Sunday, October 24, 2021

Chuẩn Tướng Phan Đình Soạn Tử Nạn Trực Thăng ngày 25 tháng 2 năm 1972

Tướng Phan Đình Soạn Bị Tử Nạn Trực Thăng

Saigon VIETNAM PRESS in English Morning Edition 28 Feb 72

[Bản dịch] Saigon, Feb 26 (VP)— Phát ngôn nhân QLVNCH Trung Tá Lê Trung Hiền chiều thứ bảy nói Chuẩn Tướng Phan Đình Soạn, tư lệnh phó Vùng I Chiến Thuật bị tử nạn trong một tai nạn trực thăng ngoài khơi biển Đà Nẵng, khoảng 20 cây số cách bờ.

Trong buổi tường trình thông thường tại Trung Tâm Báo Chí Quốc Gia, Trung Tá Hiền cho biết là chiếc trực thăng thuộc Không Lực Hoa Kỳ chở Chuẩn Tướng Soạn, Đại Tá Ngô Hán Đồng, tư lệnh pháo binh Vùng I Chiến Thuật và một tùy viên của Tướng Soạn, va chạm vào cột ăng ten của chiến hạm Chuẩn Tướng vừa mới viếng thăm và đã rớt xuống biển.

Trong khi đó, một phát ngôn viên Hoa Kỳ nói công cuộc tìm kiếm thi thể các nạn nhân được thực hiện tức khắc sau khi tai nạn xảy ra nhưng tới giờ chỉ tìm được có thi thể của ba nhân viên phi hành đoàn Mỹ.

Như vậy, một nhân viên phi hành đoàn Mỹ khác, Chuẩn Tướng Soạn, tùy viên của ông và Đại Tá Đồng vẫn được báo cáo là mất tích.(*)

Chuẩn Tướng Soạn, cựu tư lệnh lực lượng pháo binh, vừa thay thế Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu trong chức vụ tư lệnh phó Vùng I Chiến Thuật ngày 21 tháng 2 vừa qua.

Gốc Huế, Chuẩn Tướng Soạn, 43 tuổi, tốt nghiệp pháo binh Khóa 1 Thủ Đức và đã thụ huấn nhiều khóa học đào tạo ngành tham mưu.

[tài liệu lưu trữ tại Vietnam Center Archive – Douglas Pike Collection – Unit 08. Tôi tra lục thấy tài liệu này ngày 07 tháng 4 năm 2006]


(*) Ngày 1/8/2005 bà Đại Tá Ngô Hán Đồng, Chỉ Huy Trưởng Pháo Binh Quân Đoàn I, tử nạn cùng với Chuẩn Tướng Phan Đình Soạn ngày 25/2/1972, yêu cầu tôi đính chính lại là chiếc trực thăng không nổ tung trên trời, mà đã rớt trong đất liền sau khi trực thăng bị hư hại nặng vì đụng phải giây ăng ten khi cất cánh rời khỏi boong tàu chiến hạm Mỹ. Gia đình đã tìm được thi hài của cố Thiếu Tướng Soạn và cố Chuẩn Tướng Đồng.

2. Vớt Xác của Chuẩn Tướng Phan Đình Soạn và Đại tá Ngô Hán Đồng Tại Vůng I

Vào tháng 2, sóng gió vẫn còn trong mùa biển động tại Đà Nẵng, trong một chuyến công tác hợp báo với Đệ Thất Hạm Đội . Chuẩn Tướng Soạn (CHT Pháo Binh) và Đại Tá Đồng đă cùng những người tùy tùng báo chí đã bị tử nạn khi chiếc trực thăng chở họ do 1 Thiếu Tá Phi Công Mỹ , cánh quạt đập vào Đài Chỉ Huy và rớt ngay trên biển. Sau 27 ngày tìm kiếm của Giang đoàn Trục Vớt Mỹ, nhưng không tìm được . Tư Lệnh HQ/V1ZH lúc đó là HQ Đại Tá Hồ Văn Kỳ Thoại đă gọi toán tôi trình diện và ra chỉ thị cho tôi bằng mọi cách để tìm kiếm chiếc trực thăng mà trong đó còn 3 người mất tích . Nảy ra một ý kiến trong đầu tôi liền xin TL cho một đặc ân là nếu chúng tôi có thể tìm được thì xin cho những ghe đánh cá (hợp tác với chúng tôi trong công tác tìm kiếm) được đánh cá 3 ngày trong vùng cấm để trả ơn cho họ . Thế rồi tôi tìm được 3 chiếc giả cào và ra đến mục tiêu nghi ngờ chiếc trực thăng lâm nạn . Sau nữa ngày tìm kiếm, lưới ca 3 chiếc ghe chạm phải mục tiêu ngầm ở dưới đáy biển, chúng tôi đă lặn thám.

Đây rồi chúng tôi đă tìm ra cánh cửa mang số I (Quân Đoàn I) và nghĩ rằng thân của trực thăng không xa vị trí đó. Sau đó chúng tôi đă tìm thấy, BTL đã thông báo cho chiếc tàu trục vớt Mỹ, với trang bị dụng cụ tối tân, hy vọng họ sẽ vớt một cách dễ dàng, thực sự người Mỹ họ muốn đảm nhiệm công tác đó vì thiếu tá phi công Mỹ bị kẹt lại trong trực thăng.

Sau 4 ngày họ lại đánh mất vị trí, vì thời tiêt lúc đó sóng gió nhiều và biển động. Một lần nữa TLHQ lại cho toán tôi trình diện, nhưng lần nầy tôi xin được đích thân trục vớt chiếc trực thăng lên.

Hai hôm sau , kể ra tròn 34 ngày chìm sâu dưới lòng đại dương, toán của tôi phối hợp với một số anh em thuộc sở phòng vệ duyên hải, đồng thời được Tr/uý Trần Cao Sạ từ LĐNN ra, chúng tôi đă xin quân vận cho chúng tôi một cần trục 20 tấn, và sau đó trong 2 ngày công tác, tìm thấy và vớt chiếc trực thăng về ngay trước BTL/HQ/VIZH, lúc bấy giờ Báo chí đăng những nguồn tin sai lạc nhưng tôi không muốn đính chính. Công tác này tôi đă được tưởng thưởng cấp sư đoàn và không vụ bội tinh danh dự.

Trung Úy Trịnh Xuân Tín
Liên Đoàn Người Nhái
Tháng 5 năm 2007

Phu Nhân Nguyễn Khoa Diệu Khuê 

4 người con (2 trai, 2 gái): Phan Thị Diệu Minh, Phan Đình Nguyên, Phan Đình Trung, Phan Đình Diệu Ánh.

 

Thiếu Tướng Phan Đình Soạn (1929 - 1972) nguyên là một tướng lĩnh Pháo binh của Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Ông xuất thân từ khóa đầu tiên ở trường Sĩ quan Trừ bị do Chính phủ Quốc gia Việt Nam với sự hỗ trợ của Quân đội Pháp mở ra ở miền Nam, nhằm mục đích đào tạo sĩ quan người Việt phục vụ cho Quân đội Liên hiệp Pháp. Ra trường ông gia nhập Pháo binh và đã phục vụ ở Binh chủng này một thời gian dài. Năm 1972 khi đang mang cấp bậc Chuẩn tướng Tư lệnh phó Quân đoàn I, ông bị tử nạn trực thăng trong khi đang thi hành công vụ, được truy thăng cấp bậc Thiếu tướng.

Tiểu sử & Binh nghiệp

Ông sinh ngày 16 tháng 11 năm 1929 trong một gia đình "Danh gia vọng tộc" khá giả tại Phú Lương, Quảng Điền, Thừa Thiên, miền Trung Việt Nam. Năm 1950 ông tốt nghiệp Trung học chương trình Pháp tại trường Quốc học Lycée Khải Định, Huế với văn bằng Tú tài bán phần (Part I).

Quân đội Liên hiệp Pháp

Cuối tháng 9 năm 1951, thi hành lệnh động viên, ông nhập ngũ vào Quân đội Liên hiệp Pháp, mang số quân: 49/201.586. Theo học khóa 1 Lê Văn Duyệt tại trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức, khai giảng ngày 1 tháng 10 năm 1951. Ngày 1 tháng 6 năm 1952 mãn khóa tốt nghiệp với cấp bậc Thiếu úy. Ra trường, ông được chọn vào Binh chủng Pháo binh.

Quân đội Quốc gia Việt Nam

Thời điểm ông ra trường, Quân đội Quốc gia tách khỏi Quân đội Liên hiệp Pháp để thành lập Bộ Tổng tham mưu đầu tiên. Ông chuyển sang phục vụ cơ cấu mới này và được cử đi học khóa căn bản Pháo binh tại Thủ Dầu Một. Mãn khóa về Pháo đoàn 5 với chức vụ Trung đội trưởng. Ngày 1 tháng 11 năm 1953 ông được thăng cấp Trung úy tại nhiệm. Sau đó được cử giữ chức vụ Pháo đội trưởng.

Quân đội Việt Nam Cộng hòa

Cuối tháng 10 năm 1955, từ Quân đội Quốc gia chuyển sang Quân đội Việt Nam Cộng hòa, ông được thăng cấp Đại úy và được chỉ định giữ chức vụ Pháo đoàn trưởng Pháo đoàn 5.

Trung tuần tháng 6 năm 1956, ông được cử đi du học khóa Pháo binh cao cấp tại Hoa Kỳ. Tháng 10 hồi hương và được đặt thuộc quyền sử dụng của Bộ chỉ huy Pháo binh. Đến đầu tháng 9 năm 1957, ông được thuyên chuyển đến Tiểu đoàn 2 Pháo binh thuộc Sư đoàn 2 Dã chiến.[1]

Trung tuần tháng 1 năm 1959, ông tiếp tục được cử đi du học Pháo binh tại Hawaii (Hạ Uy Di), Tiểu bang Hải ngoại của Hoa Kỳ. Sau 2 tuần, ngày 1 tháng 2 mãn khóa về nước, được thuyên chuyển đến Bộ chỉ huy Pháo binh Sư đoàn 2 Bộ binh. Ba tuần sau, ngày 21 tháng 2, ông được cử giữ chức vụ Chỉ huy trưởng Pháo binh Sư đoàn 2. Ngày lễ Quốc khánh 26 tháng 10 cùng năm, ông được thăng cấp Thiếu tá, thuyên chuyển về Bộ tư lệnh Quân đoàn IĐà Nẵng giữ chức vụ Chỉ huy trưởng Pháo binh Quân đoàn, sau đó chuyển đến Pháo đội Công vụ nơi đặt Bộ chỉ huy Pháo binh Quân đoàn.

Tháng 7 năm 1963, ông được bổ nhiệm vào chức vụ Chỉ huy trưởng trường Pháo binh. Sau cuộc đảo chính Tổng thống Ngô Đình Diệm (ngày 1 tháng 11), ngày 5 tháng 11, ông được thăng cấp Trung tá tại nhiệm. Đầu năm 1965, ông được cử đi du học lớp Tham mưu cao cấp (khóa 1965 - 1) thụ huấn 16 tuần tại Đại học Chỉ huy và Tham mưu Fort Leavenworth, Kansas, Hoa Kỳ.[2]

Trung tuần tháng 7 năm 1965, sau khi về nước, ông được chuyển đến trường Đại học Quân sự[3] giữ chức Trưởng khối Sưu tầm. Tháng 2 năm 1966, thuyên chuyển về Bộ chỉ huy Pháo binh Trung ương. Sau đó, ông được cử giữ chức vụ Quyền Chỉ huy phó Bộ chỉ huy Pháo binh kiêm quyền Chỉ huy trưởng Trường Pháo binh. Tháng 10 cùng năm, chuyển sang ngạch sĩ quan hiện dịch, ông chính thức nhận chức vụ Chỉ huy trưởng trường Pháo binh.

Tháng 2 năm 1968, ông được thăng cấp Đại tá tại nhiệm. Ba tháng sau, ông nhận lệnh bàn giao chức vụ Chỉ huy trưởng trường Pháo binh để theo học khóa 1 Cao đẳng Quốc phòng. Tháng 10 cùng năm, ông được bổ nhiệm chức vụ Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Pháo binh Trung ương. Thượng tuần tháng 7 năm 1969, ông theo học khóa 7 Thiết kế và Quản trị Chương trình tại trường Quân y. Đầu tháng 7 năm 1970, ông được thăng cấp Chuẩn tướng tại nhiệm. Đầu năm 1972, ông thuyên chuyển trở lại Quân khu 1. Sau đó, được cử giữ chức vụ Tư lệnh phó Quân đoàn I và Quân khu 1.

Ngày 25 tháng 2 năm 1972 ông được cử làm Trưởng đoàn hướng dẫn phái đoàn thuộc Quân đoàn I, từ Thị xã Đà Nẵng di chuyển bằng trực thăng ra thăm tàu Hải quân Hoa Kỳ neo tại vịnh Đà Nẵng. Trên đường trở về cùng ngày, phi cơ trục trặc kỹ thuật bị rớt chìm cách chân núi Hòn Hàn 2 cây số. Ông bị tử nạn, hưởng dương 43 tuổi. Mãi đến mười ngày sau mới tìm thấy thi thể của ông và những người trong đoàn.[4]

Ông được truy thăng cấp bậc Thiếu tướng và truy tặng Đệ tứ đẳng Bảo quốc Huân chương kèm theo Anh dũng bội tinh với nhành Dương liễu.

Tang lễ được tổ chức theo lễ nghi Quân cách dành cho tướng lĩnh. An táng tại Nghĩa trang Quân đội Quốc gia Biên Hòa.

Năm 1978, gia đình cải táng và đưa hài cốt của ông về một ngôi chùa ở Sài Gòn.

Huy chương

- Bảo quốc Huân chương đệ Tứ đẳng (truy tặng)
- Anh dũng Bội tinh với nhành Dương liễu (truy tặng)
- Nhiều huy chương quân sự, dân sự và Đồng minh

Gia đình

  • Thân phụ: Cụ Phan Đình Quýnh
  • Thân mẫu: Cụ Nguyễn Khoa Diệu Khuê
  • Nhạc phụ: Cụ Nguyễn Khoa Luyện
  • Nhạc mẫu: Cụ Châu Thị Di
  • Phu nhân: Bà Nguyễn Khoa Diệu Anh (1935-1980)[5]
Ông bà có bốn người co (2 trai, 2 gái):
Phan Thị Diệu Minh, Phan Đình Nguyên, Phan Đình Trung, Phan Đình Diệu Ánh.

Chú thích

  1. ^ Ngày 12 tháng 2 năm 1958, Sư đoàn 2 Dã chiến được trang bị lại và cải danh thành Sư đoàn 2 Bộ binh.
  2. ^ Được cử đi tu nghiệp lớp Chỉ huy và Tham mưu cùng với Trung tá Phan Đình Soạn còn có Trung tá Lê Ngọc Triển, Thiếu tá Lê Văn Thân
    - Thiếu tá Nguyễn Văn Bạch (Sinh năm 1931 tại Long An, tốt nghiệp khóa 4 Võ bị Đà Lạt, sau cùng là Đại tá Cục phó Cục Công binh).
    - Trung tá Trần Văn Cường (Sinh năm 1930 tại Hà Đông, tốt nghiệp khóa 3 Võ bị Đà Lạt, sau cùng là Đại tá Tham mưu phó Bộ chỉ huy Biệt động quân Trung ương).
    - Trung tá Nguyễn Hiền Điểm (Sinh năm 1925 tại Kiên Giang, tốt nghiệp khóa 1 Sĩ quan Thủ Đức, sau cùng là Đại tá Tùy viên quân sự Sứ quán Việt Nam Cộng hòa tại Hoa Kỳ (1973-1975).
    - Thiếu tá Huỳnh Ngọc Diệp (Sinh năm 1930 tại Gia Định, tốt nghiệp khóa 1 Sĩ quan Thủ Đức, sau cùng là Đại tá Phụ tá Tổng trưởng Nội vụ).
    - Thiếu tá Nguyễn Hợp Đoàn (Sinh năm 1930 tại Hải Dương, tốt nghiệp khóa 4 Võ bị Đà Lạt, sau cùng là Đại tá Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Tuyên Đức kiêm Thị trưởng Đà Lạt (1973-1975).
    - Trung tá Đào Ngọc Thọ (Sinh năm 1929 tại Vĩnh Long, tốt nghiệp khóa 1 Sĩ quan Thủ Đức, sau cùng là Đại tá Chỉ huy trưởng Tổng cục Tiếp vận (1966-1967). Năm 1969 giải ngũ, sau đó đắc cử Dân biểu Quốc hội Hạ viện (1971-1975).
  3. ^ Tiền thân là Trung tâm Chiến thuật Hà Nội. Năm 1960, di chuyển lên Đà Lạt đổi thành trường Chỉ huy Tham mưu.
  4. ^ Trong Phi hành đoàn tử nạn còn có:
    - Đại tá Ngô Hán Đồng
    - Thiếu úy Nguyễn Đình Thư (Sĩ quan tùy viên của tướng Phan Đình Soạn, được truy thăng Trung úy)
  5. ^ Ngày 13 tháng 7 năm 1980, bà Diệu Anh cùng 4 người con vượt biển tìm tự do. Xuất bến từ Long Hải, Phước Tuy, khi ra khỏi bờ biển được 3 giờ thì ghe bị chìm. Bà và 2 người con gái tử nạn, 2 người con trai may mắn được ghe đánh cá cứu sống.

Tham khảo

  • Trần Ngọc Thống, Hồ Đắc Huân, Lê Đình Thụy (2011). Lược sử Quân lực Việt Nam Cộng hòa.