Tuesday, June 19, 2012

Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia

1930-1998
SQ 50/600.198
SN 11-12-1930 Huế


1951: Tốt Nghiệp Tú Tài Tòan Phần.
- Sinh Viên Dự Bị Y Khoa Sài Gòn
- Theo Học Khóa 1 Lê Văn Duyệt Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức
1952: Ra trường cấp bậc Thiếu Úy Trung Đội Trưởng thuộc Tiểu Đòan 62 Việt Nam.
- Theo học lớp Huấn luyện Biệt Kích
- Mãn khóa tùng sự tại Lực Lượng Xung Kích
- Cuối năm 1952 trúng tuyễn vào Quân Chủng Không Quân
1953: Du học khóa Huấn Luyện Hoa Tiêu Khu Trục tại trường Võ Bị Không Quân Pháp Salon De Provence.
1955: Tốt nghiệp Hoa Tiêu tại Necknes
1956: Hoa Tiêu Phi Đoàn 1 Khu Trục Biên Hòa
1957: Vinh thăng Đại Úy
1958: Chỉ Huy Trưởng Phi Đoàn 2 Quan Sát Nha Trang
1959: Thiếu Tá Phụ Tá Tham Mưu Trưởng Không Quân
1960: Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Kiểm Soát Không Chiến
1963: Trung Tá Tham Mưu Trưởng Không Quân
- Tư Lệnh Phó Không Quân.
1965: Chỉ Huy 2 Phi Đội A-1E Skyraider oanh tạc căn doanh trại Bắc Việt tại Chánh Hòa và Chấp Lễ.
- Ngày 2 tháng 3 Oanh tạc Căn cứ Hải Quân Bắc Việt tại Quảng Khê, Quảng Bình.
- 20-6 Giám Đốc Nha An Ninh Quân Đội kiêm Phủ Đặc Ủy Tình Báo Trung Ương.
- 1-11 Thăng Đại Tá Nhiệm Chức
1966: 29-4 Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia.
- Thành Lập 8 Biệt Đoàn Cảnh Sát Quốc Gia
- 1-11 vinh thăng Chuẩn Tướng nhiệm chức
1967: Trưởng phái đoàn Công Du Nam Hàn
1968: Ngày 2-2 ( mồng 5 Tết Mậu Thân ) Hạ sát Thượng Úy Nguyễn Văn Lốp tự Bảy Lốp Đặc Công Việt Cộng tại ngả ba Vườn Lài góc Sư Vạn Hạnh và Minh Mạng, Chợ Lớn Quận 6 Sài Gòn.
- Trưa ngày 5-5 bị thương tại Phường Tự Đức Phan Thanh Giản ĐaKao Quận 1 Sài Gòn Điều trị tại Bệnh Viện Đồn Đất ( Grall) Sài Gòn, sau nhiều năm điều trị không lành phải đưa sang Hoa Kỳ giải phẩu nhiều lần không thành công và cuối cùng phải cưa chân
- Ngày 3-6 vinh thăng Chuẩn Tướng Nhiệm Chức.
1975: Định cư tại Burke, Virginia Hoa Kỳ
1988: Từ Trần ngày 14-7 Hưỡng Thọ 68 tuổi.

Ngẫm hay muôn sự tại Trời
Nguyễn Du
Cho đến nay các sử gia đều tin rằng tấm hình nổi tiếng một thời của Eddie Adams đã kết liễu cuộc đời binh nghiệp của tướng Nguyễn Ngọc Loan. Không sai, nhưng chỉ đúng một nửa. Chính nhiếp ảnh gia đoạt giải Pulitzer của AP này đã viết trong tuần báo TIME (1): “Ông tướng giết thằng Việt Cộng; tôi giết ông tướng bằng máy chụp hình của tôi”. Đó là tấm hình chụp tướng Loan thản nhiên hành quyết một tù binh cộng sản bị còng tay sau lưng, mặt mếu máo. Một hành vi sát nhân ghê tởm gây chấn động toàn thế giới. Mặc dù sau đó Adams đã thú nhận: “Người ta tin vào hình ảnh, nhưng hình ảnh cũng nói dối, cho dù không có sửa đổi gì. Chúng chỉ là những nửa sự thật”. Dẫu vậy nhưng nó cũng đã đánh dấu khúc ngoặt quan trọng của cuộc chiến: Dư luận phản chiến nở rộ tại Hoa kỳ đã khiến Tổng thống Johnson mất niềm tin vào một chiến thắng quân sự tại miền Nam Việt Nam. Và cuộc thương thảo với Bắc Việt và Mặt Trận Giải Phóng Việt Nam (MTGPMN) đã diễn ra sau đó dưới triều đại Nixon như giải pháp duy nhất đem lại hòa bình.
Đằng sau tất cả những sự kiện lịch sử ấy là chuyển động âm thầm nhưng có ảnh hưởng quyết định của tình báo chiến lược. Cơ quan CIA (Tình Báo Trung Ương) Hoa kỳ và đối tác VNCH ở cấp cao đã phải đối mặt với những tình huống gây ra mâu thuẫn trầm trọng giữa một bên là MACV (Bộ Tư Lệnh Quân Sự Mỹ), CIA, Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ và bên kia là Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH và Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia khi ấy do Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan nắm giữ. Bối cảnh chung là cuộc tấn công bất ngờ của Việt Cộng – khi ấy vẫn được báo chí Mỹ coi là MTGPMN, tách biệt với Cộng Sản Bắc Việt (CSBV), một huyền tích chỉ được giải ảo sau 1975 – trong dịp hưu chiến Tết Mậu Thân (tháng 1, 1968).

Nguyễn Ngọc Loan: Ông là Ai?
Tướng Nguyễn Ngọc Loan, hỗn danh Sáu Lèo, sinh năm 1930 tại Huế. Chị cả của ông, bà Bích Hồng, là phu nhân Đại tá Bác sĩ Văn Văn Của, nguyên Đô trưởng thành phố Sài Gòn (1965-68) (2). Ông học trường Trung học Albert Sarraut và đậu Tú tài Toán toàn phần rồi bị động viên Khóa 1 Sĩ quan Trừ bị (Nam Định). Thiếu úy Loan theo học Trường Sĩ quan Không quân Pháp Salon de Provence năm 1953 rồi thực tập hoa tiêu khu trục phản lực tại căn cứ Meknes, Maroc, trở thành phi công khu trục phản lực đầu tiên của Không lực VNCH. Về nước, ông được bổ nhiệm Phi đoàn trưởng Phi đoàn 2 Quan sát. Được thuộc cấp nể trọng nhưng ông không được các sĩ quan Cố vấn Hoa kỳ ưa thích vì ông hay đả kích lề lối làm việc máy móc của họ.
Năm 1964, ông Loan thăng cấp Đại tá và được bổ nhiệm “Tư lệnh Phó Không Quân VNCH” dưới quyền Tư lệnh, Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ. Năm 1965, vinh thăng Chuẩn tướng, ông tham dự chiến dịch không kích Bắc Việt trong khu vực Đồng hới – Vĩ tuyến 17 (Bến Hải).
Những năm kế tiếp, tướng Loan được đề cử đảm nhiệm 3 chức vụ an ninh, tình báo quan yếu của VNCH:
- Đặc ủy trưởng, Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo
- Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia, và
- Cục trưởng Cục An Ninh Quân Đội.
Lòng tận tụy với trách nhiệm nặng nề và tính “bất cần đời” của tướng Loan, coi cái chết “như pha” tạo cho ông một cá tính gồ ghề, bề ngoài tưởng như ngổ ngáo, hãnh tiến, nhưng thật ra ông là con người đầy cảm tính và “cận nhân tình”, được cấp dưới nể trọng và bạn hữu chí tình thương mến. Thỉnh thoảng gặp ông tại Phủ Thủ Tướng (Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương – UBHPTƯ), ông cười nói xuề xòa, moa moa, toa toa, miệng không ngớt chửi thề: đ.. cụ, đ.. cụ.
Tuy nhiên, Định Mệnh dường như đã an bài cho ông một số phận khắc nghiệt. Chỉ nội trong ngày 31 tháng 1 năm 1968, sự nghiệp của ông được kể như chấm dứt vì một quyết định làm cho người Mỹ coi ông là kẻ phản bội. Mặt khác, có thật là bức hình của Eddie Adams chụp cảnh ông xử bắn tên đặc công Lém ở đường Ấn Quang ngày 4 tháng 2, 1968 mới là nguyên nhân chính? Sự thực không phải như vậy.
Hoa kỳ đi đêm với MTGPMN
Kề từ tháng 2 năm 1967, Tòa Đại sứ Hoa kỳ ở Sài Gòn đã có những tiếp xúc sơ bộ với một số cán bộ cấp thấp thuộc MTGPMN. Sau đó,với sự trợ giúp của Tình báo Hải ngoại Pháp (SDECE, Service de Documentation et de Contre-Espionage), cộng đồng tình báo Mỹ ở Việt Nam đã bắt tay được với những nhân vật trọng yếu của Cục R (Trung Ương Cục miền Nam) và MTGPMN như: Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Thị Bình, Dương Quỳnh Hoa, Trần Văn Trà, Đồng Văn Cống, Trần Bửu Kiếm và Trần Bạch Đằng, Cục trưởng Cục R (3).
Sau việc hộ tống êm thắm vợ con Trần Bửu Kiếm và Trần Bạch Đằng ra vùng “giải phóng” an toàn, Sứ quán Hoa kỳ móc nối với Nguyễn Thị Bình (qua trung gian LS Đinh Trịnh Chính, Bộ trưởng Chiêu Hồi, Dân Vận VNCH) toan tính thành lập chính phủ “liên hiệp hòa giải dân tộc” với 2 thành phần: MTGPMN và chính quyền VNCH.
Tất cả những tiếp xúc “đi đêm” nói trên đều không lọt qua con mắt của tướng Loan, Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia. Tướng Loan ra lệnh cho S-6 (Cảnh Sát Đặc Biệt) tống giam một số nhân vật MTGPMN khi ấy đang được Sứ quán Hoa kỳ bảo vệ tại các “nhà an toàn” (safe house) ở ven đô Sài Gòn và Tây Ninh. Sứ quán Hoa kỳ gây áp lực với tướng Nguyễn Cao Kỳ, chủ tịch UBHPTƯ, phải thả lập tức các sứ giả MTGPMN và yêu cầu các cơ quan an ninh VNCH không được phép xâm nhập các nhà an toàn và những khu vực dành riêng cho nhân viên ngoại giao Hoa kỳ trên khắp lãnh thổ VNCH.
Mặt khác, Tổng thống Lyndon B. Johnson được Đại sứ Mỹ Ellsworth Bunker bảo đảm rằng Sài Gòn là thủ đô an toàn và Tòa Đại sứ Hoa kỳ ở Saigon là khu vực an ninh 100% không bao giờ bị tấn công vì đây sẽ là địa điểm mật đàm đã được thỏa thuận giữa Hoa kỳ và MTGPMN.
Tòa Đại sứ Hoa kỳ rơi vào tay Đặc Công CSVN
Trong trận mở màn Chiến dịch Tổng Tấn Công – Tổng Khởi Nghĩa của CSVN, một biến cố ít ai biết đến, kể cả báo chí Mỹ, là Tòa ĐS Hoa kỳ đường Thống Nhất đã rơi vào tay Đặc công CS ngay những phút đầu. Đó là hậu quả của việc tướng Loan đã cho rút 2 trung đội Cảnh Sát Dã Chiến bảo vệ bên ngoài TĐS Mỹ về tăng cường cho Dinh Độc Lập.
Diễn tiến: Tổ C-10 gồm 18 tên đặc công CS thuộc Tiểu đoàn Đặc công 276 của Đặc Khu Ủy Sài gòn – Chợ Lớn đã xuất phát lúc 1 giờ đêm 31 tháng 1, 1968 từ tiệm Phở Bình đường Yên Đổ, góc Hai Bà Trưng, trên 1 xe van mầu trắng. Hai giờ sáng, xe dừng trước cửa sau Tòa ĐS đường Mạc Đĩnh Chi lúc đó chỉ có một tiểu đội Quân Cảnh Mỹ giữ an ninh phía trong. Bọn đặc công CS chia làm 6 mũi khai hỏa tấn công. Chúng dùng bộc pha, B-40 và AK-47 báng xếp triệt hạ vọng gác của Cảnh sát QG đặt giữa Lãnh sự và tòa nhà chính. Nhưng vọng gác này đã bỏ trống từ chiều hôm trước cùng lúc với hai trung đội Cảnh Sát Dã Chiến, theo lệnh của tướng Loan.
Hai tên đặc công tấn công vào cửa chính Tòa ĐS, tức thì bị QC Mỹ hạ sát. Sau đó QC Mỹ rút vào trong và dùng radio cầu cứu. Hai tên đặc công khác dùng bộc pha phá thủng một lỗ lớn tường rào góc đường Thống Nhất – Mạc Đĩnh Chi, giúp cho toàn bọn C-10 tràn vào vườn hoa rồi tiến chiếm Lầu 1 và Lầu 2 trong khi QC Mỹ rút lên Lầu 3 cố thủ. Lầu 2 Đại Sứ quán Mỹ là Tổng Hành Dinh Tình Báo Chiến Lược của Hoa kỳ ở Đông Nam Á. Toàn bộ tài liệu mật mã “Tuyệt Mật” của CS Bắc Việt mà Mỹ thủ đắc được từ 1961, gồm hồ sơ chính sách, cương lĩnh, nghị quyết tấn công quân sự miền Nam, cùng các tài liệu khác liên quan đến cuộc chiến, đều được lưu trữ trong các tủ và két sắt Diebolt nặng trên 1 tấn (4). Bốn tên đặc công CS cố thủ Lầu 2 ra sức cậy phá, tháo gỡ 6 ổ khóa của 12 két sắt nhưng vô hiệu.
Mười hai giờ khuya (12 giờ trưa Washington, D.C.), tại trụ sở CIA, Giám Đốc Richard Helms đang khoản đãi ông William Colby, tân Giám đốc CORDS (5) Việt Nam. Giữa tiệc, một thiếu tá tùy viên hối hả xin gặp để trình một công điện Hỏa Tốc từ MACV: “Trụ sở CIA và Sứ quán Hoa kỳ Saigon đã lọt vào tay đặc công MTGPMN từ 1 giờ sáng 31 tháng 1, 1968”. Cùng lúc, Tòa Bạch Ốc cũng nhận được công điện hỏa tốc: “Saigon đang bị 5 tiểu đoàn địa phương MTGPMN tấn công ồ ạt. Tòa ĐS ở trung tâm thủ đô thất thủ. Bộ Tư Lệnh MACV và Bộ TTM/QLVNCH tràn ngập khói súng, chống trả yếu ớt vì bị bất ngờ”.
Giám đốc CIA Richard Helms đọc công điện 3 lần vẫn cả quyết với quan khách: “Đây là những ‘điều giả tưởng’ không thể nào có thể xẩy ra được với Hoa kỳ”.
Sáu giờ sáng, một đại đội xung kích thuộc Sư đoàn Không kỵ 101 được trực thăng vận đổ xuống từ nóc Tòa ĐS, đột nhập Lầu 3 rồi Lầu 2, cận chiến với 12 đặc công CS, tiêu diệt toàn bọn và giải tỏa Tòa ĐS — biểu tượng của sức mạnh Hoa kỳ tại Đông Nam Á.
Lãnh đạo VNCH, đệ I và II Cộng Hòa, biết gì?
Đầu tháng 2, 1975, tôi đến Washington D.C. nhận nhiệm vụ Tùy Viên Lục Quân tại Tòa Đại sứ VNCH, ưu tiên tìm hiểu và báo cáo về quân viện Mỹ cho VNCH lúc đó đang lửng lơ. Một chị bạn nhà tôi, tên Dung, Đệ Nhị Tham Vụ, mời tôi đi ăn lunch. Tò mò, tôi hỏi chị: “Tòa Đại Sứ mình vận động Quốc Hội Hoa Kỳ ra sao?” Chị đáp: “Tôi vẫn bỏ tiền túi mời mấy ông dân biểu đi ăn lunch”. Vậy thôi?
Tôi nghĩ, từ Ngô Đình Diệm cho đến Nguyễn Văn Thiệu, các nhà lãnh đạo VNCH có thể ví như những người đi buôn không vốn, không hiểu rành rọt về tổ chức và vận hành của chính quyền Hoa Kỳ, cho nên không biết đến hiệu quả của “lobby” và không giám hay không biết “chi” cho nỗ lực này vì không vốn (?). Khoảng cuối thập niên 70 bỗng sì căng đan “Koreagate”, bùng nổ. Điệp viên KCIA (Tình Báo Trung Ương Đại Hàn) Tongsun Park đã tung hàng trăm ngàn đô mua chuộc ảnh hưởng của một số nhà lập pháp Hoa kỳ để chống lại nguy cơ Nixon đòi rút quân khỏi Nam Hàn như đã làm ở Nam Việt Nam khiến VNCH rơi vào tay CSBV. Ở đời ai dại, ai khôn? Thành thử, chúng ta luôn luôn cầm dao đằng lưỡi để cho đối phương tuốt dao máu chẩy thành vòi! Lý do: không nắm được những nguyên lý căn bản về Tình Báo Chiến Lược để sử dụng nó hữu hiệu trong chiến tranh.
Có ai ý thức được rằng Hoa kỳ ào ạt đổ quân vào Việt Nam, thật ra, không phải là để bảo vệ nền độc lập và chủ quyền của VNCH?
Có ai ý thức được rằng, với Hoa kỳ, không có quốc gia nào là bạn lâu dài và cũng chẳng có nước nào là kẻ thù vĩnh viễn, mà chỉ có quyền lợi của Hoa kỳ là vĩnh cửu?
Có ai biết rằng: Trong thời gian CSVN làm xiếc đi giây giữa Liên Xô và Trung Cộng, Trung Cộng coi VNCH là bạn và là đối trọng răn đe CS Bắc Việt? Với Trung Cộng, Liên Xô và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (Bắc Việt) là hai kẻ thù không đội trời chung? Mặc dầu Mao vẫn chi viện cho Hồ để đoạt hai chiến thắng vang dội: Chiến dịch Biên giới 1950 và Điện Biên Phủ, 1954. Nhưng cũng vì vậy mà Trung Cộng phải dè chừng. Cuộc chiến biên giới 1979 đã chứng minh cho điều này khi Đặng Tiểu Bình muốn “dậy” cho Việt Nam một bài học.
Tướng Nguyễn Ngọc Loan
CIA ra lệnh thủ tiêu Nguyễn Ngọc Loan
Tháng 4 , 1968, Cố vấn trưởng Cảnh sát Quốc gia VNCH, J. Accompura (nguyên đại tá Lục quân Hoa kỳ) được mời đến gặp vị tân Trưởng Trạm CIA (Station Chief) tại VNCH, ông George Weisz đến thay thế ông Jorgensen. Không úp mở, ông Weisz cho Accompura hay: “Chính phủ Hoa kỳ quyết định thủ tiêu Tổng Giám Đốc Cảnh Sát QGVN, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan”.
Mặc dầu làm cố vấn cho tướng Loan chưa được 2 năm, Accompura lại rất thân tình và cảm mến ông. Accompura dấu kín chuyện CIA sẽ thủ tiêu ông, nhưng yêu cầu tướng Loan không được rời khỏi Dinh Độc Lập và không được tham gia bất cứ trận đánh nào có mục đích tiễu trừ các lực lượng MTGPMN tại trung tâm và ven đô Sài Gòn. Tướng Loan hứa xuông với Accompura cho qua chuyện, nhưng ông không ngồi yên.
Ở đâu có tiếng súng AK-47 là ông nhào tới. Chỉ cần một tấm áo giáp, một khẩu M-16, với 12 băng đạn 5.56 ly vòng quanh bụng, đầu không nón sắt, chân dép cao su, không lon không lá, tướng Sáu Lèo lâm trận… không coi mũi tên hòn đạn của kẻ thù có kí lô nào. Một Don Quixote hay Triệu Tử Long? Có lẽ cả hai gom một. Nhiều người coi ông như “người hùng đơn độc”, một phán xét có phần cảm tính. Tôi quan niệm đơn giản: Ông là người chỉ huy biết lãnh đạo. Lãnh đạo bằng cách làm gương, nghĩa là sát cánh cùng quân sĩ, đồng lao cộng khổ, ngay nơi trận tiền. A true leader. Phải nói như thế. Như người Mỹ thường nói.
Đầu tháng 5, 1968, hay tin VC tràn về khu Tân Cảng, tướng Loan điều động 2 đại đội CS Dã Chiến truy kích Tiểu đoàn Thủ-Biên (6) MTGPMN đang đốt nhà dân để “chém vè” vì bị trực thăng võ trang UH-1B của Sư đoàn 25 BB Mỹ tấn kích từ phía bắc cầu Sài Gòn. Hay tin tướng Loan dẫn CSDC ra Tân Cảng, Accompura vội nhẩy xe Jeep Cảnh sát chặn đoàn xe của ông Sáu Lèo ở ngã tư Dakao – Phan Thanh Giản và yêu cầu ông cùng về Tổng Nha tham dự buổi họp Chương Trình Phượng Hoàng do W. Colby chủ tọa. Tướng Sáu Lèo từ chối.
Ai bắn nát chân tướng Loan?
Tin tức loan tải: 11 giờ 45 ngày 7 tháng 5, 1968, một tên VC núp dưới chân cầu Sài Gòn bắn sẻ viên đạn “dum dum” (7) phá vỡ nát bắp chân trái tướng Nguyễn Ngọc Loan.
Các bác sĩ giải phẫu tại Tổng Y Viện Cộng Hòa, sau khi khám vết thương, nêu thắc mắc và khẳng định:
- Đầu đạn phá nát bắp chân trái tướng Loan không phải là “dum dum”. Nếu phải thì nó phải để lại những mảnh li ti và dấu vết thuốc nổ khi đầu đạn nổ lần thứ 2.
- Súng xung kích AK-47 của CS Bắc Việt sử dụng ở miển Nam không trang bị loại đạn “dum dum”.
- Súng bắn sẻ CKC của Tiệp Khắc cũng không trang bị đầu đạn “dum dum”.
- Đầu đạn AK-47 và CKC không phải là đạn xuyên phá. Loại đạn này chỉ tạo 1 lỗ nhỏ đường kính không quá 1 cm ở mặt trước vết thương, và mặt sau ít khi có lỗ rộng quá 5 cm.
Có lẽ chỉ có cố vấn Accompura biết rõ viên đạn làm tan nát cuộc đời binh nghiệp của tướng Loan là loại đạn gì. Và sát thủ là ai?
2005: Sau rốt, màn bí mật cũng được vén lên, bởi không ai khác là chính Accompura.
Sát thủ thi hành bản án tử hình tướng Loan là một hạ sĩ quan TQLC Hoa kỳ có vợ Việt Nam, làm việc cho CIA Sài Gòn. Khẩu súng bắn lén tướng Loan là M-16 gắn viễn vọng kính. Viên đạn M-16 cỡ 5.56 mm thuộc loại Flechette (8). Chi tiết được biết thêm:
Sát thủ đứng trên sàn trực thăng võ trang UH-1B, qua viễn vọng kính đã lẩy cò khi chiếu môn thập tự [+] nhắm trúng đầu tướng Loan. May thay,“Thiên bất dung gian”, người không thể giết người, chỉ có Trời mới giết được người. Lúc sát thủ lẩy cò cũng vừa là lúc trực thăng gặp “air turbulence” hụt hẫng đưa viên đạn trúng bắp chân trái Sáu Lèo đang gác trên thành cầu thay vì trúng đầu ông. Viên đạn Flechette 5.56mm đã phá nát bấy toàn thể bắp chân trái tướng Loan, cắt đứt gân lòng thòng và động mạch tiếp tế máu cho bàn chân.
Bác sĩ Trưởng Khoa Giải Phẫu Tổng Y Viện Cộng Hòa đề nghị cắt bàn chân bởi vì động mạch đã bị phá nát, nếu không, một thời gian ngắn bàn chân sẽ bị hư thối.
Tướng Loan yêu cầu, bằng mọi cách, giữ lại bàn chân trái cho ông.
Ảnh hưởng tiêu cực của tấm hình hay do lệnh CIA?
Bác sĩ cố vấn trưởng Tổng Y Viện đề nghị đưa tướng Loan đến điều trị tại Bệnh viện Quân Y Mỹ tại Long Bình. Giám đốc Bệnh viện từ chối vì không có khả năng nối động mạch vi ti ở bắp chân.
Tướng Kỳ yêu cầu MACV can thiệp với Hạm Đội 7 có tầu bệnh viện đón nhận tướng Loan để chữa trị. Tầu Bệnh Viện Đệ Thất Hạm Đội từ chối.
Chính phủ VNCH yêu cầu Tòa Đại sứ Hoa kỳ giúp đỡ đưa tướng Loan đến Bệnh viện Jama trên đất Nhật. Tòa Đai sứ Hoa kỳ khước từ.
Không thể trông cậy vào Đồng minh Hoa Kỳ giúp đỡ, tướng Kỳ cuối cùng nhờ đến Tòa Đại sứ Úc chấp thuận cho tướng Loan được điều trị tại Canberra. Chính quyền Canberra khước từ lời yêu cầu của VNCH, viện cớ dư luận dân chúng Úc không đồng tình chứa chấp một kẻ giết tù binh chiến tranh không vũ khí trong tay (9).
Tướng Loan giải ngũ, trở lại đời sống dân sự. Tướng Kỳ mất một người vừa là bạn thân, vừa là quân sư lỗi lạc trong cuộc đời tham chính của mình.
Hoa kỳ không giết chết được Loan nhưng vẫn căm tức “Sáu Lèo” một lúc phá hỏng hai giải pháp chính trị và quân sự của Mỹ tại Việt Nam. Họ quả quyết: “Nếu Loan không rút 2 trung đội Cảnh sát Dã chiến bảo vệ Sứ quán ở đường Thống Nhất thì không tài nào tổ đặc công C-10 của MTGPMN có thể xâm nhập thành lũy tối cao và kiên cố nhất của Mỹ, làm ô danh siêu cường số 1 thế giới”.
Rất có lý, nhưng Hoa kỳ vẫn khờ khạo khi tin rằng “nắm được Nguyễn Thị Bình, Trần Bạch Đằng và Trần Văn Trà là chế ngự được thế thượng phong quân sự của đối phương”. Sự thực phũ phàng là [như ngày nay ai cũng biết] Cuộc Tổng Công Kích – Tổng Nổi Dậy Tết Mậu Thân 1968 của CSVN là thuộc quyền quyết định và được điều khiển bởi Lê Đức Thọ, Bí Thư Trung Ương Cục miền Nam và Võ Văn Kiệt, Bí thư Đặc ủy Khu ủy Sài Gòn – Chợ Lớn.
Lý do tướng Loan rút 2 trung đội CSDC bảo vệ Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ trên đường Thống Nhất rất đơn giản và ngay thẳng. Đã là nơi sẽ diễn ra thương thảo giữa MTGPMN và Hoa Kỳ, thì VNCH cần gì phải canh gác? Đó là trách nhiệm của Mỹ.
Dự tính bắt cóc 6,000 người Mỹ làm con tin
Trong cuốn “Khi Đồng Minh Tháo Chạy”, TS Nguyễn Tiến Hưng có đề cập đến một tình huống mà ông gọi là “cực kỳ ê chề” (10) khi Tòa Đại sứ Mỹ phải đối diện, nếu và khi QLVNCH hay Cảnh sát “nổi khùng” mà cưỡng chế cuộc di tản 6 ngàn người Mỹ và một số người Việt thân quen hay làm việc cho Mỹ khi thấy những người này cứ kìn kìn ra đi, bỏ mặc họ cho số phận. Nên nhớ là khi ấy, trong nội vi Sài Gòn, lực lượng Cảnh Sát Dã Chiến hầu như nguyên vẹn cũng như một số đơn vị Nhẩy Dù và TQLC. Nếu có ai xúi dục và thuyết phục được họ đó là biện pháp duy nhất có thể làm để Mỹ phải đem quân tham chiến trở lại thì họ có khả năng quay súng bắn lại người Mỹ. Do đó, Hoa kỳ cũng có kế hoạch phòng hờ (11) đối phó với tình huống này, và Đại sứ Graham Martin cứ phải hành xử “bình chân như vại” cho tới phút chót mới chịu ra đi sáng ngày 30 tháng 4.
Điều này lý giải tại sao Mỹ phải cho ưu tiên di tản những phi công khu trục sang Utapao, Thái Lan, bởi vì QLVNCH chỉ cần vài chiếc F-5 là có thể bắn hạ những trực thăng di tản rơi rụng như sung. Trong tình huống này, TS Hưng lập luận, VNCH sẽ tức khắc trở thành thù địch, và sẽ không thể có Eden Center, Little Saigon hay Cabramatta vì không có người Việt nào được di tản thì làm gì có cộng đồng Người Việt Hải Ngoại như ngày nay?
Ý tưởng “bắt con tin” này có thể đã nhen nhúm trong đầu óc tướng Loan và có thể ông đã bàn bạc với bạn bè hay người thân. Từ ý tưởng sang ý định và đem ra thực hiện thì một người có uy tín và thành tích như ông có thể dễ dàng thuyết phục bạn bè tướng lãnh và thuộc cấp trong Không Quân và Cảnh Sát Quốc Gia. Nhưng ông đã không làm mặc dù Mỹ đã thù hận ông vì làm như thế sẽ có hại cho cả hai bên Việt, Mỹ và CSVN sẽ là kẻ thủ lợi. Ý tưởng này đã được một chuẩn úy KQVN kể lại cho Tòa Đại sứ Mỹ.
Từ cuối 1972, tướng Loan đã được một người bạn chính trị gia làm việc ở Tòa Bạch Ốc gửi thư riêng thông báo đầy đủ về kế hoạch rút quân của Hoa kỳ theo đúng những điều khoản của Hiệp Định Paris ký kết giữa Lê Đức Thọ và H. Kissinger ngày 27 tháng 1, 1973. Cuối thư, người bạn khuyên ông liên lạc với TVQL Anh tại Sài Gòn để thu xếp việc di tản cho chính bản thân ông và gia đình một khi Sài Gòn lọt vào tay các toán tiền tiêu của 6 sư đoàn CSBV. Ông biết là Hoa Kỳ sẽ chẳng bao giờ đem quân trở lại tham chiến tại miền Nam. Trừ phi…
Rốt cuộc, trưa ngày 29 tháng 4, 75, tướng Loan và gia đình đã phải chật vật lắm mới leo lên được một vận tải cơ C-130 và tới Utapao lúc 16:00 giờ chiều.
Trời kia đã bắt làm người có thân – Nguyễn Du
Để kết thúc câu chuyện, tôi xin nhường lời cho Eddie Adams:
“Ông Loan chạy thoát Việt Nam trong thời gian Sài Gòn xụp đổ và đến Mỹ. Sau cùng ông định cư ở vùng Burke, tiểu bang Virginia. Ông gắng mở một tiệm ăn ở miền Bắc Virginia nhưng khi có người biết ông là chủ thì tiệm ăn đóng cửa. Có những người phản đối đi vòng quanh khu đó hò hét để xả hơi nỗi bất bình của họ một cách thời thượng, an toàn.
“Ông ta rất đau yếu vì bị ung thư một thời gian. Và tôi nói chuyện với ông trên điện thoại tôi muốn làm một cái gì đó. Tôi giải thích mọi điều và kể lại chuyện tấm hình đã hủy hoại đời ông như thế nào thì ông ta chỉ muốn quên chuyện đó. Ông nói thôi bỏ đi. Còn tôi thì không muốn ông bỏ đi như vậy.”
“Thiếu tướng Loan từ gĩa cõi đời cách đây một năm và một tháng (12). Ông để lại vợ và năm đứa con. Phần lớn những bản tóm lược tiểu sử người quá cố cũng giống như tấm ảnh đã hủy hoại đời ông, chỉ có một chiều và cố chấp”.
Adams gửi hoa phúng điếu với một tấm thiệp trên viết dòng chữ, “Cho tôi xin lỗi. Lệ đang ứa trong mắt tôi.”
Chu Việt
Tháng 5, 2012
Nguồn:
Tài liệu Ngành Tình Báo Điện Tử (SIGINT, Signal Intelligence) QLVNCH
Tuần báo TIME ngày 27 July, 1968
(1) Tuần báo TIME ra ngày July 27, 1968.
(2) Đại tá Của bị trọng thương do trực thăng Mỹ bắn lầm quân bạn tại đường Khổng Tử, Chợ Lớn trong cuộc Tổng Công Kích đợt II, tháng 5, 1968. Cũng bị sát hại nơi đây là Trung tá Phó Quốc Trụ, Quận trưởng 5 Cảnh sát và Thiếu tá Nguyễn Bảo Sĩ (em trai Trung tướng Nguyễn Bảo Trị) là bạn người viết bài này.
(3) Trong thời gian này, Trần Văn Trà là Tư lệnh CT-5 (CT = Công Trường hay Sư đoàn), Nguyễn Văn Sỹ, Tư lệnh CT-7, và Đồng Văn Cống, Tư lệnh CT-9. Trần Bửu Kiếm là Ủy viên Ngoại Giao của Trung Ương Cục Miền Nam (Cục R). Nguyễn Thị Bình là Bộ trưởng Ngoại Giao, Dương Quỳnh Hoa, Bộ trưởng Y tế và Nguyễn Hưũ Thọ, Chủ tịch Chính phủ Lâm thời MTGPMN.
(4) Loại két sắt này chịu được nhiệt hỏa hoạn cao hàng ngàn độ C, phía trong được trang bị chất phóng xạ radium chống chụp hình lén.
(5) CORDS (Civil Operations and Revolutionary Development Support) là nỗ lực bình định nông thôn miền Nam của Hoa Kỳ qua chương trình “Phượng Hoàng”.
(6) Thủ Dầu Một – Biên Hòa
(7) Đầu đạn “dum dum” có sức công phá mạnh vì dãn nở hay nổ lần thứ hai khi xuyên vào mục tiêu. Do đó, công ước The Hague đã cấm chỉ sử dụng.
(8) Đạn Flechette BF3, tốc độ cực nhanh có thể xuyên qua thiết giáp.
(9) Đại úy đặc công Nguyễn văn Lém bị Cảnh Sát Dã Chiến bắt tại trại gia binh Thiết Giáp Phù Đổng Thiên Vương, Gò Vấp, sau khi hắn đã tàn sát dã man tòan thể gia đình Trung tá Tuấn, gồm cha mẹ và vợ con ông (trong đó có đứa 6 tuổi). Tuấn là bạn đồng khóa, rất thân với tướng Loan. Khi bị bắt, trong mình Lém vẫn còn dấu khẩu súng lục K-54 bị áo che khuất. Lém không được coi là tù binh chiến tranh theo Công Ước Geneva.
(10) Xem Chương 15: “Vào để giúp… Ra lại Bắn Nhau?”.
(11) Kế hoạch phòng hờ này được TS Hưng lược trình trong Chương 15, Sách đã dẫn. Đại sứ Martin gọi nó là “crazy” (điên rồ) và cực lực phản đối. Đại khái, nó bao gồm 3 phương sách thay thế nhau để di tản 6,000 người Mỹ và một số người Việt nhất định:
- Mỹ trải 2,000 TQLC dọc theo QL-15 (Sài Gòn – Vũng Tầu) giữ an ninh di tản.
- Mỹ thiết lập cầu không vận bằng C-130 và C-141 giữa Tân Sơn Nhất và Utapao.
- Mỹ thiết lập cầu không vận trực thăng giữa Sài Gòn và các quân vận hạm ngoài khơi Vũng Tầu.
(12) Ông mất ngày 14 tháng 7, 1998 ở tuổi 68











 
 
Vào lúc 4g30 sáng hôm đó, Nguyễn Văn Lém đã chỉ huy một đơn vị đặc công cùng với xe tăng của Tiểu Đoàn 2 Cơ Giới VC tấn công trại Phù Đổng của binh chủng Thiết Giáp ở Gò Vấp. Sau khi kiểm soát được trại lính, Bảy Lốp bắt giữ gia đình Trung Tá Nguyễn Tuấn và bắt Trung Tá phải chỉ dẫn cách xử dụng các xe tăng còn để lại trong trại. Trung Tá Tuấn từ chối, thế là Bảy Lốp giết chết toàn thể gia đình Trung Tá, gồm cả một bà mẹ già 80 tuổi. Chỉ có một bé trai 10 tuổi tuy bị thương nặng nhưng được cứu sống.
Đám tang cả gia đình Trung tá Nguyễn Tuấn bị tên đặc công Lém giết một lần

Ảnh "Vietnam, A Chronicle of the War",Black Dog & Leventhal Publishers, Inc. 2003,



Sự thành công của Adams cũng dấu được hối hận ray rứt trong lòng ông vì chính ông tự biết rằng bức hình không bao gìơ NÓI LÊN HẾT SỰ THỰC của một vấn đề.

Adams kể lại rằng sau khi bức hình Tướng Loan bắn Bẩy Lốp được gửi về trụ sở trung ương, thượng cấp của ông khuyến khích ông ráng chụp thêm nhiều bức hình giống như vậy, nhưng Eddie Adams nói rằng ông bắt đầu suy nghĩ về việc này.


Nhiếp ảnh gia Eddie Adams những ngày tại chiến trường VN

Càng tìm hiểu về Tướng Loan, ông càng ngưỡng mộ Tướng Loan về tài đức. Tướng Loan là người đang được dân chúng Việt Nam thương mến, ông là người làm tốt cho xứ sở ông. Ngay từ khi Cộng Sản tấn công vào Saigon, ông là vị Tướng duy nhất điều động lực lượng Cảnh Sát ngoài đường phố. Nếu không có Tướng Loan, không biết số phận Saigon sẽ ra sao? Vậy mà bức hình của ông lại gây ngộ nhận để công luận lên án Tướng Loan là tàn bạo.

Tên tuổi Adams bỗng nhiên nổi lên như cồn. Chỉ một năm sau, tức năm 1969, nhờ bức hình này, Adams lãnh luôn hai giải thưởng cao quý Pulitzer và World Press Photo. Nhưng thật lạ kỳ! Ông ta bắt đầu nhận ra có điều gì không ổn. Ông thuật lại rằng: “Tôi mặc bộ đồ dạ hội sang trọng để lãnh giải thưởng và tiền thưởng về bức hình đó tại Đại Hội Nhiếp Ảnh ở Hòa Lan. Khi ban nhạc trổi bài quốc ca Hoa Kỳ, tôi bật khóc. Không phải tôi khóc vì sung sướng, mà khóc cho Tướng Loan. Cho tới giờ phút đó, tôi vẫn chưa ý thức được việc tôi đã làm. Khi chụp tấm hình đó, tôi đã hủy hoại đời ông Tướng, vì ông bị dân chúng ở cả nước ông lẫn Hoa Kỳ lên án về tội giết tù binh chiến tranh. Trong bất cứ cuộc chiến nào, người ta cũng vẫn thường làm như vậy, nhưng hiếm có nhiếp ảnh viên nào chụp được mà thôi.”

Tên đặc công CS Nguyễn Văn Lém tự "Bảy Lốp"

Năm 1983, Adams trở lại Việt Nam và được biết tấm hình oan nghiệt của ông được trưng bày ở một chỗ rất trang trọng của Bảo Tàng Viện Chiến Tranh tại Saigon. Tuy nhiên, hiện nay không hiểu vì lý do gì, bức hình đã được gỡ bỏ, và chỉ được bày bán trong gian hàng bán đồ kỷ niệm tại Bảo Tàng Viện này thôi.
Sau năm 1975, có tới 8 người đàn bà đứng ra nhận là vợ của Nguyễn Văn Lém. Tuy nhiên, cho tới nay, xác của viên đặc công này vẫn chưa được tìm thấy.

Trong nhiều dịp khác nhau, Adams tiếp tục bày tỏ niềm ân hận về hậu quả bất công của tấm hình: “Tôi nhận tiền để trình diễn cảnh một người giết một người. Tướng Loan đã bắn chết tên Việt Cộng đã giết rất nhiều người dân vô tội và tướng Loan chỉ dùng công lý để xử tội hắn mà thôi..”
Vào năm 1994, Adams không muốn trưng bày bức hình oan nghiệt này nữa. Ông giải thích: “Nếu sự việc tái diễn, có lẽ tôi cũng lại chụp tấm hình như vậy, vì đó là nghề nghiệp mà! Nhưng tôi không còn muốn nói gì về bức hình ấy nữa. Tôi không trưng bày nó nữa. Tôi không xử dụng nó bất cứ tại nơi đâu.”


Ông thường nói rằng: “Tướng Loan là một vị anh hùng của chính nghĩa. Bức hình tôi chụp đã lừa dối công luận. Ông chiến đấu cho cuộc chiến của chúng ta, không phải cuộc chiến của họ. Vậy mà mọi điều nhục nhã lại đổ trên đầu con người này.”
Trong cuộc tỵ nạn của người Việt Nam năm 1975, Eddie Adams cũng đã chụp được những tấm hình nổi tiếng về cuộc vượt thoát can đảm, đầy gian nguy của thuyền nhân Việt Nam vào năm 1977. Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã xin phép hãng AP để gửi sang Quốc Hội các tấm hình này. Nhờ vậy, gần 200.000 thuyền nhân Việt Nam được chấp thuận định cư ở Hoa Kỳ. Eddie Adams sung sướng nói rằng: “Tôi thà được biết đến qua những bức hình tôi chụp 48 người Việt Nam tỵ nạn trên chiếc thuyền dài 30 foot, rồi bị hải quân Thái đuổi ra biển. Nhờ những tấm hình này, tôi đã làm được những điều tốt mà không gây đau khổ, oan nghiệt cho ai cả.”





Friday, June 8, 2012

Chuẩn Tướng Lý Bá Hỷ / Tư Lệnh Phó Biệt Khu Thủ Đô

S/Q 43/101.761
Sinh ngày 02 tháng 02-1923 tại Phong Dinh

1950: SVSQ Khóa 3 Trần Hưng Đạo / Võ Bị Đà Lạt
1951:Tốt nghiệp cấp bậc Thiếu Úy Huấn Luyện Viên Khóa 5, 7 và 9 Võ Bị Đà Lạt
1953: Trung Úy Đại Đội Trưởng sau là Tiểu Đòan Phó Trung Đòan Tác Chiến Ngự Lâm Quân, tham dự các cuộc hành quân Chiến Khu D, chiến khu Minh Thạnh Đồng Xòai, vùng Cao Nguyên, Duyên Hải và Đồng Tháp Mười.
1954: Đại Úy theo học khóa Tiểu Đòan Trưởng tại Sài gòn.
1955: Biệt Phái Bộ Nội Vụ phụ trách Huấn Luyện ngành Cảnh Sát
- Đại Úy Quận Trưởng Cao Lãnh tỉnh Kiến Phong.
- Đại Úy Quận Trưởng Phước Bình tỉnh Phước Long.
1962: Thiếu Tá Phó Tỉnh Trưởng Nội An Phước Long.
1967: Thiếu Tá Phó Tỉnh Trưởng Nội An Bình Long.
- Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Bình Long.
- Phó Nội An Tòa Đô Chánh Sài gòn, Chợ Lớn.
- Trung Tá theo học khóa Chỉ Huy Tham Mưu Fort Bragg North Carolina Hoa Kỳ.
- Trung Tá Tổng Thanh Tra Quân Đòan 3.
- Trung Tá Tổng Thanh Tra Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị.
1968: Đại Tá Chánh Văn Phòng Phủ Thủ Tướng ( Trần Văn Hương)
- Đại Tá Tư Lệnh Phó Biệt Khu Thủ Đô
1972: Ngày 1-11 Vinh Thăng Chuẩn Tướng Nhiệm Chức
1974: Ngày 1-3 Vinh Thăng Chuẩn Tướng Thực Thụ
1975: Sau khi Dương Văn Minh tuyên bố buông súng, Tướng Hỷ tập họp các Sĩ Quan Tham Mưu tại Bộ Tư Lệnh làm lễ hạ cờ và tuyên bố " kể từ giờ này các anh tự lo liệu lấy"
Sau 30 tháng 4 năm 1975 bị tù Cộng Sản cho đến 11-2-1988 và định cư tại Pháp.

Tác phẩm: 
Mes 4584 jours de re éducation au Vietnam 1994 (4584 ngày tù cải tạo tái bản lần thứ 5).