Wednesday, May 16, 2012

Chuẩn tướng Phan Đình Thứ tự Lam Sơn / Tư Lệnh Lực Lượng Đặc Biệt Việt Nam

MỘT VÌ SAO RỤNG: 

(1919-2002)
SQ: 39/200.308
Sanh tháng 4 năm 1919 tại Thừa Thiên

Sinh hạ 10 người con gồm 7 trai và 3 gái.

1937: Nhập ngủ vào Quân Đội Viễn Chinh Pháp thuộc Binh Chủng Pháo Binh tại Sài Gòn.
1940: Chuyễn qua ngành Thông Ngôn, phục vụ tại Hạt Charentes, Pháp
1943: Tốt nghiệp trường Võ Bị Lục Quân Pháp tại Bắc Phi và Chiến Tranh Viễn Đông Anh tại Ấn Độ.
1944: Ra trường phục vụ tại Lào.
1950: Thăng cấp Đại Úy, hồi hương, phục vụ tại Quảng Trị
1954: Thăng Thiếu Tá theo học lớp Trung Đoàn Trưởng tại Trung Tâm Nghiên Cứu Quân Sự Hà Nội ( trường Chỉ Huy và Tham Mưu)
1955: Trung Tá Tư Lệnh Sư Đoàn 16 Khinh Chiến ( Sư Đoàn 23 Bộ Binh) tại Đông Hà Quảng Trị.
1958: Đại Tá Tư Lệnh Sư Đoàn 13 Khinh Chiến (Sư Đoàn 21 Bộ Binh) tại Bến nghé, Tây Ninh.
Tham dự khóa Chỉ Huy và Tham Mưu tại Fort Leavenworth, Kansas Hoa Kỳ.
1959: Tùy viên Quân Sự tại Phi Luật Tân
1960: Ngày 12-11 Chỉ Huy Trưởng Biệt Động Quân
1961: Ngày 19-5 Chỉ Huy Trưởng Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức sáng kiến 4 chử " Cư An Tư Nguy".
1964: Ngày 19-2 Tư Lệnh Lực Lượng Đặc Biệt
1964-1969: Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị đặc trách về Thể Dục Thể Thao
- Tháng 9-1969 Tái nhiệm chức Tư Lệnh Lực Lượng Đặc Biệt.
- Sáng kiến xây dựng Nghĩa Dũng Đài trước trại Chương Dương Bộ Tư Lệnh LLDB để tưỡng niệm các chiến sĩ LLDB hy sinh vì Tổ Quốc
1970: Phụ Tá Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô
- Tư Lệnh Phó Quân Đoàn 3 kiêm Chỉ Huy Trưởng Địa Phương Quân và Nghĩa Quân vùng 3 chiến thuật.
1971: Vinh thăng Chuẩn Tướng nhiệm chức
1972: Tư Lệnh Phó Quân Đoàn 2 đặc trách biên phòng.
1973: Giải ngủ.
1975: Sau 30 tháng 4 bị tù Cộng Sản 13 năm cho đến ngày 14-9-1988.
2002: Định cư tại Pháp, ít năm sau trở về Việt Nam và từ trần ngày 23-7-2002 tại Sài Gòn, Hưỡng thọ 83 tuổi. An táng tại Tỉnh An Giang

 

NGUYỄN KHẮP NƠI

Chuẩn Tướng Lam Sơn Phan Đình Thứ
(22/04/1919   -   23/07/2002)
   Cố Chuẩn Tướng Lam Sơn, một trong số những Tướng lãnh của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, ông cũng là một trong số rất ít những Sĩ quan Việt Nam đã tham dự Trận Đại chiến Thứ Hai vào năm 1943, rồi chuyển qua Quân Đội Quốc Gia Việt Nam. Ông đã tham dự những khóa huấn luyện Trung Đoàn Trưởng, Tham Mưu Cao Cấp, giữ những chức vụ chỉ huy từ Đại Đội cho tới Sư Đoàn, Tư lệnh Binh chủng Biệt  Động Quân, Lực Lượng Đặc Biệt . . . Cuối cùng, năm 1975, ông cùng chung số phận của những kẻ mất nước, bị bắt đi tù tại Hà Nam Ninh cho tới năm 1989.
Đã từ lâu, tôi muốn đi tìm tài liệu để giới thiệu những vị Tư Lệnh của Binh Chủng Biệt Động Quân, trong đó có Chuẩn Tướng Lam Sơn mà mãi tói gần đây tôi mới thực hiện được.
Nhân dịp tham dự lễ kỷ niệm Ngày Quân Lực 19 tháng 6 năm 2011 vừa qua, tôi đã hân hạnh được tiếp xúc với cô Phan Đình Bảo Kim, khi cô hướng dẫn Toán Cadet Úc tới tham dự lễ kỷ niệm này. Trong cuộc tiếp xúc, tôi đã hân hạnh được biết, cô chính là thứ nữ của Chuẩn Tướng Lam Sơn Phan Đình Thứ. Tôi đã xin phỏng vấn cô Bảo Kim và đã được cô gởi tặng những tài liệu và hình ảnh quý giá về Cố Chuẩn Tướng Lam Sơn. Tôi xin viết ra đây để quý độc giả cùng biết về cuộc đời binh nghiệp của Tướng Lam Sơn.
Tướng Lam Sơn sinh quán tại Nghệ Tĩnh. Khi lớn lên, ông ra Huế tự học và đi làm nuôi thân. Năm 25 tuổi (1941), ông gia nhập Quân đội Pháp và qua năm sau (1942), được cử đi học khóa Sĩ Quan Lục Quân Pháp ở Bắc Phi. Ra trường năm 1943, dúng vào lúc chiến trường Âu Châu đang sôi động, ông được chỉ định vào Đội Liên Quân Anh Pháp và gởi đi tham chiến tại chiến trường Tunisie và Algerie. Năm 1945, ông đuợc gởi đi học khóa huấn luyện Biệt Kích  và Gián Điệp tại New Delhi (Ấn Độ). Sau khóa huấn luyện, Trung Úy Thứ đã chỉ huy một toán biệt kích nhẩy dù xuống Pacsan (Lào) để giải giới quân đội Nhật và giữ chức vụ Quân Trấn Trưởng Thị Xã Trấn Ninh, Cánh Đồng Chum. Tại đây, ông đã quen biết với các sĩ quan cấp úy gốc Việt Nam khác, đó là các Trung úy Trần Thiện Khiêm, Cao Văn Viên và Nguyễn Khánh.
Chuyển sang Quân Đội Quốc Gia Việt Nam, ông được thăng cấp Đại úy, giữ chức vụ Trưởng Phòng 2, đóng tại Gio Linh, Quảng Trị. Năm 1954, ông được vinh thăng Thiếu tá và cử đi học khóa Trung Đoàn Trưởng, cùng với các sĩ quan khác, như Nguyễn Chánh Thi, Nguyễn Văn Thiệu, Đỗ Mậu. Năm 1955, ông được vinh thăng Trung tá, giữ chức vụ Phân Khu Trưởng Phân Khu Pleiku. Qua năm 1956, ông được vinh thăng Đại tá và được cử giữ chức vụ Tư Lệnh Sư Đoàn 16 Khinh Chiến, đóng ở Quy Nhơn. Sư đoàn 16 sau đó đã tổ chức những cuộc hành quân phối hợp với Lữ Đoàn Nhẩy Dù do Đại tá Đỗ Cao Trí làm Lữ Đoàn Trưởng, tấn công vào những sào huyệt của Việt cộng dọc theo biên giới Miên Việt, vùng Tây Ninh.
Qua năm 1957, ông được cử giữ chức Tùy Viên Quân Sự tại Tòa Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Phi Luật Tân.
Năm 1958, ông lại được cử đi học khóa Tham Mưu Cao Cấp tại Fort Leavanworth, Hoa Kỳ. Qua năm 1959, ông lại được cử đi học khóa Chống Du Kích Chiến và Mưu Sinh Thoát Hiểm tại Mã Lai.
Năm 1960, ông được cử giữ chức Chỉ Huy Trưởng Biệt Động Quân. Qua năm 1962 làm Chỉ Huy Trưởng Truờng Bộ Binh Thủ Đức. Năm 1964, ông chuyển qua làm Tư Lệnh Lực Lượng Đặc Biệt, rồi Chỉ Huy Tổng Quát “Kế Họach 34A”bao gồm các toán Biệt Kích, Hải Kích nhẩy ra Bắc. Năm 1967 – 1968 giữ chức Phó Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia, Tổng Cục Phó Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị. Năm 1969-1970, ông giữ chức vự Tư Lệnh Phó Biệt Khu Thủ Đô, kiêm Phó Tổng Trấn Sàigòn Chợ Lớn Gia Định. Năm 1972 làm Tư Lệnh Phó Quân Đoàn III. Cuối cùng, vào năm 1972, Đại Tá Lam Sơn được vinh thăng Chuẩn Tướng và được cử làm Tư Lệnh Phó Quân Đoàn II kiêm Tư Lệnh Mặt Trận Quân Khu II. Ông giải ngũ năm 1973 với cấp bậc Chuẩn Tướng.
Sau ngày 30 tháng Tư năm 1975, ông và 28 Tướng Lãnh khác của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã bị bọn Việt Cộng bắt và đưa đi tù ở miền Bắc cho đến năm 1989 mới được trả tự do.
 Chuẩn Tướng Lam Sơn Duyệt Binh
  
Quý vị và tôi, ít ra cũng đã một lần nghe tới cái tên Lam Sơn. Nhưng thực tình mà nói, chúng ta chỉ nghe danh . . . Đại Tá Lam Sơn mà thôi, mặc dù cấp bậc cuối cùng của ông là Chuẩn Tướng Tư Lệnh Phó Quân Khu II kiêm Tư Lệnh Chiến Trường Quân Khu II. Lý do là ông mang lon Đại Tá tới 16 năm và mang lon Tướng mới có hơn một năm thì giải ngũ.
Lý do nào mà Tướng Lam Sơn lại mang lon Đại Tá lâu như vậy? Trong khi những nguời khác, mang cùng cấp bậc Sĩ quan với ông ngày xưa, như Trung úy Trần Thiện Khiêm, Đổ Mậu, Nguyễn Văn Thiệu . . . đã lên tới cấp Trung Tướng, Đại Tướng?
Lý do là, Tướng Lam Sơn sống cuộc đời . . . Độc thân vui tính rất lâu (mãi tới năm 44 tuổi mới lấy vợ). Ông lại rất ngang tàng và luôn luôn thương yêu, bênh vực cho những người lính dưới quyền.
Như đã đề cập ở phần trên, năm 1958, Đại Tá Lam Sơn được cử đi học khóa Tham Mưu Cao Cấp tại Fort Leavanworth, Hoa Kỳ.
Trong một buổi huấn luyện, một Sĩ Quan Hoa Kỳ đã để ý nhìn vào bảng tên của Đại Tá Lam Sơn. Vì hai chữ LAM SƠN không bỏ dấu, lại viết gần nhau, nên viên sĩ quan này tưởng là ông đã bỏ tiên Việt Nam đi mà dùng tên Mỹ LAWSON, nên y đã cười khi dễ và với một giọng nói thật hỗn xược, y đã nói với Đại Tá Lam Sơn rằng:
“Hê, You là người Việt Nam da vàng mũi tẹt, tại sao lại dám đổi tên là Lawson?”
Đại Tá Lam Sơn đâu có thể đứng yên cho một tên Mỹ sỉ nhục mình, sỉ nhục cả cái dân tộc da vàng của mình, ông đã nổi cơn thịnh nộ, cung tay đấm cho tên Mỹ một quả đấm thôi sơn, kèm theo lời giải thích:
“Tôi tuy là dân da vàng, nhưng tôi có tư cách của tôi, của một Quân Nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, tôi dùng tên của tôi chứ không bao giờ dùng tên của bất cứ quốc gia nào khác, dù là Mỹ.”
Sau khi được mời lên văn phòng để giải thích thái độ của mình, mặc dù Ban giảng huấn đã hiểu rằng tên Sĩ quan Mỹ đã đọc lầm tên của ông, đã dùng những danh từ kỳ thị, nhục mạ người Sĩ Quan Việt Nam, nhưng Đại Tá Lam Sơn vẫn bị kỷ luật vì đã . . . giải quyết vấn đề bằng nắm đấm
(Lính mà em! Vì thế lính mới được gọi là Lính, chứ không phải là Chính Trị Gia).
Trong vòng 24 tiếng đồng hồ, Đại Tá Lam Sơn đã được trả về nguyên quán. Mặc dù Tổng Thống Diệm rất có cảm tình với ông, nhưng vì ông bị gán cho thái dộ thiếu thiện cảm với Mỹ, nên vẫn phải ký lệnh phạt và ông bị giam lon từ đó.
Tuy nhiên, đa số anh em quân nhân lại bênh vực cho cú đấm của Đại Tá Lam Sơn, vì cú đấm này là cú đấm bảo vệ cho danh dự của người Lính Việt Nam Cộng Hòa.
Trung Tá Lam Sơn Phan Đình Thứ và cô dâu Phan Thị Lệ Hoa
Trong lễ cưới năm 1955.
 Chắc hẳn quý vị Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức còn nhớ một câu chuyện vui về Đại Tá Lam Sơn khi ông làm Chỉ Huy Trưởng của Trường Bộ Bịnh này. Đó là câu chuyện . . . “Tắc Đèng . . . Bẹch Đèng” mà các khóa sinh từ khóa này tới khóa khác đã truyền miệng với nhau trong những giờ canh gác và nghỉ ngơi.
Ghi chú: Bài viết này, đã đăng trong Việt Luận cách đây hơn một năm rồi. Tôi xin tóm tắt như sau: Một Sinh Viên Sĩ Quan đứng gác đêm ở trạm gác. Khi có xe của Đại Tá Lam Sơn đi tới, anh đã yêu cầu tài xế “Tắt Đèn” rồi hô mật khẩu “Bạch Đằng”. Nhưng khốn nỗi, anh là người Quảng, nên khi hô Bạch Đằng thì nó trở thành “Bẹch Đèng”. Người tài xế, thay vì hiểu đó là mật khẩu, lại tưởng rằng người lính vừa yêu cầu anh “Tắt Đèn” bây giờ lại đòi anh “Bật Đèn” lên. Anh tài xế bật đèn lên thì lại bị anh Sinh Viên Sĩ Quan hô “Téc Đèng” rồi lại hô “Bẹch Đèng” nữa, làm cho ông Đại Tá cuối cùng chịu không nổi, xách ba tong nhào xuống dược anh Sinh Viên Sĩ Quan chạy có cờ, rồi phạt tù anh ta, chỉ vì ông nghĩ rằng anh lính gác đã cố tình chọc ghẹo ông, hô “Tắt Đèn” rồi lại “Bẹch Đèng” lia chia.
Câu chuyện vui này chứng tỏ Đại Tá Lam Sơn đã được anh em Sinh Viên Sĩ Quan mến mộ rất nhiều, nên mới đặt chuyện ra mà cười với nhau cho vui.
Tại sao anh em Sinh Viên Sĩ Quan lại thương mến Đại Tá Lam Sơn?
Tại vì, trong một buổi duyệt binh, viên Đại Tá Cố Vấn Mỹ đã tháp tùng Đại Tá Lam Sơn đi duỵệt hàng quân danh dự đang đứng dàn chào. Khi đi ngang một Sinh Viên Sĩ Quan, viên Cố Vấn Mỹ bất ngờ dừng lại để khám vũ khí anh này. Ông ta đưa ngón tay quệt vào trong nòng súng cúa anh Sinh viện để xem nòng súng có được lau chùi kỹ lưỡng hay không? Anh Sinh viên lau chùi quá kỹ, cho dầu vào nòng súng để khỏi bị sét rỉ, nên dầu chùi súng đã dính vào ngón tay của ông Cố vấn (trên nguyên tắc, nòng súng phải sạch và khô thì mới bắn được. Nhưng anh em Sinh viên trong quân trường thuờng sợ nòng súng bị rỉ sét, sẽ bị phạt gắt gao, nên ưa cho dầu hơi nhiều để chống sét.)
Ông Cố Vấn đã không hiểu ý của anh em, khi ngón tay của ông bị dính dầu, ông cho rằng nòng súng không được lau chùi kỹ, nên đã dùng ngón tay dính dầu quết lên mặt người Sinh Viên Sĩ Quan.
Thấy thái độ của viên Cố Vấn này thật là quá đáng, Đại Tá Lam Sơn đã . . . chơi nguyên bàn tay vào mặt viên Cố Vấn, miệng ông hét lên:
“Nếu bất cứ người lính nào dưới quyền tôi mà làm điều gì sai lầm, ông Đại Tá cứ việc phiền trách họ với tôi, chứ không được đụng chạm tới thân thể họ như vậy. Ông làm như thế có nghĩa rằng ông đã khi dể lính của tôi đó. Tôi cho ông cái tát này để ông nhớ đời, đừng bao giờ làm như vậy với bất cứ người Lính Việt Nam Cộng Hòa nào nữa.”
Những Sinh Viên Sĩ Quan đã rất khâm phục cách xử thế của Đại Tá Lam Sơn với ông Cố vấn. Nhưng ông Cố  vấn thì không bằng lòng cách đối xử của ông Đại tá một chút nào, ông lập tức bỏ cuộc duyệt binh để về văn phòng phản đối hành động của ông Đại tá với cấp trên của ông. Đại Tá Lam Sơn lại bị kỷ luật, giam lon kỹ hơn nữa, và chuyển đi đơn vị mới.
Ghi chú: Những lời nói của Đại Tá Lam Sơn, theo năm tháng, mỗi người nhớ một ít. Cô Bảo Kim đã được Tướng Thứ thuật lại như vậy trong những lần hai cha con ngồi tâm sự với nhau. Ông thường gọi Bảo Kim là “Chú Mày” và nói với cô: “Chú mày là đứa con trai của ba đó. Vì cô cũng . . . ngang tàng giống như Tướng Thứ vậy”.
Vì hai biến cố nói trên, mà Đại Tá Lam Sơn đã phải mang ba bông mai trắng suốt 16 năm trời.
Thực ra, ông không mang ba bông mai trắng lâu quá như vậy. Vào ngày 30 tháng 1 năm 1964, Khi Tướng Nguyễn Khánh thực hiện một cuộc . . . “Chỉnh Lý” đảo chánh các Tướng Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn, Lê Văn Kim và Mai Hữu Xuân để xưng là “Chủ Tịch Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng” kiêm Tổng Tư Lệnh Quân Đội. Để dành sự ủng hộ của các Quân Binh Chủng, Tướng Khánh đã thăng cấp cho Đại Tá Lam Sơn, chỉ huy trưởng Lực Lượng Đặc Biệt lên cấp Chuẩn Tướng. Vì không phục Tướng Khánh, nên Đại Tá Lam Sơn đã . . . không tới dự lễ gắn lon cho mình, mà tiếp tục mang lon Đại Tá.
Tham dự buổi lễ kỷ niêm ngày Quân Lực 19 06 2011 vừa qua, đó là lần đầu tiên cô Bảo Kim . . . ra mắt anh em Quân nhân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa Victoria. Đáng lý ra, không ai biết cô là ai cả, nhưng một số anh em đã tự biết mà truyền nhau cái tin cô là con gái của Tướng Lam Sơn. Cô cũng không biết chuyện này, tới khi có nhiều anh em tới chào hỏi cô, tự nhận là đã phục vụ tổ quốc dưới quyền Tướng Lam Sơn nhiều năm. Cô Bảo Kim rất vui khi được nhiều người đến hỏi thăm, cô đã cám ơn tất cả mọi người đã dành những lới thăm hỏi thân tình cho cô, cho đến khi, có một vị đã tới hỏi thăm cô với một câu hỏi thật là bất ngờ: “Cô . . . là con của bà thứ mấy của Chuẩn Tướng Lam Sơn?”
Câu hỏi này đã làm cho cô Phan Đình Bảo Kim . . . chới với, trong khi ông vừa hỏi câu đó đã bước đi về phía bạn bè của ông để xầm xì to nhỏ một cách . . . thích thú.
Việc Tướng Lam Sơn có bao nhiêu vợ, hoàn toàn là chuyện riêng tư của Tướng Lam Sơn, không hề liên quan tới buổi lễ Ngày Quân Lực  mà cô tới tham dự với tư cách cá nhân, với tư cách là hướng dẫn viên của đoàn Cadet Úc. Nếu thực sự Tướng Lam Sơn có phòng hai, phòng ba . . . thì câu hỏi đó phải do người vợ của Tướng Lam Sơn hỏi chính ông Lam Sơn, chứ không thể do một quân nhân nào đó hỏi con gái của ông Tướng với một thái độ nhạo báng như vậy.  Nếu Tướng Lam Sơn có mặt ở đó, chắc chắn ông đã xử đẹp ông quân nhân kia rồi, vì đó là một câu nói có tính cách nhục mạ một người con gái chưa hề quen biết.
Sau giây phút ngạc nhiên, và trước khi ông quân nhân kia rời gót ngọc, cô Bảo Kim đã lễ phép trả lời ông:
“Thưa chú, cháu tên là . . . PHAN ĐÌNH BẢO KIM, con gái của Tướng PHAN ĐÌNH THỨ.”
Cô Bảo Kim kể câu chuyện này cho tôi và xin tôi . . . giữ kín, vì cô không muốn . . . làm mất lòng ai cả. Tuy nhiên, tôi đã trả lời cô rằng, tôi xin phép phải kể câu chuyện này ra cho quý độc giả được biết để tự mình đánh giá câu chuyện. Trên đời này, đã có ai dám vỗ ngưc tự xưng mình toàn hảo với vợ con hay chưa?  Đã có bao nhiêu người đàn ông Việt Nam có hơn một người vợ trong đời? Nếu chúng ta không muốn ai hỏi con chúng ta câu này, thì đừng nên hỏi con của  người khác câu hói đó.
Trong thời gian bị tù vì tội làm Tướng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, Tướng Lam Sơn được mọi người trong trại tù Hà Nam Ninh gọi đùa là . . . Tướng Mồ Côi. Thật vậy, trong trại có ba vì sao được đặt tên như vậy, đó là Tướng Lam Sơn, Tướng Dương Văn Đức, Tướng Hồ Trung Hậu,
Từ ngày 02 05 1975, Việt cộng đã tới tận nhà bắt Tướng Lam Sơn đi mất, niêm phong nhà cửa đuổi tất cả mọi người trong gia đình đi nơi khác, đó là lý do tại sao Tướng Lam Sơn không liên lạc được với gia đình, và gia đình không biết tin của ông.
Mãi cho tới năm 1980, khi cô Bảo Kim gặp anh Hùynh Văn Sơn, con của Tướng Huỳnh Văn Cao. Anh Sơn kể cho cô nghe, anh đã vừa được ra thăm cha tại trại tù ở ngoài Bắc, và gặp Tướng Lam Sơn ở đó. Anh hỏi cô có muốn . . . đi thăm cha không? Anh sẽ dẫn đường cho đi. Thế là cô về nhà kể lại cho mẹ nghe, mẹ cô đã mừng rỡ mà gom góp mọi thứ ở trong nhà còn có thể bán đuợc, đem bán hết để mua thức ăn, thuốc men và mua vé máy bay tới Hà Nội. Tới nơi, anh Sơn giới thiệu cô với anh Hoàng, người địa phương rất rành phong thổ vùng Hà Nam Ninh. Anh Hoàng đã phụ với cô gánh những món quà của gia đình cô mua cho Tuớng Lam Sơn, cùng với những gói quà của những người quen nhờ gới cho thân nhân của họ. Khi tới chân núi, trời mưa như trút nước, ngập lụt hết cả mọi nơi, bao nhiều đồ ăn khô, gạo, đường . . . đều bị ướt hết. Thân gái dặm trường, từ sáng sớm tinh mơ, cô và mẹ đã cố gắng hềt sức mình mà gồng gánh những món đồ này lên tới đỉnh núi. Người này kéo người kia, người kia kéo bao gạo, thùng mì . . . cứ thế mà bò qua những mỏm đá, những vũng nước mưa đổ xuống như thác muốn cuốn cá người và vật đi.
Lên tới đỉnh núi là trời tối om, chung quanh toàn là mây mù không còn thấy người bên cạnh, đành phải chờ tới sáng hôm sau mới xin thăm nuôi được.
Khi cô con gái nói muốn thăm nuôi Tướng Lam Sơn Phan Đình Thứ, tên cán bộ lục hết sổ này tới sổ kia, không có ai tên Phan Đình Thứ cả. Hóa ra, vì ông Tướng này chưa hề được thăm nuôi, nên trại không có danh sách.
Chờ mãi mới được gặp cha, cô Bảo Kim đã khóc sướt muớt khi nhìn thấy cha già đầu tóc bạc pho mắt đăm chiêu nhìn hai người đàn bà, miệng lẩm bẩm:
“Tôi mà . . . có người đi thăm hay sao?
Bà . . . Bà . . . đi thăm tôi đấy à?
Con ơi . . . con đi thăm ba đó phải không con?
Vợ chồng, con cái lâu ngày mới gặp nhau, có biết bao điều muốn nói mà cứ nhìn nhau không nói nên lời. Bảo Kim ngồi xuống bầy ra những món ăn cho ba. Ông Tướng Lam Son ngẩn ngơ nhìn những miếng thịt, miếng chả, chén cơm . . . Mãi hồi lâu, ông mới ngập ngừng nói với con gái:
“Con ơi . . . những món này . . .  là . . . của ba đó, phải không con?
Khi Bảo Kim trả lời là những món ăn này là của ba hết đó, ông vẫn chưa tin là như vậy. Ông cứ ngồi nhìn, hỏi lại người vợ thân yêu:
“Bà . . . mua những thức ăn này . . . cho tôi đó phải không? Mua . . . nhiều quá vậy . . . “
Ban Tứ Ca . . . Bốn Ngôi Sao Mờ, chụp tại trại tù Hà Nam Ninh năm 1980.
Người cầm đàn là Tướng Lê Minh Đảo.
Ngày hôm sau, Cô Bảo Kim đã xin được bọn cai tù cho đi thăm chung quanh mảnh vườn nhỏ do cha mình chăm bón và gặp những Tướng lãnh khác cùng ở chung trại với Tướng Lam Sơn. Tấm hình độc đáo của bốn vị Tướng ngồi vui vẻ đàn hát với nhau do cô chụp được, chưa hề phổ biến cho ai. Cô hứa sẽ chup lại thật đẹp để gới cho các vị Tướng còn lại, sau đó thì tặng cho tất cả mọi người.
Chuẩn Tướng Lam Sơn được bọn Việt Cộng trả về với gia đình vào năm 1989. Ông đuợc lên danh sách đi Mỹ theo chương trình HO, nhưng trong số bẩy người con của ông, (hai người đã đi vượt biên), chỉ có hai người con còn độc thân mới được đi theo ông qua Mỹ mà thôi, còn ba người con đã lập gia đình sẽ không đựợc đi theo. Tướng Lam Sơn, một phần muốn ở lại quê hương, phần nữa không muốn bỏ ba đứa con ớ lại,  nên đã từ chối không đi qua Mỹ.
Ngừoi con trai thứ của ông, Phan Đình Anh Kim, đã vuợt biên qua Pháp từ năm 1978, khi được biết cha già đã thoát khỏi vòng cưỡng chế của bọn Việt cộng, đã liên lạc với Tướng Guy Simon,  thuộc Sư Đoàn Nhẩy Dù Pháp, người bạn thân từ thủa còn chiến đấu chung với nhau ở Tunisie năm 1943 để nhờ giúp đỡ. Tướng Simon đã trình bầy hoàn cảnh của Tướng Lam Sơn, cựu Sĩ Quan Nhầy Dù Pháp, với Bộ Tư Lệnh Nhầy Dù, Bộ Ngọai Giao, Bộ Di Trú Pháp . . . để xin bảo lãnh cả gia đình của Tướng Lam Sơn qua Pháp. Cuối cùng, với sự bảo trợ của Bộ Tư Lệnh Nhầy Dù Pháp, chính phủ Pháp đã đồng ý cho cả gia đình của ông qua Pháp vào năm 1989.
Tướng Nhẩy Dù Phap Guy Simon và Tướng Việt Nam Lam Sơn chụp hình cùng với gia đình trong một buổi lễ của Lính Nhầy Dù Pháp.
Khi gia đình đã ổn định cuộc sống ở Pháp rồi, vào năm 1995, Chuẩn Tướng Lam Sơn đã bầy tỏ ý định của mình là một mình trờ về sống những chuỗi ngày còn lại ở quê hương Việt Nam.
Chuẩn Tướng Lam Sơn mất ngày 23 07 2002 tại Sàigòn, hưởng thọ 86 tuổi. Những huy chương ông đã được ban thưởng, gồm có:
Huy Chương Việt Nam:
Đệ Tam Đẳng Bảo Quốc Huân Chương – Đệ Tứ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương -
Lục Quân Huân Chưong –Biệt Công Bội Tinh – Chiến Thương Bội Tinh – Anh Dũng Bội Tinh Với Nhành Dương Liễu – Anh Dũng Bội Tinh Với Ngôi Sao Vàng – 10 lần Tuyên Dương Công Trạng Trước Quân Đội.
Huy Chương Pháp:
Legion D’Honneur (Bắc Đẩu Bội Tinh, Pháp) – Croix De Gùerre 1942-1946 – Chiến Dịch Bội Tinh cho những Sĩ Quan tham dự trận Đại Chiến Thứ Hai – Medaille De La Résistance 1943 Huy Chương Bảo Vệ Nước Pháp, do Tổng Thông Charles De Gaulle trao tặng những Sĩ Quan đã bảo vệ Nước Pháp trong trận Đệ Nhị Thề Chiến 1943.
Huy Chương Mỹ:
Silver Star, do Đại Tướng Westmoreland gắn tại Bộ Tư Lệnh Lực Lượng Đặc Biệt Nha Trang.
Huy Chương Lào:
Huy Chương Bạch Tượng, do Quốc Vuơng Lào gắn.
ƯỚC VỌNG CỦA CHUẨN TƯỚNG LAM SƠN TRƯỚC KHI QUA ĐỜI
Cũng là nguyện vọng của Bà Quả Phụ của Chuẩn Tướng Lam Sơn Phan Đình Thứ, nhũ danh Phan Thị Lệ Hoa, cùng với bẩy người con và các cháu, chắt:
Mong rằng, vào ngày 23 tháng 7 năm 2012 năm tới, nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày qua đời của Chuấn Tướng Lam Sơn, VỚI SỤ GIÚP ĐỠ CỦA CÁC GIA ĐÌNH LỰC LƯỢNG BIỆT KÍCH 81, BỊỆT ĐỘNG QUÂN, NHẦY DÙ, CỰU SINH VIÊN VÕ KHOA THỦ ĐỨC, hài cốt của Tướng Lam Sơn sẽ được đem về ÚC làm lễ hỏa táng và phủ cờ. Sau đó, tro tàn sẽ được đem về Viêt Nam rải tại những nơi mà Chuần Tướng Lam Sơn đã từng chiến đấu, để ông được làm:
MỘT MỘ PHẦN BÊN NGÀN CHIẾN HỮU CỦA TÔI.   
NGƯỜI VIỆT CỦA TÔI,
NGƯỜI TƯỚNG LÃNH CỦA QUÂN LỰC VIỆT NAM CỘNG HÒA CỦA TÔI LÀ THẾ ĐẤY.
NGUYỄN KHẮP NƠI.





No comments:

Post a Comment