do viên đại úy cứng cựa nhất trong số những sĩ quan đại đội trưởng, Đại Úy Lê Phú Đa, Khóa 25 Đà Lạt.(16) Và cuối cùng, bảo mật liên lạc truyền tin của ta, khai thác truyền tin của địch để phát hiện ý đồ, cách điều quân, các hướng tiến quân của đối phương để chận đánh, giải quyết chiến trường, phá vỡ mưu định tấn công của giặc.
5 giờ 40 sáng ngày 9 tháng 4, 1975- “Giờ H của Ngày N,” chiến dịch đánh chiếm Xuân Lộc bắt đầu (17) với một trận mưa pháo 2,000 quả đạn từ nhiều vị trí cùng đổ xuống trung tâm thị xã Xuân Lộc lập lại cảnh tàn sát của một ngày năm 1972, cũng buổi sáng tháng 4 tại An Lộc. Chính xác một giờ sau, 6 giờ 40, tám xe tăng được lính Trung Đoàn 165, đơn vị tiền phong Sư Đoàn 7 tùng thiết xông vào trung tâm thị xã Xuân Lộc, nơi đặt bộ chỉ huy Sư Đoàn 18. Lính cộng sản ngỡ rằng sau đợt pháo hung hãn, và đội hình ào ạt, bề thế của những chiếc T54, thế nào cũng sẽ tràn ngập mục tiêu dễ dàng như đã xảy ra ở những mặt trận “không cần giao tranh” nơi Vùng I và II của tháng 3 vừa qua. Họ cũng được học tập, “Sư Đoàn 18 chỉ là một đơn vị bộ binh tầm thường, nếu không nói là yếu kém.”
Nhưng hoàn toàn không phải là như thế, những xe tăng này mắc kẹt giữa bãi mìn của một hệ thống tám lớp kẻm gai và mìn bẫy mà Thiếu Tướng Đảo đã sẵn bố trí; không những chỉ thế, những phi cơ A37 và F5 từ phi trường Biên Hòa được gọi đến chỉ sau ít phút cất cánh, và trên đồng trống, giữa những khu rừng cao su đều đặn, đội hình của toán quân tùng thiết, chiến xa cộng sản trở nên thành mục tiêu lộ liễu, trần trụi. Nhưng lính bộ binh của Trung Đoàn 165 không nhận ra chỉ dấu  thất bại, họ tiếp tục tiến lên đợt xung phong thứ hai với những chiến xa còn lại.
Lính Đại Đội 1, Tiểu Đoàn 3, Trung Đoàn 48 đã đợi sẵn với “hỏa tiễn 2.75 ly” đặt trên giá hai chân (lưu ý yếu tố một đại đội đương cự một trung đoàn - tức là tỷ lệ “1 chống 16”; và hỏa tiễn 2.75 vốn là vũ khí cơ hữu của trực thăng vũ trang, sau khi quân đội Mỹ rút đi, khối lượng hỏa tiễn này trở nên thặng dư, Thiếu Tướng Đảo biến chế thành vũ khí bộ binh dùng để chống chiến xa bằng cách đặt trên giá tre hai chân, kích hỏa bằng pin) bắn hạ ngay những chiến xa này trên tuyến phòng thủ cuối cùng (nếu như thoát được những lớp mìn bẫy tiền tuyến.)
Mặt đông của thị xã, dọc Quốc Lộ I, Trung Đoàn 209 (cũng của SĐ 7) số phận cũng không mấy khả quan hơn - bởi họ gặp một đơn vị đang cơn uất hận - Tiểu Đoàn 82 Biệt Động Quân của Thiếu Tá Vương Mộng Long. Lính biệt động đánh để trả hận lần lui quân bi thảm của tháng trước từ mặt trận Ban Mê Thuộc, hai tiểu đoàn của Trung Đoàn 209 bị chôn chân trước tuyến phòng thủ của 82 Biệt Động và Tiểu Đoàn 3/48 của Tướng Đảo.
Sau này Hoàng Cầm ghi lại trận đánh trong Hồi Ký Lịch Sử Quân Đội Nhân Dân: “Những đợt xung phong đánh vào sở chỉ huy của Sư Đoàn 18 và hậu cứ Trung Đoàn 52 ngụy đều không thành công. Chiến sĩ ta giành giựt với địch từng đoạn giao thông hào, qua mỗi căn nhà, căn phố. Điều đáng ngạc nhiên là cuộc tấn công đã bị chận lại không phải chỉ do pháo binh và không quân yểm trợ, hệ thống phòng thủ vững chắc và sức chiến đấu ngoan cố của Trung đoàn 43 ngụy, nhưng điều đáng nói là Đảo đã tổ chức cho từng người lính thuộc sư đoàn mỗi một vị trí chiến đấu.”(18)
Mặt trận phía bắc của Sư Đoàn 341 tương đối khả quan hơn, một phần địa thế không thích hợp cho việc bố phòng của Chiến Đoàn 52 do Trung Tá Ngô Kỳ Dũng chỉ huy. Viên tư lệnh sư đoàn cộng sản Trần Văn Trấn đi theo với Trung Đoàn 266, đích thân chỉ huy cuộc tiến công. Bộ đội cộng sản tùng thiết thoạt tiên mở được đường qua lớp kẻm gai, mìn bẫy thứ nhất tiến gần đến vùng “Hố Heo Rừng,” nơi Quốc Lộ I chạy một đường quanh gắt trước khi đổ vô thị xã.
Nhưng quả như ước tính của Tướng Đảo, đại đội trinh sát của Đại Úy Đa giăng một hàng lưới lửa bằng đại liên 50 chống chiến xa, hiệp cùng máy bay AC119 Hỏa Long từ tầng trời đan kín thêm bằng đại liên Minigun bốn nòng chống biển người vô cùng hữu hiệu. Sư Đoàn 341 vốn là một sư đoàn tân lập gồm những thanh thiếu niên vùng Quảng Bình vào Nam do nhu cầu “chính trị-quân sự” hơn là một đơn vị tác chiến thuần thành, nên đám tân binh thiếu kinh nghiệm của đơn vị này quá hoảng sợ hỏa lực của đại đội trinh sát, phi cơ Hỏa Long chạy dạt qua phần đất của các Đại Đội 340 và 342 Địa Phương Quân Tiểu Khu Long Khánh.
Thật không may, đấy lại là những đại đội địa phương cự phách của tiểu khu, cũng là của vùng chiến thuật, nên cuối cùng đám lính trẻ tuổi của hai Tiểu Đoàn 5 và 7 thuộc Trung Đoàn 266 phải tan hàng, chạy vào lẫn trốn trong khu vực dân cư, bến xe, nhà thờ, trung tâm thị xã. Đại Đội Trinh Sát của Đại Úy Lê Phú Đa lập lại thành tích “1 chống 16 - Một đại đội chận đứng mũi tiến công một trung đoàn.”
Tưởng cũng nên nói rõ cũng không thừa chi tiết: Theo tổ chức “tứ chế” của quân đội cộng sản, một tiểu đoàn có 4 đại đội; một trung đoàn có 4 tiểu đoàn. Vậy Trung Đoàn 266 kia đã sử dụng đến 16 đại đội để tấn công một đại đội trinh sát của Đa. Cho dù rằng Sư Đoàn 341 báo cáo đã chiếm được một vài cơ sở trong thành phố như dinh tỉnh trưởng, bến xe, khu chợ, nhưng đến 11 giờ cùng ngày, Thiếu Tướng Đảo tương kế tựu kế, sử dụng những đơn vị trừ bị, Tiểu Đoàn 1/48 và chiến xa của Chi Đoàn 1/5 đẩy Trung Đoàn 270 ra khỏi ngoại vi thị xã; phần bên trong Xuân Lộc, ông phối hợp với vị tỉnh trưởng, Đại Tá Phúc dùng hai đại đội địa phương tăng cường Tiểu Đoàn 1/43 diệt gọn tất cả các ổ chống cự lẻ tẻ do những đám nhỏ của Trung Đoàn 266/Sư Đoàn 341 xâm nhập được nhân cơ hội đợt pháo kích sáng sớm.
Tổng kết ngày chiến trận đầu tiên, chỉ riêng Sư Đoàn 341 đã bị thiệt hại khoảng 600 chết và bị thương, cùng một số tù binh (ba-mươi người) bị bắt giữ. Đám thanh thiếu niên nông thôn miền Bắc ngồi ngơ ngẩn giữa nhà cửa, gạch ngói tan vỡ do đạn pháo họ vừa thực hiện, hiểu mường tượng ra về một phần ý nghĩa của công tác “giải phóng” sau lần giao tranh với quân lực Miền Nam.
Buổi chiều, Thiếu Tướng Đảo khi đi thanh sát mặt trận bên trong thị xã, ông không quên ra lệnh cho Phòng Quân Tiếp Vụ sư đoàn trích một số khẩu phần lương khô để nuôi ăn đám tù binh còn rất mới. Chiều tối ngày 9 tháng 4 không hẳn là thời gian nghỉ ngơi, phía cộng sản lại dụng tâm gây căng thẳng bằng cách pháo vào khu vực thị xã thêm một loạt liên tục, cũng khoảng 2,000 ngàn quả đạn trên khắp các vị trí, không loại trừ khu vực dân chúng, nhà thương, chùa, nhà thờ. Những địa điểm mà họ ước tính dân chúng hay tập trung để trú ẩn do có ý nghĩ tội nghiệp cam chịu: “Việt cộng sẽ tránh các nơi dân cư đông đúc, chốn tôn nghiêm, nhà thương trường học.”
Năm 1972, ở An Lộc người dân đã nghĩ như thế và pháo cộng sản cũng đã đánh giá Bệnh Viện Bình Long là một mục tiêu phải bị hủy diệt vì bọn ngụy sẽ tải thương người bị thương đến đấy. Đêm 9 rạng 10, ngày 11 tháng Tư, 1975 ở Xuân Lộc cuộc pháo kích cũng mang chung một tính chất với cường độ ác liệt hơn- do để yểm trợ cho bộ binh tiến chiếm bởi Bộ tư lệnh Quân Đoàn 4 cộng sản vẫn không tin quân phòng thủ Xuân Lộc đứng vững sau hai cuộc tấn công. 5giờ 30 sáng ngày 11, đợt tấn công thứ hai bắt đầu. Sư Đoàn 341 tiến chiếm từ hướng Tây-Bắc dọc Quốc Lộ 20; Sư Đoàn 7 từ mặt Bắc đâm thẳng vào thị xã; Sư Đoàn 6 từ hướng Đông, chân núi Chứa Chan nơi đặt bộ tư lệnh chiến dịch của Quân Đoàn 4. Tất cả ba mũi dùi đồng hẹn ở điểm đến- trung tâm thị xã, Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 18. Kết quả cũng tương tự như ngày 9, quân cộng hòa giữ chắc vị trí, có khác chăng thêm một số chiến xa bị bắn hạ trên tuyến phòng ngự và một số tù binh bị bắt.
Những ngày chẳng mấy vinh quang này được Hoàng Cầm viết lại trong Lịch Sử Quân Đội Nhân Dân: “Trong ba ngày đầu tiên của chiến dịch, Sư Đoàn 7 bị tổn thất 300 chiến sĩ; Sư Đoàn 341 thiệt hại 1,200. Cụ thể tất cả pháo 85 và 57 ly đồng bị phá hũy “(19).
Cùng lúc Văn Tiến Dũng cũng phải thú nhận trong Đại Thắng Mùa Xuân: “Từ ngày đầu mặt trận Xuân Lộc đã diễn ra vô cùng gay go, ác liệt. Những sư đoàn của ta. tổ chức nhiều đợt tấn công vào thị xã, đánh đi đánh lại để chiếm từng vị trí, và phải đẩy lui nhiều cuộc phản công của địch.”
Cùng ngày Không Quân VNCH cũng góp thêm vào chiến thắng qua hũy diệt hơn 100 xe quân sự tăng viện cho mặt trận. Ở Sài Gòn, không khí lạc quan hừng lên, Tổng Thống Thiệu thúc dục Tướng Toàn cố gắng giữ vững Xuân lộc để có thế đảo ngược tình thế... để “B52 có thể trở lại!” Tướng Toàn sử dụng Lữ Đoàn 3 Thiết Kỵ của Chuẩn Tướng Trần Quang Khôi từ Trảng Bom cố mở đường tiếp cận với cánh quân Xuân Lộc, nhưng lực lượng thiết kỵ không thành công trong việc phá chốt ở Ấp Hưng Lộc. Không thành công trong việc dùng chiến xa để giải toả áp lực cộng sản tại Xuân Lộc, Tướng Toàn sử dụng một thành phần hữu hiệu hơn - Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù gồm bốn tiểu đoàn 1, 2, 8 và 9 được Tiểu Đoàn 3 Pháo Binh Dù trực tiếp yểm trợ.
Cuộc hành quân không vận lớn nhất của trận chiến thực hiện trong hai ngày 11, 12 đưa đơn vị tổng trừ bị cuối cùng của Miền Nam vào trận. Sự xuất hiện của lực lượng nhảy dù tại trận địa đặt nên vấn đề nghiêm trọng đối với tập thể lãnh đạo bộ tư lệnh chiến dịch. Chiều ngày 11 tháng Tư, Văn Tiến Dũng, Lê Đức Thọ, Trần Văn Trà duyệt soát lại kế hoạch tấn công theo chiều hướng mới. Dũng có ý kiến: “Nếu địch tăng cường lực lượng phòng thủ Xuân Lộc thì ta không cần phải tập trung lực lượng để tấn công chúng nữa. Chúng ta nên sử dụng sức mạnh của mình để đánh những lực lượng ngoại vi (hàm chỉ Lữ Đoàn I Dù) trước khi chúng đặt chân xuống đất. Cũng nên dùng pháo tầm xa phá hũy căn cứ Biên Hòa để máy bay chúng không thể cất cánh.”
Nội dung buổi hội cũng bàn thảo lại chiến thuật tấn công chính diện mà đã không đem lại kết quả từ bốn ngày qua. Hẳn Trà và giới chức lãnh đạo Trung ương Cục không quên lần tấn công thất bại An Lộc trong Mùa Hè 1972, cũng trên địa bàn Quân Khu III này với lực lượng Quân Khu 7 cộng sản.  Theo quan điểm của Dũng, Tướng Cầm, Tư lệnh Sư Đoàn 7 ra lệnh cho các Trung Đoàn 165, 266 tiếp tục giữ vững vị trí đang trách nhiệm để sau đó từ từ rút đi, riêng Trung Đoàn 209 trở hướng tấn công vào đơn vị nhảy dù vừa nhảy xuống trận địa. Tóm lại, bộ tư lệnh chiến dịch quyết định mở một mặt trận giả (để đánh lạc hướng quân phòng thủ) bằng hai cuộc tấn công chính diện vào vị trí đóng quân của Tiểu Đoàn 1/43 (có nhiệm vụ giữ thị xã) để phía quân đội cộng hòa nghĩ rằng phía cộng sản vẫn cố công dứt điểm Xuân Lộc theo như kế hoạch ban đầu - Trong khi chuyển hướng tấn công bằng cách đi vòng Xuân Lộc để (thực sự) tiến thẳng về Sài Gòn.
Trần Văn Trà thay thế Hoàng Cầm để trực tiếp thực thực hiện kế hoạch. Ngày 13 Trà họp ban tham mưu của Quân Đoàn 4 để thông báo về việc thay đổi kế hoạch với luận cứ chính xác: “Địch tăng cường phòng thủ Xuân Lộc sẽ gây nhiều bất lợi cho ta nếu cứ tiếp tục tấn công thị xã. Thế nên, nếu chúng ta tiến chiếm Dầu Giây (nam Xuân Lộc, trên Quốc Lộ I, lối về Biên Hòa) thì Xuân Lộc không còn nằm trong tuyến phòng thủ của chúng nữa. Đồng thời ta sử dụng pháo tầm xa 130 ly pháo sân bay Biên Hòa thì địch sẽ bị hạn chế khả năng cho phi cơ xuất kích yểm trợ.”(22)
Trong chiều hướng của kế hoạch này, lực lượng cộng sản dần rút đi nới rộng vòng đai phòng thủ của thị xã. Tướng Đảo lập tức ra lệnh cho các đơn vị chiếm lại những vị trí bị phía cộng sản chiếm giữ, tiếp nhận thực phẩm, quân trang, đạn dược và tải thương. Cũng quả thực ông không biết được sự thay đổi quan trọng về kế hoạch của Trung ương cục Miền Nam chỉ đạo từ Hà Nội. Nhưng ông làm được gì hơn với chức vụ tư lệnh một sư đoàn bộ binh trong giờ phút nguy nan nhất của cuộc chiến - mặt nổi của lần xếp lại “một trật tự mới trên toàn thế giới.”
Hai trái bom CBU 55 “Daisy Cutter” nặng 15,000 cân Anh rơi xuống từ lòng chiếc C130 phá toang một vùng rộng lớn trong phòng tuyến của quân cộng sản dọc Quốc Lộ 20 tăng cường thêm sự quyết tâm giữ vững Long Khánh của phía quân cộng hòa, nhưng cũng chính là màn khói (bất đắc dĩ phải chấp nhận) giúp cho lần rút đi của bộ đội cộng sản với 235 xác đếm được trên trận địa thêm phần hợp lý - Không một ai trong Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn III ở Biên Hòa, nơi Phòng hành quân Tổng Tham Mưu Sàigòn có ý niệm địch sẽ siết chặt Biên Hòa-Sài Gòn với hai gọng kềm (hướng Bắc và Đông) bằng cách cắt Quốc Lộ I ở Dầu Giây và Quốc Lộ 15 ở Long Thành qua thay đổi quan niệm chiến thuật theo tình hình thực tế nên bỏ qua Long Khánh nơi họ đã thực sự thất bại - và biến thất bại này thành một kế nghi binh.
Kế sách này càng thêm hữu hiệu khi mặt trận được tăng cường thêm hai đơn vị mới, Sư Đoàn 325, tổng trừ bị quân đội Miền Bắc, đơn vị chủ lực trong trận tấn công Nha Trang, Phan Rang ngày đầu tháng 3; và Trung Đoàn 95B biệt lập từ đồng bằng Sông Cửu Long kéo lên tăng cường. Tòa Đại Sứ Mỹ phấn khởi trước chiến thắng Long Khánh cố nài Quốc Hội Mỹ chuẩn chi $722 triệu quân viện khẩn cấp cho Việt Nam, nhưng trong phiên họp ngày 17 tháng 4, Ủy Ban Quân Sự Thượng Viện bác bỏ thẳng thừng như câu nói bất cận nhân tình của hai Nghị Sĩ Jacob Javits và Edmund Muskie trong show truyền hình đại chúng Face the Nations. “Cho tiền để lo việc di tản thì bao nhiêu cũng được chứ một xu cho ngân sách quân sự cho Thiệu cũng không có.” Hai con người này trong ngày 15 tháng Ba vừa qua cũng đã “cứu giúp” toàn bộ Dân Tộc Campuchia với giá tiền đúng $82.5 triệu đô-la Mỹ.  Đây là quan điểm thống nhất của Thượng lẫn Hạ Viện Mỹ lúc ấy do Đảng Dân Chủ nắm đa số mà không thiếu mặt hôm nay với Joe Biden, hai nhiệm kỳ Phó Tổng Thống thời Obama (2008-2016), cũng là ứng viên đảng Dân Chủ sáng giá nhất của trong cuộc bầu cử năm nay 2020.
Chiến trận lắng xuống, các đơn vị cộng sản dần rút đi, chỉ còn pháo kích cầm chừng vào các vị trí phòng thủ. Ngày 20 tháng 4, Tướng Toàn và Đại Tá Thọ, Trưởng Phòng Hành Quân Quân Đoàn III đích thân đến giao cho Tướng Đảo một lệnh mơ hồ như vô cùng kích động: Rời bỏ Xuân Lộc về bảo vệ mặt trận Sài Gòn- Hóa ra quân cộng sản đã hoàn tất kế sách bỏ trống Xuân Lộc từ một tuần trước. Thiếu Tướng Đảo phản đối, nhưng viên tướng tư lệnh khẳng định: Đó là lịnh của ông Thiệu!
Thiếu Tướng Lê Minh Đảo chỉ có đúng nửa ngày để hoàn tất một kế hoạch rút quân bao gồm lực lượng một sư đoàn cơ hữu cùng các đơn vị tăng phái và yểm trợ, chưa kể thành phần diện địa của Tiểu Khu Long Khánh. Hành quân rút lui là hình thái hành quân khó nhất - Bởi đã mang sẵn mầm thất bại - Những danh tướng của quân sử thế giới mấy ai thực hiện được kể cả Hốt Tất Liệt, Napoléon, Rommel. Nhưng như một phép mầu- một mầu nhiệm do trí tuệ và dũng lược kết hợp nên thành, cộng với lòng yêu quý chiến sĩ, đơn vị của một  tướng lãnh trên chiến địa, Thiếu Tướng Lê Minh Đảo đã hoàn tất cuộc lui binh về Bà Rịa, bảo toàn đơn vị, vũ khí, thậm chí đến hai khẩu pháo 175 ly hạng nặng cũng giao lại đủ cho quân đoàn.
Cũng một phần, lực lượng giữ phần hậu vệ đoàn di tản là Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù do Trung Tá Nguyễn Văn Đỉnh chỉ huy. Trung Tá Đỉnh là Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 6 Dù - Đơn vị đã giải tỏa An Lộc trong trận đánh ngày 8 tháng 6, 1972 mà đơn vị cộng sản đóng chốt ở Xa Cam, nam An Lộc chỉ còn đúng một người- Tù binh tên Nguyễn Văn Tiền. Cũng có một điều cần ghi thêm là Chuẩn Tướng Lê Quang Lưỡng, Tư Lệnh Sư Đoàn dù đã bất chấp lệnh của tổng tham mưu, vất bỏ mưu đồ “xé lẻ” đơn vị bách thắng này của ông Thiệu (do lo sợ một cuộc đảo chánh), nên đã gởi một đơn vị nhảy dù khác - Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù do TrungTá Nguyễn Lô, Lô “lọ rượu” đơn độc đưa quân đi ngược Tỉnh Lộ 2 (từ Bà Rịa (Phước Tuy) lên Long Khánh) đón đoàn quân di tản. Lô dẫn quân đi như ánh chớp, và Tiểu Đoàn 7 Dù là đơn vị cuối cùng chận giặc nơi Cầu Xa Lộ, cửa ngỏ chính của Sài Gòn ở hướng Bắc.
IV. Kết từ
Khi Dương Văn Minh ra lệnh đầu hàng, buông súng, Thiếu Tướng Lê Minh Đảo dừng quân trên xa lộ Biên Hòa, nhìn vào hướng Trường Bộ Binh Thủ Đức, Long Thành, Bà Rịa, và xa kia Xuân Lộc, Long Khánh, gần hơn Trung Liệt Đài của Nghĩa Trang Quân Đội, Long Bình. Ông thấy thấp thoáng bức Tượng Tiếc Thương tạc hình Người Lính Chờ Đợi in hình trong không gian mờ khói đạn. Người lính cuối cuộc chợt thoáng nhớ những lời thơ ngắn:
Vì anh là Lính áo rằn
Ra đi nào biết mấy trăng mới về.
Những câu thơ của em ông, Trung Tá Lê Hằng Minh Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 2 Thủy Quân Lục Chiến “Trâu Điên,” người lính đã ra đi từ ngày Hè năm 1966 nơi chiến trường Thị-Thiên, ở chân Cầu Câu Nhi Phường. Cầu thuộc Phường Câu Nhi, Phong Điền, Thừa Thiên là nơi đâu? Rất nhiều người lính đã ra đi, không trở về từ những vùng đất không mấy ai biết. Hôm ấy, sáng 30 Tháng Tư năm 1975, rất nhiều người lính không còn chốn trở về, trong số có Anh, Người Lính mất Quê Hương - Người Lính Sống- Chết một lần với Miền Nam. Với Việt Nam.
Viết tại Cali, 19 tháng 3, 2020
Phan Nhật Nam

13 comments:

  1. Bang Thai Tướng Đảo ngoài tài điều binh khiển tướng như chúng ta đã biết. Ông còn nhiều tài khác nữa. Năm 1973, trong một thời gian ngắn, SĐ 18BB có đặt Bộ Chỉ Huy Tiền Phương tại Căn Cứ Củ Chi của SĐ 25BB. Trong một buổi tiệc do Tướng Đảo thiết đãi Bộ Chỉ Huy của Ông và Bộ Chỉ Huy Hậu Cứ của SĐ 25BB, tôi (thuộc Phòng 3) có dịp chuyện trò trực tiếp với Ông. Ông rất thân thiện, đẹp "trai", hát hay, đánh đàn guitar rất điêu luyện và nhẩy đầm thật đẹp. Ông thật toàn vẹn. Buổi gặp gỡ tối hôm đó với Ông tôi sẽ không bao giờ quyên! Cầu mong Ông được yên nghỉ bình yên. Xin được chia buồn với gia đình, tất cả chiến hữu và thân hữu của Ông!

    ReplyDelete
  2. Ha Tien Dat Mình vẫn tin "Người lính già chưa bao giờ chết". Tướng quân vẫn cầu cho chúng ta. Khải hoàn trong vinh quang

    ReplyDelete
  3. ammy Nguyen Xin thành kinh chia buồn cùng gia quyến Thiếu Tuun.g ̀ng Le Minh Dao..Rat cam kich bai nhac viet ve MẸ cua ong va ĐẠi TÁ HUỀ đã cùng viet ra khi còn ổ trong trại tù CỘNG SÁN VIET NAM.

    ReplyDelete
  4. Ngoc Tran Thành Kính Nghiêng Mình Trước Vong Linh Một Vị Danh Tướng Can Trường, Dũng Cảm Và Tài Ba Lỗi Lạc Của Nước VNCH. Thành Kính Ngưỡng Phục Sự Lãnh Đạo Chỉ Huy Tài Tình Và Sáng Suốt Của Một Vị Niên Trưởng Lão Thành Của Quân Lực VNCH. Thành Kính Phân Ưu Cùng Tang Quyến Và Cầu Nguyện Cho Hương Hồn Thiếu Tướng Lê Minh Đảo Sớm Được Siêu Thoát.
    Chào Kính

    ReplyDelete
  5. Kieu Chinh Xin cau nguyen linh hon Thieu tuong Le Minh Dao dược an nghi ���������� Xin chia buon cung tang quyen.

    ReplyDelete
  6. Trai Việt Chúng ta đã mất đi một vị dũng tướng của mặt trận Long Khánh nói riêng và của QLVNCH nói chung.
    Xin kính cẩn chào vĩnh biệt và cầu nguyện cho linh hồn Thiếu Tướng Lê Minh Đảo được sớm hưởng an lạc nơi cõi phúc

    ReplyDelete
  7. Gia Đình SĐ18BB xin thông báo cùng toàn thể quý chiến hữu và thân hữu:

    Người Anh Cả của Gia Đình SĐ18 chúng tôi là Thiếu tướng Lê Minh Đảo, Cựu Tư Lệnh SĐ18BB/QLVNCH vừa giả từ gia đình bằng hữu và toàn thẻ ACE thuộc cấp vào lúc 1:45 pm ngày Thứ Năm, 19 tháng 3 năm 2020 tại bệnh viện Hartford, Connecticut..

    Với niềm kính trọng và thương tiếc Người Anh Cả "Hằng Minh", chúng tôi xin nghiêm chào kính "Hằng Minh" lần cuối.

    Xin cầu nguyện cho
    Linh Hồn Louis Lê Minh Đảo sớm được hưởng nhan Thánh Chúa.

    Thành Kính Phâu Ưu và Vĩnh Biệt "Hằng Minh"

    Phúc Đặng
    Gia Trưởng Gia Đình SĐ18BB.

    Mọi liên lạc, phân ưu, chia buồn, xin gửi về địa chị e-mail: phanuuleminhdao@gmail.com

    ReplyDelete
  8. Hồng Tiễn
    Chúng ta đã mất đi một vị dũng tướng của mặt trận Long Khánh nói riêng và của QLVNCH nói chung.
    Xin kính cẩn chào vĩnh biệt và cầu nguyện cho linh hồn Thiếu Tướng Lê Minh Đảo được sớm hưởng an lạc nơi cõi phúc

    ReplyDelete
  9. Anhthu Phamthong
    Xin nghiêng mình chào vỉnh biệt Anh Tư kính yêu
    Thành thật chia buồn với đại gia đình Bích Phượng, toàn thể các Anh Chị Sư Đoàn 18 BB Cùng tất cả quân dân Việt Nam Cọng Hoà
    Nguyện Cầu hương linh Anh Tư an lành nơi nước Chúa

    ReplyDelete
  10. The JIMMY ᴤʜᴏᴡ
    Thiếu Tướng Lê Minh Đảo, cựu tư lệnh Sư Đoàn 18 Bộ Binh QLVNCH, vừa qua đời tại bệnh viện Hartford, Connecticut, lúc 1 giờ 45 phút chiều (giờ địa phương) hôm Thứ Năm, 19 Tháng Ba, hưởng thọ 87 tuổi.

    Tin này được cô Lê Bích Phượng, ái nữ của thiếu tướng, xác nhận với nhật báo Người Việt.

    Cô cho biết, vị thiếu tướng ra đi bình yên trong lúc có gia đình con cháu nội ngoại tề tựu xung quanh.

    Thiếu tướng Lê Minh Đảo bên cạnh là một quân nhân thì còn là một nhạc công guitar, thường chơi cho những tụ điểm ca nhạc, phòng trà ở Sài Gòn vào đầu thập niên 1950, nhằm kiếm thêm thu nhập phụ giúp cha mẹ, lo học phí cho bản thân và các em, thậm chí còn sáng tác vài nhạc phẩm được khá đông người biết đến. Ông là thành viên của ban nhạc Lê Thương với vai trò nhạc công banjo. Một thành viên khác của ban Lê Thương là nhạc công guitar Nguyễn Văn Minh, về sau trở thành Trung tướng Nguyễn Văn Minh (biệt danh Minh đờn), Tư lệnh Biệt khu Thủ đô.

    Trong thời gian ông đi tù cải tạo ông đã sáng tác bài "Nhớ Mẹ". Bài này đã được một số ca sĩ ở trung tâm Asia và SBTN thâu âm

    ReplyDelete
  11. Thành kính phân ưu cùng tang quyến
    Nguyện cầu linh hồn Thiếu Tướng:
    LOUIS LÊ MINH ĐẢO
    Được hưởng hạnh phúc đời đời bên dung nhan Thiên Chúa������⚔️
    Gia đình Cố Chuẩn Tướng Nguyển Văn Phước.

    ReplyDelete
  12. Vận Nước đổi thay.
    Lý ra Thiếu Tướng phải được An táng ở Nghỉa Trang Quân Đội Biên Hoà , ở khu vực Tướng lảnh với Ba con và 16.000 Tử sỉ.
    Với lể nghi Quân cách trọng thể cho Vị Tướng Lảnh hết cuộc đời vì Tổ Quốc
    Kính chúc Thiếu Tướng
    AN GIẤC NGÀN THU.
    ⚔️⚔️⚔️🙏🙏🙏

    ReplyDelete
  13. Kính chào tiễn biệt người đàn anh kính mến
    Kính chia buồn với gia đình, xin góp lời cầu nguyện hương hồn Th/T Lê Minh Đảo(Hằng Minh)an nghỉ cõi vĩnh hằng

    Trần Cẩm Tưòng
    (TD 1/48)

    ReplyDelete