Di ảnh cố Đại Tá Nguyễn Văn Huấn. (Thanh Phong/ Viễn Đông)
Bài THANH PHONG
WESTMINSTER - Đại Tá Quân Lực VNCH Nguyễn
Văn Huấn sinh năm 1924 tại Đà Nẵng đã qua đời tại Little Saigon, Nam
California ngày 7 tháng 3, 2022, hưởng đại thọ 99 tuổi.
Tang lễ
cố Đại Tá Nguyễn Văn Huấn, Pháp Danh Trí Đạo được cử hành vào hai ngày
22 và 23 tháng 3, 2022, an táng lúc 2 giờ chiều thứ Tư, ngày 23 tháng 3.
Sau đó hỏa táng và an vị tro cốt tại chùa Điều Ngự.
Vào lúc 11
giờ trưa thứ Hai, ngày 22 tháng 3, một toán quân nhân đại diện các binh
chủng Quân Lực VNCH đã đến cử hành Lễ Phủ Cờ trên quan tài Cố Đại Tá
Nguyễn Văn Huấn. Tham dự Lễ Phủ Cờ có nhiều niên trưởng trong QL/VCNCH,
trong đó Đại Tá Lê Bá Khiếu đại diện Bộ Tổng Tham Mưu, Trung Tá Vũ Trọng
Mục đại diện Trưởng Sĩ Quan Thủ Đức, Thiếu Tá Hồ Đắc Huân đại diện
Trung Tâm Huấn Luyện Quốc Gia Vạn Kiếp, chiến hữu Nguyễn Phước Ái Đỉnh
đại diện trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, và nhiều niên trưởng cũng như
chiến hữu khác từng có thời gian phục vụ dưới quyền chỉ huy của Đại Tá
Nguyễn Văn Huấn hay là bạn thân của ông.
Đại Tá Lê Bá Khiếu, Trung Tá Vũ Trọng Mục và Thiếu Tá Hồ Đắc Huân niệm hương trước bàn thờ cố Đại Tá Huấn. (Thanh Phong/ Viễn Đông)
Trước khi phủ cờ, mọi người nghiêm chỉnh làm lễ chào cờ. Sau đó, Trung Tá Vũ Trọng Mục tuyên đọc tiểu sử cố Đại Tá Nguyễn Văn Huấn. Phần tiểu sử do Thiếu Tá Hồ Đắc Huân soạn và in thành tập sách nhỏ với đầy đủ chi tiết. Ngoài ra, phái đoàn Đại Việt Quốc Dân Đảng do ông Trần Trọng Đạt hướng dẫn,mang theo Đảng Kỳ đến cử hành lễ truy điệu cho cố Đảng Viên Nguyễn Văn Huấn.
Trưởng Nữ của cố Đại Tá Nguyễn Văn Huấn, bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, cựu Hội Trưởng Hội Cựu Nữ Sinh Trưng Vương, cựu Chủ Tịch Cộng Đồng Việt Nam Nam California đã tiếp đón quý niên trưởng, chiến hữu, thân hữu cùng phái đoàn đông đảo cựu nữ sinh Trưng Vương do Hội Trưởng đương nhiệm Nguyễn Khánh Linh, các cựu Hội Trưởng Nguyễn Mộng Tâm, Vương Đỗ Mai Phương, Mai Khanh Lê Ngọc Phú, Vũ Bội Tú, Đỗ Kim Toàn... và một số cựu nữ sinh Trưng Vương đến chào vĩnh biệt cố Đại Tá, và chia sẻ nỗi buồn với bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt và tang quyến..
Nghi thức phủ cờ trên quan tài cố Đại Tá Nguyễn Văn Huấn. (Thanh Phong/ Viễn Đông)
Đại
Tá Nguyễn Văn Huấn ra đi để lại vô vàn thương nhớ của hiền nội Nguyễn
Thị Quy cùng 6 người con: Nguyễn Mạnh Cường, Nguyễn Mạnh Trí, Nguyễn Thị
Minh Nguyệt, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Nguyễn Thị Minh Tâm và Nguyễn Thị
Minh Thu cùng 16 cháu, chắt nội ngoại. Riêng Trưởng Nam Nguyễn Mạnh Hùng
đã quá cố.
Đại Tá Nguyễn Văn Huấn, cựu sinh viên sĩ quan Khóa 2
Quang Trung, Trường Võ Bị Quốc Gia Huế. Tốt nghiệp các khóa: Chỉ Huy
Chiến Thuật, Khóa 1 Trung Đoàn Trưởng, Khóa 1 Chỉ Huy và Tham Mưu, Khóa
Chỉ Huy Sư Đoàn tại Hawaii, Hoa Kỳ và Khóa 1 Trường Cao Đẳng Quốc Phòng.
Các chiến hữu trong toán phủ cờ chào vĩnh biệt cố Đại Tá Nguyễn Văn Huấn. (Thanh Phong/ Viễn Đông)
Đại Tá Huấn được cử giữ nhiều chức vụ chỉ huy, từ Trung Đội Trưởng (1951) đến Trung Đoàn Trưởng các Trung Đoàn 31,10, 11 Sư Đoàn 4 Dã Chiến rồi đến Tư Lệnh Phó Sư Đoàn, Chỉ Huy Trưởng Trường Bộ Binh Thủ Đức (khóa 11, 12), Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Quốc Gia Vạn Kiếp (1963-1965), Thanh Tra Trưởng Tổng Cục Quân Huấn Bộ Tổng Tham Mưu, Chánh Sự Vụ Sở Tác Chiến và Huấn Luyện Nha Tổng Thanh Tra QL/VNCH, Tư Lệnh Phó Sư Đoàn 7 BB và chức vụ cuối cùng là Chỉ Huy Phó Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung.
Ngoài rất nhiều huy chương của Việt Nam Cộng Hòa như Lục Quân Huân Chương, Anh Dũng Bội Tinh: 8 ngành Dương Liễu, 3 ngôi sao Vàng, 5 ngôi sao Bạc, Huấn Vụ Bội Tinh, Cảnh Sát Bội Tinh cùng một số huy chương của Pháp và Hoa Kỳ, Đại Tá Nguyễn Văn Huấn đã 3 lần được ân thưởng huy chương cao quý nhất: Đệ Ngũ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương do Quốc Trưởng Bảo Đại trao (20.12.1951) – Đệ Tứ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương do Thủ Tướng Ngô Đình Diệm trao (01.6.1955), Đệ Tam Đẳng Bảo Quốc Huân Chương do TT Nguyễn Văn Thiệu trao (19.6.1967).
Phái đoàn Đại Việt Quốc Dân Đảng do ông Chủ Tịch Trần Trọng Đạt (bìa trái) cử hành lễ truy điệu cố Đảng Viên Nguyễn Văn Huấn. (Thanh Phong/ Viễn Đông)
Sau biến cố 30.4.1975 ông bị Việt Cộng bắt ngày 16.6.1975, bị giam cầm khổ sai gần 13 năm tại các trại tù miền Bắc. Tháng 9 năm 1987 ông được ra khỏi tù và đến Hoa Kỳ định cư vào ngày 16.12.1990.