Đề Đốc Trần Văn Chơn và các Chiến Hữu trong chuyến viếng thăm Nam California 2016 trong dip Khánh Thành Tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo tại Đại Lộ Bolsa Thành Phố Westminster
Tiểu sử đô đốc Trần Văn Chơn.
Ông sinh ngày 24 tháng 9, 1920, quê ở Vũng Tầu. Tốt nghiệp và phục vụ trong ngành Hàng hải. Sau đó được chuyển sang Hải quân và đã phục vụ trong quân chủng này cho đến ngày giải ngũ (1974). Sau khi tốt nghiệp trung học chương trình Pháp với văn bằng Tú tài I ông thi vào ngành Hàng hải Pháp tại Sài Gòn. Từ năm 1941 đến năm 1949, phục vụ ở ngành này ông đã tốt nghiệp Cơ khí,Vô tuyến, Hoa tiêu và Thuyền trưởng Hàng hải Thương thuyền. Cuối năm 1951, ông qua Hải quân. Theo học khoá 1 tại trường sĩ quan Hải quân Nha Trang, ngành Chỉ huy với tổng số 9 khoá sinh. Tất cả được đưa xuống Hàng không mẫu hạm Arromanches để huấn luyện, sau đó luân chuyển qua các chiến hạm Viễn đông của Hải quân Pháp: Foudre, Lamotte Piquet v.v Năm 1952, khoá học về Nha Trang để tiếp tục thụ huấn cho đến ngày mãn khóa. Ông tốt nghiệp Thủ khoa với cấp bậc Thiếu úy. Ra trường ông chỉ huy 4 Trung vận đỉnh với nhiệm vụ mở đường, rà mìn và tuần tiễu phục vụ trong Hải đoàn Xung phong. Cùng tốt nghiệp khoá 1 Hải quân với ông còn có 4 bạn cùng khóa sau này thay nhau làm tư lệnh Hải Quan VNCH. Chung Tấn Cang, Lê Quang Mỹ, Hồ Tấn Quyền và Lâm Ngươn Tánh. Năm 1953, thăng cấp Trung úy Chỉ huy phó Hải đoàn Xung phong ở Vĩnh Long. Năm 1954, ra Bắc làm Chỉ huy phó Hải đoàn Xung phong Ninh Giang. Tháng 6 cùng năm, Hải đoàn Ninh Giang di chuyển vào Nam, đặt căn cứ tại Mỹ Tho và cải danh thành Hải đoàn Mỹ Tho do Đại úy Lê Quang Mỹ làm Chỉ huy trưởng.
Về miền Nam
Năm 1955, thăng cấp Đại úy Chỉ huy trưởng Trợ chiến hạm Linh Kiếm HQ-226. Chỉ huy trưởng Lực lượng Giang đoàn thay thế HQ Thiếu tá Lê Quang Mỹ đi làm Tư lệnh Quân chủng Hải quân. Năm 1956, thăng cấpThiếu tá và năm 1957, ông được bổ nhiệm Tư lệnh Hải quân thay thế Đại tá Lê Quang Mỹ. Sau 2 năm tư lệnh 1959, ông bàn giao cho Thiếu tá Hồ Tấn Quyền. Cũng năm 1959 ông thăng cấp Trung tá. Qua đầu năm 1960, ông là sĩ quan cao cấp của Quân chủng Hải quân đầu tiên được cử đi học lớp Chỉ huy tại trường Hải chiến tại Newport, Rhode Island, Hoa Kỳ. Tháng 6 cùng năm trở về nước, ông được tái nhiệm chức Giám đốc Hải quân Công xưởng và qua đầu năm 1961, ông kiêm nhiệm thêm chức vụ phụ tá cho Đại tá Dương Ngọc Lắm, Tổng Giám đốc Bảo an và Dân vệ. Qua tháng 2 năm 1962, ông nhận nhiệm vụ mới với chức vụ Chỉ huy trưởng Lực lượng Tuần giang. Ngày lễ Quốc khánh Đệ nhị Cộng hòa 1 tháng 11 năm 1966, ông được thăng cấp Đại tá và được tái nhiệm chức Tư lệnh Hải quân thay thế Trung tướng Cao Văn Viên (nguyên là Tổng tham mưu trưởng, tạm thời kiêm nhiệm chức Tư lệnh Hải quân). Ngày Quân lực 19 tháng 6 năm 1968, ông được vinh thăng Phó Đề đốc. Cũng trong năm này, Hải quân Việt Nam Cộng hòa cải tổ thêm quân số và nhận lãnh các chiến hạm do Hoa Kỳ chuyển giao. Ngày 1 tháng 11 năm 1970, ông được vinh thăng Đề đốc rồi lên phó Đô đốc.. Ngày 1 tháng 11 năm 1974, ông được giải ngũ vì đáo hạn tuổi và đã có trên 20 năm quân vụ sau khi bàn giao chức Tư lệnh Hải quân lại cho Đề đốc Lâm Ngươn Tánh
Sau 1975.
Sau ngày 30 tháng 4, dù được hải quân VNCH và hải quân Hoa Kỳ đưa đi nhưng ông là vị tướng duy nhất của Hải quân quyết định ở lại bị bắt đi tù cải tạo. Lần lượt trải qua các trại giam: Quang Trung, Yên Bái, Nam Hà cho đến ngày 14 tháng 9 năm 1987 sau năm 12 năm ông mới được trả tự do. Tháng 12 năm 1991, ông cùng gia đình xuất cảnh theo diện HO do và định cư tại San Jose, California, Hoa Kỳ.
Gia đình Phu nhân: Bà Lâm Thị Loan. Ông bà có 10 người con gồm 6 trai, 4 gái. Trưởng nam: Hải quân Đại uý Trần Minh Chánh (khoá 24 Võ bị Đà Lạt và khóa 1 sĩ quan đặc biệt Hải quân).Đại úy Chánh là hạm trưởng đưa tàu theo hạm đội ra đi, sau đó quay về với gia đình và 2 cha con đều vào tù.
Bản tin giờ chót, bà Lâm thị Loan ra đi.
Khi chúng tôi vừa soạn xong tiểu sử cuộc đời hết sức sống động của niên trưởng Trần Văn Chơn thì sáng hôm sau có tin cải chính. Bà đô đốc đã ra đi sau nhiều năm bị đau ốm tại nhà. Riêng ông đô đốc vẫn còn khỏe mạnh. Bà ra đi hưởng thọ 90 tuổi. Phần ông năm nay 96 tuổi vẫn còn hết sức sáng suốt tinh tường. Phần thể chất cũng còn rất tương đối. Chúng tôi hỏi thăm qua điện thoại, niên trường vô cùng xúc động vì người bạn đường mới bỏ đi. Ông bà đã ở với nhau suốt 71 năm với 10 người con và các cháu hiện còn đầy đủ tại 3 quốc gia. Hoa Kỳ, Canada và Úc Châu. Ngày thứ ba chúng tôi ghé lại thăm niên trưởng và lần này không nói đến chuyện cộng đồng, chiến tranh, quân ngũ. Tôi hỏi chuyện tình của vị đô đốc cao niên. Hỏi rằng ông bà gặp nhau ra sao. Chuyện yêu đương tình tứ thế nào. Thôi rồi tâm sự ông già tuôn trào như cởi được tấm lòng. Đó là thời gian của hơn 70 năm về trước. Có chàng thanh niên là sĩ quan truyền tin của hàng hải thương thuyền. Quan tầu biển mặc đồ trắng, nhận dáng ngon lành. Chàng lãnh lương gấp 3 lần thầy thông thầy phán Sài Gòn. Chàng lại mới ngoài 20 tuổi, chưa lập gia đình. Nhưng thời đó cậu Chơn Vũng Tàu cũng không phải là chàng trai xông xáo đi tìm vợ. Gặp được cô Loan là nữ sinh Sài Gòn cũng do các bà mẹ giới thiệu. Cậu Chơn kể lại rằng suốt một năm dài đi chơi với cô Loan luôn luôn có bà mẹ vợ tương lai kèm thêm bà gì đi đàng sau. Hình như mãi đến ngày cưới cô cậu mới cầm tay nhau. Đó là thời kỳ sau đệ nhị thế chiến 1945. Trước đó Sài gòn còn trải qua một thời chiến tranh ác liệt. Thương thuyền đậu ngay tại bến Sài Gòn. Nhật vừa đảo chính Pháp. Máy bay Mỹ và đồng minh đánh phá hàng ngày. Nhưng may tàu của ông không bị oanh tạc. Tiếp theo, cuộc đời của ông quan hải quân thăng tiến theo sự bành trướng của quân chủng. Ông đã từng hai lần chỉ huy hải quân công xưởng. Hai lần làm tư lệnh hải quân.Thủ khoa khóa 1 sỹ quan hải quân ngành chỉ huy. Tổng cộng toàn khóa có 9 khoá sinh mà đã có đến 5 vị thay phiên làm tư lệnh. Tôi hỏi thăm về những ngày đen tối của cuộc đời thì ông Chơn cho biết hơn 12 năm tù cộng sản ông còn bị tù VNCH. Niên trường cười hiền hậu nói rằng sau thời cách mạng mình mới đi học về là bị bắt giam trong an ninh quân đội hơn một tháng. Sao lại bị bắt. Ông nói. Bị tình nghi là phe ông Diệm.
Sau đó được thả ra. Sao lại được ra. Bị nghi là không phải phe ông Diệm. Tôi hỏi thêm, Vậy niên trưởng có thân với ông Thiệu không. Không. Ông Thiệu không nhắc nhở gì đến mình cả. Chẳng có được mời lên họp trên dinh độc lập. Sao không thân mà lại để niên trưởng làm tư lệnh. Có thể ông thấy mình vô hại. Hải quân chỉ đánh giặc. Hải quân không làm đảo chính được như không quan dọa đánh bom. Có thể hải quân chỉ giúp các ông xuống tàu chạy ra biển. Bây giờ xin hỏi chuyện bà đô đốc. Bao năm nay không thấy bà xuất hiện. Ông nói, mấy năm trước vợ chồng chúng tôi vẫn đi bộ quanh xóm. Sau này nhà tôi trong người không khỏe và đầu óc không minh mẫn nên nằm một chỗ. Tôi và các con lo cho bà.Vậy suốt 70 năm bên nhau niên trưởng thấy thế nào. Thế nào là làm sao. Anh hỏi gì lạ vậy. Chúng tôi có 10 con và bao nhiêu cháu. Vậy niên rương có buồn không. Ông niên trưởng đô đốc nhìn vào khoảng không mà không trả lời. Ông nói một mình bảy mươi mốt năm. Rồi ông quay lại nói với tôi. Anh uống nước đi. Qua mái tóc bạc của vị đó đốc cao niên tôi nhìn thấy có chàng thanh niên đồng phục trắng của sĩ quan hàng hải thương thuyền đứng bên cạnh có nữ sinh Sài Gòn, áo dài vai bồng, tóc chải lệch một bên. Đó là thời gian đệ nhị thế chiến vừa chấm dứt. Chàng và nàng làm đám cưới vừa xong. Năm đó là năm 1945. Hình như vào năm sau 1946 đứa con trai đầu tiên ra đời. Anh Trần Minh Chánh sau này là hải quân hạm trưởng lái tàu ra khơi trả con tàu cho Mỹ rồi quay trở về để cùng cha đi tù cộng sản. Bây goi anh Chánh ở Nam Ca, trong danh sách các con của cụ bà Lâm Thị Loan trong bản cáo phó đứng đầu hàng Trưởng Nam. Ông bà sống bên nhau 71 năm thì anh con trưởng cũng đã cao niên ở tuổi 70. Tôi mở lại bài ca trong Youtube. Dậy mà di, Dậy mà di. Ai chiến thắng mà không từng chiến bại. Ai khôn ngoan mà không dại một lần. Cha con ông đô đốc đã quyết định ở lại cùng đi tù cộng sản. Nhưng ngày nay bên nhau tiễn đưa bà mẹ hiền thiếu phụ Sai Gòn về nơi vĩnh cửu. Ở đời biết đâu là khôn hay dại. Hạnh phúc định nghĩa làm sao. Cả miền Nam bao phen chiến thắng nhưng chỉ một lần chiến bại. Phải chăng là mất hết chỉ còn có nhau. Tôi vẫn hỏi. Niên trưởng cao niên 96 tuổi có hạnh phúc không. Ông lại nói Chúng tôi có 71 năm lăm tuổi trẻ và 10 con. Anh chỉ hỏi vớ vẩn. Tôi bắt tay ông và nắm với cả hai bàn tay. Thương nhau tay nắm lấy bàn tay...
No comments:
Post a Comment