Thursday, June 24, 2021

Sơ Lược Tiểu Sử Binh Nghiệp Đại Tướng Trần Thiện Khiêm

Tháng 9/19 69 đến tháng 04/1975 Thủ Tướng kiêm Tổng Trưởng Quốc Phòng VNCH.
Năm 1969? đến tháng 09/1969 Phó Thủ Tướng
Tháng 05/1968 đến năm 1969 Tổng Trưởng Nội Vụ.
Tháng 10/1965 đến tháng 05/1968 Đại Sứ VNCH tại Đài Bắc.
Tháng 10/19 64 đến tháng 10/1965 Đại Sứ VNCH tại Hoa Kỳ.
Tháng 07/1964 Thăng Đại Tướng.
Tháng 01/1964 đến tháng 09/1964 TTQP kiêm TTMT QLVNCH.
Tháng 12/1963 đến tháng 01/1964 Tư Lệnh Quân Đoàn 3.
Tháng 11/1963 Thăng Trung Tướng.
Tháng 12/1962 Thăng Thiếu Tướng.
Tháng 12/1962 đến tháng 11/1963 Tham Mưu Trưởng Liên Quân.
Tháng 02/1960 đến tháng 12/1962 Tư Lệnh SĐ21BB kiêm TL QK5.
Năm 1958 đến tháng 02/1960 Tư Lệnh Sư Đoàn 4 Dã Chiến.
Năm 1957 đến năm 1958 Tu nghiệp khóa CH&TM cao cấp tại Hoa Kỳ.
Tháng 08/1957 Đại Tá Xử Lý thường vụ Tham Mưu Trưởng BTTM.
Tháng 07/1954 Thiếu Tá rồi Trung Tá TM Phó Tiếp Vận BTTM.
Tháng 07/1948 Thiếu Úy SQ tập sự Vệ Binh Nam Phần.
Năm 1946 đến năm 1947 Chuẩn Uý HSQ cao cấp Viễn Đông (Đập Đá)

Nhan Hữu Hiệp

 Đại Tướng Trần Thiện Khiêm. (https://en.wikipedia.org)

GARDEN GROVE (VB) – Cựu Đại Tướng Trần Thiện Khiêm đã qua đời vào ngày 24 tháng 6 năm 2021 tại Miền Nam California, Hoa Kỳ, hưởng thọ 95 tuổi, theo thông báo của Cựu Đại Tá Vũ Văn Lộc tức nhà báo Giao Chỉ tại San Jose cho biết hôm Thứ Năm, 24 tháng 6 năm 2021.
Nhà báo Giao Chỉ cho biết thêm rằng, “Tại miền Bắc California sẽ có nhiều thân hữu xuống dự đám tang. Sẽ có lễ tưởng niệm tổ chức 1 tuần lễ sau tại San Jose.”
Theo tài liệu được đăng trên trang mạng https://www.wikiwand.com, Trần Thiện Khiêm (sinh năm 1925) nguyên là một tướng lĩnh Bộ Binh của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, cấp bậc Đại Tướng. Ông xuất thân từ khóa đầu tiên ở Trường Võ Bị Liên Quân Viễn Đông do Quân đội Pháp mở ra tại Cao Nguyên Trung Phần Việt Nam.
Mặc dù chuyên môn quân sự của ông là Bộ Binh, nhưng khi còn là sĩ quan trung cấp, ông ít phải chỉ huy đơn vị tác chiến mà được cử giữ những chức vụ liên quan đến lãnh vực Tham Mưu. Sau lên đến sĩ quan cao cấp, ông được cử chỉ huy đơn vị cấp Sư Đoàn một thời gian ngắn.
Ông từng là tướng lĩnh giữ vai trò quan trọng trong các cuộc Đảo chính Quân sự tại Việt Nam Cộng Hòa trong những năm 1963-1964. Sau đó ông được đảm trách những chức vụ cao trong Quân đội như: Tư Lệnh Quân Đoàn, Tham Mưu Trưởng rồi Tổng Tham Mưu Trưởng Bộ Tổng Tham Mưu.
Là một trong số ít sĩ quan được thăng cấp tướng ở thời kỳ Đệ Nhất Cộng Hòa (Thiếu Tướng năm 1962) và là một trong 5 sĩ quan được phong cấp Đại Tướng trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Ông còn là một chính khách và là người giữ chức vụ đứng đầu Bộ Quốc Phòng và Thủ Tướng Việt Nam Cộng Hòa trong thời gian lâu nhất.
Hiện tại, ông là tướng lĩnh cao cấp nhất của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa còn sống và cũng là tướng lĩnh có tuổi thọ cao thứ hai sau Đề Đốc Trần Văn Chơn.
Cựu Đại Tướng Trần Thiện Khiêm đã cùng với cựu Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu rời khỏi Việt Nam vào chiều tối ngày 25 tháng 4 năm 1975 để đến Đài Loan. Sau đó ông đã được định cư tại tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ.
*
Xem thêm tiểu sử của Trần Thiện Khiêm trong link Wikipedia sau đây:
Nhiều người nghe tin Đại tướng Trần Thiện Khiêm qua đời mới nhớ đến ông, biết ông đã sống thọ gần 100 tuổi. Cả đời ông sống đã kín đáo như vậy, mặc dù đã giữ nhiều chức vụ lãnh đạo ở miền Nam Việt Nam, từ 1963 đến 1975. Có lúc ông ngồi trong “Tam Đầu Chế” (troika) nắm quyền cao nhất nước, gồm Nguyễn Khánh, Dương Văn Minh, Trần Thiện Khiêm. Sau lại làm thủ tướng với ông Nguyễn Văn Thiệu một thời gian rất dài. Sau 1975 ông Trần Thiện Khiêm cũng sống bình lặng, chỉ thấy ông xuất hiện một lần năm 2013, đi với Đề đốc Trần Văn Chơn và Tướng Nguyễn Khắc Bình thăm Viện Bảo Tàng Thuyền Nhân và Việt Nam Cộng Hòa ở San Jose.
 
Tình cờ tôi mới đọc mấy câu chuyện về Đại tướng Trần Thiện Khiêm trong một cuốn sách mới xuất bản viết về Việt Nam Cộng Hòa của George J. Veith, do bạn Trịnh Bình An gửi tặng. Đây là một cuốn sách ra rất trễ, nhưng có nhiều chuyện chưa ai kể về thời Đệ Nhị Cộng Hòa .
 
Chẳng hạn, về Đại tướng Trần Thiện Khiêm, George Veith cho biết ông Khiêm đã từng vào bưng theo “kháng chiến” năm 1947, với ba người bạn cùng tốt nghiệp trường huấn luyện quân sự của Pháp ở Đà Lạt. Chỉ bốn tháng sau, biết rõ Việt Minh là cộng sản, ông đã bỏ về. Ông Nguyễn Khánh đi kháng chiến lâu hơn, một năm mới từ giã cộng sản. Ông Nguyễn Văn Thiệu trải qua kinh nghiệm như ông Khiêm. George Veith kể rằng tay cán bộ cộng sản tiếp đón những nhóm Nguyễn Văn Thiệu, Trần Thiện Khiêm khi họ vào bưng, là Phạm Ngọc Thảo, một trùm gián điệp cộng sản. Theo lời Võ Văn Kiệt, năm 1954 chính Lê Duẩn ra lệnh Phạm Ngọc Thảo ở lại nằm vùng. Thảo về thành, bám áo Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục để tìm đường leo lên; từ năm 1963 đã xúi dục mấy vụ đảo chính để gây rối loạn.
 
George Veith mới xuất bản cuốn “ Drawn Swords in a Distant Land” cung cấp nhiều chuyện hậu trường thời Đệ Nhị Cộng Hòa. Ông đã in cuốn “Tháng Tư Đen” về những ngày cuối cùng cùa chiến tranh Việt Nam, sau hai cuốn viết về việc tìm kiếm binh sĩ Mỹ mất tích. Phải là một người “không sợ súng,” mới viết thêm một cuốn sách về đề tài “quá cũ” đó.
George Veith không có “nợ nần” gì với Việt Nam; khi đến tuổi “quân dịch” thì cuộc chiến đã chấm dứt. Có máu một nhà báo hơn là một sử gia, Veith đã phỏng vấn rất nhiều “người trong cuộc” ngoài những tài liệu trong sách vở. Và anh thận trọng như một nhà báo; mỗi khi nói điều gì do một người tiết lộ thì anh đi hỏi người khác về cùng câu chuyện đó. Cũng nhờ dựa vào các cuộc phỏng vấn cá nhân, Veith cho người đọc nhìn lại thời Việt Nam Cộng Hòa với các chi tiết từ đó các nhân vật nổi tiếng hiện ra như những “con người thật,” không phải chỉ là các “ông tướng” hay “nhà chính trị.” Các biến cố được kể lại cũng phức tạp hơn, nhiều mâu thuẫn tế nhị hơn, không phải chỉ có bên trắng bên đen như các người trong cuộc viết hồi ký thuật chuyện về mình.
 
Trong phần Danh Mục (Index) ở cuối sách, sau hai tên Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ, tên Đại tướng Trần Thiện Khiêm được nhắc tới nhiều nhất.
 
Mặc dù Trần Thiện Khiêm không ủng hộ ông Ngô Đình Diệm trong cuộc tranh chấp với Nguyễn Văn Hinh, ông được thăng cấp rất nhanh từ thời Đệ Nhất Cộng Hòa. Sau cuộc đảo chính hụt 1960 ông Khiêm cũng như ông Thiệu đều bị điều tra. Ông Khiêm được ông Huỳnh Văn Lang, một người góp phần sáng lập đảng Cần Lao, bảo đảm, để đưa ông vào đảng. Nhưng ông không cải đạo theo Thiên Chúa Giáo, mãi đến năm 2018 ông mới rửa tội, lấy tên thánh Phao Lô. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu thì khác, năm 1951 ông đã cưới một cô theo Công Giáo, sau một năm “tranh đấu” để được thân sinh cho phép cải đạo. Nhưng ông không rửa tội; cũng không gia nhập đảng Cần Lao. Năm 1955 ông Thiệu mất các chức vụ chỉ huy, đưa lên “ngồi chơi xơi nước” coi trường Võ Bị Đà Lạt. Ba năm sau ông mới chịu rửa tội, do Linh mục Bửu Dưỡng, một lý thuyết gia của chủ nghĩa Nhân Vị Thiên Chúa Giáo. Có lẽ nhờ thế nên ông Thiệu được trở lại chỉ huy các đơn vị có quân sĩ, chuyển ngôi trường Võ Bị cho Lê Văn Kim, một ông tướng “gốc Tây” bị ông Diệm nghi ngờ.
 
George Veith kể một chuyện “hậu trường” về quan hệ giữa hai ông Lê Văn Kim và Ngô Đình Nhu, liên can đến nhiều gia đình nổi tiếng. Ông Kim lấy em gái Tướng Trần Văn Đôn, có lúc ở Đà Lạt trong ngôi biệt thự của song thân Tướng Đôn. Hai cụ lại quen thân với Luật sư Trần Văn Chương, mà cô con gái Trần Lệ Xuân lấy ông Ngô Đình Nhu năm 1943. Vì chỗ quen biết đó, vợ chồng ông Nhu đã có lần tạm trú ở nhà ông Lê Văn Kim trên Đà Lạt, trong cuốn sách có hình chụp cả hai gia đình năm 1947.
 
Năm 1960, nhóm đảo chính hụt công bố danh sách một chính quyền lâm thời, để tên ông Lê Văn Kim làm chức thủ tướng. Chắc vì ông Vương Văn Đông, người chủ mưu, quen ông Kim khi cùng đi Mỹ dự một khóa học tham mưu năm 1958. Sau cuộc đảo chính bất thành, ông Diệm sai Tướng Tôn Thất Đính lên Đà Lạt bắt Lê Văn Kim. Ông Kim lo sẽ bị giết, xin về nhà lấy quần áo, nhân đó gọi điện thoại cho ông Ngô Đình Nhu; phân trần mình không biết gì đến âm mưu phản loạn! Ông Nhu siêu lòng, cho một chiếc máy bay lên đón ông Kim về Sài Gòn.
 
Ông Nhu cho ông Kim làm phụ tá cho Tướng Dương Văn Minh, lúc đó đang giữ một chức vụ “ngồi chơi xơi nước” ở Bộ Tổng Tham Mưu. Ông Kim không có việc gì làm, hay đi thăm người anh vợ là Tướng Trần Văn Đôn, chỉ huy vùng I Chiến thuật. Kim thường rủ Dương Văn Minh cùng đi Huế. Ba người này, sau là nhóm tổ chức cuộc đảo chính năm 1963, hai ông Diệm, Nhu bị giết.
 
Nhưng vào tháng Mười năm 1963, ba ông tướng này không thể điều động các đơn vị quân đội mà qua mặt Chánh văn phòng Bộ Tổng Tham Mưu, lúc đó là Tướng Trần Thiện Khiêm. Dương Văn Minh đi thăm dò ông Khiêm; lúc đó mới biết Khiêm cũng đang bàn chuyện đảo chánh với Nguyễn Khánh! Năm 1960, Tướng Khánh là người đã “leo hàng rào” vào Dinh Độc Lập, rồi từ trong đó điện thoại cho các đơn vị vùng IV kêu họ về giải vây cho ông Diệm.
 
Những câu chuyện nho nhỏ trên cũng đáng đem ra kể cho mọi người biết thêm về hậu trường chính trị Việt Nam Cộng Hòa. George Veith đã phỏng vấn bao nhiêu người để cung cấp các chi tiết tỉ mẩn đó. Có lẽ nhiều năm sau khi tấn kịch đã hạ màn, các tình tự yêu ghét đã nguội bớt, những người được phỏng vấn cũng khách quan hơn. George Veith xin phỏng vấn bà Nguyễn Văn Thiệu không được, nhờ cựu bộ trưởng Cao Văn Thân năn nỉ giúp và đứng ra làm thông dịch. Ông Trần Thiện Khiêm cũng từ chối không cho George Veith phỏng vấn. Tác giả phải nhờ Luật sư Cao Lan, con Đại tướng Cao Văn Viên, đóng vai “con cháu trong nhà” đến hỏi chuyện bác Khiêm.
 
Ông Khiêm không thích chơi với các nhà báo! Trước sau năm 1975 ông luôn “thủ khẩu như bình,” Bây giờ chúng ta còn nhớ trước năm 1975 dân chúng miền Nam đã xuống đường nhiều lần, phản đối từ ông Diệm, ông Nhu, cho tới ông Minh, ông Khánh, ông Thiệu, ông Kỳ; nhưng hầu như chưa ai tổ chức biểu tình chống Trần Thiện Khiêm cả!
 
Có lẽ vì ông Khiêm bao giờ cũng chấp nhận đứng hàng thứ hai, thứ ba, không đứng đầu. Ông Nguyễn Cao Kỳ, khi đóng vai một thủ tướng, vẫn muốn mình nổi nhất trong nhóm tướng lãnh, phải chứng tỏ mình là người đóng vai quyết định, phải được báo chí nhắc tên luôn luôn. Ông Trần Thiện Khiêm thì ngược lại. Làm thủ tướng nhưng luôn luôn lánh mặt, nhường ông Thiệu đóng vai chính. Ông để các vị bộ trưởng họp báo, ra trước quốc hội và công chúng để “lãnh đạn.” Ông Hoàng Đức Nhã, người mà George Veith mô tả là đối nghịch nặng nề với ông Trần Thiện Khiêm, cho biết ông Khiêm công nhận rằng mình chỉ là “kẻ thừa hành.” Nhưng ông Nhã, phụ tá thân cận của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, cũng nhận xét rằng chưa thấy ai “lẩn” giỏi như ông Khiêm.
 
Đáng lẽ không nên viết nhiều về Đại tướng Trần Thiện Khiêm như vầy, biết ông không thích người khác nói đến mình. Xin ông tha lỗi, và cầu nguyện ông về nơi an lành vĩnh cửu.
Ngô Nhân Dụng
 

——————————-
Trần Thiện Khiêm (chữ Hán: 陳善謙; sinh 1925) là một trong 5 quân nhân thụ phong cấp bậc Đại tướng Quân lực Việt Nam Cộng hòa, từng là tướng lĩnh giữ vai trò quan trọng trong các cuộc đảo chính quân sự tại Việt Nam Cộng hòa trong những năm 1963-1964. Ông cũng là một chính khách và là người từng giữ chức vụ Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa trong thời gian lâu nhất: 6 năm.
Ông sinh ngày 15 tháng 12 năm 1925 tại Châu Thành, Long An, trong một gia đình đại điền chủ giàu có. Do điều kiện gia đình, ông có một nền học vấn cơ bản tốt, đã tốt nghiệp trung học phổ thông chương trình Pháp với văn bằng Tú tài.

Năm 1945, ông tham gia phong trào Việt Minh. Khi Pháp tái chiếm Nam Bộ, ông cùng các bạn hữu rút vào chiến khu 8, chiến đấu dưới quyền khu trưởng Trần Văn Trà một thời gian ngắn, sau đó lại trở về thành.
Năm 1946, ông nhập ngũ vào Quân đội Pháp. Do có trình độ Tú tài, ông được cho theo học khoá 1 Trường Võ bị Liên quân Viễn Đông Đà Lạt (còn gọi là khoá Nguyễn Văn Thinh). Thời gian theo học tại đây, ông có quan hệ thân tình với một số học viên trẻ khác như Nguyễn Khánh, Lâm Văn Phát và Trần Đình Lan.

Giữa năm 1947, ông tốt nghiệp với cấp bậc Chuẩn úy và tiếp tục trong Quân đội Liên hiệp Pháp tại các đơn vị người bản xứ. Tháng 7 năm 1948, ông là sĩ quan tập sự trong lực lượng Vệ binh Nam Phần, phục vụ Đại đội 1 thuộc Tiểu đoàn 3 Việt Nam và đầu tháng 8 ông được thăng cấp Thiếu úy.
Năm 1950, ông được chuyển ngạch sang Quân đội Quốc gia Việt Nam và được thăng cấp Trung úy, được điều làm chỉ huy một đơn vị đồn trú tại Mông Thọ, Rạch Giá. Năm 1952, thăng Đại úy, điều đi Tiểu khu Hưng Yên làm Trưởng ban 3 của Liên đoàn Lưu động số 2 đồn trú tại Ninh Giang. Tại đây ông kết thân với 2 sĩ quan người Việt là Trung úy Nguyễn Văn Thiệu và Trung úy Cao Văn Viên. Bộ 3 này về sau là những người có thế lực nhất trong nền Đệ nhị Cộng hòa.

Tháng 9 năm 1953, ông được chuyển sang phục vụ tại Liên đoàn Lưu động số 3 đồn trú tại Ninh Bình do Thiếu tá Phạm Văn Đổng làm Chỉ huy trưởng. Tháng 7 năm 1954, ông làm Trưởng phòng 3 Đệ nhị Quân khu, đến cuối năm thì được thăng cấp Thiếu tá, Tham mưu trưởng Đệ nhị Quân khu. Tháng 8 năm 1955, ông được thăng Trung tá giữ chức vụ Tham mưu Phó Tiếp vận Bộ Tổng tham mưu Quân đội Quốc gia Việt Nam.
Do có công ủng hộ Thủ tướng Ngô Đình Diệm phế truất Quốc trưởng Bảo Đại, tháng 8 năm 1957 ông được thăng cấp Đại tá giữ chức Xử lý thường vụ Tham mưu trưởng Bộ Tổng tham mưu. Sau đó ông được cử đi tu nghiệp khóa Chỉ huy và Tham mưu cao cấp tại Học viện Fort Leavenworth, Kansas, Hoa Kỳ.

Sau khi về nước năm 1958, ông được cử làm Tư lệnh Sư đoàn 4 Dã chiến (sau đó được cải danh thành Sư đoàn 7 Bộ binh). Tháng 2 năm 1960, được chuyển sang làm Tư lệnh Sư đoàn 21 Bộ binh kiêm Tư lệnh Quân khu 4, phụ trách vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Khi cuộc đảo chính quân sự 1960 nổ ra, ông chỉ huy Sư đoàn kéo về Sài Gòn để giải vây cho Tổng thống Ngô Đình Diệm. Do hành động giải vây trên, ông rất được Tổng thống Diệm tín nhiệm. Tháng 12, ông được thăng cấp Thiếu tướng và giữ chức Tham mưu trưởng Liên quân, thay cho người tiền nhiệm là tướng Nguyễn Khánh vừa được điều vào chức vụ Tư lệnh Quân đoàn II.

Giữa năm 1963, Tổng tham mưu trưởng Đại tướng Lê Văn Tỵ sang Hoa Kỳ chữa bệnh. Ông được chỉ định kiêm Xử lý thường vụ Tổng tham mưu trưởng cho đến tháng 8 thì Trung tướng Trần Văn Đôn mới được chỉ định làm quyền Tổng tham mưu trưởng.
Tuy vậy, tướng Khiêm lại là một trong những tướng lĩnh chủ chốt tham gia cuộc Đảo chính. Với cương vị Tham mưu trưởng Liên quân, tướng Khiêm được cho là có những động thái tích cực để vạch kế hoạch và điều động các đơn vị tham gia đảo chính vào Sài Gòn cũng như cách ly các đơn vị trung thành với tổng thống Diệm. Sau cuộc đảo chính, ông được thăng Trung tướng kiêm chức Ủy viên Quân sự trong Hội đồng Quân nhân Cách mạng do Trung tướng Dương Văn Minh làm Chủ tịch.

Đầu năm 1964, ông được bổ nhiệm vào chức vụ Tư lệnh Quân đoàn III, kiêm Tổng trấn Sài Gòn thay cho tướng Tôn Thất Đính. Tuy nhiên, chỉ một tháng sau, ông cùng với người bạn cũ là tướng Nguyễn Khánh đã thực hiện cuộc “chỉnh lý” chớp nhoáng, cướp quyền của Hội đồng Quân nhân Cách mạng, đưa tướng Khánh lên nắm quyền tối cao. Để trả công, ông được tướng Khánh giao giữ chức Tổng trưởng Quốc phòng, kiêm Tổng Tư lệnh Quân lực. Ngày 11 tháng 8, ông được thăng cấp Đại tướng và trở thành người thứ 2 sau tướng Lê Văn Tỵ thụ phong hàm Đại tướng của Việt Nam Cộng hòa.

Nhằm dung hòa mâu thuẫn giữa các tướng lĩnh, giải pháp “Tam đầu chế” ra đời. Trong một thời gian ngắn, từ 27 tháng 8 đến 8 tháng 9, ông tham gia Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia cùng với 2 tướng Dương Văn Minh và Nguyễn Khánh.
Thắng làm vua, thua làm đại sứ

Tuy nhiên, mâu thuẫn quyền lực đã nảy sinh với ông bạn cũ Nguyễn Khánh. Để bảo đảm quyền lực tuyệt đối, tướng Khánh khó mà chấp nhận người bạn đã nhiều lần tổ chức đảo chính và đã đưa mình lên vị trí quyền lực. Cho rằng tướng Khiêm đứng đằng sau cuộc binh biến của tướng Dương Văn Đức ngày 13 tháng 9 năm 1964, ngày 24 tháng 10 năm 1964, ông bị tướng Khánh tước mọi chức vụ và được “cử” làm Đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Hoa Kỳ, thực chất là một hình thức đẩy đi lưu vong ở nước ngoài.

Sau khi nhóm các tướng trẻ do tướng Nguyễn Cao Kỳ và một người bạn cũ của tướng Khiêm là tướng Nguyễn Văn Thiệu cầm đầu, đã buộc tướng Khánh phải rời khỏi chức vụ để “làm” đại sứ lưu động, tướng Khiêm đã có hy vọng trở về. Tuy nhiên, tháng 19-1965, nhóm tướng Kỳ một lần nữa lại đẩy ông làm Đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Đài Loan (Trung Hoa Dân Quốc).
Trở về nắm quyền
Mãi đến năm 1967, Nguyễn Văn Thiệu sau khi đã ngồi chắc vào chiếc ghế Tổng thống, đã dùng nhiều biện pháp để loại trừ vây cánh của tướng Nguyễn Cao Kỳ (lúc đó đã là Phó tổng thống), tháng 5 năm 1968, ông mới được triệu hồi về nước và được giao chức vụ Tổng trưởng Nội vụ trong chính phủ Trần Văn Hương. Đầu năm 1969, ông được cử làm Phó Thủ tướng. Tháng 8 năm 1969, ông được Tổng thống Thiệu chỉ định làm Thủ tướng và lập chính phủ mới. Khi tướng Nguyễn Văn Vỹ bị cách chức Tổng trưởng Quốc phòng năm 1972, ông kiêm nhiệm luôn chức vụ này cho đến tận tháng 4 năm 1975.
Lưu vong lần thứ hai

TTK

Tháng 3 năm 1975, sau khi VC đã kiểm soát được hầu hết miền Trung và Cao nguyên, trước áp lực của Hoa Kỳ đòi hỏi phải có một cuộc cải tổ sâu rộng thành phần chính phủ để ổn định nội tình Miền Nam và có đủ sức mạnh để đối thoại với phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã yêu cầu ông từ chức để mời Nguyễn Bá Cẩn thành lập chính phủ mới. Ngày 5 tháng 4 năm 1975, ông chính thức từ chức rời khỏi chức vụ. Ngày 21 tháng 4, đến lượt tổng thống Thiệu cũng từ chức, giao quyền Tổng thống cho phó Tổng thống Trần Văn Hương. Đêm ngày 24 tháng 4, ông cùng với cựu Tổng thống Thiệu rời khỏi Việt Nam sang Đài Loan. Sau đó qua định cư tại Hoa Kỳ.

Những giờ phút cuối cùng của ông tại Việt Nam được cựu điệp viên CIA Frank Snepp ghi lại trong quyển “Decent Interval” như sau:

Khoảng 5giờ chiều 25 tháng 4 năm 1975, Polgar gọi tôi, Joe Kingsley, tướng Timmes và một nhân viên khác của sở đến văn phòng: “Các anh có thể tìm đường quanh Sài Gòn ban đêm?…”. “Tốt”. “Vì tôi muốn các anh giúp tôi đưa Thiệu và Thủ tướng Khiêm đi Đài Loan tối nay”. Đại sứ Martin sau này thú nhận với tôi là ông đã tiếc vì đã nhờ Polgar Giám đốc CIA ở Việt Nam, thay vì nhờ cơ quan DAO và than phiền Polgar đã không làm được việc giao phó cho đúng. “Tôi đã yêu cầu ông ấy đánh máy hồ sơ cần thiết cho Thiệu và đem theo với ông ấy khi các anh vào Tân Sơn Nhất. Nhưng ông ấy không làm được. Ông ấy quên giấy. Ông ấy bảo là không tìm thấy bàn đánh máy chữ”. Kết quả là Thiệu rời khỏi xứ trên máy bay Mỹ mà không có giấy tờ chấp thuận của Việt Nam hay phía Mỹ.

Timmes, hai nhân viên khác và tôi lấy ba chiếc Limousine từ nhà xe của cơ quan CIA khoảng 8giờ 30 tối và lái xe đến Bộ Tư lệnh Quân đội miền Nam ngoài Tân Sơn Nhất nơi Khiêm cư ngụ…

Ngay sau 9 giờ tối, Polgar đến nhà Khiêm với xe riêng và tài xế. Trong khi ông ta uống rượu với Khiêm và Timmes trong nhà, tất cả chúng tôi ra ngoài sân nghỉ chân….
”Sau khi sang Mỹ, ông cùng gia đình định cư tại Virginia, rồi chuyển sang Houston, Texas.
Gia đình

Ông có 3 người anh trai:

Trần Thiện Khởi, cựu Tổng giám đốc Quan thuế Việt Nam Cộng hòa
Trần Thiện Phương, cựu Giám đốc Thương cảng Gài Gòn
Trần Thiện Ngươn, Đại tá Việt Nam Cộng hòa
Phu nhân: Bà Đinh Thùy Yến (1934-2004), còn gọi là Tư Nết, tên Pháp là Annette, con gái một đại điền chủ vùng Rạch Giá. Về sau bà từng trúng cử Dân biểu Quốc hội Việt Nam Cộng hòa (1959-1963). 


Trần Hiếu

“Lạy Chúa, dù qua thung lũng âm u, con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng.” TV 23:4

Từ khi lãnh nhận bí tích Rửa tội để trở thành con cái Chúa cách đây hơn một năm, ông Trần Thiện Khiêm, nguyên Thủ tướng VNCH, 94 tuổi, bây giờ trở nên khác trước. Ông nói, cảm nghiệm “Thiên Chúa ở cùng” làm ông luôn cảm thấy an tâm, thư thái và vui vẻ.

Dù đã an dưỡng tuổi già từ lâu, ông vẫn hay cảm thấy căng thẳng, tâm hồn nặng trĩu những lo lắng, ưu tư. Anh Bá, người cháu gọi ông bằng chú, nói rằng từ khi theo đạo, ông vui vẻ hẳn lên, điều gì ông cũng nói “Chúa sẽ lo liệu”.

Mỗi sáng sớm ông bắt đầu một ngày với làm dấu thánh giá và đọc những câu kinh quen, kinh Lạy Cha, kinh về Đức Mẹ, và suy niệm. Mỗi tối ông cũng làm như vậy. Vào mỗi Chúa Nhật, vì sức khỏe kém không thể đến nhà thờ, ông dự lễ qua màn ảnh Tivi.

Ông nói, “Đức tin tôi còn yếu kém, nhưng tôi cảm nhận được Thiên Chúa thứ tha, được Ngài gánh mọi tội lỗi của mình, được Ngài thương cứu mình, và không để mình hư mất”. Với tư tưởng Thiên Chúa hiện diện nơi mình, ông sẵn sàng để Chúa dẫn dắt và quên đi chính mình: “Khi thấy Chúa vì mình mà khổ đau, tôi cũng học chấp nhận những hiểu lầm và tổn thương nên cảm thấy nhẹ lòng.”

Đầu năm 2018, khi đang nằm điều trị tại dưỡng đường Mission De La Casa, San Jose, của Bác sĩ Ngãi, do bị gãy xương chân, ông Khiêm hỏi chị Mai, một người thân quen giúp chăm sóc ông, “Chị có biết ông linh mục nào ở gần đây không, tôi muốn gặp?” Lúc ấy, thấy cha Justin Lê Trung Tướng đang viếng thăm cụ thân sinh của cha dưỡng bệnh ở phòng bên cạnh, chị Mai liền mời đến gặp ông Khiêm.

Khi ông Khiêm ngỏ lời muốn theo đạo, cha chỉ hỏi ông một số điều cần tin trong kinh Tin Kính, rồi sắp xếp lễ rửa tội cho ông. Thông thường, một người muốn theo đạo cần được hướng dẫn giáo lý một thời gian, nhưng với ông Khiêm, đức tin dường như đã có đó, nên cha thấy không cần phải qua các thủ tục thông thường.

Trong bài giảng lễ, cha nói, “Bản thân cụ khi chưa là tín hữu Công Giáo đã xác tín mình là con Chúa. Bây giờ, trở nên tín hữu là dịp để tạ ơn Chúa. Cụ xác tín Chúa yêu thương và sắp xếp mọi việc tốt đẹp theo thánh ý Ngài… Được rửa tội là được sinh ra trong ơn nghĩa Chúa hôm nay và mãi mãi. Chọn Chúa là xin Chúa dẫn đến quê trời với sự sống đời đời.”

Ông Khiêm sinh ngày 15/12/1925 tại Châu Thành, Long An. Với phép rửa tội, ngày 25/3/2018 là ngày sinh nhật mới của ông, được sinh ra trong đức tin. Ông nói, ông theo đạo là do ý muốn của mình, không có gì ràng buộc hoặc ai thúc ép gì cả.

Ông kể, lúc còn niên thiếu 9, 10 tuổi, sống ở xóm gần nhà thờ Huyện Sĩ, Sài Gòn, ông sinh hoạt với các bạn cùng trang lứa trong đoàn Hùng Tâm Dũng Chí, rồi được học trường đạo nên hiểu biết ít nhiều câu kinh và lẽ đạo. Khi ở trong quân đội, nhiều bạn Mỹ vẫn hay gọi ông là “Catholic Khiêm.” Ông chẳng đính chính, “vì thấy mình cũng như là người có đạo, mặc dầu chưa được rửa tội.”

Trong gia đình dòng tộc của ông đã có nhiều người theo đạo, gồm cả cô em gái, những đứa cháu, người anh em họ là cụ Nguyễn Văn Huyền, Chủ tịch Thượng Viện VNCH… Nhưng khi ông muốn chính thức là tín hữu Công Giáo, con đường dẫn đến đức tin cũng không khỏi gập ghềnh.

Cách đây năm năm, qua sự sắp xếp của Thiếu tướng Nguyễn Khắc Bình và vài người bạn trong Phong trào Cursillo Việt Nam tại San Jose, ông đã gặp và trò chuyện lâu giờ với Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, một người ông có mối đồng cảm sâu đậm. Cuộc gặp gỡ nhằm trao đổi nhiều vấn đề, và họ không quên nói đến vấn đề tâm linh. Sau cuộc gặp tại San Jose nầy, ý định chịu phép rửa tội càng thôi thúc ông. Từ đó, các bạn chuẩn bị các bước cho ông vào đạo, và ông ước mong được dịp Đức Cha Hợp ban phép rửa tội cho.

Nhưng điều ông mong muốn đã không xảy ra. Khi trở về nhà tại San Diego, ông đã bị té và việc học đạo để lãnh nhận bí tích bị gián đoạn. Những ngày đầu năm dương lịch 2018, sau khi sức khỏe được phục hồi, ông lại lên San Jose gặp gỡ bạn bè và tham dự một buổi tiệc của đồng hương Miền Nam. Sau buổi tiệc, ông lại bị té, và phải vào bệnh viện để chữa trị. Sau khi vết thương thuyên giảm, ông được đưa vào tĩnh dưỡng ở dưỡng đường. Ông nói, lúc nầy cảm thấy buồn, cô đơn và cũng là lúc mà tia sáng đức tin hiện đến, tâm hồn ước mong vươn ra xa cái hạn hẹn của cuộc sống hằng ngày.

Khi chọn tên thánh rửa tội, ông phân vân giữa Thánh Phêrô và Thánh Phaolô, một người chối Chúa, một người bách hại đạo Chúa, nhưng cả hai đều thay đổi, trở nên những môn đệ mến Chúa hết lòng.  Cuối cùng, ông chọn tên thánh Phaolô, một người đã té ngã và được Chúa cho trỗi dậy.

Hồi tưởng lại quá khứ, ông nói, người ảnh hưởng sâu xa trong việc theo đạo của ông là là Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận. Khi lưu vong, ông được Tổng Thống Thiệu mời về nước, và người hay tới thăm và an ủi nhiều là Đức Cha Thuận. Chính thái độ và tấm lòng bao dung của Đức Cha đã làm ông hết sức cảm động và nhìn thấy hình ảnh Thiên Chúa hiện diện.

Theo đạo, ông cảm thấy mình không hết khó khăn và thử thách, nhưng không thấy cô đơn. Ngoài việc đọc kinh mỗi ngày, ông còn đọc Thánh Kinh, nghe nhạc đạo, theo dõi các diễn biến thời sự, trò chuyện với bạn bè.  Ông còn quen thêm các bạn mới trong đạo. Gặp gỡ bạn bè giúp ông tìm thấy niềm vui mỗi ngày.

Ông nói, “Thật cảm động, sau khi tôi theo đạo vài tháng, Đức Cha Hợp sang Hoa Kỳ thăm tôi. Tôi cũng có dịp gặp lại cha Tướng, người đã ban phép rửa tội cho tôi, các cha và nhiều người bạn ở San Jose”. Với ân sủng đức tin, ông thấy không còn ước ao gì nữa, chỉ mong đến ngày được về với Chúa trong an bình.

Trong nhiều bản thánh ca ưa thích, ông thích nhất bài “Năm xưa trên cây sồi”, là bài ông nghe mỗi ngày, vì bài ca phản ảnh tâm tư của ông. Bài ca cũng nguyện cầu cho đất nước và dân tộc mà ông hằng yêu mến, “Mẹ Maria ơi, Mẹ Maria ôi, con vâng nghe Mẹ rồi, sớm chiều từ nay thống hối; Mẹ Maria ơi, Mẹ Maria ôi, xin Mẹ đoái thương nhậm lời, cho nước Việt xinh tươi, đức tin sáng ngời…”

*Trần Hiếu, giáo dân Giáo xứ Việt Nam Đức Mẹ La Vang, tốt nghiệp Học Viện Lãnh Đạo Mục Vụ, Giáo Phận San Jose, khóa năm 2001.