Wednesday, May 3, 2017

Trung Tướng Thiết Giáp Hoàng Xuân Lãm, Phụ Tá Tổng Trưởng Quốc Phòng Khóa 3 VBQG/DL

Số Quân: 48/201.368
Sinh tháng 10 năm 1928 Quảng Trị.

1951: Theo học Khóa 3 Trần Hưng Đạo Trường VBQG/DL
Tốt nghiệp cấp bậc Thiếu Úy.
1952: Theo học khóa căn bản Thiết Giáp tại Trung Tâm Huấn Luyện Thiết Giáp Viễn Đông Vũng Tàu.
1953: Ngày 25 tháng 6 thăng cấp Trung Úy, Chi Đội Trưởng Chi Đoàn 4 Thám Thính, theo học khóa Cao Cấp Thiết Gíap Kỵ Binh SAUMUR, PHÁP.
1955: Tháng 10 Thiếu Tá Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 1 Kỵ Binh Thiết Giáp
1957: Bàn giao chức Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 1 cho Đại Úy Dương Hiếu Nghĩa.
Cuối tháng 5 Trung Tá Chỉ Huy Trưởng Bộ Chỉ Huy Thiết Gíap Binh trại Trần Hưng Đạo.
1959: Theo học khóa Chỉ Huy và Tham Mưu tại trường Chỉ Huy Tham Mưu Fort Leavenworth. Kansas, Hoa Kỳ.
1960: Mãn khóa trở về nước phục vụ tại Trường Đại Học Quân Sự.
1963: Đại Tá Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh.
1964: Ngày 11-8 Vinh Thăng Chuẩn Tướng.
Ngày 15-10 Tư Lệnh Sư Đoàn 2 Bộ Binh.
1965: Ngày 1-11, Vinh Thăng Thiếu Tướng.
1966: Tư Lệnh Quân Đoàn 1 và Vùng 1 Chiến Thuật.
1967: Tháng 7 Vinh Thăng Trung Tướng Nhiệm Chức.
1968: Ngày 19-6, Vinh Thăng Trung Tướng Thực Thụ.
1971: Tư Lệnh cuộc Hành Quân Lam Sơn 719.
1972: Bàn giao Tư Lệnh Quân Khu 1 cho Trung Tướng Ngô Quang Trưởng và nhậm chức Phụ Tá Tổng Trưởng Quốc Phòng.
1975: Di tản trên HQ 802 và định cư tại Davis, California Hoa Kỳ.
 
Huy Chương:
- Đệ Nhị Đẳng Bảo Quốc Huân Chương.
- 20 Anh Dũng Bội Tinh với Nhành Dương Liễu.
- 4 Huy Chương Hoa Kỳ.
- 2 Huy Chương Tổng Thống Đại Hàn Pak Chung Hee.
- 2 Huy Chương Tổng Thống Trung Hoa Dân Quốc Tưởng Giới Thạch.




Linh cữu hiện quàn taị Oak Hill Memorial Park, 300 Curtner Avenue, San Jose, CA 95125

CHƯƠNG TRÌNH TANG LỄ
                     Thứ Sáu - ngày 19 tháng 5 năm 2017:
                                                  10:00 giờ sáng  – 11:30 giờ sáng       Lễ Nhập Liệm và Thọ Tang 
             (dành riêng gia đình)
                                                                                                     
                                   Thứ Bảy- ngày 20 tháng 5 năm 2017:  
                                                11:00 giờ sáng  – 12:00 giờ trưa         Lễ Phủ Cờ
                                                12:00 giờ trưa   –   6:00 giờ chiều       Thăm Viếng
                                                                            
                         Chủ Nhật - ngày 21 tháng 5 năm 2017:
                                                  9:00 giờ sáng   10:30 giờ sáng       Tụng Niệm
                                                10:30 giờ sáng  – 11:00 giờ sáng       Lễ Thu Cờ
                                                11:00 giờ sáng  – 11:30 giờ sáng       Di Quan và Hỏa Táng
TANG GIA ĐỒNG KÍNH BÁO
Vợ:                            Bà Quả Phụ Hoàng Xuân Lãm (nhủ danh Nguyễn Thị Lê Hồng)
Trường Nữ:               Hoàng Nguyễn Phương-Liên và gia đình
Thứ Nữ:                    Hoàng Nguyễn Phuơng-Lan và gia đình
Thứ Nữ:                    Hoàng Nguyễn Phuơng-Dung và gia đình
Trường Nam:            Hoàng Anh Tuấn
Thứ Nữ:                    Hoàng Nguyễn Phuơng-Nam và gia đình
Cáo Phó Nầy Thay Thiệp Tang
Xin Miễn Phúng Điếu



Hình ảnh Trung tướng Hoàng Xuân Lãm tháp tùng Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu
thăm Nghĩa quân và Nhân dân Tự vệ tại Quân khu 1 VNCH
Phóng viên Vũ Nhân của SBTN phỏng vấn
cựu Trung tướng Hoàng Xuân Lãm
Sau khi VietPress USA phổ biến "Tin Buồn: CỰU TRUNG TƯỚNG HOÀNG XUÂN LÃM TƯ LỆNH QUÂN ĐOÀN I VÙNG 1 CHIẾN THUẬT VNCH VỪA QUA ĐỜI TẠI CALIFORNIA NGÀY 02/5/2017 THỌ 89 TUỔI" (http://www.vietpressusa.us/2017/05/tin-buon-cuu-trung-tuong-hoang-xuan-lam.html); chúng tôi nhân được Email của Giáo sư Sử học Nguyễn Lý Tưởng, cựu Dân biểu Quốc hội VNCH, là đồng hương với cố Trung tướng Hoàng Xuân Lãm, đã bổ túc những chi tiết sau đây:
1/- Theo gia phả viết bằng chữ Hán của gia đình họ Hoàng mà hiện Giáo sư Nguyễn Lý Tưởng có bản copy trong tay thì ông Hoàng Xuân Lãm sinh ngày 13 tháng 10 Âm lịch năm Đinh Mão 1927 nên năm nay theo tuổi Việt Nam thì cựu Trung tướng Hoàng Xuân Lãm đã 91 tuổi; tính theo tuổi Dương lịch là 90 tuổi.
2/- Có một chi tiết tài liệu VietPress USA đưa ra còn thiếu sót nên nay Giáo sư Nguyễn Lý Tưởng bổ túc: "Trước Hiệp định Genève 1954 (ngày 20/7/1954 ký kết Hiệp định Genève chia đôi Việt Nam thành 2 miền Nam và Bắc, lấy sông Bến Hải làm ranh) thì ông Hoàng Xuân Lãm được đưa ra Bắc làm Chỉ huy trưởng Thiết Giáp ở Sơn Tây; lúc đó ông mang cấp bậc Đại úy. 
Vào tháng 7/1954 ông Hoàng Xuân Lãm di cư vào Nam và được lên Thiếu Tá và làm Chỉ huy trưởng Thiết Giáp tại Vũng Tàu.
Sau khi Tổng thống Ngô Đình Diệm bị đảo chánh lật đổ vào ngày 1/11/1963, ông Hoàng Xuân Lãm mới được đưa về làm Tư lệnh Sư đoàn 23 ở Ban Mê Thuột thay thế Đại tá Lê Quang Trọng bị bệnh ung thư được đưa qua Mỹ chửa bệnh. Lúc đó ông Hoàng Xuân Lãm mới được chính thức lên cấp Đại tá thực thụ và chính thức làm Tư lệnh Sư đoàn 23.
a/. Tự điển Bách Khoa Wikipedia ghi cựu Trung tướng oàng Xuân Lãm sinh tháng 10 năm 1928: https://vi.wikipedia.org/wiki/Ho%C3%A0ng_Xu%C3%A2n_L%C3%A3m
Video Nhà báo Đỗ Dzũng phỏng vấn cựu Trung tướng Hoàng Xuân Lãm:
MỜI ĐỌC TIẾP TẠI LINK:

Tướng Hoàng Xuân Lãm, Chiến Dịch Lam Sơn 719 Hạ Lào

Tư lệnh Quân đoàn 1 Hoàng Xuân Lãm và kế hoạch phối hợp với Quân đoàn 24 Hoa Kỳ
Sau khi liên quân Việt-Mỹ khởi động cuộc hành quân ngoại biên trong mùa Hè và mùa Thu năm 1970 tại Cam Bốt để triệt phá các căn cứ địa của CSBV, vào tháng 12/1970, Thượng viện Hoa Kỳ đã biểu quyết không cho sử dụng kinh phí dành cho Quân đội Hoa Kỳ để tham dự các cuộc hành quân quá lãnh thổ VNCH, nên kể từ năm 1971, các đơn vị Hoa Kỳ không thể tham gia các cuộc hành quân ngoại biên cùng với các đơn vị VNCH, mà chỉ được phép yểm trợ về Không quân, tiếp tế và Pháo binh.

Tháng 1/1971, theo sự chỉ định của bộ Tư lệnh Lực lượng Hoa Kỳ tại Việt Nam, Tư lệnh Quân đoàn 24 Hoa Kỳ được giao nhiệm vụ phối hợp với Quân đoàn 1 VNCH để yểm trợ cuộc tấn công bằng Không quân và Bộ binh dọc theo đường số 9 tới căn cứ địa 604 của CSBV ở về phía Tây Nam Tchépone. Cuộc hành quân này được đặt tên là Chiến dịch Lam Sơn 719 (còn được gọi là cuộc hành quân Hạ Lào), khởi động ngày 30-1 và kết thúc vào ngày 6-4-1971.
Theo kế hoạch, tổng chỉ huy lực lượng VNCH tham dự cuộc hành quân Hạ Lào là trung tướng Hoàng Xuân Lãm, Tư lệnh Quân đoàn 1/Vùng 1 chiến thuật. Tướng Lãm quê quán Quảng Trị, ông là một trong những sĩ quan đầu tiên của binh chủng Thiết giáp Quân đội Quốc gia VN từ năm 1951, từng giữ chức chỉ huy trưởng Thiết giáp QL.VNCH vào thời gian 1958-1959 khi ông còn mang cấp bậc trung tá. Năm 1960, ông được điều động về Trường Đại học Quân sự (sau này cải danh thành trường Chỉ huy Tham mưu). Đầu tháng 11/1963, ông được thăng đại tá và sau đó được bổ nhiệm giữ chức Tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh, được thăng cấp chuẩn tướng vào tháng 8/1964. Giữa tháng 10/1964, ông ra miền Trung giữ chức Tư lệnh Sư đoàn 2 Bộ binh, được thăng thiếu tướng vào tháng 11/1965. Tháng 6/1966, tướng Lãm được cử giữ cử chức tư lệnh Quân đoàn 1/Vùng 1 chiến thuật, thăng trung tướng vào tháng 7/1967 và tiếp tục chỉ huy Quân đoàn 1 đến đầu tháng 5/1972.
Trở lại với cuộc hành quân Hạ Lào, theo kế hoạch, nỗ lực chính của cuộc hành quân là các đơn vị VNCH thuộc Sư đoàn 1 Bộ binh và 2 sư đoàn tổng trừ bị là Sư đoàn Nhảy Dù và Sư đoàn Thủy quân Lục chiến, Lữ đoàn 1 Kỵ binh, Liên đoàn 1 Biệt động quân.
Về phía lực lượng Hoa Kỳ (HK), kế hoạch yểm trợ chia làm 4 giai đoạn: Giai đoạn 1: Ngày D (30-1/1971), Lữ đoàn 1/Sư đoàn 5 HK được phi cơ yểm trợ hành quân về hướng Tây, giữ đường số 9 từ Đông Hà đến biên giới Việt Lào, bảo vệ căn cứ Khe Sanh; Sư đoàn 834 Không lực HK đảm trách không vận.
Giai đoạn 2: các đơn vị VNCH tham dự cuộc hành quân được Quân đoàn 24 Hoa Kỳ và Không đoàn Tác chiến 7AF Hoa Kỳ yểm trợ để tiến nhanh chóng về hướng Tây chiếm Tchépone trên bộ, cũng như bằng không vận. Giai đoạn 3: Không quân Hoa Kỳ yểm trợ các cánh quân VNCH khai triển các cuộc tấn công, hành quân lục soát. Giai đoạn 4: Yểm trợ cuộc rút quân.
Sau đây là chi tiết về kế hoạch phối hợp giữa Quân đoàn 1 VNCH và Quân đoàn 24 Hoa Kỳ trong cuộc hành quân Lam Sơn 719. Những sự kiện được trình bày trong phần này được tổng hợp dựa theo hồi ký của đại tướng Westmoreland (nhà xuất bản Thế Giới), tài liệu của Trung tâm Quân sử Lục quân Hoa Kỳ, bài viết về sự yểm trợ của Hoa Kỳ cuộc hành quân Lam Sơn 719 được phổ biến trong tạp chí KBC và tài liệu riêng của VB.
* Tướng Hoàng Xuân Lãm, lực lượng VNCH, lực lượng Hoa Kỳ trong cuộc hành quân Lam Sơn 719
Theo nhận định của bộ Tư lệnh Lực lượng Hoa Kỳ tại Việt Nam, Lam Sơn 719 là một cuộc hành quân hỗn hợp Việt Mỹ, được tổ chức quy mô với một số đặc điểm. Vùng hành quân trên đất Lào, do đó vai trò của QL.VNCH và Hoa Kỳ rất khác biệt. Lực lượng Hoa Kỳ bị giới hạn rất nhiều, không một quân nhân Hoa Kỳ nào được phép đặt chân trên đất Lào và do đó các cố vấn Hoa Kỳ không được đi theo các đơn vị VNCH.
Về hệ thống chỉ huy, toàn bộ lực lượng VNCH tham dự cuộc hành quân được đặt dưới quyền điều động của trung tướng Hoàng Xuân Lãm, Tư lệnh Quân đoàn 1 đồng thời là Tư lệnh cuộc hành quân trên bộ. Về phía Hoa Kỳ, giám sát các hoạt động yểm trợ là đại tướng Creighton W. Abrams, Tư lệnh Lực lượng Hoa Kỳ tại VN, dưới quyền của đại tướng Abrams là trung tướng James W. Sutherland, Tư lệnh Quân đoàn 24 Hoa Kỳ, trách nhiệm điều hợp kế hoạch yểm trợ và đại tướng Lucious D. Clay, Jr, Tư lệnh Không lực 7, chỉ huy về yểm trợ không lực cho cuộc hành quân Lam Sơn 719.
Để gia tăng hiệu năng trong vấn đề kế hoạch phối hợp, bộ Tư lệnh Yểm trợ Quân sự Hoa Kỳ tại Việt Nam và bộ Tổng Tham mưu QL.VNCH cho thành lập ban điều hợp gồm một số sĩ quan cao cấp Việt-Mỹ để thực hiện nhiệm vụ liên lạc giữa bộ Tư lệnh Quân đoàn 1 của trung tướng Hoàng Xuân Lãm và Quân đoàn 24 Hoa Kỳ của trung tướng James W. Sutherland. Ban điều hợp bắt đầu làm việc từ ngày 6 tháng 3 gồm 1 chuẩn tướng cố vấn Pháo binh, một chuẩn tướng cố vấn không yểm Lục quân, một chuẩn tướng cố vấn không-yểm Không quân chiến lược và một chuẩn tướng VNCH cố vấn về Pháo binh cho các đơn vị Pháo binh VN. Khi làm việc, ban điều hợp họp với trung tướng Lãm hàng ngày, và trở nên bộ tham mưu của ông để cố vấn trong mọi kế hoạch, bảo đảm sự phối hợp được hoàn hảo với các đơn vị tham chiến. Phía Hoa Kỳ cho rằng vấn đề này nhằm yểm trợ cho Quân đoàn 1 với tất cả mọi nỗ lực.
* Không lực Hoa Kỳ yểm trợ cuộc hành quân của lực lượng VNCH
Thủ tục điều hành Không quân Chiến lược trong nhiệm vụ yểm trợ cho các đơn vị VNCH tham chiến trong hành quân Lam Sơn 719 dựa theo lệnh hành quân 1-71 cho bộ chỉ huy Không yểm Hoa Kỳ (DASC). Theo lệnh này, bộ chỉ huy Không yểm tại Đà Nẵng chuyển tiếp những nhu cầu không trợ cho giai đoạn 1 đến trung tâm Không yểm QL.VNCH. Trong giai đoạn 2, 3, và 4, một bộ chỉ huy Không yểm mới được thành lập ngày 31 tháng 1 lấy danh hiệu là DASC Victor đặt tại Quảng Trị để điều hành hoạt động không trợ cho các đơn vị VNCH. Bộ chỉ huy mới này bắt đầu hoạt động từ ngày 7 tháng 2/1971.
Máy bay quan sát thuộc phi đoàn yểm trợ trong căn cứ Không quân Nakhon Phanon ở Thái Lan, danh hiệu là Nail, được đem qua Quảng Trị để cung ứng cho nhu cầu không trợ cho các đơn vị bộ chiến trên đất Lào. Khi đến Quảng Trị, phi đoàn quan sát này lấy danh hiệu là Hammer. Sử dụng các phi cơ Hammer, bộ chỉ huy Không yểm điều hành các phi vụ chiến thuật, chiến lược ngoại biên.
Ngoài ra, bộ chỉ huy Không yểm (DASC) sử dụng các phi cơ quan sát danh hiệu Barky để yểm trợ cho Lục quân Hoa Kỳ trong cuộc hành quân trên nội địa Việt Nam. Trung tâm Không yểm DASC vẫn trực thuộc trung tâm Hành quân Không lực 7 Hoa Kỳ.
Một khía cạnh khác trong hệ thống điều hành là bộ chỉ huy Yểm trợ Chiến trường thuộc Không lực 7 Hoa Kỳ, danh hiệu là Hillsboro hoặc Moonbeam kiểm soát không phận bên Lào. Trong cuộc hành quân Lam Sơn 719, nhiệm vụ chính của bộ chỉ huy này được giao cho phòng phối hợp với trách nhiệm là nhận yêu cầu yểm trợ rồi chuyển cho phi cơ quan sát trong vùng hành quân. Bộ chỉ huy Không yểm DASC chỉ huy phi đoàn quan sát Hammer, chia vùng trách nhiệm cho phi đoàn này, thông báo những vị trí mục tiêu. Thực tế, tình hình chiến trường trên bộ thay đổi nhanh chóng nên phi cơ quan sát phải thông qua bộ Chỉ huy Yểm trợ chiến trường. Tùy theo tình hình trận địa bộ chiến, phi cơ quan sát thường quyết định trong trường hợp nào thì phải sử dụng phi cơ chiến lược.
Khoảng giữa tháng 1/1971, sĩ quan cao cấp đại diện Quân đoàn 24 Hoa Kỳ và Quân đoàn 1 VNCH họp bàn về kế hoạch không yểm cho cuộc hành quân Lam Sơn 719. Lúc đó, Quân đoàn 1 dự trù sử dụng hai sư đoàn và 1 lữ đoàn biệt lập. Một lực lượng sẽ bao mặt Bắc, một dọc theo đường số 9, và còn lại sẽ chạm mặt Nam. Các trung tâm hành quân sẽ đặt trên đất Lào, điều này gây trở ngại cho không yểm, việc liên lạc với phi cơ quan sát không thực hiện được vì các sĩ quan Hoa Kỳ không đi theo các trung tâm Hành quân qua Lào. Để hoạt động không yểm được thuận lợi, phía lực lượng VNCH phải cử các sĩ quan tiền sát viên Việt Nam thạo Anh ngữ bay kèm theo phi cơ quan sát Hoa Kỳ để thông dịch. Đến ngày 23 tháng 1/1971, Quân đoàn 1 cho biết các trung tâm hành quân cấp sư đoàn sẽ ở lại Việt Nam, đặt trong khu vực Khe Sanh, điều này tạo dễ dàng cho vấn đề liên lạc Không-Lục, tuy nhiên vẫn cần phải có có sĩ quan tiền sát viên Việt Nam khá Anh ngữ giúp đỡ phi công quan sát Hoa Kỳ liên lạc với cấp chỉ huy các đơn vị VNCH trên bộ. Để yểm trợ Quân đoàn 1, Không lực 7 cung cấp hai chiến đấu cơ làm việc với phi cơ quan sát và thay thế theo chu kỳ 15 phút.
* Ngày N của giai đoạn 2
Ngày 27 tháng 1, ba ngày trước ngày D của giai đoạn 1, trung tướng Hoàng Xuân Lãm, Tư lệnh Quân đoàn 1, tổng chỉ huy lực lượng VNCH tham dự cuộc hành quân Lam Sơn 719, đã thông báo cho bộ chỉ huy Không yểm DASC rằng nỗ lực chính của lực lượng bộ chiến VNCH trong cuộc hành quân là gồm có 3 sư đoàn: Sư đoàn 1 BB, Sư đoàn Dù, Sư đoàn Thủy quân Lục chiến. Khi đó, thêm 1 trung tâm Không trợ mới được thành lập tại Khe Sanh.Trong suốt cuộc hành quân, có 3 trung tâm hành quân và 3 trung tâm không yểm bên cạnh để yểm trợ các đơn vị bộ chiến VNCH. Ngày 8 tháng 2/1972, trung tướng Hoàng Xuân Lãm, Tư lệnh hành quân Lam Sơn 719, cho lệnh các đơn vị VNCH khởi động cuộc tiến quân qua Lào, mở đầu trận chiến mới.



Nhận được tin buồn:
Image may contain: 1 person, hat and closeup
Ông Hoàng Xuân Lãm

Pháp Danh Chơn Lịch

Cựu Trung Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn I và Quân Khu I

Cựu Chỉ Huy Trưởng Thiết Giáp QLVNCH

Tốt nghiệp Khóa 3, Trần Hưng Đạo, Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam


Đã từ trần ngày 2 tháng 5 năm 2017 

(
nhằm ngày 7 tháng 4 năm Đinh Dậu)

tại thành phố Davis, Bắc California.

Hưởng thọ 90 tuổi

Chúng tôi thành thật phân ưu cùng bà Hoàng Xuân Lãm và tang quyến, nguyện cầu hương linh của Trung Tướng sớm siêu thoát.

Trần Văn Chơn, Hồ Văn Kỳ Thoại, Lê Minh Đảo, Bồ Đại Kỳ, Cổ Tấn Tinh Chu, Hà Mai Việt, Trần Thanh Điền, Nguyễn Bá Trang, Bùi Cửu Viên, Phạm Mạnh Khuê, Phan Đình Minh, Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Văn Xét, Nguyễn Văn Quí, Cung Thúc Cần, Cao Mỵ Nhân, Lữ Bá Diệp, An Nguyễn KMD, Như Hảo, Phạm Đình San, Phạm Đình Khuông, Chu Bá Yến, Hoàng Đình Báu, Phạm Quốc Bảo, Trần Huy Bích, Dương Ngọc Sum, Trần Văn Thuần, Trần Tiễn San, Ngô Thế Vinh, Phạm Gia Cổn, Nguyễn Đạt Thịnh, Du Miên, Phạm Kim, Phan Tấn Ngưu, Nguyễn Phục Hưng, Phạm Văn Hòa, Trần Mạnh Chi, Lưu Anh Tuấn, Nguyễn Thiều Minh, Trần Quốc Bào, Thanh Huy, Nguyễn Sáng CB, Vĩnh Liêm, Hoàng Vinh, Phạm Phong Dinh, Thái Chi Hoa, Việt Hải và Dương Viết Điền.