Tuesday, January 19, 2021

Trung Tướng Lâm Quang Thi (1932-2021)

Lâm Quang Thi (1932 - 19 tháng 01 năm 2021) nguyên là một tướng lĩnh gốc Pháo binh của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, cấp bậc Trung tướng. Ông xuất thân từ trường Võ bị Liên quân do Quốc gia Việt Nam mở ra ở Cao nguyên Trung phần Việt Nam. Chuyên môn Quân sự của ông là Pháo binh. Ông đã phục vụ ở Binh chủng này từ khi còn là Thiếu úy cho đến khi lên đến Trung tá suốt 12 năm liền (1951-1963). Sau ông được chuyển sang Tư lệnh các Sư đoàn Bộ binh, rồi Chỉ huy trưởng các cơ sở đào tạo nhân sự cho Quân đội. Sau cùng là Phó Tư lệnh của Quân đoàn I & Quân khu I. Ông cũng được mệnh danh là một vị "Tướng Pháo binh".

Tiểu sử & Binh nghiệp

Ông sinh ngày 7 tháng 5 năm 1932 trong một gia đình đã có mấy đời là đại điền chủ danh giá tại Vĩnh Trạch, Bạc Liêu, miền Tây Nam phần Việt Nam. Thời niên thiếu ông học ở trường Phan Thanh Giản, Cần Thơ. Kế tiếp lên Sài Gòn học ở trường Lycée Petrus Ký theo chương trình Pháp. Năm 1949, ông thi đậu Tú tài bán phần (Part I). Về sau, khi đã ở trong quân ngũ, ông học hàm thụ thi đậu bằng Tú tài II Triết học Pháp.[1]

Quân đội Quốc gia Việt Nam

Cuối tháng 9 năm 1950, thi hành lệnh động viên của Chính phủ Quốc gia Việt Nam, ông cùng người anh trai là Lâm Quang Thơ tình nguyện nhập ngũ vào Quân đội Quốc gia, mang số quân: 52/120.072. Được theo học khóa 3 Trần Hưng Đạo tại trường Võ bị Liên quân Đà Lạt khai giảng ngày 1 tháng 10 năm 1950. Ngày 1 tháng 7 năm 1951 tốt nghiệp với cấp bậc Thiếu úy hiện dịch. Ra trường tiếp tục theo học lớp căn bản Pháo Binh tại Trung tâm Huấn luyện Pháo binh Phú Lợi, Bình Dương. Sau đó, được huấn luyện thêm về chuyên môn Pháo binh tại Biên Hòa. Tháng 2 năm 1952 mãn khóa, ông được điều đến Pháo đội 3 đồn trú ở Bắc Ninh giữ chức vụ Trung đội trưởng.

Đầu năm 1953, ông được thăng cấp Trung úy, giữ chức vụ Pháo đội trưởng Pháo đội 2 đồn trú tại Hưng Yên. Tháng 5 cùng năm, Pháo đội 2 di chuyển về Vân Đồn, ông hoán chuyển nhiệm vụ với Trung úy Nguyễn Xuân Thịnh chuyển qua chỉ huy Pháo đội 1. Tháng 11, bàn giao Pháo đội 1 lại cho Trung úy Dương Thái Đồng.[2] Kế tiếp, ông chuyển vào Nam phục vụ tại Ban chỉ huy Tiểu đoàn 1 Pháo binh ở Bình Thuỷ, Cần Thơ trong chức vụ Sĩ quan Hành quân Tiểu đoàn. Tháng 12 cuối năm, chuyển sang làm Pháo đội trưởng Pháo đội 3 đồn trú tại Vĩnh Long.

Tháng 4 năm 1954, ông bàn giao Pháo đội 3 (đang hành quân ở Ban Mê Thuột) lại cho Trung úy Lê Trí Tín.[3] Đầu tháng 5, ông được thăng cấp Đại úy và được chọn đi du học lớp Pháo binh cao cấp (2 tháng) tại Trường Pháo binh Châtons-Sur-Marne, Pháp. Tháng 10 cuối năm, ông được cử làm Tiếu đoàn trưởng Tiểu đoàn 4 Pháo binh đồn trú tại Pleiku.

Quân đội Việt Nam Cộng hòa

Đầu năm 1955, ông bàn giao Tiểu đoàn 4 lại cho Đại úy Dương Thái Đồng. Sau đó, ông được cử làm Giám đốc Quân huấn Trung tâm Huấn luyện Pháo binh Phú Lợi (Bình Dương) do Trung tá Bùi Hữu Nhơn làm Chỉ huy trưởng. Tháng 7 cùng năm, ông được thăng cấp Thiếu tá, giữ chức vụ Chỉ huy trưởng Trung tâm thay thế Trung tá Bùi Hữu Nhơn được cử làm Chỉ huy trưởng Binh chủng Pháo binh Trung ương.

Tháng 7 năm 1956, ông được cử đi du học Pháo binh cao cấp tại Fort Still, Olahoma, Hoa Kỳ sau khi bàn giao Trường Pháo binh lại cho Thiếu tá Trần Văn Hào
Thiếu tá Trần Văn Hào sinh năm 1922 tại Nam Vang, tốt nghiệp khóa 5 Võ bị Liên quân Đà Lạt. Sau cùng là Đại tá Chỉ huy trưởng Pháo binh Quân đoàn IV. Tháng 11 cùng năm mãn khóa về nước phục vụ tại Bộ Tổng tham mưu. Qua tháng 2 năm 1957, chuyển về trường Đại học Quân sự do Trung tướng Trần Văn Minh (Lục quân) làm Chỉ huy trưởng. Ông được cử làm giảng sư và huấn luyện viên về Pháo binh. Tháng 12 cuối năm, chuyển ra miền Trung giữ chức vụ Chỉ huy trưởng Pháo binh Quân đoàn I. Tháng 9 năm 1958, ông được tháp tùng Phái đoàn Quân sự Việt Nam đi du hành thăm viếng các đơn vị và căn cứ quân sự của Đại Hàn Dân Quốc. Cuối năm 1959, ông chuyển trở về Bộ Tổng tham mưu giữ chức vụ Chỉ huy phó Binh chủng Pháo binh Trung ương.

Đầu tháng 11 năm 1960, Xử lý thường vụ chức vụ Chỉ huy trưởng Pháo binh Trung ương trong khi Đại tá Nguyễn Xuân Trang đi học lớp Chỉ huy Tham mưu cao cấp tại Hoa Kỳ. Ngay sau đó ông được thăng cấp Trung tá. Tháng 8 năm 1961, hoán đổi nhiệm vụ với Trung tá Nguyễn Xuân Thịnh[4], ông được cử làm Chỉ huy trưởng Pháo binh ở Bộ tư lệnh hành quân tại Bộ Tổng tham mưu, do Trung tướng Dương Văn Minh làm Tư lệnh. Tháng 2 năm 1963, ông được cử làm Trưởng phòng 3 tại Bộ Tư lệnh Lục quân do Trung tướng Trần Văn Đôn làm Tư lệnh. Tháng giêng năm 1964, được cử đi du học lớp Chỉ huy Tham mưu tại Học viện Fort Leavenworth, Kansas, Hoa Kỳ, tiếp theo học lớp Bảo toàn Dự phòng và lớp Hành quân chống dấy loạn tại 2 trường: Trường Thiết giáp Kỵ binh Fort Knox, Kentucky và Trường Fort Bragg, North Carrolina, Hoa Kỳ. Tháng 9 cùng năm mãn khóa về nước, ông được cử giữ chức vụ Phụ tá hành quân Tư lệnh Sư đoàn 7 Bộ binh. Hai tháng sau vào ngày Quốc khánh 1 tháng 11 ông được thăng cấp Đại tá, giữ chức vụ Tư lệnh phó Sư đoàn 7 do Chuẩn tướng Nguyễn Bảo Trị làm Tư lệnh. Cuối tháng 9 năm 1965, ông được bổ nhiệm chức vụ Tư lệnh Sư đoàn 9 Bộ binh thay thế Chuẩn tướng Vĩnh Lộc đi làm Tư lệnh Biệt khu Thủ đô. Tháng 2 năm 1966, ông được thăng cấp Chuẩn tướng tại nhiệm.

Ngày Quân lực 19 tháng 6 năm 1968, ông được thăng cấp Thiếu tướng tại nhiệm. Một tháng sau, bàn giao Sư đoàn 9 lại cho Đại tá Tư lệnh phó Trần Bá Di. Ngay sau đó, ông được bổ nhiệm chức vụ Chỉ huy trưởng trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt thay thế Đại tá Đỗ Ngọc Nhận[5]. Tháng 5 năm 1969, ông hướng dẫn Phái đoàn Quân sự đi thăm viếng trường Võ bị Thái Lan và Philippines. Tháng 11 cùng năm, hướng Phái đoàn thăm viếng trường Võ bị Đại Hàn, Đài Loan và Nhật Bản. Tháng 11 năm 1970, hướng dẫn Phái đoàn đến Hoa Kỳ thăm viếng các trường Võ bị Lục quân, Hải quân, Không quân và Võ bị West Point. Mùa hè năm 1971, ông tiếp tục được hướng dẫn Phái đoàn quân sự thăm viếng trường Võ bị Hoàng gia và trường Không quân ở Canberra, Thủ đô nước Úc. Ngày Quốc khánh Đệ nhị Cộng hòa 1 tháng 11 cùng năm, ông được thăng cấp Trung tướng tại nhiệm.

Trung tuần tháng 4 năm 1972, ông nhận lệnh bàn giao trường Võ bị Đà Lạt lại cho bào huynh là Thiếu tướng Lâm Quang Thơ, để đi nhận chức vụ Tư lệnh phó Quân đoàn I và Quân khu 1 (Tư lệnh Quân đoàn là Trung tướng Hoàng Xuân Lãm, một tháng sau Trung tướng Ngô Quang Trưởng nguyên Tư lệnh Quân đoàn IV được bộ Tổng tham mưu cử ra thay thế tướng Hoàng Xuân Lãm). Đầu tháng 9, ông kiêm Tư lệnh Tiền phương Quân đoàn I cho đến cuối tháng 3 năm 1975 (Bộ Tư lệnh Tiền phương đặt tại căn cứ Mang Cá trong Thành Nội Huế).

  • Bộ tư lệnh Tiền phương Quân đoàn I vào thời điểm tháng 3/1975, nhân sự được phân bổ trách nhiệm như sau:
    -Tham mưu trưởng - Đại tá Lê Ngọc Hy[6]
    -Tham mưu phó kiêm Trưởng phòng 5 - Trung tá Nguyễn Trinh[7]
    -Trưởng phòng 1 - Trung tá Bảo Thọ[8]
    -Trưởng phòng 2 - Trung tá Trần Khắc Đản[9]
    -Trưởng phòng 3 - Trung tá Lê Duy Hiền[10]
    -Trưởng phòng 4 - Trung tá Nguyễn Văn Thông[11]
    -Trưởng phòng 6 - Trung tá Đỗ Hữu Bảo[12]

1975

Ngày 29 tháng 3, ông di tản khỏi Đà Nẵng về Sài Gòn. Đêm ngày 29 tháng 4 tại bến Bạch Đằng, cùng với gia đình di tản ra khơi trên Soái hạm HQ-1.

Sau đó, gia đình sang định cư ở Hoa Kỳ, lúc đầu ở Thành phố Milpitas California, sau chuyển sang sống tại Thành phố Fremont, cũng thuộc Tiểu bang California.

Huy chương

-Bảo quốc Huân chương đệ tam đẳng (ân thưởng)
-Mười bảy Anh dũng Bội tinh với nhành dương liễu.
-Huy chương U.S Legion of Merit (Hoa Kỳ).
-Chương mỹ Bội tinh (Đại Hàn).

Bằng cấp về sau

-Tú tài II Triết học Pháp
-Cử nhân Xã hội học tại Viện Đại học University of San Francisco.
-Cao học Quản trị kinh doanh (Master Degree of Business Administration) tại Viện Đại học Golden Gate University, San Francisco.

Tác phẩm

- Autopsy-The Death of South Vietnam (Khám nghiệm cái chết của miền Nam Việt Nam).
- The Twenty-Five Year Century (Hai mươi lăm năm trong một thế kỷ).
- Rolling Thunder in a Gentle Land.

Gia đình

  • Song thân: Cụ Lâm Quang Diêu (Kỹ sư) và cụ Diệp Thị Hiền (1909-2002)
  • Bào huynh: Ông Lâm Quang Thơ (Thiếu tướng Việt Nam Cộng hòa)
  • Bào đệ:
    -Ông Lâm Quang Thới (Sinh năm 1933, tốt nghiệp khóa 10 Võ bị Đà Lạt, Trung tá Bộ binh VNCH)
    -Ông Lâm Quang Thân (Sinh năm 1936, tốt nghiệp khóa 14 Võ bị Đà Lạt, Thiếu tá Không quân VNCH)
  • Phu nhân: Bà Tô Ngọc Bích - Ông bà có ba người con gồm 2 trai, 1 gái. Người con trai là Andrew Lâm, hiện đang là một nhà văn và phóng viên.

Qua đời

Ông qua đời ngày 19 tháng 1 năm 2021, hưởng thọ 88 tuổi, sau 14 ngày chống chọi với Bệnh virus corona 2019[13].


TRUNG TƯỚNG LÂM QUANG THI
Người Con Xưa Đã Trở Về Trường Mẹ
 
Từ hơn một năm qua, trong mùa đại dịch Vũ Hán, hầu hết dân chúng trên nước Mỹ, và cả thế giới, đều giữ liên lạc và thông tin qua các hệ thống mạng xã hội. Sinh hoạt của các Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Của Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam (CSVSQ/TVBQGVN) ở hải ngoại cũng chung một hoàn cảnh.
Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam (TVBQGVN) được thành lập từ năm 1948, và ngưng hoạt động sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, với tổng số 31 khóa chính và 2 khóa phụ. Trong khoảng thời gian đó, Trường đã đào tạo được khoảng 6 ngàn sĩ quan hiện dịch cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QL/VNCH).
Có thể nói rằng trong những trận chiến lẫy lừng, chiến công hiển hách của QL/VNCH đều có sự tham dự của những sĩ quan xuất thân từ TVBQGVN (Võ Bị). Sự hy sinh anh dũng của họ đã được ghi nhớ trong quân sử và được ca ngợi trong văn, thơ và âm nhạc.
Trên chiến trường, các sĩ quan xuất thân TVBQGVN đã được biết đến là những người "Sống hùng, sống mạnh, nhưng không hứa là sẽ sống lâu." Bởi vì họ là những người "Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao."
Đành rằng là như thế, nhưng sáng ngày 19 tháng 1 năm 2021, đọc tin Niên Trưởng Lâm Quang Thi qua đời, sau 14 ngày chống cự với con virus Vũ Hán, thì không khỏi bàng hoàng, xúc động. Cho dù biết rằng với số tuổi gần 90 của ông thì "ngày trở về Đài Tử Sĩ ở Vũ đình trường Lê Lợi", nơi hội họp sau cùng để điểm danh CSVSQ/TVBQGVN, cũng không còn bao xa.
Cá nhân chúng tôi trong bốn năm thụ huấn tại TVBQGVN thì ông là Chỉ Huy Trưởng, và ông là người có công chuyển sự huấn luyện quân sự trở thành Liên Quân Chủng (Hải-Lục-Không quân) và, sau đó, được cấp thêm bằng "Cử Nhân Khoa Học Ứng Dụng", được chứng nhận bởi bộ Quốc gia Giáo dục.
Ra hải ngoại, Niên Trưởng Lâm Quang Thi vẫn luôn nhắc nhở chúng tôi bằng câu nói của tướng De Gaulle của Pháp "Nous avons peut-être perdu la bataille, mais pas la guerre - Chúng ta có thể đã thua một trận chiến, nhưng không phải là một cuộc chiến", với hy vọng là một ngày nào đó sẽ khôi phục lại nền cộng hòa, dân chủ trên quê hương Việt Nam.
Sau 1975, khi định cư ở Hoa Kỳ, ông đã đậu thêm bằng Cử nhân Xã hội học (Viện Đại học University of San Francisco) và bằng Cao học Quản trị Kinh doanh (Master Degree of Business Administration, Viện Đại học Golden Gate University, San Francisco).
Ông cũng đã xuất bản ba quyển sách, bằng tiếng Anh, về chiến tranh Việt Nam:
Autopsy - Khám nghiệm cái chết của miền Nam Việt Nam.
The Twenty-Five Year Century - Ký ức của một vị tướng lãnh miền Nam Việt Nam về chiến tranh Đông Dương sau khi Sài Gòn thất thủ. (University of North Texas Press, 2001, ISBN 1-57441-143-8)
Hell in An Loc - Trận chiến đã cứu miền Nam Việt Nam thoát khỏi sự xâm lăng của cộng sản Bắc Việt năm 1972. (University of North Texas Press, 2011, ISBN 1-57441-313-9)
Có lẽ Niên Trưởng Lâm Quang Thi là vị tướng lãnh duy nhất của QL/VNCH vẫn tiếp tục chiến đấu bằng ngòi bút và ngôn ngữ bản xứ (tiếng Anh) để bảo vệ danh dự cho Việt Nam Cộng Hòa và QL/VNCH với các tác phẩm nói trên và các bài viết trên các trang báo tiếng Anh. (1)
Ông cũng là người có công thúc đẩy việc hoàn tất quyển "Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam - Theo Dòng Lịch Sử". Ông đã mở đầu bài giới thiệu bằng một câu có thể xem là danh ngôn của một tướng lãnh để hậu thế noi gương
Lịch sử của một quốc gia gắn liền với lịch sử của quân đội, vì sự hưng vong của quốc gia tuỳ thuộc vào sức mạnh và khả năng chiến đấu của quân đội quốc gia đó .
The history of a country is tied to the history of the army, because the survival of a nation depends on the strength and fighting ability of that nation's army.
Quyển "Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam - Theo Dòng Lịch Sử" là một chứng tích của sức mạnh và khả năng chiến đấu của hơn 6 ngàn sĩ quan tốt nghiệp TVBQGVN. Trong đó có Trung tướng Lâm Quang Thi là một CSVSQ khóa 3, và cũng là cựu Chỉ Huy Trưởng TVBQGVN trong khoảng thời gian 1968-1972.
Sau khi được đọc quyển sách này, tác giả Trần Trung Đạo đã viết:
"Tôi được tặng sách khá nhiều nhưng chưa hề thấy một công trình tập thể phong phú và đầy đủ như thế. Tôi gọi tác phẩm là kỷ vật lịch sử của các bậc cha chú để lại cho các thế hệ Việt Nam tương lai. Chứa đựng trong trên 800 trang khổ lớn bìa dày là một lịch sử dài của Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam với rất nhiều bài viết, nhiều hình ảnh màu, nhiều câu chuyện bi hùng.
Bài đầu tiên của tác phẩm 'Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam - Theo Dòng Lịch Sử' là lời nói đầu của Trung Tướng Lâm Quang Thi, cựu chỉ huy trưởng của trường từ 1968 đến 1972."
Ở đây, chúng tôi cũng xin nêu lên một vài đặc điểm của những người xuất thân từ TVBQGVN:
Trong sinh hoạt hàng ngày, trên chiến trường cho đến ngày nay, chúng tôi vẫn gọi người khóa đàn anh là Niên Trưởng, và gọi khóa sau là Anh, bất kể cấp bậc.
Xin kể vài mẩu chuyện vui về cách xưng hô của các CSVSQ/TVBQGVN:
Chúng tôi gọi TVBQGVN là Trường Mẹ và khóa đàn anh là Niên Trưởng, với ngụ ý rằng chúng tôi là anh em, con cùng một Mẹ.
Niên Trưởng Trương Quang Ân (cố Thiếu Tướng, CSVSQ khóa 7 TVBQGVN) đã từng nói với khóa đàn em "Các anh có thể có học vấn hơn tôi, cấp bậc và chức vụ hơn tôi. Thế nhưng các anh không thể qua mặt tôi ở địa vị Niên Trưởng. Đó là truyền thống của TVBQGVN, các anh hãy nhớ điều đó."
Một người bạn cùng khóa của chúng tôi về Biệt Động Quân, anh ta luôn gọi vị Tiểu Đoàn Trưởng (TĐT) với cấp bậc Thiếu Tá, cho dù vị TĐT này là một đàn anh Võ Bị. Sau một tháng, vị TĐT gọi anh ta lên và hỏi "Anh về đây với tôi đã được một tháng, anh có điều không vừa ý thì hãy nói thẳng cho tôi biết."
Anh bạn tôi quá ngạc nhiên, trả lời "Thiếu Tá đối với tôi quá tốt. Tôi thực tình không có gì để phàn nàn cả."
Vị TĐT nói "Thế thì tại sao anh không gọi tôi là Niên Trưởng cho dù biết tôi cũng là Võ Bị?" Anh bạn tôi bèn tự giác làm 10 cái hít đất để nhận lỗi.
Một chuyện khó quên là vào một Đại Hội Võ Bị toàn cầu, trong khi chúng tôi đang vây quanh bàn của Niên Trưởng Lâm Quang Thi và các Đại Niên Trưởng để "cụng ly" thì phu nhân của Niên Trưởng Thi lên tiếng "Các anh này lạ thật. Các anh gọi các ông nhà tôi là Niên Trưởng mà gọi chúng tôi là 'bác' thì nghĩa là làm sao?" Thế là chúng tôi vội vàng xin lỗi để gọi bằng chị, cho dù về tuổi tác thì quý chị đều đáng tuổi mẹ của chúng tôi !!!
Như thế, đối với các CSVSQ/TVBQGVN thì hai chữ Niên Trưởng có giá trị gấp ngàn lần chức vụ hay cấp bậc.
Trở lại với sự ra đi, hay "trở về Trường Mẹ", của Niên Trưởng Lâm Quang Thi, thì chúng tôi rất tiếc rằng Niên Trưởng không có dịp tham dự Đại Hội Võ Bị kỳ thứ 22, bị dời lại vì con virus Vũ Hán, và nghe bài hát "Hướng Về Trường Mẹ" mà chúng tôi hân hạnh viết để chào mừng Đại Hội (2).
Để tưởng nhớ và thương tiếc Niên Trưởng Lâm Quang Thi, chúng tôi xin mượn bài thơ "Chí Làm Trai" của cụ Nguyễn Công Trứ để thay lời tạ từ trong lần cuối, nghiêm chỉnh chào kính, tiễn đưa Niên Trưởng trong ngày hết nợ tang bồng để trở về Trường Mẹ:
Vòng trời đất dọc ngang, ngang dọc,
Nợ tang bồng vay giả, giả vay.
Chí làm trai nam bắc đông tây,
Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể.
Nhân sinh tự cổ thuỳ vô tử,
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh.
Đã hẳn rằng ai nhục với ai vinh,
Mấy kẻ biết anh hùng khi vị ngộ.
Cũng có lúc mưa dồn sóng vỗ,
Quyết ra tay buồm lái với cuồng phong.
Chí những toan dời núi lấp sông,
Làm nên tiếng anh hùng đâu đấy tỏ.
Đường mây rộng thênh thênh cử bộ,
Nợ tang bồng trang trắng, vỗ tay reo.
Thảnh thơi thơ túi, rượu bầu.
 
Bùi Phạm Thành

No comments:

Post a Comment