Sunday, August 20, 2023

Trung Tướng Phạm Quốc Thuần (1926-2023)





Trung Tướng Phạm Quốc Thuần 

Sinh năm 1926 Ông xuất thân từ những khóa đầu ở trường Võ bị Liên quân được Quốc gia Việt Nam mở ra ở Cao nguyên Trung phần Việt Nam. Trước khi gia nhập Quân đội, ông đã là một công chức của nhà nước Bảo hộ Pháp. Thời gian tại ngũ, ông đã theo đúng hệ thống của một sĩ quan chỉ huy, bắt đầu từ chức vụ chỉ huy cấp Trung đội và tuần tự đến chỉ huy cấp Quân đoàn. Trước khi là chỉ huy Sư đoàn Bộ binh, ông cũng đã từng là Tham mưu trưởng của Sư đoàn. Tương tự như vậy, trước khi lên làm Tư lệnh Quân đoàn, ông cũng đã là Tham mưu trưởng. Mặc dù có thời gian ông được chuyển sang lĩnh vực khác như Chỉ huy các cơ sở đào tạo nhân sự của Quân đội... nhưng chỉ là một thời gian rất ngắn, rồi nhanh chóng được chuyển trở về với chuyên môn của mình.

Tiểu sử & Binh nghiệp

Ông sinh ngày 31 tháng 8 năm 1926 trong một gia đình khá giả có thân phụ là công chức tại tỉnh Hà Đông, miền Bắc Việt Nam. Năm 1945, ông tốt nghiệp Trung học Đệ nhất cấp chương trình Pháp với văn bằng Thành Chung tại Hà Đông. Tiếp theo ông được lên học tại trường Trung học phổ thông ở Hà Nội, cũng theo hệ Phổ thông chương trình Pháp, năm 1948 ông tốt nghiệp văn bằng Tú tài toàn phần (Part II). Kế tiếp, ông theo học khóa 2 Hành chính và tốt nghiệp năm 1950. Sau đó được Chính quyền Bảo hộ Pháp bổ nhiệm làm Quận trưởng quận Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây.

Quân đội Quốc gia Việt Nam

Cuối tháng 6 năm 1951, thi hành lệnh động viên của Quốc trưởng Bảo Đại, ông nhập ngũ vào Quân đội Quốc gia,[1] mang số quân: 46/302.312. Theo học khoá 5 Hoàng Diệu tại trường Võ bị Liên quân Đà Lạt, khai giảng ngày 1 tháng 7 năm 1951. Ngày 24 tháng 4 năm 1952 mãn khóa tốt nghiệp với cấp bậc Thiếu úy hiện dịch. Ra trường, ông được chuyển về một đơn vị Bộ binh giữ chức vụ Trung đội trưởng thuộc Đại đội 4 Tiểu đoàn 18 Việt Nam, đồn trú tại Khu chiến Phát Diệm, Ninh Bình.

Đầu năm 1953, ông được thăng cấp Trung úy và được cử làm Đại đội trưởng Đại đội 4 kiêm Trưởng đồn Điền Hộ, Nga Sơn, Thanh Hóa. Sau đó chuyển sang làm Đại đội trưởng Đại đội 3 kiêm Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn Khinh quân 719, đồn trú tại Khu chiến Bùi Chu, Nam Định. Cuối năm, ông được thăng cấp Đại úy và được cử làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 55 Việt Nam đồn trú tại Bình Lục, Phủ Lý thay thế Đại úy Đặng Văn Quang đi du học khóa Tham mưu tại trường Tham mưu Pháp. Sau khi Hiệp Định Genève ngày 20 tháng 7 năm 1954 được ký kết, cùng đơn vị di chuyển vào Nam, ông được cử làm Trưởng phòng 3 Tiểu khu Phú Quốc.

Quân đội Việt Nam Cộng hòa

Đầu năm 1955, ông được chuyển công tác về làm Trưởng phòng 3 Tiểu khu Gia Định. Tháng 5 cùng năm, ông được chuyển sang làm Trưởng ban Đồn trú thuộc Phòng 3 Bộ Tổng Tham mưu. Cuối năm, sau khi Thủ tướng Diệm cải danh Quân đội Quốc gia thành Quân đội Việt Nam Cộng hòa, ông chuyển công tác đi giữ chức vụ Trưởng ban Hành quân thuộc Phòng 3 Bộ Tư lệnh Đệ nhất Quân khu Nam Việt. Tháng 3 năm 1956, ông được cử làm Chỉ huy Trung đoàn 33 thuộc Sư đoàn 13 Khinh chiến[2] Ngày Quốc khánh Đệ nhất Cộng hòa 26 tháng 10 năm 1959, ông được thăng cấp Thiếu tá tại nhiệm

Đầu năm 1960, ông được cử làm Tham mưu trưởng Sư đoàn 21 Bộ binh[3] hoán chuyển nhiệm vụ với Thiếu tá Bùi Dinh.[4] Tháng 6 cùng năm ông được tuyển theo học Anh ngữ tại Bộ chỉ huy Tiếp vận 3 để chuẩn bị đi du học lớp Chỉ huy Tham mưu cao cấp tại Hoa Kỳ, nhưng bị ngưng lại do xảy ra cuộc chính biến ngày 11-11-1960.[5] Ngay sau đó, ông được chuyển ra miền Trung làm Tham mưu trưởng Sư đoàn 22 Bộ binh do Đại tá Nguyễn Bảo Trị làm Tư lệnh. Tháng 8 năm 1962, ông tiếp tục được cử đi học lớp Tham mưu cao cấp (khóa 1962 - 2) thụ huấn 16 tuần tại Học viện Fort Leavenworth, Kansas, Hoa Kỳ[6]. Đầu năm 1963 mãn khóa học về nước, ông được cử làm Tham mưu trưởng Sư đoàn 5 Bộ binh.[7]

Ngày 1 tháng 11 năm 1963, cuộc đảo chính Tổng thống Diệm do một số tướng lãnh trong Quân đội cầm đầu, ông là một trong các sĩ quan cao cấp của Sư đoàn 5 bộ binh do Đại tá Nguyễn Văn Thiệu chỉ huy tiến công Dinh Độc Lập. Cuộc đảo chính thành công, ngày 2 tháng 11 ông được thăng cấp Trung tá tại nhiệm.

Đầu tháng 2 năm 1964, sau cuộc Chỉnh lý nội bộ do tướng Nguyễn Khánh cầm đầu, ông được chuyển về làm Phụ tá tại Nha Tổng giám đốc Bảo an[8] do Thiếu tướng Dương Ngọc Lắm làm Tổng giám đốc. Tháng 9 cùng năm chuyển xuống miền Tây Nam phần, ông được chỉ định làm Tham mưu trưởng Quân đoàn IV & Vùng 4 chiến thuật do Thiếu tướng Nguyễn Văn Thiệu làm Tư lệnh. Ngày 1 tháng 11 cuối năm (kỷ niệm một năm ngày đảo chính 1 tháng 11 năm 1963 thành công), ông được thăng cấp Đại tá tại nhiệm. Tháng 2 năm 1965, ông được chuyển về Bộ Quốc phòng giữ chức vụ Phụ tá Quân sự cho Tổng tưởng là Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu.[9] Tháng 7 cùng năm, ông được bổ nhiệm làm Tư lệnh Sư đoàn 5 Bộ binh thay thế Chuẩn tướng Trần Thanh Phong về làm Trưởng phòng 3 Bộ Tổng tham mưu. Ngày Quân lực 19 tháng 6 năm 1966, ông được thăng cấp Chuẩn tướng tại nhiệm.[10] Hai năm sau (1968), cũng vào ngày Quân lực 19 tháng 6, ông được thăng cấp Thiếu tướng tại nhiệm. Cùng năm, ông được cử làm Trưởng phái đoàn đi du hành quan sát các cơ sở Quân sự ở Đài Loan.

Ngày 15 tháng 8 năm 1969, ông nhận lệnh bàn giao Sư đoàn 5 lại cho Chuẩn tướng Nguyễn Văn Hiếu. Ngay sau đó, được cử giữ chức vụ Chỉ huy trưởng trường Bộ binh Thủ Đức thay thế Chuẩn tướng Lâm Quang Thơ đi làm Tư lệnh Sư đoàn 18 Bộ binh. Tháng 8 năm 1971, ông được thăng cấp Trung tướng tại nhiệm. Tháng 4 năm 1973, ông được cử kiêm chức vụ Trưởng đoàn Việt Nam Cộng hòa trong Ủy ban Liên hợp 2 bên tại Trại Davis cạnh phi trường Tân Sơn Nhất. Ngày 29 tháng 10 cùng năm, bàn giao chức vụ trưởng đoàn trong Ủy ban liên hợp lại cho Chuẩn tướng Phan Hòa Hiệp, ông được bổ nhiệm làm Tư lệnh Quân đoàn III và Quân khu 3, hoán chuyển nhiệm vụ với Trung tướng Nguyễn Văn Minh.[11] Ngày Quốc khánh Đệ nhị Cộng hòa 1 tháng 11 năm 1974, ông thuyên chuyển ra Nha Trang giữ chức vụ Chỉ huy trưởng trường Trường Hạ sĩ quan Đồng Đế, hoán chuyển nhiệm vụ với Trung tướng Dư Quốc Đống.[12]

1975

Ngày 2 tháng 4, ông di tản khỏi Nha Trang theo Bộ tư lệnh Quân đoàn II và Quân khu 2 về Sài Gòn. Khuya ngày 29 tháng 4 năm 1975 rời Sài Gòn di tản ra khơi trên Tuần dương hạm Trần Quang Khải HQ-2 do Hải quân Trung tá Đinh Mạnh Hùng (sinh năm 1938, tốt nghiệp khoá 11 Trường Sĩ quan Hải quân Nha Trang) làm Hạm Trưởng.

Sau đó, ông được qua định cư tại Portland, Oregon, Hoa Kỳ.

Huy chương

-Bảo quốc Huân chương đệ tam đẳng (ân thưởng)
-12 Anh dũng Bội tinh với nhành dương liễu
-3 Anh dũng Bội tinh với ngôi sao vàng
-2 Anh dũng Bội tinh với ngôi sao bạc
-Huy chương danh dự Silver Star (Do Chính phủ Hoa Kỳ trao tặng).
 

FOUNTAIN VALLEY, California (NV) – Cựu Trung Tướng Phạm Quốc Thuần, người từng là chỉ huy trưởng Trường Hạ Sĩ Quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), qua đời tại Fountain Valley, lúc 8 giờ sáng Thứ Sáu, 18 Tháng Tám, hưởng đại thọ 98 tuổi.

Ông Nguyễn Văn Long, cháu gọi ông Thuần bằng cậu, xác nhận tin này với nhật báo Người Việt và cho biết cựu trung tướng qua đời tại viện dưỡng lão ở Fountain Valley vì bệnh tim và tuổi tác.

Theo “Lược Sử Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa” 
 của ba tác giả Trần Ngọc Thống, Hồ Đắc Huân, 
và Lê Đình Thụy, ông Thuần sinh ngày 31 Tháng 
Tám, 1926, tại Hà Đông.

Năm 1945, ông tốt nghiệp Thành Chung tại Hà Nội.

Năm 1950, ông tốt nghiệp Tú Tài Ban Vạn Vật Thực Nghiệm tại Hà Nội, rồi tốt nghiệp Khóa 2 Hành Chánh tại Hà Nội. Ông là quận trưởng Quốc Oai, Sơn Tây.

Năm 1951, ông theo học Khóa 5 Hoàng Diệu Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt.

Năm 1952, ông tốt nghiệp với cấp bậc thiếu úy. Ra trường, làm trung đội trưởng thuộc Đại Đội 4, Tiểu Đoàn 18 Việt Nam đồn trú tại khu chiến Phát Diệm, tỉnh Ninh Bình.

Một năm sau, ông được thăng trung úy, làm đại đội trưởng Đại Đội 4 kiêm trưởng Đồn Điền Hộ, Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa; đại đội trưởng Đại Đội 3 kiêm tiểu đoàn phó Tiểu Đoàn Khinh Quân 719, đồn trú tại Khu Chiến Bùi Chu, tỉnh Nam Định.

Cuối năm 1953, ông được thăng đại úy, làm tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 55 Việt Nam đồn trú tại Bình Lục, Phủ Lý thay thế Đại Úy Đặng Văn Quang du học khóa Tham Mưu tại trường Tham Mưu Paris, Pháp.

Năm 1954, ông làm trưởng Phòng 3 Tiểu Khu Phú Quốc.

Đầu năm 1955, ông làm trưởng Phòng 3 Tiểu Khu Gia Định. Giữa năm, làm trưởng Ban Đồn Trú thuộc Phòng 3 Bộ Tổng Tham Mưu. Cuối năm, ông làm trưởng Ban Hành Quân thuộc Phòng 3 Bộ Tư Lệnh Đệ Nhất Quân Khu Nam Việt.

Năm 1956, ông làm trung đoàn trưởng Trung Đoàn 33 Sư Đoàn 13 Khinh Chiến.

Ngày 26 Tháng Mười, 1959, ông được thăng thiếu tá tạm thời.

Đầu năm 1960, ông làm tham mưu trưởng Sư Đoàn 21 Bộ Binh, hoán chuyển nhiệm vụ với Thiếu Tá Bùi Dinh trở về làm trung đoàn trưởng Trung Đoàn 33 Sư Đoàn 21 Bộ Binh do Đại Tá Trần Thiện Khiêm làm tư lệnh.

Sau cuộc đảo chánh ngày 11 Tháng Mười Một, 1960, ông trở về giữ chức tham mưu trưởng Sư Đoàn 22 Bộ Binh do Trung Tá Nguyễn Bảo Trị làm tư lệnh.

Tháng Mười Một, 1961, ông du học khóa Chỉ Huy và Tham Mưu tại Trường Chỉ Huy và Tham Mưu Fort Leavenworth, Kansas, Mỹ.

Tốt nghiệp trở về nước Tháng Sáu, 1962, ông làm tham mưu trưởng Sư Đoàn 5 Bộ Binh liên tục qua các vị tư lệnh: Đại Tá Nguyễn Đức Thắng, Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu.

Ngày 2 Tháng Mười Một, 1963, ông được thăng trung tá tạm thời.

Tháng Chín, 1964, ông làm tham mưu trưởng Quân Đoàn IV và Vùng 4 Chiến Thuật do Thiếu Tướng Nguyễn Văn Thiệu làm tư lệnh.

Ngày 1 Tháng Mười Một, 1964, ông được thăng đại tá tạm thời.

Ngày 19 Tháng Bảy, 1965, ông làm tư lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh thay thế Chuẩn Tướng Trần Thanh Phong về làm trưởng Phòng 3 Bộ Tổng Tham Mưu.

Ngày 1 Tháng Mười Một, 1965, ông được thăng đại tá thực thụ.

Năm 1966, ông được vinh thăng chuẩn tướng nhiệm chức cùng với Chuẩn Tướng Nguyễn Viết Thanh, tư lệnh Sư Đoàn 7 Bộ Binh; và làm trưởng phái đoàn du hành quan sát Đài Loan.

Năm 1967, ông được vinh thăng chuẩn tướng thực thụ.

Ngày 19 Tháng Sáu, 1968, ông được vinh thăng thiếu tướng nhiệm chức.

Ngày 20 Tháng Tám, 1969, ông làm chỉ huy trưởng Trường Bộ Binh thay thế Chuẩn Tướng Lâm Quang Thơ đi làm tư lệnh Sư Đoàn 18 Bộ Binh.

Năm 1970, ông được vinh thăng thiếu tướng thực thụ.

Tháng Tám, 1971, ông được vinh thăng trung tướng nhiệm chức.

Ngày 1 Tháng Mười Một, 1972, ông được vinh thăng trung tướng thực thụ.

Tháng Tư, 1973, ông kiêm chủ tịch Ủy Ban Liên Hợp Quân Sự Hai Bên VNCH thay thế Trung Tướng Dư Quốc Đống đi làm chỉ huy trưởng Trường Hạ Sĩ Quan Quân Lực VNCH.

Ngày 29 Tháng Mười, 1973, ông làm tư lệnh Quân Đoàn III và Quân Khu 3, hoán chuyển nhiệm vụ với Trung Tướng Nguyễn Văn Minh trở về làm chỉ huy trưởng Trường Bộ Binh.

Ngày 1 Tháng Mười Một, 1974, ông làm chỉ huy trưởng Trường Hạ Sĩ Quan Quân Lực VNCH, Nha Trang, hoán chuyển nhiệm vụ với Trung Tướng Dư Quốc Đống trở về làm tư lệnh Quân Đoàn III và Quân Khu 3.

Ngày 2 Tháng Tư, 1975, ông di tản khỏi Nha Trang theo Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II và Quân Khu 2.

Khuya 29 Tháng Tư, 1975, ông rời Sài Gòn, di tản ra khơi trên Tuần Dương Hạm Trần Quang Khải HQ-2 do Hải Quân Trung Tá Đinh Mạnh Hùng làm hạm trưởng.

Sau ngày 30 Tháng Tư, 1975, ông định cư tại Portland, Oregon. (ĐG) [qd]

Trung tướng Phạm Quốc Thuần là vị tướng duy nhất được trao huy chương Văn Hóa Giáo Dục Bội Tinh.
 Trúc Giang MN

Tin buồn

Báo Người Việt loan tin, Cựu Trung tướng Phạm Quốc Thuần đã qua đời vào lúc 8 giờ sáng ngày Thứ Sáu 18-8-2023 tại Fountain Valley, California, hưởng thọ 98 tuổi.
Ông Thuần sinh ngày 31-8-1926 tại Hà Đông.
Trung tướng Phạm Quốc Thuần giữ chức vụ Chỉ huy trưởng trường Bộ Binh (Thủ Đức) ngày 20-8-1969.

 phamquocthuan  alt

1*. Câu chuyện mở đầu

Có một lần, phái đoàn Bộ Văn hóa Giáo dục do Tổng trưởng Ngô Khắc Tĩnh hướng dẫn, tháp tùng gồm có Giáo sư Đỗ Bá Khê, Viện trưởng Viện Đại Học Sài Gòn, và các giám đốc thuộc bộ Giáo dục, đến trường Bộ Binh nói chuyện với các sinh viên sĩ quan gốc giáo chức, đang thụ huấn trong quân trường.
Tổng trưởng Ngô Khắc Tĩnh cho biết, Bộ Giáo dục đã can thiệp và được chấp thuận, là sau khi mãn khóa, các sinh viên sĩ quan gốc giáo chức, được trở về nhiệm sở cũ tiếp tục công tác giáo dục.
Sau cuộc nói chuyện, Trung tướng Phạm Quốc Thuần hướng dẫn phái đoàn đến thăm trường Trung, Tiểu học Võ Khoa Thủ Đức, trong khuôn viên trường Bộ Binh.

2*. Phần trình bày của hiệu trưởng trường Võ Khoa Thủ Đức

Trung úy Lâm Văn Khanh, hiệu trưởng, trình bày về công tác giáo dục con em quân nhân thuộc các trường Bộ Binh, Thiết Giáp, trường Thể Dục Quân Sự cùng ở chung trong khuôn viên của Trường Bộ Binh. 
Trường Tiểu học Võ Khoa Thủ Đức có 30 lớp, từ mẫu giáo đến lớp 5, trực thuộc Cục Xã Hội của Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị. Giáo viên tiểu học thuộc diện nhân viên dân chính Bộ Quốc Phòng. Lương bổng do ngân sách Bộ Quốc Phòng đài thọ.
Trường trung học có 14 lớp từ lớp 6 đến lớp 12. Tổng số học sinh trung, tiểu học trên 2,000.
Nhà trường và gia đình hợp tác chặt chẽ với nhau trong việc giáo dục con em quân nhân. Một hội Phụ Huynh Học Sinh được thành lập, do Đại tá Trần Văn Cường, Chỉ huy phó Trường Bộ Binh làm hội trưởng. Sau đó do Trung tá Đỗ Nguyên Tụ, trưởng Khối Quân Huấn thay thế Đại tá Cường, thuyên chuyển đi nơi khác.

3*. Cần phải có một trường trung học công lập trong trường Bộ Binh

Trường Bộ Binh có trường tiểu học trong doanh trại để dạy con em quân nhân trong các trường như: Trường Thiết Giáp, trường Thể Dục Quân sự, và một số thuộc gia đình dân sự bên ngoài TBB.
Mỗi năm, trường trung học công lập quận Thủ Đức có mở kỳ thi tuyển học sinh vào lớp 6 (Đệ thất). Kỳ thi rất gay go vì tất cả các trường tiểu học trong quận đều dự thi, mà số học sinh được thu nhận quá ít.
Học sinh trường tiểu học Võ Khoa Thủ Đức cũng dự thi. Số thi đậu quá ít. Những học sinh thi rớt thì phải học trường tư, hoặc trường bán công. Phụ huynh phải đóng học phí từng tháng. Tiền học ngày càng cao theo tiến trình của các lớp học. Học phí tăng dần theo các lớp liên tiếp. Lớp 6, 7, 8, 9, 10,11, 12. 
Một chi phí đáng kể nữa là con em quân nhân TBB phải đi và về bằng xe lam, mỗi ngày hai lần.
Mối lo ngại lớn nhất là sự an toàn trên xa lộ. Ngã tư xa lộ Biên Hòa-Thử Đức không có đèn báo hiệu giao thông, không có bản hạn chế tốc độ. Thế là mấy ông tài xế Mỹ cứ đạp thẳng ga từ kho Tân Cảng đến tổng kho Long Bình. Đi lại liên tục như thế.
Mấy ông tài xế xe lam cũng vậy, miết tay ga, hối hả chạy qua, chạy lại Chợ Nhỏ đến thị trấn Thủ Đức để chở nhiều đợt học sinh.
Nhiều tai nạn chết người đã xảy ra ở ngã tư nầy. Trong đó có một quân nhân trường Bộ Binh.
Trước tình trạng đó, không có ai nghĩ đến việc cần phải có một trường trung học công lập trong khuôn viên trường Bộ Binh.
Năm 1967, tôi là Thiếu úy Lâm Văn Khanh, thuộc khối Chiến Tranh Chính Trị TBB, được cử làm hiệu trưởng trường tiểu học thay cho một quân nhân giải ngũ. 
Tôi tìm mọi cách để có một trường trung học công lập trong trường Bộ Binh.

3.1. Một sự tình cờ

Một người bạn cho biết, giáo sư Nguyễn Thanh Liêm, hiệu trưởng trung học Pétrus Ký, đang thụ huấn trong TBB, và xem có thể giúp ông ta được việc gì hay không.
Tôi làm phiếu trình lên Trung tá Đào Duy Ân, Tham mưu trưởng trường BB, xin cấp sự vụ lịnh công tác 3 ngày, từ thứ hai đến thứ tư, với lý do là đến bộ Giáo dục xin sách giáo khoa cho trường học. 
Đồng thời xin Liên đoàn SV/SQ cấp phép đặc biệt, thứ bảy và chủ nhật. Tôi chở ông Liêm bằng xe honda về tận nhà trong khuôn viên trường Pétrus Ký. Thế là ông Nguyễn Thanh Liêm được nghỉ ở nhà 5 ngày. Không có việc xin sách vở gì cả.
Sau đó hai bên không còn liên lạc với nhau.

3.2. Thứ trưởng bộ Văn hóa Giáo dục giúp mở trung học công lập ở trường Bộ Binh.

Khi biết ông Nguyễn Thanh Liêm được cử làm Thứ trưởng bộ Văn hóa Giáo dục, tôi đến xin ông giúp đỡ để mở một trường trung học công lập trong trường Bộ Binh.
Thật là may mắn. Bộ Giáo dục vừa mới ban hành việc thành lập một loại trường mới gọi là “Trung Học Tỉnh Hạt”.
Theo đó, địa phương phải xây dựng phòng học, trang bị bàn ghế và phải có đủ dụng cụ phục vụ cho việc dạy học. 
Bộ Giáo dục chỉ cử giáo chức đến dạy mà thôi. 
Ông Nguyễn Thanh Liêm hướng dẫn thực hiện hồ sơ cần thiết. Chính quyền địa phương, cấp tỉnh, phải cam kết thực hiện cơ sở hạ tầng ở cấp một (Đệ nhất cấp) theo đà phát triển của chương trình học. (Lớp 6, 7, 8, 9).
Riêng trường Bộ Binh, thì chỉ cần chỉ huy trưởng cam kết là đủ.
Thế là trường trung học Võ Khoa Thủ Đức là trường đầu tiên của loại trường kiểu mới nầy.
Phụ huynh học sinh trung tiểu học Võ Khoa Thủ Đức rất tán thành và hoan nghênh thành tích của Trung úy Hiệu trưởng Lâm Văn Khanh.
Năm 1970, Trung úy Khanh được biệt phái về Bộ Giáo dục, đến trình diện trường cũ là Nguyễn Đình Chiểu, Mỹ Tho.
Mấy ngày sau, được công điện của Bộ Giáo dục, chỉ thị trở về trường Trung Tiểu học Võ Khoa Thủ Đức, làm nhiệm vụ cũ.
Tổng giám thị Nguyễn Văn Đặng, tay đã dợt ternnis cho Trung tướng Thuần, cho biết, Trung tướng đã cử một trung tá đến Bộ Giáo Dục xin cho Trung úy Khanh trở về trường Võ Khoa Thủ Đức.
Vì trường Bộ Binh đã được Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị chọn làm thí điểm, để thực hiện chương trình thành lập Hướng Đạo Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa. Chủ yếu là trường Trung Tiểu học Võ Khoa Thủ Đức

    http://colonelhungnguyen.googlepages.com/logo21.jpg  https://encrypted-tbn3.gstatic.com/images?q=tbn:ANd9GcSimasUWGfYY59r8fiv9Vs7fInIweMy88LBO_1CfM8ZxwmdEkfF http://upload.wikimedia.org/wikipedia/vi/thumb/4/4b/Daklak_in_Tam_Binh_Thu_Duc.jpg/250px-Daklak_in_Tam_Binh_Thu_Duc.jpg

       
Tổng thống Thiệu trao cờ Hướng Đạo Quân đội Trường Bộ Binh cho Trung úy Lâm Văn Khanh

Trường Trung học Võ Khoa Thủ Đức là trường công lập, trực thuộc Nha Trung học, Bộ Giáo dục, nên không có dính líu gì tới Hướng Đạo Quân Đội cả. Nếu Bộ Giáo dục cử một giáo chức dân sự làm hiệu trưởng thì rất trở ngại cho việc thành lập hướng đạo quân đội.
Theo đà phát triển của quy chế tỉnh hạt, mỗi năm phải xây thêm hai phòng học. Ngân sách điều hành của trường Bộ Binh không có điều khoản nào để xây dựng trường học cả. Mọi việc đều phải “du di” và tự túc.
Liên đoàn SVSQ cử kiến trúc sư và kỹ sư thiết kế bản vẽ và số lượng vật liệu xây dựng.
Ban Công binh và Liên đoàn Yểm trợ Công vụ, cử quân nhân cơ hữu tham gia công tác xây dựng. Ban Công binh hàn những vỏ của đạn pháo binh 105 mm làm cột nhà. Rất vững chắc.
Tổng giám thị Nguyễn Văn Đặng thuê hai thợ hồ dân sự, và trực tiếp tham gia việc lợp hai mái nhà bằng fibro xi măng.
Hiệu trưởng viết thơ đến các nơi nhận xin mua vật liệu xây dựng. Thơ được duyệt khán của Tham Mưu Trưởng TBB để xác nhận tặng phẩm thuộc về công vụ.
Hiệu trưởng và Tổng giám thị xin xe của ban Quân xa đi mua gạch. Lò gạch nằm trong khu vực bảo vệ an ninh cho các bãi tập của sinh viên sĩ quan (SVSQ). Bảo vệ lò gạch chống lại Việt Cộng đến đòi tiền thuế. Vì thế, lò gạch bán với giá rẻ. 
Giám đốc công ty Xi Măng Hà Tiên tặng 50 bao xi măng. Hãng dệt Vimytex tặng 200 m vải kaki. Hãng dệt Sicovina cũng có quà tặng. 
Nhà sách Khai Trí và Sống Mới cũng có phần tặng gồm có tự điển và các loại sách giáo khoa.
Sau khi nhận được quà tặng, Tham mưu trưởng TBB có thơ cám ơn, giữ mối liên lạc, hy vọng những năm sau sẽ được hỗ trợ nữa. 4*. Hiệu trưởng và Tổng giám thị được nhận huy chương Văn hóa Giáo dục Bội Tinh Đệ nhị hạng
Trong khi hiệu trưởng Khanh trình bày về việc tham gia trực tiếp vào việc xây dựng trường sở, ông Tổng trưởng Ngô Khắc Tĩnh quay lại phía sau, nói gì gì đó với tùy viên tên Trừ. Sau đó mới biết hiệu trưởng Khanh và tổng giám thị Đặng được trao tặng huy chương Văn hóa Giáo dục Bội Tinh Đệ Nhị Hạng.

5*. Hiệu trưởng Lâm Văn Khanh đến bộ Giáo dục đề nghị trao huy chương cho Trung tướng Phạm Quốc Thuần
Giám đốc nha Nhân Viên bộ Giáo dục cho biết, theo thủ tục thì phải có bảng đề nghị nêu rõ thành tích cụ thể.
Thế là hiệu trưởng Lâm Văn Khanh lập tờ trình về thành tích của Trung tướng.
Tổng trưởng Ngô Khắc Tĩnh đồng ý, chuyển hồ sơ sang Phủ Thủ tướng và Đại tướng Trần Thiện Khiêm ký quyết định trao huy chương Văn hoá Giáo dục Đệ Nhị Hạng cho Trung Tướng Phạm Quốc Thuần.
Tổng giám thị Đặng trao quyết định cho Trung tướng Thuần ở sân tennis, và Trung tướng Thuần rất ngạc nhiên.
Tổng giám thị Nguyễn Văn Đặng, một tay quần vợt (Tennis) chuyên dợt banh cho các chỉ huy trưởng Lâm Quang Thơ và Phạm Quốc Thuần, cho nên hai vị chỉ huy trưởng nầy hiểu rõ về những sinh hoạt của trường Trung Tiểu học Võ Khoa Thủ Đức.

6*. Nói thêm về trường trung tiểu học Võ Khoa Thủ Đức.
Trường trung tiểu học Võ Khoa Thủ Đức được tổ chức và điều hành rất chu đáo. Học sinh rất nề nếp, kỹ luật, phụ huynh rất tin cậy. Bộ chỉ huy trường Bộ Binh thường hướng dẫn những phái đoàn đến thăm TBB, rồi sau đó, đến thăm trường Trung Tiểu học Võ Khoa Thủ Đức.
Những phái đoàn như: phái đoàn Trung tướng Thái Lan, phái đoàn cố vấn Mỹ, các nhóm Việt Cộng hồi chánh, tù binh Việt Cộng. Và sau cùng là phái đoàn của Tổng trưởng Văn hóa Giáo Dục.
Về phụ huynh học sinh thì bao gồm tất cả quân nhân trong khu vực TBB. Phụ huynh cấp đại tá gồm có: Đại tá Trần Văn Cường, chỉ huy phó TBB, Đại tá  Đào Đức Chinh, Trần Bá Thành, Trần Kim Đại, Đỗ Trọng Thuần, Bùi Quang Nhơn (Phủ Đặc ủy Trung ương Tình Báo). Lều Thọ Cường (Trung đoàn trưởng một trung đoàn của SĐ 25 BB.
Trung tá Mạch Văn Trường (Sau lên chuẩn tướng) quận trưởng quận Thủ Đức, cũng cho 2 con vào học tiểu học. Có xe đưa đón mỗi ngày.

7*. Kết luận
Trường Trung, Tiểu học Võ Khoa Thủ Đức là một trường rất xuất sắc về mọi mặt, nhờ kết hợp học đường với sinh hoạt hướng đạo. Thông qua Tổng giám thị Nguyễn Văn Đặng, chuyên dợt banh cho Trung tướng Thuần, nên Trung tướng rất quan tâm đến trường học.
Có lẻ Trung tướng Phạm Quốc Thuần là vị tướng duy nhất được trao huy chương Văn Hóa Giáo Dục Bội tinh.

Trúc Giang MN

Minnesota ngày 29-8-2023
 

Tiễn đưa cựu Trung Tướng Phạm Quốc Thuần về nơi an nghỉ

Lâm Hoài Thạch/Người Việt

FOUNTAIN VALLEY, California (NV) – Lễ An Táng cựu Trung Tướng Phạm Quốc Thuần được trang trọng cử hành vào lúc 12 giờ trưa Thứ Hai, 11 Tháng Chín, tại nhà thờ Thánh Linh, thành phố Fountain Valley, với sự tham dự của nhiều cựu quân nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), đại diện các hội đoàn, đồng hương, và gia quyến.

Di ảnh cố Trung Tướng Phạm Quốc Thuần 
và tang quyến. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Cựu Trung Tướng Phạm Quốc Thuần, tư lệnh Quân Đoàn III và Quân Khu 3, từng là chỉ huy trưởng Trường Hạ Sĩ Quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH),… qua đời tại Fountain Valley, lúc 8 giờ sáng Thứ Sáu, 18 Tháng Tám, hưởng đại thọ 98 tuổi.

Chương trình Tang Lễ gồm có Thánh Lễ, thăm viếng và Lễ Phủ Quốc Kỳ Việt Nam Cộng Hòa.

Thánh Lễ do Linh Mục Giuse Đặng Chín (chủ tế) và Linh Mục Nguyễn Duy Anh Dũng (đồng tế).

Lễ Phát Tang tại nhà thờ Thánh Linh,
Fountain Valley. 
(Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Chiến hữu Phạm Đinh Cường, đại diện cựu Trung Tướng Nguyễn Bảo Trị đọc bài tiễn biệt Trung Tướng Phạm Quốc Thuần của cựu Trung Tướng Trị.

Ban tổ chức Lễ Phủ Cờ gồm Hội Ái Hữu Võ Bị Quốc Gia VNCH, Hội Ái Hữu Sư Đoàn 5 Bộ Binh; Hội Ái Hữu Cựu SVSQ Trừ Bị Thủ Đức, với sự yểm trợ của nhiều hội khác.

Sau Lễ Phủ Cờ, nhiều đại diện của một số hội ái hữu quân đội lên phát biểu để tiễn đưa linh cữu cố Trung Tướng Phạm Quốc Thuần về cõi vĩnh hằng.

Linh Mục Giuse Đặng Chín (trái) chủ tế, và
Linh Mục Nguyễn Duy Anh Dũng, 
đồng tế trong Thánh Lễ. 
(Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Trong số đại diện các hội đoàn đến dự, có Mũ Đỏ Nguyễn Văn Hùng, chi hội trưởng Gia Đình Mủ Đỏ Orange County và Vùng Phụ Cận.

Ông nói: “Chúng ta hiện diện nơi đây để chào kính, từ giã cố Trung Tướng Phạm Quốc Thuần, một vị tướng khả kính, cả cuộc đời ông đã hiến dâng cho tổ quốc. Cũng như bao cựu quân nhân sau ngày 30 Tháng Tư, 1975, Cộng quân cưỡng chiếm miền Nam. Dù không còn tại ngũ, nhưng trung tướng vẫn luôn giữ phẩm cách, cùng luôn nêu cao tinh thần phục vụ của người chiến sĩ VNCH. Sự ra đi của ông là một mất mát lớn lao cho cộng đồng người Việt Quốc Gia miền Nam California; cho đại gia đình Quân Lực VNCH; và biết bao thương tiếc cho gia đình tang quyến.”

“Đại diện Gia Đình Mũ Đỏ Orange County và Vùng Phụ Cận, chúng tôi xin gởi lời chia buồn cùng gia đình tang quyến. Nguyện cầu linh hồn An-Tôn Trung Tướng Phạm Quốc Thuần sớm hưởng thiên nhan Chúa,” Mũ Đỏ Hùng nói thêm.

Nghi thức Lễ Phủ Cờ VNCH. 
(Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Ông Nguyễn Đức Tiến, hội trưởng Hội Ái Hữu Lực Lượng Đặc Biệt, tâm tình: “Tôi là cựu sinh viên sĩ quan thụ huấn tại Quân Trường Bộ Binh Thủ Đức. Lúc đó Tướng Phạm Quốc Thuần là chỉ huy trưởng của quân trường này. Khi ra đơn vị, tôi từng là trại phó của của căn cứ Thiện Ngôn, thuộc lãnh thổ của Quân Khu III, mà Tướng Thuần là tư lệnh. Để tưởng nhớ đến người thầy trong cuộc đời binh nghiệp, nên tôi đến tiễn đưa ông lần cuối. Nguyện cầu linh hồn ông sớm được về nước Chúa.”

Ông Vũ Đình Trung, hội trưởng Hội Ái Hữu Cựu Sinh Viên Sĩ Quan(SVSQ) Trừ Bị Thủ Đức, nói: “Cố Trung Tướng Phạm Quốc Thuần đã từng giữ chức vụ quan trọng như tư lệnh Quân Đoàn III, tư lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh, chỉ huy trưởng Trường Bộ Binh Thủ Đức, chỉ huy trưởng Trường Hạ Sĩ Quan Nha Trang… Theo tôi, ông rất xứng đáng là một tướng lãnh tài ba của Quân Lực VNCH. Xin đại diện cho cựu SVSQ Trừ Bị Thủ Đức, tôi có lời chia buồn cũng tang quyến, và nguyện cầu linh hồn của Tướng Thuần sớm được an nghĩ nơi nước Chúa.”

Lễ Phủ Cờ VNCH. 
(Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Ông Định Nguyễn, hội trưởng Hội Ái Hữu Sư Đoàn 5 Bộ Binh, nói: “Cựu Trung Tướng Phạm Quốc Thuần nguyên là tư lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh, ông là một vị tướng lãnh khả kính của các cựu quân nhân Sư Đoàn 5, nên chúng tôi đến đây để tiễn đưa vị tướng tư lệnh của chúng tôi về an nghỉ nơi gần bên Chúa.”

Ông Nguyễn Văn Long, đại diện tang quyến có lời cảm tạ đại diện các hội đoàn và đồng hương dến dự.

Cựu Trung Tướng Phạm Quốc Thuần sinh ngày 31 Tháng Tám, 1926, tại Hà Đông, Việt Nam.

Lễ Trao Quốc Kỳ VNCH, Tổ Quốc Ghi Ơn
 cho đại diện tang quyến. 
(Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Năm 1951, ông theo học Khóa 5 Hoàng Diệu Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt.

Năm 1956, ông làm trung đoàn trưởng Trung Đoàn 33 Sư Đoàn 13 Khinh Chiến. Ngày 26 Tháng Mười, 1959, ông được thăng thiếu tá tạm thời.

1960-1960: Tham mưu trưởng Sư Đoàn 21 Bộ Binh.

1960-1961: Tham mưu trưởng Sư Đoàn 22 Bộ Binh.

1962-1964: Tham mưu trưởng Sư Đoàn 5 Bộ Binh.

Các hội trưởng Quân Lực VNCH đến dự (từ trái)
 Nguyễn Định (Sư Đoàn 5 Bộ Binh),
 Nguyễn Văn Hùng (Nhảy Dù) và Vũ Đình Trung
 (Cựu SVSQ Trừ Bị Thủ Đức). 
(Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

1964-1965: Tham mưu trưởng Quân Đoàn IV và Vùng 4 Chiến Thuật.

1965-1969: Tư lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh.

1969-1973: Chỉ huy trưởng Trường Bộ Binh Thủ Đức.

1973-1974: Tư lệnh Quân Đoàn III và Quân Khu 3.

1974-1975: Chỉ huy trưởng Quân Trường Hạ Sĩ Quan Đồng Đế. [kn]

Monday, April 3, 2023

Chuẩn Tướng Trần Quang Khôi Thiết Giáp

Chuẩn TướngTrần Quang Khôi, Ông xuất thân từ những khóa đầu tiên ở trường Võ bị Liên quân do Chính phủ Quốc gia thành lập trên cơ sở trước đó là trường Võ bị Liên quân Viễn Đông của Quân đội Pháp. Được sự hỗ trợ huấn luyện của Quân đội Pháp nhằm mục đích đào tạo sĩ quan người Việt phục vụ Quân đội Quốc gia trong Quân đội Liên hiệp Pháp. Thời gian tại ngũ, ông đã tuần tự giữ từ chức vụ nhỏ trong chuyên ngành của mình cho đến chức vụ Chỉ huy một đơn vị Kỵ binh cấp Lữ đoàn, trách nhiệm yểm trợ cho một Quân khu.

Tiểu sử & Binh nghiệp

Ông sinh ngày 24 tháng 1 năm 1930 trong một gia đình đại điền chủ giàu có. Ông sinh ra ở quê ngoại[1] tại làng Đa Phước Hội, Quận Mỏ Cày, Tỉnh Bến Tre, miền Tây Nam phần Việt Nam, ông là người con thứ 5 trong tổng số 12 anh chị em. Do gia đình có điều kiện nên khi còn là học sinh Trung học ông được học ở những ngôi trường danh tiếng. Từ năm 1943 đến năm 1945, ông theo học ở trường Trung học Tabert, Sài Gòn. Năm 1946 đến năm 1949, trường Trung học Phan Thanh Giản, Cần Thơ và từ năm 1949 đến năm 1951 trường trung học Le Myre de Vilers, Mỹ Tho. Tốt nghiệp với văn bằng Tú tài toàn phần Pháp (Part II).[2]

Quân đội Quốc gia Việt Nam

Cuối năm 1951, thi hành lệnh động viên ông nhập ngũ vào Quân đội Quốc gia, mang số quân: 50/119.246. Theo học khóa 6 Đinh Bộ Lĩnh tại trường Võ bị Liên Quân Đà Lạt, khai giảng ngày 1 tháng 12 năm 1951. Ngày 1 tháng 10 năm 1952 mãn khóa tốt nghiệp với cấp bậc Thiếu úy hiện dịch.[3]. Ra trường, ông được chọn về Binh chủng Thiết giáp và tiếp tục theo học khóa căn bản Binh chủng tại Trung tâm Huấn luyện Thiết giáp Viễn Đông của Quân đội Pháp tại Vũng Tàu.

Tháng 4 năm 1953, sau khi mãn khóa căn bản ông được điều động về Đại đội 5 thuộc Tiểu đoàn Thám thính giữ chức vụ Trung đội trưởng Trung đội 4 kiêm Đại đội phó đồn trú tại Thái Bình, Bắc Việt do Trung úy Trần Văn Ái[4] làm Đại đội trưởng.

Tháng 6 năm 1954, ông chuyển sang làm Trung đội trưởng Chiến xa Obusier 75 ly kiêm Đại đội phó Đại đội 3 Thám thính tại Nam Định do Đại úy Nguyễn Duy Hinh làm Đại đội trưởng. Sau Hiệp định Genève (ngày 20 tháng 7), ông cùng đơn vị di chuyển vào Nam đồn trú tại Đà Nẵng. Ngày 1 tháng 10 cùng năm, ông được thăng cấp Trung úy tại nhiệm. Sau đó một tháng, ông được cử đi du học khóa cao cấp Thiết giáp Kỵ binh tại trường Saumur, Pháp đến trung tuần tháng 8 năm 1955 mãn khóa.

Quân đội Việt Nam Cộng hòa

Tháng 8 năm 1955, sau khi từ Quân đội Quốc gia chuyển sang phục vụ Quân đội Việt Nam Cộng hòa, ông được thăng cấp Đại úy và được cử làm Chi đoàn trưởng chi đoàn Thủy Xa Cua thuộc Liên đoàn 5 Thủy Xa tại Nhà Bè, Gia Định. Đến tháng 9 năm 1956, chuyển đi làm Trưởng ban 3 Trung đoàn 2 Thiết giáp tại Mỹ Tho. Giữa năm 1957, ông được chỉ định làm Trung đoàn phó Trung đoàn 4 Thiết giáp tại Huế. Giữa năm 1958, ông được cử đi du học khóa cao cấp Thiết giáp tại Trường Thiết giáp Lục quân Fort Knox, Tiểu bang Kentucky, Hoa Kỳ. Tháng 6 năm 1959, mãn khóa về nước ông được giữ chức vụ Chỉ huy phó trường Thiết giáp kiêm Giám đốc Huấn luyện tại Thủ Đức do Thiếu tá Nguyễn Phúc Vĩnh Lộc làm Chỉ huy trưởng. Kế tiếp, ông được cử đi học khóa 2 ở trường Chiến tranh Chính trị tại Sài Gòn.

Tháng 6 năm 1960, ông được thăng cấp Thiếu tá và được chỉ định làm Trung đoàn phó Trung đoàn 6 Thiết giáp tại Quảng Trị. Tháng 12 cùng năm, chuyển sang làm Trung đoàn phó Trung đoàn 3 Thiết giáp tại Pleiku.

Đầu tháng 2 năm 1964 sau cuộc Chỉnh lý nội bộ ngày 30 tháng 1 các tướng lãnh trong Hội đồng Quân nhân Cách mạng để lên nắm quyền lãnh đạo của tướng Nguyễn Khánh, ông được biệt phái sang đơn vị Bộ binh giữ chức vụ quyền Chỉ huy Trung đoàn 41 thuộc Sư đoàn 22 Bộ binh đóng tại Kontum do Thiếu tướng Linh Quang Viên làm Tư lệnh Sư đoàn. Tháng 7 cùng năm, chuyển về Bộ Tư lệnh Quân đoàn II tại Pleiku giữ chức vụ Trưởng phòng 3 Kế hoạch hành quân, Tư lệnh Quân đoàn là Thiếu tướng Nguyễn Hữu Có. Tháng 12 cùng năm, chuyển trở lại binh chủng cũ, ông được cử làm Chiến đoàn phó Chiến đoàn 5 Chiến xa tại Gò Vấp.

Tháng 8 năm 1965, ông được thăng cấp Trung tá giữ chức vụ Trung đoàn trưởng Trung đoàn 5 Thiết giáp tại Xuân Lộc, Long Khánh. Đến đầu năm 1967, được lệnh bàn giao chức vụ Trung đoàn trưởng Trung đoàn 5 lại cho Thiếu tá Phạm Đăng Chương.[5] Tháng 7 cùng năm, ông được cử đi làm Tham vụ báo chí ở Tòa Đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Seoul, Nam Hàn do Trung tướng Đỗ Cao Trí làm Đại sứ. Tháng 8 năm 1968, về nước được chỉ định làm Chánh văn phòng Tư lệnh Quân đoàn III do Trung tướng Đỗ Cao Trí làm Tư lệnh.

Tháng 6 năm 1969, ông được thăng cấp Đại tá, một lần nữa biệt phái qua Bộ binh giữ chức Tư lệnh phó Sư đoàn 18 Bộ binh tại Xuân Lộc, Long Khánh do Chuẩn tướng Lâm Quang Thơ làm Tư lệnh Sư đoàn. Đầu năm 1970, ông được chỉ định làm Tư lệnh Lữ đoàn 3 Kỵ binh tại Biên Hòa. Tháng 8 năm 1972, ông được cử đi du học khóa Tham mưu cao cấp (khóa 1972 - 1973) thụ huấn 42 tuần tại Học viện Chỉ huy và Tham mưu Fort Leavenworth, Kansas, Hoa Kỳ[6], sau khi bàn giao Lữ đoàn 3 Thiết giáp lại cho Đại tá Nguyễn Kim Định[7]. Đến tháng 5 năm 1973, mãn khóa về nước ông nhận nhiệm vụ làm Trưởng khối Huấn luyện Chiến thuật tại trường Chỉ huy & Tham mưu ở Long Bình, Biên Hòa, Chỉ huy trưởng là Trung tướng Nguyễn Bảo Trị. Ngày 7 tháng 11 cùng năm, tái nhiệm chức vụ Tư lệnh Lữ đoàn 3 Kỵ binh tại Biên Hòa. Ngày 1 tháng 4 năm 1974, ông được thăng cấp Chuẩn tướng tại nhiệm.

Huy chương

  • Huy chương Việt Nam Cộng hòa:
    -Bảo quốc Huân chương đệ tam đẳng (ân thưởng)
    -Hai mươi hai Anh dũng Bội tinh (9 nhành dương liễu, 4 sao vàng, 9 sao bạc)
    -Chiến thương Bội tinh và một số huy chương quân sự, dân sự khác
  • Huy chương Ngoại quốc:
    -Huy chương đồng Bronze Star (Hoa Kỳ)
    -Huân chương Chung Nu (Đại Hàn).

Gia đình

  • Thân phụ: Trần Quang Chiêu
  • Thân mẫu: Lê Thị Hòa (Hai cụ sinh 12 người con (7 trai, 5 gái), tướng Khôi là thứ 5).
  • Nhạc phụ: Lâm Đức Hương
  • Nhạc mẫu: Trương Thị Sâm.
  • Bào huynh: Trần Quang Bính, Trần Quang Cần, Trần Quang Hiển.
  • Bào tỷ: Trần Thị Trầm
  • Bào đệ: Trần Quang Nghĩa, Trần Quang Đồng, Trần Quang Tấn.
  • Bào muội: Trần Thị Thân, Trần Hồng Liên, Trần Cẩm Vân, Trần Thị Trinh.
  • Phu nhân: Lâm Tú Anh
Ông bà có 4 người con (2 trai, 2 gái)
Trần Quang Phong, Trần Thanh Hương, Trần Thanh Xuân, Trần Quang Trung.

Chú thích

  1. ^ Quê nội của ông ở Rạch Giá, Kiên Giang
  2. ^ Sau này trong quân ngũ, ông ghi danh học Đại học, có thêm văn bằng Cử nhân Văn chương Pháp. Khi định cư ở Mỹ, ông vào Đại học George Mason University ở Tiểu bang Virginia, tốt nghiệp với văn bằng Đệ Tam cấp Tiến sĩ Văn học Pháp (Master of Arts Degree in French)
  3. ^ Tốt nghiệp khóa 6 Đinh Bộ Lĩnh về sau lên cấp tướng còn có:
    -Chuẩn tướng Lý Tòng Bá, Chuẩn tướng Trần Đình Thọ và Phó Đề đốc Chuẩn tướng Diệp Quang Thủy
  4. ^ Trung uý Trần Văn Ái về sau giải ngũ ở cấp Trung tá.
  5. ^ Thiếu tá Phạm Đăng Chương về sau giải ngũ ở cấp Trung tá.
  6. ^ Được cử đi học lớp Tham mưu cao cấp cùng với Đại tá Trần Quang Khôi còn có:
    -Trung tá Hà Bá Chung (Tốt nghiệp khóa 10 Võ bị Đà Lạt, phục vụ trong đơn vị Bộ binh).
    -Trung tá Vũ Bá Đạt (Tốt nghiệp khóa 5 Sĩ quan Thủ Đức, chức vụ sau cùng là Trưởng khối Kế hoạch tại Bộ Chỉ huy Pháo binh Trung ương).
    -Trung tá Phạm Văn Hải (Sau cùng là Đại tá Giám đốc Nha Bình định và Phát triển thuộc Bộ Nội vụ).
    -Trung tá Nguyễn Bá Mạnh Hùng (Tốt nghiệp khóa 10 Võ bị Đà Lạt, sau cùng là Đại tá Chỉ huy trưởng Trung đoàn 8 thuộc Sư đoàn 5 Bộ binh).
    -Trung tá Trần In (Phục vụ trong đơn vị Bộ binh).
    -Trung tá Đặng Đức Nhuận (Phục vụ trong đơn vị Bộ binh).
    -Trung tá Nguyễn Cao Trường (Tốt nghiệp Sĩ quan Thủ Đức khóa 6, sau cùng là Đại tá Phó Phòng 1 Bộ Tổng Tham mưu)
    -Trung tá Nguyễn Vỹ (Phục trong Binh chủng Nhảy dù, từng giữ chức vụ Tiểu đoàn trưởng).
  7. ^ Đại tá Nguyễn Kim Định tốt nghiệp khóa 5 Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức

Tướng Khôi không phải là một YES MAN nên cuộc đời binh nghiệp của Tướng Khôi rất là lận đận. Trung úy đã có Đệ Tứ đẳng Bảo Quốc Huân Chương. Mang lon Đại úy 9 năm trời. Tướng Khôi thời còn làm Chiến đoàn trưởng chiến đoàn 4 TG đã bị Tướng Tôn Thất Đính và Tướng Lâm Văn Phát hai tướng gốc TG trù dập vì tính tự chủ và độc lập. Không chấp nhận cho xé lẻ TG ra. Tướng Khôi quan niệm phải là toàn khối thì mới phát huy hết sức mạnh của TG. Khi là chiến đoàn trưởng CD 5 TG, đã từng bị Đại Tá Battreall đề nghị Đại Tướng Westmoreland yêu cầu Đại Tướng Cao Văn Viên cách chức vì không nghe cố vấn Mỹ . Khi mất quyền chỉ huy CD5 TG, ngồi chơi xơi nước, năm 1967 xin đi học Tham Mưu Cao Cấp Lục Quân HK tại Leavenworth nhưng bị Hoa Kỳ từ chối. Tướng Khôi đã không được lòng cố vấn Mỹ. May mắn Trung Tướng Đỗ Cao Trí lúc ấy đã giải ngũ, được TT Thiệu cử làm Đại sứ VN tại Đại Hàn Dân Quốc. Tướng Trí đã đưa Trung Tá Khôi đi làm Tùy Viên Quân sự Toà Đại sứ VN tại Đại Hàn.

Năm 1968 Tướng Trí tái ngũ, được TT Thiệu cử làm Tư lệnh QDIII và QKIII , Đại Tá Khôi đã trở thành một cánh tay đắc lực của vị Tướng Tư lệnh Quân Đoàn can đảm và có tài thao lược từng được mệnh danh Patton Việt Nam. Tướng Khôi đảm nhiệm chức vụ Tư lệnh phó SD18BB. Với chức vụ nầy Đại tá Khôi đã tổ chức huấn luyện SD18BB. Ông đã từng đi theo cấp Tiểu đoàn để hướng dẫn huấn luyện các Tiểu đoàn trưởng và các Sĩ quan. Đã đưa ra chương trình tuyển mộ quân nhân tình nguyện có thưởng. Dần dần SD18BB đã khởi sắc. Đã từng tạo chiến tích huy hoàng khi chỉ huy Chiến Đoàn 318 xung kích trong các cuộc hành quân Toàn Thắng tại đất Miên. Khi Đại Tá Khôi sắp sửa thay thể Chuẩn Tướng Đổ Kế Giai trong chức vụ Tư lệnh SD18 BB, LD3KB được thành lập. Đại Tá Khôi đã rời SD18BB để trở về binh chủng TGB. Đã tổ chức, huấn luyện LD3KB và được sự chấp thuận của Tướng Trí, đã thành lập, tổ chức và huấn luyện Lực Lượng Xung Kích Quân Đoàn III , một đơn vị trừ bị cho Quân đoàn III với đặc tính di động nhanh, hỏa lực mạnh mẽ, có thể có mặt nhanh chóng và có khả năng tham chiến độc lập trên các chiến trường trong phạm vi Quân Đoàn III với sức mạnh tương đương một sư đoàn. Đã tạo ra những chiến thắng thần tốc tại Dambe, Suong, Kreg, Chlong, Hố Bò, Khiêm Hanh, An Điền, Rạch Bắp… dưới sự chỉ huy và điều động của vị Tướng lừng danh QLVNCH, Đỗ Cao Trí, LD3KB/LLXKQDIII đã là thanh thượng phương bảo kiếm đã làm bạt vía quân thù trên khắp chiến trường QDIII.

Khi Tướng Trí đền xong nợ nước, Tướng Minh được PTT Trần Văn Hương đề cử làm Tư Lệnh QDIII và QKIII thay thế Tướng Trí. Dưới quyền chỉ huy của Tướng Minh, QDIII đã co cụm, đã phải rút quân về VN diện địa, các SDBV xâm lược an toàn đóng quân tại đất Miên, bổ sung quân số, tiếp liệu đầy đủ, đã tấn công Lộc Ninh chiếm Lộc Ninh chỉ trong hai ngày và uy hiếp An Lộc. Đại Tá Khôi không thể làm việc với một ông Tướng phe đảng, thiếu bản lảnh, thiếu kiến thức quân sự, không có cái uy cái dũng của một Tướng Lãnh cầm quân tại mặt trận. Chỉ ngồi trên trực thăng để chỉ huy mà không bao giờ đáp xuống mặt trận để gặp gở hội họp cùng các Chiến đoàn trưởng nhất là để nâng cao tinh thần ba quân tướng sĩ đang tham chiến. Đặc biệt Tướng Minh không biết điều động TG cho nên Đại Tá Khôi xin từ chức và xin đi học Tham Mưu Cao Cấp tại Hoa Kỳ vì không thể làm việc với một tướng lãnh chuyên nghề chạy chọt và phe đảng tham nhũng.

Khi Hiệp định Paris được ký kết, các khóa sinh người Mỹ cùng khóa Tham Mưu Cao Cấp Hoa Kỳ đã đề nghị giúp đở Đại Tá Khôi ở lại Mỹ vì chiến tranh VN đã chấm dứt. Đại Tá Khôi quyết định trở về nước. Ngày hai buổi đi dạy ở Trường Tham Mưu Cao Cấp (TMCC), sống đời công chức an nhàn dưới quyền chỉ huy của Trung Tướng Nguyễn Bảo Trị. Thời điểm nầy chiến trường sôi động nhưng bất lợi cho QLVNCH, vì những ràng buộc hạn chế về viện trợ và vũ khí theo tinh thần Hiệp định đình chiến Paris một đổi một, và dù cuộc sống an nhàn tiện nghi có nhiều thì giờ gần gũi cùng gia đình nhưng trách nhiệm của một người lính, đã thôi thúc Đại Tá Khôi phải trở lại chiến trường.

Được sự chấp thuận của Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư Lệnh QDI/QKI, Đại Tá Khôi được Tướng NB Trị, Chi Huy Trưởng Trường TMCC đồng ý cho Đại Tá Khôi ra làm Tư Lệnh LD1KB trấn đóng vùng hỏa tuyến. Nhưng cùng lúc Trung Tướng Phạm Quốc Thuần được TT Thiệu đề cử làm Tư Lệnh QDIII/QKIII thay thế Tướng Nguyễn Văn Minh, đã xin TT Thiệu can thiệp cho Đại Tá Khôi trở về chỉ huy LD3KB. Giữa LD1KB và LD3KB, Đại Tá Khôi đã chọn LD3KB, đó là đứa con, là tâm huyết của Đại Tá Khôi. Đại Tá Khôi đã làm sống lại LD3KB và xin Trung Tướng Thuần cho thành lập lại LLXKQDIII. Từ đó LD3KB / LLXKQD III tái xuất giang hồ, đã làm khiếp đảm quân thù. Điển hình là trận giải tỏa căn cứ Biên Phòng Đức Huệ. Khi SD25 BB đã thất bại trong nỗ lực giải tỏa căn cứ thì Tướng Khôi được Tướng Thuần trao nhiệm vụ thảo kế hoạch giải tỏa căn cứ Đức Huệ, nơi đó hơn 400 chiến sĩ BDQ Biên Phòng và gia đình đã tử thủ gần tháng trời không được tiếp tế, tản thương vì phòng không quá mạnh. Tướng Khôi lập kế hoạch phải vượt biên qua Miên và tấn công phía sau Sư Đoàn 5 CSBVXL. Vì sự tế nhị ngoai giao, Tướng Thuần bác kế hoạch nầy và yêu cầu Tướng Khôi làm kế hoạch khác. Tướng Khôi đã nài nĩ, đã thuyết phục Tướng Thuần chấp thuận vì không có một kế hoạch nào khác khả dĩ. Tướng Khôi trình với Tướng Thuần “Chúng ta không thể yên lặng bất động để hơn 400 chiến sĩ và gia đình bị cộng quân tiêu diệt mà không có một phản ứng thích hợp và cần thiết nào”. Cuối cùng kế hoạch được chuyển lên TT Thiệu và được chấp thuận. Chỉ trong một ngày Tướng Khôi và LD3KB / LLXKQDIII đã đánh tan SD5 CSBVXL tịch thu rất nhiều vũ khí và hỏa tiễn. Một kế hoạch đã làm TT Thiệu thích thú. Một chiến công đã làm kinh động tất cả các giới chức, các tùy viên quân sự trên thế giới. Đã được các giới chức cao cấp Hoa Kỳ khen ngợi. Đặc biệt Đại Tá Battreal, người có công tổ chức, thành lập , yểm trợ cho Thiết Giáp Binh đã nhận định đây là chiến thắng oanh liệt nhất trong Chiến Tranh Việt Nam và xếp hạng Tướng Khôi là một trong 4 Tướng Lãnh Kỵ binh xuất sắc nhất thế giới trong thế kỷ 20: George Patton, Erwin Rommel, Creighton Abrams, Trần Quang Khôi

Ngày tàn cuộc chiến. Khi gia đình đã được di tản theo lời yêu cầu của Tướng Khôi. Tướng Khôi đã quyết định ở lại, đã kêu gọi tinh thần yêu nước, danh dự và trách nhiệm của người chiến binh QLVNCH chiến đấu đến cùng. LD3KB / LLXKQDIII và các đơn vị tăng phái như LD468 TQLC và LD2ND là lực lượng cuối cùng của QDIII / QKIII còn tại hàng chiến đấu. Đã đánh tan một Trung Đoàn VC có chiến xa T54 tại căn cứ Nước Trong, Trường Thiết Giáp Long Thành, gây thiệt hại nặng nề cho SD341 BVXL tại Biên Hoà và sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975 đang kéo quân về để bảo vệ SG thì được lệnh đầu hàng vô điều kiện. Tại thời điểm đó, Tướng Khôi đang có hai trực thăng C&C tại trại Phù Đổng ông đã từ chối lời đề nghị của Thiếu Tá Cư, phi công trực thăng, tình nguyện đưa Tướng Khôi di tản ra Hàng Không Mẫu Hạm Mỹ. Ra đi lúc đó không ai dè biểu hay dị nghị vì Tướng Khôi đã làm xong nhiệm vụ của một Tướng Lãnh, đang cầm quân tại mặt trận không bỏ đơn vị, không bỏ chiến sĩ, để đào thoát. Đã chấp nhận ở lại cùng ba quân để giử lời cam kết cùng sống chết với các chiến sĩ cũng như danh tướng Đổ Cao Trí đã cùng sống cùng chết và cùng nằm chung với các chiến sĩ tại Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà như lời cam kết ngày nào tại chiến trường Cambodia.

Tướng Khôi với tinh thần và danh dự của người chiến sĩ Kỵ Binh, đã được các chiến sĩ BDQ, Thiết Giáp, Nhảy Dù, TQLC, Pháo Binh, Truyền tin, Tiếp vận.. tin tưởng và ngưỡng mộ. Những tinh thần đó không thể một ngày một tháng mà có được. Tại sao các chiến sĩ LD3KB/LLXKQDIII cùng các đơn vị tăng phái ND, TQLC đã chấp nhận ở lại không tan hàng tháo chạy, vững tay súng cho đến giờ phút cuối cùng ? Chắc chắn các chiến sĩ đó đã thấy được, trong quá khứ, đã tin tưởng phẩm chất cao đẹp của một Tướng Lãnh cầm quân, nguyện chiến đấu và hiến thân dưới cờ vàng. Một vị Tướng đã ở lại để cùng chia gian khổ nhục nhằn kiếp tù binh thất trận mất nước 17 năm ròng rả. Tại sao VC phải bắt ngay Tướng Khôi tại nhà ngay khi vừa bước đôi dép râu vào Saigon ? Chắc chắc bọn VC đã hiểu được Tướng Khôi là một người rất nguy hiểm cho chúng nó. Một Tướng Lãnh có uy tín vừa quyết liệt vừa có tư cách và tài thao lược của một Tướng Lãnh được các chiến sĩ tuyệt đối tin tưởng và nghe theo. Nếu Tướng Khôi chỉ là một người thiếu trách nhiệm không có tinh thần đồng đội. Một người khi nhận nhiệm vụ đi tiếp cứu quân bạn mà Lần Mò, Lấp Ló, Ngủ Qua Đêm thì ngay sau khi về nước làm sao Danh tướng Ngô Quang Trưởng và Trung Tướng Phạm Quốc Thuần tin cậy và tín nhiệm trao nhiệm vụ chỉ huy LDKB. Chỉ vài tháng sau khi về nước, TT Thiệu đã gắn sao cho Đại Tá Khôi. Trong 4 Đại Tá được đề cử lên Chuẩn Tướng, Đại Tá Khôi đảm nhiệm chức vụ thấp nhất là Tư Lệnh Lữ Đoàn 3 KB. Trong khi các Đại Tá khác là Đại Tá Nguyễn Hữu Toán, Tư Lệnh SD25BB, Đại Tá Lê Nguyên Vỹ, Tư Lệnh SD5BB và Đại Tá Ngô Văn Minh, Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn (thang 1, năm 1974). TT Thiệu đã chỉ chọn Đại Tá Khôi, người có chức vụ thấp nhất trong 4 Sĩ Quan được đề cử. Khi được hỏi tại sao TT Thiệu lại chọn Đại Tá Khôi chỉ là Tư Lệnh Lữ Đoàn, TT Thiệu đã trả lời đúng ra Khôi lên Tướng từ thời Trung Tướng Đổ Cao Trí làm Tư Lệnh QDIII. Nhưng vì Khôi còn quá trẻ nên bây giờ mới lên Tướng. Chỉ vài tháng sau, Tướng Khôi đã chứng minh quyết định TT Thiệu là đúng khi ông đã thể hiện được tài thao lược tinh thần quyết chiến quyết thắng nhất là tình huynh đệ chi binh trong trận đánh giải tỏa căn cứ Biên Phòng Đức Huệ. Những ngày cuối cùng của cuộc chiến LD3KB/LLXKQDIII đã trấn đóng Ngã Ba Dầu Giây – Hưng Lộc, chặn đứng Quân Đoàn 4VC. Đã tiếp cứu Chiến Đoàn 52 /SD18BB không bị tràn ngập. Đã giữ vững Biên Hoà trong ngày cuối cùng của cuộc chiến. Chỉ buông súng tan hàng khi vị Tổng Tư Lệnh ra lệnh ngày 30 tháng tư năm 1975 lúc 10 giờ sáng.

Với một tư cách như thế, với một phẩm chất như thế Tướng Khôi đã trở thành biểu tượng hào hùng bất khuất của một kỵ binh đã cống hiến cả đời trai trẻ cho Tổ Quốc, cho Quân Đội. Chưa bao giờ lùi bước trước kẻ thù. Đã chiến đấu đến giờ phút cuối cùng của cuộc chiến. Đã ở lại để cùng chia xẻ với các chiến sĩ đủ mọi binh chủng, những nghẹn ngào cay đắng tủi nhục của một người lính bại trận. Đã ở 17 năm trong ngục tù Cộng sản vẫn giữ phẩm chất và tinh thần cao đẹp của người chiến sĩ QLVNCH. 

Bằng câu tuyên bố : ” Nếu phải làm lại từ đầu, tôi (Tướng Khôi) vẫn làm như thế. Dù biết rằng tôi sẽ mất tất cả trừ DANH DỰ”.

KB NguySaigon (Trích Từ Bài Viết : Snoul , Tưởng Rằng Đã Xong , đăng trong Đặc San Thiết Giáp 2015)

Tướng Trần Quang Khôi

Chuẩn Tướng Trần Quang Khôi tốt nghiệp Trường Võ Bị Đà Lạt năm 1952, Trường Thiết Giáp Pháp tại Saumur năm 1955, và Trường Thiết Giáp Hoa Kỳ tại Fort Knox năm 1959.

Với tư cách cố vấn trưởng cho Tư Lệnh Thiết Giáp QLVNCH, tôi gặp Tướng Khôi lần đầu tiên vào năm 1966 khi ông dàn Thiết Kỵ 5 QLVNCH tại Xuân Lộc. Tôi theo chân ông trong nhiều cuộc hành quân để thăm dò chuẩn bị cho sự tham chiến của Trung Đoàn Thiết Kỵ 11 QLHK.

Tháng 5 năm 1966, Tướng Khôi cung cấp Thiết Đoàn 1/5 (M41A3) để được không vận ra Đà Nẵng ("When Tanks Took Wings," ARMOR, May-June 1994)

Vào đầu năm 1970, Chiến Đoàn 318 cuả Tướng Khôi đi tiên phong trong cuộc hành quân hỗn hợp Mỹ/Việt vượt biên vào lãnh thổ Cam Bốt, khiến cho Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn 3 của ông được mệnh danh "Patton của Vùng Mỏ Vẹt."

Tháng 11 năm 1970, Tướng Khôi tổ chức và huấn luyện Lữ Đoàn Thiết Giáp Quân Đoàn 3 và chỉ huy Lữ Đoàn này tại Cam Bốt, trước cũng như sau thời gian theo học US Army Command & General Staff College tại Fort Leavenworth năm 1972-73.

Năm 1971-72, tôi thường gặp Tướng Khôi tại nhiều nơi tỉ như An Lộc và Lộc Ninh, trong những lúc Lữ Đoàn của ông đánh đông dẹp tây tại những mặt trận sôi bỏng trên lãnh thổ Cam Bốt.

Sau khi được phóng thích khỏi trại tù cải tạo sau 17 năm, Tướng Khôi hiện cư ngụ tại Springfield, VA.

Tướng Khôi là một trong số những vị lãnh đạo Thiết Giáp cừ khôi nhất tôi được quen biết: táo bạo và xông xáo, nhưng không húc bậy, biết dùng di động tính và hỏa lực đề tạo chấn động gây khiếp đảm ngay cả trên chiến trường Việt Nam. Tướng Khôi đồng thời cũng biết chế biến và uyển chuyển để tận dụng những lợi khí có trong tầm tay. Nếu Tướng Khôi là chỉ huy trưởng của một chi đoàn thiết giáp thuộc Third Army trong Đệ Nhị Thế Chiến, thì hẳn là Tướng Patton đã phải nhìn nhận hai chiến binh đồng hạng: Creighton Abrams và Trần Quang Khôi.

Raymond R. Battreall
Đại Tá, Thiết Giáp (Hưu Trí)
(Armor, March-April 1996)

Ghi chú: Cháu vừa đọc một số thông tin về ông cháu, Trần Quang Khôi. Ông cháu hiện giờ sống tại South Riding, và không còn ở Springfield đã nhiều năm qua. Đó chỉ là một tiểu tiết trong trường hợp ông muốn cập nhật thông tin trên trang nhà của ông... Cháu xin cám ơn ông về thì giờ của ông. (Trần Quang Phú, 31/08/2008)

Các Tướng Lãnh QLVNCH

Tướng Hiếu, Một Thiên Tài Quân Sự?
Các Tướng Lãnh QLVNCH
generalhieu