Wednesday, February 3, 2021

Chuẩn Tướng Trần Quốc Lịch (1935-2021)

Trần Quốc Lịch (1935), nguyên là một tướng lĩnh gốc Nhảy dù của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, cấp bậc Chuẩn tướng. Ông xuất thân từ trường Sĩ quan Trừ bị do Quân đội Pháp và Chính phủ Quốc gia Việt Nam mở ra ở Nam phần Việt Nam với mục đích đào tạo sĩ quan người Việt để phục vụ trong Quân đội Liên hiệp Pháp. Thời gian tại ngũ ông đã bắt đầu từ chức vụ chỉ huy cấp Trung đội cho đến chỉ huy cấp Lữ đoàn trong Binh chủng Nhảy dù. Những năm sau cùng ông chuyển sang đơn vị Bộ binh và lên đến chức vụ chỉ huy cấp Sư đoàn.

Tiểu sử & Binh nghiệp

Ông sinh vào tháng 2 năm 1935 trong một gia đình thương nhân khá giả tại Làng Sĩ Hội, xã Nghĩa Hùng, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, miền Bắc Việt Nam. Năm 1953, ông tốt nghiệp Trung học chương trình Pháp tại Nam Định với văn bằng Tú tài bán phần (Part I).

Quân đội Quốc gia Việt Nam

Đầu năm 1954, ông tình nguyện nhập ngũ vào Quân đội Quốc gia, mang số quân: 55/300.560. Theo học khóa 4 phụ Cương Quyết 2 Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức nhưng được gửi lên Đà Lạt để thụ huấn ở trường Võ bị Liên quân mang tên khóa 10B Trừ bị, khai giảng ngày 16 tháng 3 năm 1954. Ngày 1 tháng 10 năm 1954 mãn khóa tốt nghiệp với cấp bậc Thiếu úy. Ra trường, ông tình nguyện gia nhập vào đơn vị Nhảy dù, được chuyển đi học khóa căn bản Binh chủng tại Sài Gòn. Mãn khóa ông được điều về làm Trung đội trưởng trong Đại đội 4 của Tiểu đoàn 3 Nhảy dù đồn trú tại Nha Trang do Đại úy Phan Trọng Chinh làm Tiểu đoàn trưởng đầu tiên.

Quân đội Việt Nam Cộng hòa

Cuối năm 1956, sau gần một năm từ Quân đội Quốc gia chuyển sang phục vụ Quân đội Việt Nam Cộng hòa, ngày 1 tháng 10 ông được thăng cấp Trung úy giữ chức vụ Đại đội phó Đại đội 4 trong Tiểu đoàn 3 Nhảy Dù. Đến năm 1958, ông được cử theo học khóa tình báo tại trường Quân báo Cây Mai, mãn khóa trở về đơn vị làm sĩ quan An ninh tại Bộ chỉ huy Tiểu đoàn.

Ngày Quốc khánh Đệ nhất Cộng hòa 26 tháng 10 năm 1961, ông được thăng cấp Đại úy, giữ chức Đại đội trưởng Đại đội 1 trong Tiểu đoàn 3 Nhảy dù. Đầu năm 1964, cùng đơn vị hành quân tại chiến trường Hồng Ngự khu vực Đồng Tháp Mười, ông bị thương phải chuyển về điều trị ở Tổng Y viện Cộng Hòa một thời gian ngắn. Đầu năm 1965, ông được chuyển sang làm Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 1 Nhảy dù.[2]. Tháng 10 cùng năm, ông được cử theo học khóa Chỉ huy Tham mưu cao cấp ở trường Chỉ huy và Tham mưu tại Đà Lạt.

Đầu năm 1966, mãn khóa học trở về đơn vị ông được giữ chức vụ Trưởng phòng 2 tại Bộ Tư lệnh Sư đoàn Nhảy dù. Giữa năm, ông được thăng cấp Thiếu tá và được cử giữ chức vụ Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 Nhảy dù thay thế Thiếu tá Trương Kế Hưng[3]. Tháng Giêng năm 1967, ông được cử đi du học khóa Tình báo cao cấp tại trường Tình báo Thái Bình Dương Okinawa, Nhật Bản.

Tháng 4 năm 1968, sau chiến trận Mậu thân đợt 1 ông được thăng cấp Trung tá tại nhiệm. Sau đó, nhận lệnh bàn giao Tiểu đoàn 3 Nhảy Dù lại cho Thiếu tá Lê Văn Phát[4] để lên giữ chức Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 2 Nhảy Dù thay thế Trung tá Đào Văn Hùng.[5][6]

Đầu năm 1970, ông được thăng cấp Đại tá tại nhiệm. Hạ tuần tháng 8 năm 1972, ông xin từ nhiệm vì bệnh cao huyết áp, bàn giao Lữ đoàn 2 lại cho Trung tá Nguyễn Thu Lương.[7] Sau đó, ông được cử giữ chức vụ Tham mưu trưởng kiêm Trưởng phòng 3 Hành quân của Sư đoàn. Đầu tháng 9 cùng năm, ông được bổ nhiệm làm Tư lệnh Sư đoàn 5 Bộ binh thay thế Chuẩn tướng Lê Văn Hưng.

Trong suốt thời gian trong Binh chủng Nhảy dù, từ chức Tiểu đoàn trưởng đến Lữ đoàn trưởng, rồi Trưởng phòng trong bộ tư lệnh Sư đoàn, ông phục vụ dưới quyền Tư lệnh là tướng Dư Quốc Đống.

Ngày lễ Quốc khánh Đệ nhị Cộng hòa 1 tháng 11 năm 1972 ông được thăng cấp Chuẩn tướng tại nhiệm. Thượng tuần tháng 7 năm 1973, ông được lệnh bàn giao Sư đoàn 5 lại cho Đại tá Lê Nguyên Vỹ (nguyên Tư lệnh phó Sư đoàn 21 Bộ binh). Cùng ngày, ông được bổ nhiệm giữ chức vụ Chánh thanh tra Quân đoàn IV và Quân khu 4 do Thiếu tướng Nguyễn Vĩnh Nghi làm Tư lệnh Quân đoàn.

Cuối năm 1974, ông là nghi can có liên quan đến một vụ buôn lậu trong quân đội ông bị câu lưu và tạm giam tại Đề lao Chí Hòa để chờ điều tra. Trong khi hồ sơ chưa hoàn tất, ông bị buộc phải giải ngũ trước niên hạn.

1975

Sau ngày 30 tháng 4, ông được trở về với gia đình. Sau đó đi trình diện ban Quân quản của Chính quyền Cách mạng, ông tiếp tục bị đưa đi tù đày từ Nam ra Bắc cho đến ngày 11 tháng 2 năm 1988 mới được trả tự do.

Năm 1991, ông cùng gia đình xuất cảnh theo diện H.O do Chính phủ Hoa Kỳ bảo lãnh. Sau đó định cư tại Orange, Tiểu bang California, Hoa Kỳ.

Huy chương

  • Huy chương Việt Nam Cộng hòa:
    -Bảo quốc Huân chương đệ tam đẳng
    -Hai mươi lần tuyên dương công trạng trước quân đội (được tặng thưởng Anh dũng Bội tinh với nhành Dương liễu)
    -Mười lần tuyên dương công trạng trước Quân đoàn, Sư đoàn, Trung đoàn (được tặng thưởng Anh dũng Bội tinh với ngôi sao vàng, bạc và đồng)
    -Chiến thương Bội tinh và một số Huy chương quân sự, dân sự khác.
  • Huy chương Hoa Kỳ:
    -Hai huy chương Silver Stars.
    -Hai huy chương Bronze Stars.
    -Huy chương Air Medal

Ai Ra Xứ Huế Thì Ra

  BùiĐứcLạc

             Lữ Đoàn 2 Bộ Binh Nhảy Dù, về Sài Gòn chỉnh bị lại đơn vị đúng vào ngày thứ bẩy mồng 6 tháng 5 năm 1972; Tại phi trường Pleiku Đại Tá Trần Quốc Lịch, ông vẫn không vui vì Quân Đoàn II đã xử dụng các đơn vị Nhảy Dù không đúng với khả năng của đơn vị Tổng Trừ Bị, nhất là đã làm cho TĐ11BB/ND tan nát từng mảnh, chính Đại Tá Lịch đã nhiều lần xin cho TĐ11ND được lưu động, khi Đ/T Lịch vừa dứt lời, thay vì tư lệnh quân đoàn trả lời, cố vấn Vann lên tiếng ngay, ông khăng khăng từ chối, không đợi Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn có ý kiến, và cứ tiếp tục đầy ải TĐ11ND, theo ý của riêng ông, không cho đơn vị này lưu động đúng với sở trường của binh chủng, bắt nằm một chỗ, không cho đánh đấm gì cả, cứ nằm đó nhận pháo địch cho đến khi đơn vị này bị tổn thất nặng nề; Tiểu Đoàn Trưởng TĐ11BB/ND, Trung Tá Nguyễn Đình Bảo bị hy sinh tại chỗ vì Pháo của địch, tại sao ? Tại sao như vậy ?  Tiểu đoàn sau đó rách nát, tự rút lui để cứu lấy người còn sống, Đại Tá Lịch rất sáng suốt ông muốn cứu Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù, ngay cả kế hoạch cho Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù có thể chiến thắng, như Tiểu Đoàn 2 Nhảy Dù đã chiến thắng tại Delta tháng trước đó, nhưng ông không có quyền cho một lệnh nào khác là cố thủ, không hiểu cố vấn Quân Đoàn có chiến thuật nào cao hơn mà chúng tôi không hiểu hay sao? Sau này chúng tôi mới biết là hắn chỉ mới là Trung Tá tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, giải ngũ không học hành thêm gì về quân sự, rồi vì hắn là gốc CIA sao đó, được bổ nhiệm sang Việt Nam, làm cố vấn cho SĐ7BB trận Ấp Bắc, sau đó vẫn chỉ là nhân viên dân sự nhưng là cố vấn trưởng cho Quân Đoàn II của chúng ta, dưới quyền trực tiếp của hắn ta là một cố vấn phó cấp bậc Thiếu Tướng tại chức của Quân Lực Hoa Kỳ, như vậy thấy rằng ngay cả Hoa Kỳ cũng dùng người tréo cẳng ngỗng, việc bắt các đơn vị Nhảy Dù đóng đồn là việc làm thiếu kinh nghiệm về chiến thuật, chiến lược, nếu là nhử cho địch bu lại để đánh B52 như đã từng làm, còn chấp nhận được, thật rõ ràng khi cả Sư Đoàn 320 của Cộng Sản bu lại cũng chẳng có Pass B52 nào, cho mãi đến khi TĐ11BBND tan tành rút khỏi căn cứ này mới thấy bóng dáng B52, đây là hành động bất nhân, cũng như sau đó bộ Tư Lệnh SĐ22BB phải thất thủ ê chề, tôi muốn nói tới bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 22 Bộ Binh mà thôi, còn nguyên  SĐ22BB không hề bị thua trận giặc này, nhiều cây viết ngay cả những vị có cấp bậc cao cũng viết sai , tham dự trận này tiếng là một trung đoàn của SĐ22BB, nhưng thực tế chỉ có bộ Tư Lệnh SĐ22BB cộng với một tiểu đoàn của trung Đoàn 42 Bộ Binh, như vậy không có nghĩa là nguyên SĐ22BB,  cho nên có nhiều lúc tôi tự hỏi không hiểu tên Cố Vấn này có phải là quân thù cài người vào hay không, quân thù cho người vào để giết chúng tôi, giết Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa hay không ? Tôi mong đây chỉ là ý nghĩ không đâu, vì không có một căn cứ nào chuẩn định được ý nghĩ này, mặc dầu trên thực tế là SĐ22BB và LĐ2BBND phải ép cho thua, chắc hẳn người đọc cho là tôi viết không đâu, tôi viết rất rõ về Căn Cứ Tân Cảnh, bài viết này tôi không thể đào sâu hơn được.

              Một vài buổi tối ngồi uống trà, cà phê, Đại Tá Lịch, ông than thở bâng quơ một mình những lúc vắng người "chết là cái chắc"; Ông mệt mỏi với công việc đa đoan, lao tâm lao lực vì chúng tôi hàng ngày phải thường xuyên bay trên không phận vùng dẫy đồi không tên, tuy là dẫy đồi không tên nhưng nó lại chứa đựng toàn các căn cứ quân sự có tên, các căn cứ này là nơi hai bên đều mang thương tích nặng nề như: Căn Cứ Hỏa Lực số 6 về hướng bắc, rồi xuôi về hướng nam là Căn Cứ Hỏa Lực số 5, căn cứ Yankee, căn cứ Charlie, căn cứ Delta, căn cứ Alpha, toàn những nơi mà thanh niên Việt Nam phải nằm lại hàng trăm người cho mỗi căn cứ được thành danh, đồng bào ruột thịt gặp nhau không tay bắt mặt mừng, lại vì lý tưởng không đâu của mình phải khai tử nhau.

            Tôi thấy Đại Tá Lịch xuống sức hẳn đi, một hôm ông muốn lả người, ông khai bệnh nhưng không xin tản thương, vẫn nằm lại căn cứ, xin Bộ Tư Lệnh SĐND cho người thay thế, Trung Tá Nguyễn Thu Lương trưởng phòng ba Sư Đoàn Nhảy Dù ra thay thế, rồi chỉ vào khoảng một tuần sau, Trung Tá Lương đón nhận tin Bảo tử thương, việc đóng đồn chấp nhận Pháo, chấp nhận sức tấn công của địch không phải là nhiệm vụ của đơn vị xung kích, (Tổng Trừ Bị của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa) không lẽ đơn vị Nhảy Dù được huấn luyện kỹ càng, sẵn sàng tấn công địch trong mọi tình huống, để rồi trở thành đơn vị phòng thủ, chấp nhận pháo, chấp nhận thiệt hại trong may rủi như thế này hay sao? Tháng 4 năm 1971 khi chúng tôi nhận lãnh nhiệm vụ giải tỏa căn cứ hỏa lực số 6, cách Charlie không đầy 10 cây số về hướng Bắc, tình hình bạn: " đã năm đơn vị bạn ngang cấp số phải nhả ra, xin chúng tôi thay thế nhiệm vụ sắt máu này, thân xác và máu chúng tôi sẽ đổ ra thay thế cho đơn vị bạn, trong khi chúng tôi vừa từ Hạ Lào ra, mồ hôi chiền trường chưa kịp khô, vai áo trận còn nhuốm mùi cây cỏ hoang dại xứ Lào, chưa kịp thở hơi thở nhẹ nhàng, bụi đất nước bạn láng giềng còn vương vấn trên thân trên đầu trên tóc; quân số, quân trang, quân dụng, chưa được bổ xung ở mức tạm đủ, chúng tôi đã tham chiến trong hoàn cảnh thiếu thuận lợi cho mình và đã chiến thắng vẻ vang, vì nó được xử dụng đúng mức"; ( Trận Chiến 13 Ngày) đã vậy sau khi nhận được công điện khẩn từ Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Viêt Nam Cộng Hòa, yêu cầu Quân Đoàn II trả Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù về Sài Gòn, để trang bị, chỉnh bị lại đơn vị, sau đó lên đường tham dự hành quân tại chiến trường Trị Thiên; Quân Đoàn II trước khi trả về; Lại còn cân hồ, cho lệnh LĐ2ND phải lấy lại đèo Chu Pao; Trước đó một tháng đèo Chu Pao do đơn vị cơ hữu của Quân Đoàn đảm nhận, đơn vị  này đã để Chu Pao lọt vào tay địch quân, hơn nữa đèo Chu Pao ở ngoài vùng trách nhiệm của Nhảy Dù ; Theo nguồn tin không chính thức lúc bấy giờ, thì Quân Đoàn II muốn cầm giữ Nhảy Dù bằng cách, giao cho Nhảy Dù nhiệm vụ chiếm lại đỉnh Chu Pao, lúc này Quân Đoàn và cố vấn quên mất sở trường của họ, nghĩa là chỉ huy đến cấp Tiểu Đoàn của LĐ2BBND, cho Lữ Đoàn toàn quyền hành động, nếu không lại cũng thất bại giống như Charlie mà thôi, độc ác hơn nữa là cố vấn Vann sẽ không cung cấp hỏa lực yểm trợ mạnh mẽ, ai cũng tin rằng Nhảy Dù không sao hoàn thành nhiệm vụ một sớm một chiều được, mà phải mất nhiều ngày, nếu dồn toàn lực lượng của lữ đoàn, có nhanh cũng phải hàng tuần lễ; Vì một đơn vị tinh nhuệ bỏ Chu Pao trước sức tấn công của địch quân, năm lần bẩy lượt đơn vị này được yểm trợ đầy đủ, nhưng không lấy lại được; Đồng thời theo tin tình báo ba sư đoàn của Cộng quân đang hướng về Kontum, Cộng Quân sẽ khởi sự đánh Kontum nay mai, lúc đó Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù đang có mặt tại chỗ, Quân Đoàn II cần có đơn vị đối phó ngay với tình hình chiến trường mới, Quân Đoàn II lấy lý do chính đáng đó để giữ LĐ2BBND lại; Nhưng cả Quân Đoàn II không ngờ, LĐ2BBND chỉ sử dụng một Triệu Tử Long Nguyễn Lô, với hai Đại Đội của Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù, trang bị nhẹ (súng cá nhân và lựu đạn), hỏa lực yểm trợ sơ sài, đã lấy lại đỉnh Chu Pao chỉ trong vòng ít tiếng đồng hồ; Quả thật Thiếu Tá Nguyễn Lô đã đánh một trận để đời, cả bạn lẫn địch đều không ngờ (xin xem đường về Pleiku), Mũ Đỏ có bao giờ chạy làng như vậy đâu, còn địch là chúng tôi còn đánh, nhưng lần này là lần đầu tiên chúng tôi được lệnh tăng cường sang chiến trường khác, trong khi tại chỗ đang cần chúng tôi, cấp trên hẳn phải hiểu điều đó, nên chúng tôi tự cảm thấy một chiến trường sẽ đẫm máu hơn, chúng tôi sẽ phải gục ngã, phải hy sinh nhiều hơn, vành khăn trắng sẽ quấn ngang đầu các thiếu phụ ở tuổi đôi mươi; các bé thơ chưa được ăn thôi nôi sẽ không bao giờ được thấy mặt cha; đoàn quân Mũ Đỏ sẵn sàng đón nhận, mọi thử thách, mọi lôi cuốn hung bạo, mọi hoàn cảnh bất công, tuổi thanh xuân đã vội quên mất ngày vui, vun trồng ước nguyện đem thanh bình no ấm cho đồng bào, cho đời sống bình an đến các trẻ thơ, cho các thanh thiếu niên thấy hoa nở muôn mầu ngàn sắc trên đường tới trường, đem vinh quang cho đơn vị, đó hành trang xây dựng cuộc đời đang chờ đón chúng tôi tại Trị Thiên.

            Đúng 9:00G sáng chuyến bay C130 đầu tiên cất cánh, khởi sự cho cuộc không vận LĐ2ND từ  Pleiku về Sài Gòn, thôi nhé Thiên Thần Mũ Đỏ xin tạm biệt (Em Má Đỏ Môi Hồng); " không ngờ đây là lần chào từ biệt cuối cùng" Pháo Binh luôn đi sau, tôi bước xuống phi trường Tân Sơn Nhất khoảng 16:00G  ngày thứ bẩy 6-5-1972, mắt trái tôi mờ đi không thấy rõ nữa, xốn xang vô cùng, tôi lo sợ mảnh đạn B40 còn nằm ngay sát phía dưới mắt trái, không hiểu có chạm gì hay không? nếu nó làm hư mắt thì đúng là đại họa, toàn thân chỉ trừ phần đầu đội nón sắt, phần mình mặc áo giáp, còn lại chỗ nào cũng đau ê ẩm vì mảnh đạn B40 còn ghim trong thân thể, nếu lấy ra hết thì đâu còn thẩm mỹ nữa, Bác Sĩ chỉ gắp ra vài mảnh gọi là "một chút gì để nhớ", còn lại giữ trong mình làm kỷ niệm, kỷ niệm một trận bị đánh đặc công không giống ai; Sau khi họp và xếp đặt công tác cho những ngày sau, trở lại mái ấm gia đình, ôi .... không còn niềm vui nào đáng nói, không còn một cuộc hội ngộ nào thi vị hơn, không còn bữa tiệc nào trang trọng hơn, không còn tuần trăng mật nào ngọt ngào bằng.

Tôi nghĩ tới những ngày tại Võ Định, ( lúc này hình ảnh Bảo cứ lởn vởn trước mặt tôi, vợ con tôi đây còn vợ con Bảo ra sao? tôi đến trước cửa nhà Bảo mà không giám bước chân vào, tôi biết tôi bước vào chỉ chan hòa nước mắt) Võ Định là căn cứ đặt Bộ Chỉ Huy của LĐ2ND và TĐ1PB/ND, trong trận chiến Mùa Hè Đỏ Lửa tại Tây Nguyên, trận này không heo hút như A shao, không dai dẳng như Campuchia, không sắt máu như Ashao, không vũ bão như Hạ Lào, không đơn độc như Mậu Thân tại Huế, vậy mà tôi cảm thấy phiêu lưu.......pháo liên tục, pháo mờ mịt, địch quân thay đổi chiến thuật liên tục, chúng muốn làm chủ chiến trường này, nếu như Nhảy Dù có quyền quyết định lấy chiến thuật áp dụng trong khu trách nhiệm của mình, thì ai cho phép chúng được như ý ! ! ! Một ý nghĩ rất phiêu du cứ ám ảnh tôi từ khi Bảo ra đi, bạn bè tôi nhiều lắm, nhưng chân thật như Đức, Bình, Bảo, Mai, Lữ, Thịnh, Sơn Đ..................thì thật không có nhiều, chúng tôi chỉ có mấy người thân với nhau, tình bạn vô cùng quí giá làm sao có thể vớt lại được, tôi cũng không hiểu tại sao, so với những bạn thân của tôi, tôi và Bảo ít thân với nhau, một cái gì đó nó ngăn cách chúng tôi, chúng tôi ít hẹn hò, nhưng gặp nhau thì cũng khó gỡ, mãi tới khi về phục vụ tại Nhảy Dù, tôi và Bảo mới gần gũi nhau hơn, từ đó mối liên hệ thân mật mới tăng cường độ; Năm 1957 khi Bảo lên đường theo học tại trường Võ Bị, lúc đó chúng tôi nghèo lắm, chạy tiền đóng học phí hàng tháng cũng đã long tóc gáy, hai thằng chung nhau một ly đậu đỏ bánh lọc, thay cho chén ly bôi, chia tay nhau, rồi từ đó mất hút, gặp lại nhau chưa được bao lâu, nay mỗi thằng một phương, mờ mịt , tàn nhẫn thật; Nuối tiếc héo hắt cả tâm lẫn thân, nhưng có bao giờ giữ được, chỉ khi nào mất mát mới có nuối tiếc, không một lời từ biệt, loạt pháo delay làm rung rinh căn hầm chỉ huy, đầu óc choáng váng như muốn nổ tung, tôi ra khỏi căn hầm của đài Trung Ương Tác Xạ, đi dưới loạt pháo, tôi thật tỉnh táo biết rằng trong hầm chỉ huy sẽ nguy hiểm hơn ngoài trời, diện tích căn hầm chỉ huy lớn hơn diện tích thân mình, cho nên hỏa tiễn 122 ly trúng hầm tỷ lệ cao hơn, nếu đạn trúng hầm thì khó mà tránh thoát tử thương, hay tê liệt vì phỏng, do đó ngoài trời an toàn hơn trong hầm, ngoại trừ không may đạn pháo trúng ngay mình, chuyện đó khó có thể xẩy ra, nhiều anh em thấy tôi đi dưới các loạt pháo, họ cho là tôi mộng du, nhưng không phải vậy, tôi rất tỉnh táo đón nhận các loạt pháo của địch, bằng đầu đội trời chân đạp đất, ngước nhìn lên dẫy núi chạy dài từ căn cứ Alpha, rồi căn cứ Delta, qua Charlie, lên Yankee, căn cứ 5, như vẫn còn sôi sục, cho tới căn cứ số 6 với đầy trắc trở, dẫy núi dài khoảng 10 cây số, tất cả là khu rừng núi rậm rạp, nhưng  nay đa số đã trơ trụi vì bom đạn, cả sư đoàn 320 của Cộng Quân nay đã rách nát, nhưng máu của Mũ Đỏ đã đổ không phải là ít trên dẫy núi này, dẫy núi oan nghiệt năm nào chúng tôi cũng phải tới thăm nó một vài lần, máu của Mũ Đỏ đã thấm sâu xuống sườn núi hoang vu, bồi bổ cho cây rừng tốt tươi cho thêm phần u uất .

Trở về với hiện tại, bởi tiếng vòi vĩnh của cháu gái nhỏ áp út: Bố ơi con thích đi ăn tay cầm, tên này do các cháu đặt, (món ăn bày trên khay xâu bằng que tăm trước cửa Viễn Đông) cháu Mỹ Dzung vòi vĩnh như vậy, tôi chợt tỉnh ôm lấy cháu, hôm nay cháu diện lắm mẹ cháu xức cho mùi dầu thơm nhè nhẹ. Nhưng cu Dzũng út phản đối ngay, đòi đi chợ cũ ăn món khác, cả nhà lên xe Ladalat, theo hướng đạo của bốn con, vợ tôi lúc nào cũng lép vế các con, cảnh thơ mộng này mỗi năm thường đến với chúng tôi một hoặc cao lắm là hai lần, nhưng chúng tôi chấp nhận sự thiệt thòi trong niềm hãnh diện, nhà tôi thường nói đùa " mình còn hạnh phúc hơn vợ chồng Hằng Nga-Hậu Nghệ, " tôi nhẹ ôm nàng thông cảm nỗi đơn lẻ của người vợ lính, với bao thương nhớ xót xa, với bao nhiêu nước mắt đầy vơi khi nghe súng xa vọng về, tin chiến sự nóng bỏng do các báo các đài phát thanh đưa tin nói rõ đơn vị tham chiến làm mắt nàng trũng sâu, vậy mà chưa bao giờ tôi nhận thấy nàng buồn vì đơn lạnh, ngoại trừ chính tôi làm nàng buồn, tôi cảm nhận mình ham vui đôi khi quên mất nỗi buồn của người mình yêu, nhất là lính Nhảy Dù, sớm mai vợ tiễn chồng lên đường, đến chiều cùng ngày nhận xác chồng là chuyện thường xẩy ra, tôi nhẹ ngâm thơ của Chuẩn Nghị, sĩ quan trung đội trưởng TĐ7ND tử thương tháng 4 năm 1969 tại mật khu Bời Lời:

" Anh trở về dang dở đời em ...........

Anh trở về trong chiếc pông sô"

Ngày 15 tháng 5 năm 1972; Trên chuyến bay đầu tiên đến Phú Bài, xe đã chờ sẵn tại phi trường để chở chúng tôi vào trình diện Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, tân tư lệnh Quân Đoàn I, vùng I Chiến Thuật, chúng tôi xa Huế từ Tết Mậu Thân năm 1968,  đến năm nay 1972, trở lại thật không ngờ, mới chỉ có bốn năm xa cách thay vì trù phú tốt tươi, mở mang mọi mặt, nay Huế lại bơ phờ đến ngây dại, tôi lặng người nhìn Huế nay trở thành phố Chết, thành phố của điêu tàn, thành phố của hoang vắng, thành phố của tang thương, giọt nước mắt nào nhỏ xuống có thể làm cho thành phố chồng chất mất mát, đau thương, nhẹ đi cơn tàn bạo của chiến tranh, và cả cơn thịnh nộ của Thượng Đế nữa, từ Mậu Thân cho đến nay với bao nhiêu đổ vỡ chưa đủ sao ?

Huế làm gì còn có ngày thơ mộng xa xưa......làm gì  còn tiếng hò du hồn....

Ơ...hò ...Ơ

Thuyền về Đại Lược, duyên ngược Kim Long

Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu

Mua cau Nam Phổ, mua trầu chợ Dinh

                            " khuyết danh "

Thân xác Huế bị dầy vò ê chề, vậy mà Kim Phụng vẫn lặng thing, sông Hương hữu tình vẫn lững lờ mơ mộng, nhưng duyên dáng không còn, mà làm duyên với ai đây, không một bóng người mặc thường phục đi trong thành phố, không một bóng quân nhân ăn mặc đúng quân phong, quân kỷ; để Huế trở lại nghiêm trang; Bây giờ 10:00  giờ mà không một căn nhà mở cửa, rác rưới và đủ mọi thứ quần áo,  quân phục tan tác đầy đường, những cơn gió hỗn loạn, rác-bụi bay nhẹ nhàng càng làm cho thành phố tiêu điều-thê lương hơn; Những quân nhân của nhiều sắc lính, ăn mặc không giống ai, lang thang trong thành phố, rách rưới bơ phờ, tóc tai hoang dã, chợ Đông Ba lem luốc điêu tàn, cầu Trường Tiền phủ phục trên giòng sông Hương khép nép, ngây dại, nằm duỗi dài mặc thế nhân tao loạn; Giòng Hương giang lững lờ trôi như thân xác hương phấn rã rời, chấp nhận tất cả, mặc cho người dầy vò thân xác em.

 Huế ơi ai có thể vực em dậy?

Ai có thể tô son chuốc phấn cho em?

 Không một con thuyền trên bến, dòng sông chết theo với Huế, còn đâu cái thú nằm trên thuyền ngắm ánh trăng lên, tôi nhẹ ngâm câu thơ hình như là của cụ Tiên Điền Nguyễn Du trong nghẹn ngào, đắng cay:

Cảnh buồn người có vui đâu bao giờ,

Phải đổi lời như vậy mới thấm, mới phê, tâm gan tỳ phế mới phủ phục xót xa, tôi nhớ làng tôi khi bị đốt, phá, nhưng cảnh không tang thương, không xót xa, không ấm ức, thà rằng cho tan nát chứ đừng để dập dờn như thế này, cảnh đổi đời hiện lên trong tôi, tưởng nhớ lại làm héo hắt con người ;Vào tới trại Mang Cá lớn chúng tôi mới thấy một thứ sinh khí nghiêm trang vay mượn, nụ cười gượng gạo Trung Tướng Trưởng bắt tay chúng tôi, chính ông cho chúng tôi biết sơ lược tình hình tổng quát: ta cũng như địch, ngày hôm sau sẽ nhận lệnh hành quân chính thức, ông cho chúng tôi biết nhiệm vụ sơ khởi của Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù là lập tuyến phòng thủ Mỹ Chánh phía Tây của Quốc Lộ 1, phía Đông do Thủy Quân Lục Chiến trách nhiệm đồng thời "clear" vùng này, hiện có nhiều đơn vị cấp tiểu đoàn của địch đã xâm nhập, địch quân đã có kế hoạch tấn công Huế nay mai, đây là thời gian chúng chuẩn bị, dẫy trường sơn phía tây hiện nay chúng đang làm chủ, ta không còn một cứ điểm quan trọng nào trên dẫy núi này; tôi tự nhủ: lại trường sơn, vùng này thì cũng đã quá quen thuộc, cứ theo tình hình này thì ngày chúng khởi sự đánh Huế không còn xa nữa, tạm thời đêm nay Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù đóng quân tại vùng tập trung, lấy ngã ba An Hòa là trung điểm; Lữ Đoàn 2 Bộ Binh Nhảy Dù, gồm TĐ7BBND, TĐ9BBND, TĐ11BBND, TĐ1PBND, ĐĐ2TSND, ĐĐ2CBND, ĐĐ2QYND, Trung Đội 2 Quân Cảnh Nhảy Dù . Trước khi đi thám sát vùng tập trung quân, xe chở tôi lặng lẽ theo sau xe Đại Tá Trần Quốc Lịch Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 2 Bộ Binh Nhảy Dù, chúng tôi đi một vòng mặt tiền của cố đô, sang An Cựu trở về cầu Trường Tiền, qua trường Đồng Khánh rồi ga xe lửa, băng qua cầu Bạch Thổ tới ngã ba An Hòa, đâu đâu cũng hoang tàn đổ nát, hoang vắng lạ thường, không một bóng người dân, trong dịp Tết Mậu Thân tử thần luôn rình rập, nhưng khi ngưng tiếng súng bóng dáng dân lành vẫn còn xuất hiện vội vàng, nhưng nay không phải như vậy, nó tan hoang hơn nhiều, nó tê tái hơn nhiều, thành phố chết, chết từ trong ra ngoài, giấc mơ lãng mạng ngắm tà áo nữ sinh bay thướt tha, trên cầu Trường Tiền, dưới bóng Hương Giang bị tan loãng, Huế không còn sinh khí nữa, một vài con chó hoang lông lá xác xơ vội vã qua đường, cả thành phố như một nghĩa trang vắng lặng, Huế ! thân xác em nay đã úa tàn, hương phấn nào có thể tô điểm đây, xe vừa dừng niềm xót xa không kềm lại được, nên tôi nhẹ gợi ý:

Thưa Đại Tá mình có cách nào làm Huế sống lại hay không ?

Vừa nãy ông Tướng Trưởng cũng than thở tình hình trong thành phố vô cùng bi đát, chưa biết phải làm sao giữ thành phố an ninh trở lại, các anh ấy ở đây lâu không lo gì cả, mình đi đâu cũng phải hốt rác hay sao đây, không phải nhiệm vụ mình nhưng nhìn Huế sao thương quá? Một lúc sau Đại Tá Lịch nhìn cảnh cũ tan hoang, ông tự nói một mình:

"Các anh ấy bựa như thế này là cùng"

Mình phải có trách nhiệm chứ ! Trách nhiệm vực Huế sống dậy, khi các đơn vị trưởng đến đủ, anh nhớ nhắc ban 3 mời họp, nhớ đừng có quên gọi Chuẩn Úy Thái trung đội trưởng Quân Cảnh.

Chúng tôi thám sát vùng tập trung xong, sự thực vùng này chúng tôi thuộc từng con đường, từng ngã ba trong hẻm, từng mái nhà, xa xa tiếng một người đàn bà, một bà già thì đúng hơn, tiếng nói nhẹ nhàng âm thanh dìu dặt hơi khó nghe, nhưng khi lại gần thì âm hưởng như trách móc, cụ bà lên tiếng:

-Thôi đúng rồi Nhảy Dù đây mà, cụ bà lại gần tôi nhẹ nhàng hỏi.

-Phải các con, các ôn là Nhảy Dù phải hôn ?

-Thưa vâng chúng con là Nhảy Dù đây;

-Chừ các ôn ở lại với Huế chứ ?

-Thưa vâng chúng con sẽ ở lại, tôi vừa dứt tiếng bà cụ ôm chầm lấy tôi nước mắt dạt dào, bà cụ nói trong nước mắt:

-Nếu Nhảy Dù đến thì mạ không đi nữa, sao bỏ Huế lâu vậy, bây chừ mới trở lại, mạ sẽ ở lại, mạ sẽ mở cửa nhà, mạ sẽ gọi tụi nó trở về, bà cụ chào chúng tôi xong vừa đi vừa la lớn Nhảy Dù đến rồi bà con ơi, mở cửa ra không sợ nữa, không phải đi Đà Nẵng, Quảng Nam nữa......... Tôi thật sự e ngại vì tiếng nói như loa phóng thanh của cụ bà, nhưng biết làm sao được, chúng tôi cũng biết chắc rằng: Địch quân đã biết chúng tôi có mặt ở Huế, từ lúc chúng tôi chưa biết chúng tôi sẽ đi Huế....................Nhưng thực tế........... Chính phần thưởng của chúng tôi đó, huy chương danh dự của chúng tôi đó, Bảo Quốc Huân Chương ư, làm sao ấp ủ ấm áp hơn, làm sao thấm sâu vào tâm hồn hơn;  bàn tay cụ bà xương xẩu gân guốc vì thời gian, bàn tay gầy nổi đầy gân ôm trọn tôi trong cánh tay thương yêu đó, cũng chính bàn tay này đã nuôi nấng tôi khôn lớn, đã nâng niu tôi, đã vỗ về tôi trong giấc ngủ bình yên, chính bàn tay gân guốc xấu xí đó đã lo cho tôi miếng cơm manh áo, nhưng nay ngàn trùng xa cách không hiểu mẹ sống chết ra sao, mẹ ơi con muốn được quỳ dưới chân mẹ, con muốn được thấm nhẹ giọt nước mắt xót xa trên má khô cằn của mẹ, mẹ ơi ! ! ! con muốn được nói hai tiếng yêu thương trong nước mắt chan hòa mẹ ơi........con muốn được nói tiếng..........con yêu mẹ...............  nếp da đồi mồi cáu lại vì chịu đựng quá sức con người, lòng tôi se thắt, thân mẹ có còn đủ sức chịu đựng với thời gian không, tay mẹ chắc cũng xương xẩu, má mẹ cũng hũng sâu, hay mẹ có thể không còn nữa, trên đời này tôi mất mẹ rồi....mẹ ơi........ tôi không giám nghĩ thêm, mẹ ơi không lúc nào con có thể quên hình bóng mẹ, mẹ ơi ! ! ! Mẹ ở phương trời nào?

Tết Mậu Thân các em bé thơ ngây trong thành nội Huế, nhận nấu nước sôi nhồi cơm sấy cho anh em Mũ Đỏ, quân dân quây quần bên nhau ăn cơm sấy thịt hộp, vì lúc đó không có chợ không có một nguồn tiếp tế nào khác, có em bé còn táo bạo hơn nữa, mang cơm ra tận tuyến đầu cho anh em Mũ Đỏ, mặc dầu bị nghiêm cấm, vì sợ bọn giặc không tha các em, chúng sẵn sàng nhả đạn vào các em dù chúng quan sát rõ ràng đó là những em bé vô tội, nhưng lòng các em muốn như vậy; Người dân miền Trung tình nghĩa thật đậm đà với anh em Mũ Đỏ, họ tin chúng tôi như tin tưởng người thân, họ vui mừng khi chúng tôi đến và ngậm ngùi khi chúng tôi phải đi nhận nhiệm vụ khác, sau này tháng 10 năm 1974 khi toàn bộ Sư Đoàn Nhảy Dù phải bàn giao các tuyến bắc đèo Hải Vân di chuyển vào Đà Nẵng, tham dự hành quân tại Thượng Đức, một đơn vị bạn thay thế nhiệm vụ chúng tôi tại vùng này, dân Huế ùn ùn di tản, họ tin tưởng như một định luật, họ lên đường từ bỏ nhà cửa vì Nhảy Dù rút quân rồi, họ đi vì Nhảy Dù đi có thế thôi, đó niềm tin của dân chúng như vậy làm sao chúng tôi thờ ơ cho được .

Trong buổi họp các đơn vị trưởng, sau phần chỉ thị cần thiết cho vùng tập trung tại vùng An Hòa, và lệnh sơ khởi cho cuộc hành quân tương lai, Đại Tá Trần Quốc Lịch chỉ thị cho Trung Đội Trưởng Quân Cảnh 204 Nhảy Dù, bằng mọi giá phải làm cho Huế sống lại, Trung Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn cho biết, ông đang chú tâm vào nhiều vấn đề hành quân, Quân Cảnh của Quân Khu bó tay không đối phó hữu hiệu với những quân nhân đang tạo nhiễu loạn cho Huế, chính những phần tử xấu này đã đốt chợ Đông Ba, và góp phần cho Huế điêu tàn như hiện nay, các đơn vị Quân Cảnh khác cũng không làm gì hơn được, tại sao lại vô lý như thế này ? Tại sao mọi người không giúp một tay vực Huế sống lại, giặc ngoài không nhiễu nhương với đồng bào bằng giặc trong, thôi phải rồi ! ! !

Lúc này phải là lúc những chàng trai Mũ Đỏ mới có thể vực cô gái Huế dậy được, đầu tóc em bơ phờ, hãy để cho anh vuốt những sợi tóc dài óng ả, cho em cười nói huyên thuyên như dạo nào, Huế phải trở lại yêu kiều, duyên dáng:

Em hãy ngồi yên như vương hậu để anh kẻ lại lông mày cho em.

Sau khi nhận lệnh của Đại Tá Trần Quốc Lịch, Chuẩn Úy Thái Trung Đội Trưởng Quân Cảnh 204 Nhảy Dù đầy tự tin, nghiêm chỉnh chào đúng quân kỷ, đây chính là những quân nhân ưu tú, gương mẫu của đơn vị, với kế hoạch của Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn: Trung Đội Quân Cảnh và những quân nhân tăng phái chia làm hai, một phần hai ăn mặc xốc xếch lôi thôi, mặt mày lem luốc, thật vô kỷ luật, phần còn lại ăn mặc gương mẫu đúng quân phong quân kỷ; Toán ăn mặc vô kỷ luật trà trộn xuống đường có mặt tại những nơi đông thành phần phá hoại, cử chỉ ngang tàng, dáng dấp to lớn, gây lộn, buông những lời thô lỗ, tục tĩu, rồi (biểu diễn) đánh nhau giữa phố, nếu người ngoài nhìn vào thì là cuộc đánh lộn nẩy lửa, nhưng thật sự họ nương nhau biểu diễn đánh cho thật kêu, tạo cho Huế thêm phần hỗn loạn, thực sự cuộc biểu diễn võ nghệ của họ là chuyện quá dễ dàng, anh nào cũng có học qua khóa Đai Nâu Thái Cực Đạo trong đơn vị, đã vậy lại còn rút chốt lựu đạn, dọa nạt nhau (lựu đạn này có kíp nổ, tuy cũng giống như các trái lựu đạn bình thường, nhưng  kíp nổ được tháo riêng ra,  rồi  liệng xuống hố cá nhân, cho nổ kíp nổ, xong lại gắn kíp nổ đã nổ rồi vào trái lựu đạn, nói khác đi đây chỉ là lựu đạn để hù chơi, lựu đạn giả, đầu các trái lựu đạn này được sơn mầu đỏ để khỏi lẫn lộn gây nguy hiểm sau này ), nên nhiều quân nhân thuộc các đơn vị khác, những quân nhân vô kỷ luật, ăn mặc không giống ai, hùng dũng với dân lành, ngang tàng trong thành phố, nhút nhát ngoài chiến trường, những thành phần vô lại này trông thấy cũng kiêng nể, cũng chào thua, cũng ngán ngẫm, không ngờ tụi này nó còn ba gai hơn mình, ngang tàng hơn mình nhiều; tránh xa tụi nó cho chắc ăn, phải đầu không phải, phải tai; chạy xa là thượng sách, không để lâu:

Ngay lúc đó thành phần tuần tiễu, gồm Quân Cảnh 204 Nhảy Dù và thành phần tăng cường ăn mặc đúng quân phong quân kỷ xuất hiện, bắt những quân nhân Mũ Đỏ vô kỷ luật, đang đóng kịch phá làng phá xóm, nếu quí vị nhìn vào sẽ thấy Quân Cảnh 204 của Nhảy Dù quá hùng tráng, quá ngầu đi thôi, đánh dùi cui như vũ bão, không kiêng nể một ai, theo đúng kế hoạch biểu diễn, lúc này chỉ nhắm vào các quân nhân Nhảy Dù vô kỷ luật mà thôi, chưa nhắm vào các thành phần vô kỷ luật của các đơn vị khác, cửa sau xe GMC mở sẵn, đòn võ trong trường đem ra biểu diễn, quật những quân nhân vô kỷ luật từ dưới đất bay lên xe, nếu ai đó đứng gần sẽ nghe được tiếng nói nhỏ "nhẹ tay thôi mày" nhưng chắc chắn không ai nghe được, (vì lúc đó không ai giám lại gần, tránh voi không xấu mặt nào),  to lớn ngang tàng như vậy mà nằm sõng soài bất động, hỏi sao những thành phần vô kỷ luật, thành phần thời cơ,  những thành phần chuyên ăn hiếp dân lành không ớn cho được, thành phố nhỏ cho nên tin lành đồn xa, tin dữ đồn nhanh, cả thành phố đều ngán ngẩm kiểu thi hành kỷ luật "thép" của anh em Quân Cảnh thuộc Đại Đội Quân Cảnh 204 Nhảy Dù; Những quân nhân nằm sõng soài trên xe được chở ngay về đơn vị sửa lại quân phục thật chỉnh tề, rồi trở lại phụ giúp các toán đang thi hành nhiệm vụ; chỉ trong thời gian ngắn ngủi, Huế trở lại mỹ miều không một bóng quân nhân vô kỷ luật còn lai vãng trên phố, còn các thành phần táp nham khác thì quá dễ dàng, Quân Cảnh 204 Nhảy Dù gọi Quân Cảnh của Quân Khu ra hợp tác, Quân Cảnh Nhảy Dù và các quân nhân Nhảy Dù thuộc toán tăng phái, chia nhau ngồi trên các xe Quân Cảnh của Quân Khu, chạy tuần khắp nơi gặp bất cứ quân nhân nào không đầy đủ giấy tờ, ăn mặc không đúng quân phong quân kỷ, đầu bù tóc rối là bị Quân Cảnh bắt hết, tất cả riu ríu lên xe vì sợ bị ăn đòn, hay bị quật lên xe, khắp thành phố sống lại an bình, chính ngay các anh em Quân Cảnh của Quân Khu cũng không biết Quân Cảnh 204 dùng mánh gì mà thành phần vô kỷ luật này ngán ngẩm như vậy, họ chỉ biết là ngày hôm trước, chính họ cũng không giám ra tay, vì bị dọa cho ăn lựu đạn, bị bắn, bị hành hung, hôm nay họ ra tay duy trì kỷ luật dễ dàng như những ngày thanh bình, canh bài phé ai tố hay, mà lại có vốn người đó thắng là vậy.

Ngay sáng hôm sau Huế dần dần hồi phục, đã có bóng dáng người dân đi lại, không một bóng dáng quân nhân vô kỷ luật ngoài đường, một vài ngày sau đó các cửa tiệm bắt đầu mở lại, nhưng không một ai biết Huế duyên dáng trở lại do người nào đã tô son chuốc phấn cho Huế, chỉ Huế mới biết được điều đó, thành phố vui mừng như đón Xuân, như trẩy hội, hoa lại nở trên cố đô Huế, tươi mát làm sao?

Ai đã kẻ lông mày cho cô gái Huế mỹ miều trở lại, ai đã làm cho cô gái Huế khuynh thành trở lại như xưa, có người chỉ nhẹ nhàng nói như trong tiếng gió :

Nhờ có Nhảy Dù ra đây, gái Huế mới thật sự quyến rũ thế ni đó

Phải thế không anh, phải thế không em ? .,. 

                                                             Mũ Đỏ Bùiđứclạc

 Ghi Chú : Đón đọc Trận Tiêu Diệt Chiến Xa, hung hãn nhất trong chiến trường Việt Nam với thành tích của TĐ11BBND, đơn vị mới bỏ Nguyễn đình Bảo lại Charlie, đơn vị mới bị tan thành từng mảnh nhỏ, vậy mà vài tháng sau lại chính là đơn vị lãnh giải thưởng của Tổng Thống VNCH, với danh hiệu ĐỆ NHẤT TIỂU ĐOÀN TIÊU DIỆT CHIẾN XA  của QLVNCH.

No comments:

Post a Comment