Tuesday, February 7, 2017

Chuẩn Tướng Nguyễn Văn Điềm (1930-1975) Hy Sinh Vì Công Vụ

(1930- 1975)
Số Quân 50/200.102
Sinh tháng 8 năm 1930 tại Thừa Thiên.

1953: Theo học khóa 4 Cương Quyết Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức.
1954: Tốt nghiệp cấp bậc Thiếu Úy.
1956: Ngày 1 tháng 6 thăng cấp Trung Úy
1963: tháng 8 thăng cấp Đại Úy. Trưởng Phòng 2 Sư Đoàn 1 Bộ Binh.
1968: Tháng 6, Thiếu Tá Trung Đoàn Phó Trung Đoàn 1 Sư Đoàn 1 Bộ Binh.
1969: Ngày 1-1 thăng Trung Tá Nhiệm Chức.
1970: Tháng 10 thăng Đại Tá Nhiệm Chức.
1971: Tháng 12 Tư Lệnh Phó Sư Đoàn 1 Bộ Binh.
1972: Ngày 19 tháng 9 Xử Lý Thường Vụ Sư Đoàn 1 Bộ Binh.
1973: Ngày 1-11, Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh.
1974: Vinh thăng Chuẫn Tướng Nhiệm Chức.
1975: 28 tháng 3 Kiêm Quân Trấn Trưởng Quân Trấn Đà Nẵng.
29 tháng 3: Trong chuyến trực thăng UH1 H bay từ Non Nước Đà Nẵng lúc hoàng hôn di tản về Quy Nhơn Bình Định vì chở nặng bay trong đêm sương mù nên trực thăng bay ven biễn. Bay đến địa phận huyện Bình Sơn Quảng Ngãi, trực thăng chao đảo cánh quạt chạm nước gây tại nạn. Trên trực thăng chở hơn 10 người, gồm Chuẩn Tướng Điềm cùng một số Sỉ Quan Tham Mưu Sư Đoàn 1 Bộ Binh. Trong số có 1 Thượng Sĩ Y Tá của Phi Đoàn cùng vợ và 3 con nhỏ đều mất tích. Một người duy nhất sống sót là Trung Tá Lê Ngọc Bình trưởng phi cơ và cũng là Phi Đoàn Trưởng Phi Đoàn 257 (tản thương). Khi mất tích Chuẩn Tướng Điềm 45 tuổi.
2011: Ngày 2 tháng 10 Gia đình Tướng Điềm đã tìm ra hài cốt tại địa điểm sát bờ biển Lá Ngải, thôn An Hải, xả Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Khi khai quật ngôi mộ hài cốt Tướng Điềm còn 1 thẻ bài và một lá bùa trong túi áo). Ngoài Tướng Điềm còn có các thi hài Đại Tá Võ Toàn ( còn thẻ bài và 1 nhẩn cưới). Một Thiếu Úy phi công với cấp bậc trên áo bay. Một thi hài phu nữ và một em bé.

        Tướng Điềm, Thế Trận Sư Đoàn 1bb Tuyến Tây Nam Huế
Tác giả : Vương Hồng Anh
* Tướng Nguyễn Văn Điềm và Sư đoàn 1 BB
Như VB đã trình bày trong loạt bài viết về chiến trường Trị-Thiên, từ mùa hè 1972 đến tháng 3/1975, Sư đoàn 1 Bộ binh dưới quyền 3 vị Tư lệnh kế tiếp nhau: thiếu tướng Phạm Văn Phú, chuẩn tướng Lê Văn Thân, chuẩn tướng Nguyễn Văn Điềm, đã giữ vững phòng tuyến Tây Nam Huế, vô hiệu hóa hoạt động của 324B CSBV và 3 Trung đoàn của B5 tăng cường. Riêng với chuẩn tướng Nguyễn Văn Điềm, vị Tư lệnh cuối cùng của Sư đoàn 1 Bộ binh (BB), đã sát cánh cùng quân sĩ của sư đoàn này từ khi cuộc chiến Hè 1972 bùng nổ đến những ngày cuối của tháng 3 qua các chức vụ: Tư lệnh phó rồi Tư lệnh Sư đoàn 1 BB. Chuẩn tướng Nguyễn Văn Điềm, xuất thân khóa 4 Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức (cùng khóa với trung tướng Ngô Quang Trưởng), đã phục vụ tại Sư đoàn 1 BB từ khi còn là một sĩ quan cấp úy, và đã trải qua các chức vụ chỉ huy từ cấp đại đội, tiểu đoàn, Trung đoàn rồi sư đoàn. Ông được thăng trung tá vào đầu năm 1969 khi đang giữ chức Trung đoàn phó Trung đoàn 1 BB, đến giữa năm 1969, ông được cử giữ chức Trung đoàn trưởng Trung đoàn nói trên và thăng đại tá vào tháng 10/1970. Từ đầu năm 1972 đến tháng 10/1973, ông là Tư lệnh phó Sư đoàn 1 BB, trong thời gian này, ông đã từng đảm nhiệm chức vụ Xử lý thường vụ Tư lệnh Sư đoàn 1BB trong tháng 9 và tháng 10/1972 thay tướng Phạm Văn Phú nghỉ dưỡng bệnh. Tháng 11/1973, ông trở thành Tư lệnh Sư đoàn 1 BB và được thăng chuẩn tướng vào đầu tháng 4/1974. Cuối tháng 3/1975, ông bị tử nạn trực thăng khi đang điều động quân sĩ Sư đoàn 1 BB triệt thoái khỏi Quân khu 1. Sau đây là bài tổng lược về thế trận của tướng Điềm và Sư đoàn 1 BB trong mùa Hè 1972. Phần này được biên soạn dựa theo chiến sử của Sư đoàn 1 BB, bài viết của trung tướng Ngô Quang Trưởng dành cho Trung tâm Quân sử Lục quân Hoa Kỳ và tài liệu riêng của VB.
* Tư lệnh phó Nguyễn Văn Điềm, thế trận Sư đoàn 1 BB tại Tây Nam Huế
Vào tháng 4/1972, trong khi lực lượng bộ chiến của Sư đoàn 3 Bộ binh, hai lữ đoàn Thủy quân Lục chiến, hai liên đoàn Biệt động quân, lữ đoàn 1 Thiết Kỵ, các đơn vị tăng phái đang nỗ lực ngăn chận 3 sư đoàn CSBV ở mặt trận Quảng Trị, tại chiến trường phía Tây và Tây Nam Thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên, 3 Trung đoàn 1, 3 và 54 BB đã liên tục giao tranh với ba Trung đoàn của sư đoàn 324 CSBV, được tăng cường 1 Trung đoàn của sư đoàn 304 CSBV. Tư lệnh Sư đoàn 1 BB lúc bấy giờ là thiếu tướng Phạm Văn Phú đã cùng với Tư lệnh phó Nguyễn Văn Điềm thay nhau đến các mặt trận để trực tiếp điều động quân sĩ. Khi trận chiến xảy ra, cụm tuyến phòng thủ của 3 Trung đoàn thuộc Sư đoàn 1 BB chạy dài từ căn cứ Evans (Hòa Mỹ) ở phía Bắc Thừa Thiên, nơi Trung đoàn 1 BB đặt bộ chỉ huy hành quân, chạy về hướng Tây Nam đến căn cứ hỏa lực Rakkasan, rồi vòng về hướng Đông Nam đi qua căn cứ hỏa lực Bastogne (Phú Xuân) và căn cứ Chekmate (cao điểm 342), bắt tay với căn cứ hỏa lực Birmingham (Bình Điền) nơi đặt bộ chỉ huy hành quân của Trung đoàn 54 Bộ binh, di chuyển từ căn cứ La Sơn lên. Cùng lúc đó, Trung đoàn 3 Bộ binh, bộ chỉ huy đặt tại căn cứ An Đô, là lực lượng trừ bị được phối trí phòng thủ theo chiều sâu của cụm phòng tuyến.
* Tư lệnh phó Nguyễn Văn Điềm và cuộc hành quân giải tỏa áp lực CSBV vào mùa Hè 1972
Trong tuần lễ đầu của tháng 4/1972, Cộng quân áp lực nặng căn cứ Bastogne (do tiểu đoàn 2/54 phòng ngự) và căn cứ Checkmate do tiểu đoàn 1/54 án ngữ. Từ tuần lễ thứ hai, việc tiếp tế bằng đường bộ cho hai căn cứ này đã bị địch chốt chận, chỉ còn nhờ vào các phi đội trực thăng, tiếp tế theo chu kỳ 5 ngày/1 lần. Ngày 11 tháng 4/1972, để giải tỏa áp lực của CQ, bộ Tư lệnh Sư đoàn 1 BB đã sử dụng Trung đoàn 1 BB làm lực lượng xung kích để mở cuộc phản công tiếp ứng Trung đoàn 54 BB. Do phải thường xuyên bay chỉ huy điều động cả 3 Trung đoàn trên toàn mặt trận, thiếu tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh Sư đoàn 1 BB, đã phân nhiệm cho Tư lệnh phó Nguyễn Văn Điềm trực tiếp đôn đốc cánh quân trung đoàn 1 BB mà trung đoàn trưởng lúc bấy giờ là trung tá Võ Toàn. Theo kế hoạch, Trung đoàn 1 BB nỗ lực giải tỏa áp lực của Cộng quân trên tỉnh lộ về hướng Tây. Trong khi khai triển lực lượng, Trung đoàn 1 BB đã đụng độ dữ dội với các đơn vị của Trung đoàn 24 CSBV. Trung đoàn CSBV này đã thiết lập cụm kháng cự liên hoàn với các chốt cố thủ kiên cố để chịu được các trận Không tập của B 52 và pháo tập của Pháo binh Sư đoàn 1 BB. Được sự yểm trợ mạnh mẽ của Không quân và Pháo binh, lực lượng Trung đoàn 1 BB cố tung các đợt tấn công để đánh bật địch, nhưng đã gặp sự kháng cự mạnh của Cộng quân. Từ vận động chiến, các đơn vị của Trung đoàn 1 BB chuyển đổi thế đánh. Từng trung đội cố tiến sát về các cụm chốt của địch, sử dụng cận chiến và lựu đạn để triệt hạ các ổ kháng cự. Tuy nhiên, những nỗ lực này đã bị hạn chế về kết quả do sự bố phòng dày dặc của địch và hỏa lực chống trả rất mạnh của đối phương. Trước cuộc diện của trận địa, bộ chỉ Trung đoàn 1 BB cho lệnh các đơn vị tiến chiếm một số cao điểm để bố trí quân, dàn trận, để từ đó khởi động các cuộc tấn công kế tiếp sau các đợt không yểm. Cùng với sự khống chế trục lộ 547, Cộng quân đã mở trận địa pháo hỏa công các vị trí bãi đáp cho trực thăng, đồng thời pháo dữ dội vào căn cứ Phú Xuân và cao điểm 342 khiến số thương vong của quân trú phòng gia tăng mỗi ngày, hoạt động tản thương đã bị trở ngại lớn, các chuyến tiếp tế bằng trực thăng và bằng vận tải cơ thả dù cũng ít khi thành công do hỏa lực phòng không của địch quanh các căn cứ. Hai tuần lễ cuối cùng của tháng 4/1972, tất cả 5 tiểu đoàn của Sư đoàn 1 BB phòng thủ trên cụm tuyến phía Tây dù đã bị tổn thất khá cao, nhưng các đơn vị này vẫn giữ vững tuyến phòng ngự. Hoạt động không trợ của Không quân Việt Mỹ đã được gia tăng để bảo vệ các tiền cứ khỏi bị Cộng quân tràn ngập bởi các cuộc tấn công cường tập.
* Cuộc tấn công tái chiếm các tiền cứ trọng điểm
Trước diễn biến của cuộc diện chiến trường, thiếu tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh Sư đoàn 1 BB đã cho tái phối trí lực lượng như sau: bộ Chỉ huy Hành quân của Trung đoàn 1 BB được lệnh di chuyển đến căn cứ Cát Hữu ở phía Đông Nam Hòa, nằm gần trục lộ từ quận này về Huế; bộ Chỉ huy chính Trung đoàn 54 BB được rời căn cứ Bình Điền về hậu cứ Trung đoàn để chuẩn bị tái chỉnh trang hai tiểu đoàn 1/54 và 2/54 bị tổn thất nặng trên đường triệt thoái; bộ Chỉ huy nhẹ của Trung đoàn này do Trung đoàn phó chỉ huy tiếp tục đóng tại Bình Điền để điều động hai tiểu đoàn 3/54 và 4/54, hợp lực cùng với 4 tiểu đoàn của Trung đoàn 1 BB giữ vững tuyến Tây Nam Huế. Chỉ huy tổng quát cụm tuyến Tây Nam Huế là tư lệnh phó Nguyễn Văn Điềm.
Ngay sau khi di chuyển toàn bộ Trung đoàn vào trận địa mới, bộ chỉ huy Trung đoàn 1 BB được lệnh chuẩn bị cuộc phản công tái chiếm căn cứ Bastogne và Checkmate, đồng thời xây dựng các cụm điểm án ngữ ngăn chận các đơn vị của sư đoàn 324 B CSBV đang cố xâm nhập vào quận Nam Hòa để tiến về đồng bằng Thừa Thiên.
Để có hỏa lực cơ hữu yểm trợ trực tiếp cho các đơn vị, Trung đoàn 1 BB đã cho thành lập các pháo đội súng cối 81 ly. Theo đó, các súng cối của các tiểu đoàn thường ít khi sử dụng đã được tập trung lại để thành lập các pháo đội do Đại đội Chỉ huy Công vụ Trung đoàn hoặc ố quân nhân hậu cứ phụ trách. Mỗi pháo đội có khoảng từ 8 đến 12 khẩu súng cối 81 ly được phối trí để có thể tác xạ tập trung cùng một lúc. Theo đề nghị của bộ chỉ huy Trung đoàn và của Tư lệnh phó Nguyễn Văn Điềm, bộ Tư lệnh Sư đoàn 1 Bộ binh đã ưu tiên cung cấp cho các pháo đội súng cối này mỗi ngày từ 2 đến 5 ngàn quả đạn. Các khẩu đội súng cối được đưa đến sát trận địa, tác xạ nhanh và chính xác, đã là nguồn hỏa lực mạnh, yểm trợ hữu hiệu cho các đơn vị của Trung đoàn trong các trận giao tranh với địch quân. Sau khi đã tổ chức cụm tuyến phòng thủ bảo vệ vững vàng vòng đai Huế ở hướng Tây Nam, giữa tháng 5/1972, dưới sự đôn đốc của tư lệnh phó Nguyễn Văn Điềm từ trên trực thăng chỉ huy, toàn bộ Trung đoàn 1 Bộ binh và thành phần tăng phái đã khởi động cuộc phản công tái chiếm các căn cứ ở phía Tây. Ngày 15/5/1975, một biệt đội cảm tử đã hành quân trực thăng vận nhảy xuống Bastogne, tái chiếm căn cứ này. Một tuần sau, bộ chỉ huy Trung đoàn 1 BB điều động 2 tiểu đoàn từ hai hướng tấn công tái chiếm căn cứ Checkmate. Cuộc tấn công được khai triển với ba yếu tố: bất ngờ, nhanh, hỏa lực tập trung. Chiều ngày 22/5/1972, một đại đội của Trung đoàn 1 BB đã tiến chiếm khu trung tâm của cao điểm 342. Các đại đội còn lại đã bung rộng để truy kích địch. Dù đã bị đánh bật ra khỏi hai căn cứ trọng điểm, nhưng áp lực của Cộng quân vẫn còn nặng. Để có thể chiến đấu lâu dài trên một địa thế bất lợi cho thế công, Trung đoàn 1 BB đã áp dụng ngay chiến thuật chốt của Cộng quân để chận địch. Mỗi chốt có khoảng 10 chiến binh, cứ ba chốt tạo thành một kiềng (cụm chốt), hỗ tương tác chiến, yểm trợ lẫn nhau. Về tiếp vận, các chốt được tiếp tế bằng đường bộ theo chu kỳ năm ngày một lần. Để đề phòng trường hợp bị bao vây, hoặc việc tiếp tế bị chậm trễ do thời tiết, các chốt đều có lương thực dự trữ đủ dùng trong một tuần. Chính với chiến thuật kiềng chốt, các tiểu đoàn của Trung đoàn 1 BB đã bảo vệ vững vàng vòng đai của các căn cứ trọng điểm tại phòng tuyến Tây Nam Huế.


Suốt nhiều năm tìm kiếm, gia đình của cố Chuẩn Tướng Nguyễn Văn Ðiềm và cố Ðại Tá Võ Toàn đã tìm thấy hài cốt của họ với các tấm thẻ bài đầy đủ họ tên và số quân.
Chuẩn Tướng Nguyễn Văn Ðiềm là tư lệnh Sư Ðoàn 1 Bộ Binh. Ðại Tá Võ Toàn là trung đoàn trưởng Trung Ðoàn 1 Sư Ðoàn 1 Bộ Binh. Cả hai sĩ quan này thiệt mạng trong một chuyến bay vào đêm 28 tháng 3, 1975 từ Ðà Nẵng dự trù về Qui Nhơn chuẩn bị phòng tuyến mới để cầm cự khi Ðà Nẵng thất thủ và Quảng Nam không còn an toàn.
Theo nguồn tin của gia đình Chuẩn Tướng Nguyễn Văn Ðiềm và Ðại Tá Võ Toàn, tìm ra địa điểm hài cốt của họ mới cách đây khoảng 3 tuần lễ tại một địa điểm sát bờ biển thuộc làng Lá Ngái, thôn An Hải, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Ðược sự giúp đỡ của người dân địa phương đã chôn cất những tử thi này, gia đình đã dễ dàng kiếm ra địa điểm. Trước đó, gia đình Chuẩn Tướng Ðiềm đã tổ chức rất nhiều lần tìm kiếm nhưng không thành công.
Khi khai quật lên, ngoài hài cốt của Chuẩn Tướng Nguyễn Văn Ðiềm (còn thẻ bài và một lá bùa trong túi áo- được gia đình xác nhận), Ðại Tá Võ Toàn (còn thẻ bài và một nhẫn cưới), còn có hài cốt một thiếu úy (có cấp bậc trên cổ áo), một phi công (mặc đồ bay), một phụ nữ và một em bé.
Ðiều này trùng hợp với ký ức của cựu Trung Tá Lê Ngọc Bình, người lái chiếc máy bay bị rớt, cho biết trong số người trên máy bay ngoài hai sĩ quan Sư Ðoàn 1 còn có nhiều người quá gian tránh pháo kích.
Trong cuộc nói chuyện với báo Người Việt trưa ngày 7 tháng 10, ông Lê Ngọc Bình nói rằng máy bay do ông lái bay trong sương mù dày đặc, chở nặng (khoảng 16 người gồm cả quân và một vài người là thân nhân không quân chạy nạn) không bay cao được và bay dọc theo bờ biển.
Tới một khu vực thuộc tỉnh Quảng Ngãi thì bị bắn và máy bay rơi xuống biển.
Ông Bình, nguyên phi đoàn trưởng phi đoàn trực thăng 275 của Sư Ðoàn 1 Không Quân VNCH, kể rằng buổi tối 28 tháng 3 năm 1975, phi trường Ðà Nẵng bị pháo kích dữ dội. Ông được lệnh dời phi đoàn sang một phi trường nhỏ ở Non Nước lâu nay không sử dụng, để tránh pháo kích và “đợi êm quay lại chứ không định đi đâu”. Ðược một ít lâu thì có mấy xe díp chạy tới, ngừng lại. Ông thấy có Chuẩn Tướng Ðiềm, Ðại Tá Toàn và một số sĩ quan cao cấp khác. Dịp này, Tướng Ðiềm liên lạc với tỉnh trưởng Bình Ðịnh thì được cho hay nơi đây vẫn còn an toàn nên ông muốn được vào đó để lập tuyến phòng thủ mới. Ông Bình trình bày rằng trời mưa và sương mù nặng nên bay rất khó khăn, nguy hiểm. Trong khi đang thảo luận thì “dân trong làng gần đó túa ra nói xe tăng Cộng Sản đang đi về hướng này”.
Vì vậy mọi người cùng lên máy bay và quyết định bay dọc biển về hướng Qui Nhơn ở phía Nam.
“Trên máy bay có một y tá, một phụ nữ với 4 đứa con nhỏ là những người quá giang tránh pháo kích ở Ðà Nẵng, tất cả ngồi đầy máy bay tới 16 người. Máy bay bay thấp vì nặng”. Ông Bình kể.
Máy bay bay ngang qua Chu Lai bị bắn, may không bể bình xăng, nên không mất cao độ. “Nhưng khi chưa tới Sa Huỳnh, Quảng Ngãi, thì bị bắn lên. Nghe tiếng súng nhỏ bắn rồi máy bay không còn điều khiển được và rớt xuống nước”.
Theo lời ông Bình kể “Ðụng nước, máy bay trực thăng lật ngửa. Tôi cố sức ra được, trồi lên mặt nước, mang giày nặng không bơi được nên lặn xuống cởi giày. Trồi lên lại thì thấy ông Ðiềm cũng nổi lên, còn mang áp giáp. Tôi la lớn kêu ông cởi áo giáp. Cũng thấy ông Toàn nổi lên.”
Lúc này, ông nói đã uống rất nhiều nước biển, rất mệt lại đêm tối không nhìn thấy gì, “sóng đánh rầm rầm, mạnh ai nấy đi”. Ông ráng bơi được vào bờ, rất mệt, bám được mô đá nhưng lại bị sóng đánh dạt ra ba lần mới bám được một chỗ, tay sứt móng máu chảy rất nhiều. Ông không thấy ai bơi vào như ông, lúc này ông đoán khoảng 11 tới 12 giờ đêm.
Ông Bình kể tiếp là ông đi dọc biển một hồi thì thấy một máy bay trực thăng trước mặt. Ông chạy tới, may nhờ một người trong nhóm người này là trung úy thuộc cấp cũng thuộc phi đoàn của ông nhìn ra ông nên đã không bị bắn.
Chiếc máy bay này đã đáp xuống vì sương mù dày đặc không bay nổi.
Khi họ đang bàn tính và chờ bớt sương mù thì bị một nhóm quân cộng sản tới tấn công. Nhóm của ông đã bắn trả, rút lên máy bay và bay đi kịp. Cố gắng lên được cao độ 2,000 feet, trời bớt sương mù và lúc này cũng đã khoảng 7 giờ sáng ngày hôm sau. Máy bay ra khỏi mây và bay về được tới phi trường Phù Cát.
“Tôi nghĩ là ông Chuẩn Tướng Ðiềm và những người kia đều đã chết đuối. Họ đã uống nhiều nước biển” nên mất sức, không thể chống chọi với sóng biển.
“Hai đêm qua tôi đã không ngủ được khi nghĩ đến chuyến bay hôm đó”. Ông Bình nói.
Quận Cam ngày 7 tháng 10 năm 2011
Huy Phương & Nam Phương
Người Việt






Quân-sử sư-đoàn 1 Bộ-Binh .
(Phạm Huấn; Trúc-Lâm Nguyễn-Việt Phúc-Lộc hiệu - Đính)
Sư đoàn 1 Bộ binh là một đơn vị thiện chiến của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, được thành lập năm 1959 và gác súng năm 1975. Đây là một đơn vị quân đội lớn, từng tham dự nhiều trận quan trọng trong Chiến tranh Việt Nam, lập được nhiều thành tích, và là sư đoàn bộ binh đầu tiên mà tất cả quân nhân được mang dây biểu chương ba màu của Bảo Quốc Huân Chương. Đặc biệt, Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 1 của sư đoàn là đơn vị duy nhất của Quân lực Việt Nam Cộng hòa nhận Presdential Unit Citation của Hoa Kỳ vì thành tích chiến đấu dũng cảm.
Năm 1959, Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa (QLVNCH) tái tổ chức các sư đoàn dã chiến 1, 2, 3, 4 và 6 sư đoàn khinh chiến 11, 12, 13, 14, 15, 16 thuộc quân đội Quốc gia Việt Nam thành 7 sư đoàn bộ binh, gồm Sư đoàn 1, Sư đoàn 2, Sư đoàn 5, Sư đoàn 7, Sư đoàn 21, Sư đoàn 22 và Sư đoàn 23 Bộ binh. Mỗi sư đoàn với quân số 10.500 quân nhân.
Sư đoàn 1 Bộ binh đặt bộ tư lệnh tại Huế, thuộc Quân đoàn I, Quân khu I, và gồm có các đơn vị trực thuộc: Bộ Tư lệnh Sư đoàn 1 Bộ binh, ba trung đoàn bộ binh tác chiến (Trung đoàn 1, 3, 51 và 54), Đại đội Hắc Báo Trinh sát/Viễn thám Sư đoàn 1 Bộ binh, Thiết đoàn 7/Lữ đoàn 1 Kỵ binh, ba tiểu đoàn pháo binh 105 mm, một tiểu đoàn pháo binh 155 mm và một số đơn vị yểm trợ: Đại đội 101 Quân cảnh, Tiểu đoàn Quân Y Sư đoàn 1 Bộ binh, Tiểu đoàn 1 Công binh, và các đơn vị truyền tin, vận tải, quân cụ, quân nhu.
Những ngày tháng cuối ...
Tháng 3 năm 1975, Sư đoàn 1 Bộ binh, Liên đoàn 15 Biệt động quân, các Tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến, cũng như Chi đội Thiết vận xa thuộc Lữ đoàn 1 Thiết Kỵ tăng phái chịu trách nhiệm bảo vệ hướng Tây và Nam tỉnh Thừa Thiên.
Tối ngày 23/03/1975, Chuẩn tướng Nguyễn Văn Điềm tư lịnh Sư đoàn 1 Bộ Binh họp BTL và và ban hành lịnh rút quân của Quân Đoàn I. Và lịnh rút quân được ban hành rất ngắn gọn. Theo kế hoạch, Sư đoàn 1 Bộ binh cùng các đơn vị phụ thuộc sẽ tập hợp tại cửa Tư Hiền, vượt đầm Cầu Hai, qua đèo Hải Vân rồi theo Quốc lộ 1 về Đà Nẵng. Binh sĩ được lịnh bỏ lại những đồ vật kềnh càng, mang theo 7 ngày lương thực và đạn dược đầy đủ để chiến đấu dọc đường.
Sau khi Chuẩn tướng Nguyễn Văn Điềm, Tư lệnh SĐ 1 BB, tại Bộ Tư lệnh Sư đoàn trong căn cứ Giạ Lê phổ biến lệnh rút quân khỏi Huế, thì một giờ sau đó, cảnh tượng hỗn loạn đã diễn ra tại Bộ Chỉ huy của các đơn vị trực thuộc.
Sáng ngày 24/03/1975, Chuẩn tướng Nguyễn Văn Điềm bay chỉ huy cuộc rút quân bằng trực thăng nhưng bị trúng đạn VC, một trực thăng khác của Sư đoàn Thủy quân Lục Chiến đã đáp xuống tiếp cứu ông và đưa về Đà Nẳng. Ông được ghi nhận mất tích kể từ ngày 29/03/1975.
Vị tư lịnh bị mất tích, hệ thống liên lạc giữa Quân đoàn và Sư đoàn hoàn toàn mất liên lạc và đưa tới sự thất bại cuộc rút quân của Sư đoàn 1 Bộ Binh.
Ngày 24 tháng 3 năm 1975, Sư đoàn 324B và Sư đoàn 325 BV, cùng Trung đoàn Trị Thiên biệt lập, đồng loạt tấn công dọc theo tuyến phòng thủ sông Bồ kéo dài đến Phú Lộc. Tại các trận tuyến Mõ Tàu, núi Bông và các cao điểm nơi có mặt Trung đoàn 1, 51, 54 thuộc Sư đoàn 1 Bộ binh, giao tranh xảy ra quyết liệt và gây thiệt hại nặng cho các đơn vị tấn công.
Con đường duy nhất dẫn về Phú Lộc, An Nông, Phú Bài... đã bị VC phục kích và nã súng xối xả vào đoàn quân triệt thoái và gây thiệt hại nặng nề cho quân đội VNCH. Và hai Trung đoàn của Sư đoàn 1 Bộ Binh đã tan hàng vào các ngày 24 và 25 tháng 3 năm 1975.
Các tiểu đoàn khác của các Trung đoàn 1, 3, 51 và 54 BB và các đơn vị thống thuộc như Thiết giáp, Pháo Binh, cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Khi về đến cửa Tư Hiền, Duyên đoàn 13 Hải quân chịu trách nhiệm đưa quân qua sông bị khó khăn và không làm tròn trọng trách đó. Binh sĩ Sư đoàn 1 Bộ Binh một số được tàu Hải Quân chở, một số khác mở đường máu ven theo Quốc lộ 1 hoặc ven theo biển, phần lớn đã hy sinh trên đường rút quân. Và chỉ có khoảng 4.000 quân nhân về được đến Đà Nẵng.
Các vị tư lệnh sư đoàn:
Đại tá Lê Văn Nghiêm 15/01/1955 - 15/12/1955
Đại tá Nguyễn Khánh 15/12/1955 - 14/08/1957
Đại tá Tôn Thất Đính 14/08/1957 - 09/08/1958
Đại tá Nguyễn Văn Chuân 09/08/1958 - 30/07/1959
Đại tá Tôn Thất Xứng 30/07/1959 - 02/12/1960
Đại tá Nguyễn Đức Thắng 02/12/1960 - 01/10/1961
Đại tá Nguyễn Văn Thiệu 01/10/1961 - 08.12/1962
Đại tá Đỗ Cao Trí 08/12/1962 - 22/11/1963
Đại tá Nguyễn Văn Hiếu 22/11/1963 - 12/12/1963
Đại tá Trần Thanh Phong 12/12/1963 - 19/02/1964
Đại tá Nguyễn Chánh Thi 19/02/1964 - 21/10/1964
Đại tá Nguyễn Văn Chuân 21/10/1964 - 14/03/1966
Chuẩn tướng Phan Xuân Nhuận 14/03/1966 - 18/16/1966
Thiếu tướng Ngô Quang Trưởng 18/16/1966 - 23/08/1970
Thiếu tướng Phạm Văn Phú 23/08/1970 - 12/11/1972
Chuẩn tướng Lê Văn Thân 12/11/1972 - 31/10/1973
Chuẩn tướng Nguyễn Văn Điềm 31/10/1973 - 29/03/1975
Các trận đánh tiêu biểu
Chiến dịch Pegasus (1968)
Trận Mậu Thân (1968)
Trận Lam Sơn 719 (1971)
Trận Mùa Hè Đỏ Lửa - phòng tuyến Tây Nam Huế (1972) .
( ST )


Sống chết bên nhau

Trở về nhà sau 36 năm

Huy Phương
“Hài cốt người phi công tìm thấy là Trung Úy Nguyễn Văn Tạng và người phụ nữ cùng em bé là vợ con của y tá phi hành Nguyễn Chược (thuộc Phi Ðoàn 257 Trực Thăng)?”
Theo lời kể của ông Nguyễn Minh Ðệ, 55 tuổi, trưởng nam của Chuẩn Tướng Nguyễn Văn Ðiềm, những năm trước đây, với nguồn tin máy bay trực thăng do Trung Tá Lê Ngọc Bình lái bị bắn rớt tại Sa Huỳnh vào ngày 28 tháng 3, 1975 sau khi Ðà Nẵng bị thất thủ, gia đình Chuẩn Tướng Nguyễn Văn Ðiềm đã đến vùng này để tìm kiếm nhưng không có kết quả. Thật ra địa điểm máy bay rơi là Sa Kỳ thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Năm ngoái, có một thân nhân ở Ðà Lạt cho biết ở Sa Kỳ năm 1975 người ta có chôn một ông tướng VNCH tên Ðiềm và chỗ này dân chúng tin tưởng rất linh thiêng, hay đến cầu xin và nhang khói, tuy vậy gia đình đã mất lòng tin vì đã cất công tìm kiếm nhiều lần.
Nhân có người em của Chuẩn Tướng Ðiềm ở Mỹ mới về thăm nhà và ông này đã thúc giục gia đình nên đi Sa Kỳ một lần để rõ thực hư. Khi đến nơi hỏi thì dân làng ai cũng biết ngôi mộ này, nằm trong một xóm nhỏ có tên là Lá Ngái.
Theo lời kể của dân làng thì đầu tháng 4 năm đó có rất nhiều xác người tấp vào bờ và dân làng đã chôn họ rải rác ven bờ biển, qua các trận bão lụt, bây giờ đã không còn dấu tích gì. Rất may mắn, sáu thi thể trong đó có Chuẩn Tướng Ðiềm, Ðại Tá Võ Toàn nằm gần một hố bom, cao hơn mặt biển được dân làng mai táng vào đó, nên không hề bị ảnh hưởng bởi sóng gió. Vì sự linh thiêng của người chết mà dân trong vùng tin tưởng, nên khi gia đình đến nơi, người trong thôn đã chỉ nơi chính xác của ngôi mộ. 
Khi công nhân khai quật nấm mộ đã bắt gặp hai đôi giầy trận đã mục nát. Một hài cốt nhỏ nhắn được gia đình nghi là của Chuẩn Tướng Ðiềm, còn thẻ bài mang rõ họ tên, và trong túi áo còn có một mảnh bùa. Cạnh bên là hài cốt của Ðại Tá Võ Toàn, có thẻ bài và một chiếc nhẫn vàng trên lóng xương tay. Theo xác nhận của bà quả phụ Võ Toàn, hiện đang sống tại Việt Nam nói chuyện với chúng tôi qua điện thoại, đây là chiếc nhẫn đính hôn từ năm 1964, sau này tay của ông mập ra nên không thể nào cởi nhẫn ra được, do đó mà chiếc nhẫn nhẫn mới còn.
Trong ngôi mộ này người ta còn tìm thấy hài cốt của một em bé, một phụ nữ, một thiếu úy (xác nhận nhờ cấp bậc trên cổ áo), một phi công (nhận ra nhờ bộ đồ bay). Hai quân nhân này không có giầy, và hài cốt của người phi công lớn hơn bình thường. Qua cuộc điện đàm với chúng tôi sau khi có tin nấm mộ được khai quật, cựu trung tá phi công Lê Ngọc Bình, hiện cư ngụ tại La Fayette, Louisana, cho rằng đây có thể là hài cốt của cố Trung Úy Nguyễn Văn Tạng, co-pilot của ông trong chuyến bay định mệnh này, và người đàn bà và đứa trẻ là gia đình của “y tá phi hành” Nguyễn Chược trong Phi Ðoàn 257 Trực Thăng có nhiệm vụ “tản thương-tìm cứu” mà ông Lê Ngọc Bình là phi đoàn trưởng. Ông Nguyễn Chược đã gửi theo chuyến bay này người vợ và 4 đứa con nhỏ. Về những người khác đi trên chuyến bay ông không biết rõ. Sống chết bên nhau
Trong thời gian có cuộc hành quân Lam Sơn 719 đánh sang Hạ Lào, lúc Ðại Tá Ðiềm (Khóa 4 Thủ Ðức), chỉ huy Trung Ðoàn I BB thì Trung Tá Võ Toàn (khóa 17 VBQG Ðà Lạt) là tiểu đoàn trưởng TÐ 3/1. Năm 1973 lúc Chuẩn Tướng Ðiềm được giao trọng trách tư lệnh SÐ 1 thì Ðại Tá Võ Toàn là trung đoàn trưởng Trung Ðoàn IBB. Tháng 3 năm 1975, Sư Ðoàn 1 Bộ Binh cùng Liên Ðoàn 15 Biệt Ðộng Quân, chịu trách nhiệm bảo vệ hướng Tây và Nam tỉnh Thừa Thiên. Trong lúc hành quân, sư đoàn được lệnh rút về cửa Tư Hiền để thực hiện lệnh tái phối trí Quân Ðoàn I. Theo kế hoạch rút quân, Sư Ðoàn 1 Bộ Binh cùng các đơn vị phụ thuộc sẽ tập hợp tại cửa Tư Hiền, vượt đầm Cầu Hai, qua đèo Hải Vân rồi theo quốc lộ 1 về Ðà Nẵng. Trước sự tấn công của cộng sản và Duyên Ðoàn 13 Hải Quân chịu trách nhiệm đưa quân qua sông bị khó khăn, không làm tròn trọng trách, nên cuối cùng Sư Ðoàn 1 Bộ Binh tan rã tại đây, và chỉ khoảng vài nghìn quân nhân về được đến Ðà Nẵng.
Chuẩn Tướng Nguyễn Văn Ðiềm được Trung Tướng Ngô Quang Trưởng chỉ định làm Quân Trấn Trưởng Ðà Nẵng để tái lập an ninh, và Ðại Tá Võ Toàn tuy là phụ tá Quân Trấn Trưởng nhưng gần như ông đôn đốc mọi công chuyện. Ðịnh mệnh đã sắp xếp để cuối cùng hai chiến hữu của SÐ1BB, đã từng chiến đấu bên nhau cùng lên một máy bay trực thăng HU1H do Trung Tá Lê Ngọc Bình lái từ căn cứ Non Nước bay về hướng Nam. Ngày 18 tháng 4 khi CS tiến vào Ðà Nẵng. Trong cuộc phỏng vấn truyền hình của chúng tôi (và phóng viên quay phim Ðăng Minh SBTN) tại nhà riêng của Cựu Trung Tá Lê Ngọc Bình tại thành phố La Fayette vào tháng 10, 2007, ông Bình xác nhận là không biết có Ðại Tá Toàn trên máy bay hay không, vì trong lúc hỗn loạn và quá đông người.
Cuối cùng khi khai quật nấm mồ, người thấy Chuẩn Tướng Ðiềm và Ðại Tá Toàn nằm sát bên nhau.
Sau hơn 36 năm Ðại Tá Võ Toàn đã về với gia đình tại Long Thành (Biên Hòa) và Chuẩn Tướng Ðiềm có mộ phần tại Bà Rịa (Phước Tuy). Hai người đều sinh trưởng ở Huế, chiến đấu nhiều năm cho mảnh đất quê hương, nhưng sau tháng 4, 1975, gia đình của hai tử sĩ này đều bị vùi dập, kỳ thị và xua đuổi phải đi dần về phương Nam tìm đất sống và đã “nhận nơi này làm quê hương.”
Gia Đình Tướng Điềm năm 2017